Họa sĩ Florian Sông Nguyễn và cuộc đi tìm nguồn gốc của bản thân
Tìm đến Việt Nam để hiểu rõ hơn về chính danh tính của mình, chàng họa sĩ có cái tên nửa Tây nửa Việt, Florian Sông Nguyễn đã để lại những dấu ấn riêng biệt trong các tác phẩm nghệ thuật của mình. Trong suốt quãng thời gian ở Sài Gòn, anh cặm cụi vẽ, chăm chỉ triển lãm và sáng tác không ngừng nghỉ.
Anh thường vẽ những chủ thể trừu tượng, được hợp thành từ vô vàn chi tiết nhỏ. Vì vậy, mỗi tác phẩm có thể được hiểu theo nhiều cấp độ khác nhau. Một số chỗ trong tranh là tập hợp rất nhiều chi tiết nhỏ và đơn giản như đoạn thẳng, dấu chấm, vòng tròn… Đây là ngôn ngữ sáng tác riêng của Florian Nguyen. Anh cho rằng mỗi sự vật đều được tạo thành từ nhiều yếu tố khác nhau và cố gắng truyền tải ý nghĩ này qua kỹ thuật vẽ của mình.
Một cuộc đối thoại vui vẻ trong một buổi tối đã diễn ra giữa Luxuo và Florian Sông Nguyễn trong bối cảnh cả thế giới đang vật lộn với cơn sóng Covid 19, khi mà chính bản thân người nghệ sĩ đang mắc kẹt sau một chuyến sáng tác và chưa thể quay lại Việt Nam sau 2 năm.
Tìm về Việt Nam để biết rõ hơn về chính cái tên của mình
Tại sao lại có chữ Sông trong cái tên của bạn?
Florian là tên tiếng Pháp của tôi, Sông là tên tiếng Việt của tôi. Nguyễn là họ của tôi. Ông bà tôi sinh ra ở Việt Nam và họ đến Pháp vào những năm 1950. Cha mẹ tôi đã quyết định đặt cho mỗi anh chị em của tôi một cái tên Việt Nam. Anh trai tôi là Sao, em gái là Mây và em trai là Nam Phong.
(Chân dung tự họa của Florian Sông Nguyễn).
Nói một chút về tuổi thơ đi, bạn vẽ từ bao giờ thế?
Tôi lớn lên trong một gia đình ngập tràn tình yêu thương cùng hai anh em trai và một em gái. Tôi là con thứ hai. Bố tôi là người Pháp gốc Việt, còn mẹ tôi là người Pháp. Khi nghĩ về tuổi thơ của mình, tôi luôn nhớ về khu rừng cạnh nhà bà tôi. Tôi thường cùng bạn bè chơi trong căn nhà gỗ tự dựng trong rừng. Tôi cũng nhớ những chuyến đi bộ dài với một trong những người hàng xóm với con chó bull terrier mà chúng tôi rất yêu quý. Cả tuổi thơ của tôi đều thuộc về gia đình và thiên nhiên. Chúng tôi thường cắm trại ngoài đồng và đi bắt ếch trong đầm lầy cạnh nông trại cũ. Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã vẽ mọi lúc mọi nơi và tôi đã dành rất nhiều thời gian để đọc truyện tranh. Tôi bị mê hoặc bởi những kỹ thuật vẽ khác nhau, cách kể chuyện và những cảm xúc mà nó có thể mang lại cho tôi chỉ bằng 2 yếu tố: vẽ và viết.
Tôi cũng nhớ về hình ảnh bà và cha cùng hát bài hát ru nổi tiếng «Cò lả». Đó là kỷ niệm đầu tiên của tôi với tiếng Việt. Tôi vẫn luôn rung động mỗi khi nghe bà hát bài này.
Điều gì mang tâm trí của bạn tới với Việt Nam: Câu hỏi về nguồn gốc hay một du khách?
Bố tôi là người Pháp gốc Việt. Ông luôn muốn được về thăm Việt Nam. Sau khi Hoa Kỳ kết thúc lệnh cấm vận vào năm 1994, các chuyến đi đến Việt Nam trở nên dễ dàng hơn nhiều. Chúng tôi quyết định đến Việt Nam để kết nối với phần còn lại của gia đình vào năm 1998 nhờ một khoản thừa kế từ gia đình bên mẹ tôi. Tôi thấy việc bố mẹ sử dụng số tiền này để gia đình có thể lần đầu khám phá một phần nguồn cội mang tính biểu tượng rất cao.
Năm đó tôi 10 tuổi. Sau khoảng thời gian này, chúng tôi chỉ quay trở lại Việt Nam vào năm 2006. Và từ năm 2006 đến 2016, chúng tôi vẫn về Việt Nam một vài lần. Mối quan hệ của tôi với những chuyến đi này đã thay đổi theo thời gian, từ quan điểm khám phá nguồn cội trở thành tìm hiểu về một phần của bản thân, điều gì đó giống như di sản.
Và quyết định sống ở Việt Nam đến với bạn từ bao giờ?
Năm 2016, tôi được Viện Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh mời đến để thực hiện triển lãm. Thời gian sống và làm việc ở Việt Nam làm tôi cảm thấy việc hòa mình giữa hai nền văn hóa thực sự là một thách thức trong quá trình xây dựng danh tính của bản thân. Để hiểu rõ hơn về chính mình, tôi có cảm giác rằng tôi cần phải có mối liên hệ với phần Việt trong cái tên của tôi. Bằng cách sống ở Việt Nam, bằng cách tắm trong đất nước của cha ông tôi, tôi tin rằng một cái gì đó sẽ chảy qua tôi, rằng tôi sẽ hiểu một số điều về lịch sử của chính mình. Và nó đã xảy ra một phần.
Bạn trở thành một họa sĩ thế nào?
Tôi là một đứa trẻ nhút nhát và hướng nội, tôi đã bắt đầu vẽ từ khi còn rất nhỏ, và duy trì nó thường xuyên. Tôi chơi và thử nghiệm các kỹ thuật khác nhau, từ bút chì tới than, đến phấn màu và vẽ tranh.
Tôi trở thành một võ sĩ Judo ở tuổi 13, và sau 3 năm, bằng một cách nào đó tôi lại tìm về với việc vẽ. Tôi luôn nhìn nhận việc vẽ như một cây cầu giúp tôi kết nối với thế giới: hiểu nó và giao tiếp với nó và với chính mình. Tôi nghĩ đó là lý do cho việc tại sao tôi thích vẽ kể từ ngày còn nhỏ.
Ở tuổi hai mươi, vẽ ngày càng chiếm nhiều chỗ hơn trong cuộc sống của tôi, và tôi cũng bắt đầu dành nhiều nhiều thời gian hơn cho nó. Sau đó tôi bắt đầu có cơ hội thể hiện sản phẩm của mình ở một số nơi. Vào năm 2015, tôi tìm thấy studio của các nghệ sĩ chung có tên là le Lavoir, nơi tôi gặp được một số người bạn rất thân sau này. Đó là studio đầu tiên của tôi và là nơi dành riêng cho việc luyện tập. Sự thay đổi này có ý nghĩa lớn trong quá trình sáng tác nghệ thuật của tôi. Bây giờ tôi 32 tuổi và cảm thấy công việc sáng tạo của mình vẫn đang thay đổi cùng với bản thân và những trải nghiệm khác nhau. Tôi có thể cảm nhận được rằng mình đang bước vào một chu kỳ mới.
Những quan niệm cá nhân trong thực hành nghệ thuật
Bạn nghĩ rằng những bức vẽ có phản ánh chính con người mình hay không?
Tôi coi hành động vẽ như một sự trung gian giữa tác giả và chủ đề của tác phẩm. Có một sự trao đổi thông tin giữa mắt, tâm trí, bàn tay của tác giả cùng với tất cả năng lượng xung quanh và bên trong. Vì vậy, đối với tôi, chủ thể cần phải đi vào tâm trí của tác giả qua đôi mắt. Bằng tất cả sự trao đổi trên, thông điệp sẽ được cơ thể thể hiện thông qua chủ yếu là hành động của bàn tay (vẽ). Tóm lại, đối tượng cần được “hấp thụ” vào tác giả trước khi được biến đổi và trở lại dưới dạng khác (tác phẩm).
Vì vậy, tôi nghĩ rằng công việc của tôi cần phải gần gũi với bản thân nhất có thể. Tôi tin rằng, tất cả những trải nghiệm và sự tồn tại của bản thân đều gắn bó sâu sắc với quá trình vẽ. Vì vậy, khi bắt đầu làm việc trên một tấm toan, tôi phải trải qua quá trình này và đi sâu vào bên trong bản thân mình. Tôi vẽ những gì quan trọng với tôi. Nếu không thì việc vẽ trở nên thật vô nghĩa.
Bạn vẽ hàng ngày hay vẽ theo cảm hứng?
Tôi nghĩ vẫn cần phải luyện tập hàng ngày vì có những điều chúng ta chỉ có thể tìm thấy qua thực hành và thử nghiệm. Điều này không đối nghịch với các cảm hứng, hai điều này đều diễn ra song song với tôi. Đôi khi, có thể điều này đến trước điều kia, và đôi khi tôi cũng bị cuốn theo sau khi đã vẽ hàng giờ.
Khi bạn làm việc, mức độ tập trung của bạn sẽ thay đổi, điều đó sẽ mở ra một không gian mới và nhận thức về thời gian cũng thay đổi. Theo thời gian và thực hành, cách để tiếp cận khoảnh khắc này dần trở nên dễ dàng hơn.
Về khía cạnh kỹ thuật thuần túy, cũng có điều gì đó về sự lặp lại và khả năng ghi nhớ. Cơ thể của bạn sẽ ghi nhớ bằng cách lặp lại. Ví dụ trong Judo, chúng ta tập uchi-komi, động tác lặp đi lặp lại giống nhau để cải thiện không gian nhỏ giữa Kuzuchi (mất cân bằng) và Gake (ném). Sự lặp đi lặp lại làm cho chuyển động tốt hơn và đến một lúc nào đó không cần phải suy nghĩ về nó, bạn cần phải ở trong chuyển động. Đối với tôi, điều này giống như cách tôi luyện tập vẽ. Loại bỏ hết những suy nghĩ về kỹ thuật bằng cách tích hợp nó vào cơ thể của bạn để mở ra không gian mới cho bản chất của việc vẽ. Tóm lại, tôi nghĩ rằng việc thành thạo các kỹ thuật là một cách giúp bạn loại bỏ nó về mặt tinh thần và nó cho phép bạn tiếp cận với những điều cần thiết hơn.
Bạn là ai khi bạn đang vẽ?
Ah ha. Tôi không biết. Dòng chảy hay sự dao động của mọi thứ kết hợp giữa hình ảnh, môi trường xung quanh, cử chỉ, cảm xúc, quan sát, phản xạ, chủ thể… Tất cả mọi thứ chảy qua tôi vào tranh.
Cách vẽ của bạn khá lạ lùng, bạn dường như là người rất hay quan sát tỉ mỉ những thứ nhỏ bé, thậm chí như một cái ống kính macro, tại sao thế?
Tôi rất thích quan sát, thậm chí đôi khi nhìn chằm chằm vào một đối tượng hoặc một chi tiết trong thời gian rất dài.
Quá trình vẽ của tôi là việc liên tục lặp lại giữa phóng to và thu nhỏ. Như thể khi tôi bật chế độ cận cảnh lên, tôi sẽ đi thật sâu vào nó. Có một khoảnh khắc khi bạn vẽ và bắt đầu có một sự đồng cảm mạnh mẽ nào đó đối với chủ đề bạn đang làm. Ví dụ, nếu tôi đang vẽ một số chi tiết của da, tôi sẽ bắt đầu thực sự cảm nhận được làn da, sau đó tôi cố gắng trở thành làn da này. Có thể đó chỉ là sự phóng chiếu nhưng đó cũng là một cảm xúc rất mạnh.
Vẽ cận cảnh nó cũng là một cách thay đổi một chút góc nhìn của một thứ thực sự phổ biến. Đến gần một thứ gì đó như ngón tay cái, một miếng thịt mà chỉ tập trung vào một chi tiết của nó như một sự tán tỉnh với sự trừu tượng. Tôi quan tâm đến ý nghĩa đằng sau việc tiến gần đến một thứ gì đó đến mức bạn không còn nhận ra nó nữa.
Những hình ảnh trong tranh đến với bạn từ đâu?
Tôi nghĩ nó đến từ những trải nghiệm tôi có hàng ngày, những gì tôi nhìn thấy, những gì mắt tôi để ý đến. Nó đến từ cách mà não tôi xử lý những hình ảnh này, những sở thích, đam mê của tôi, những gì tôi nhớ, tôi quên, ý thức và vô thức…
Tôi rất ấn tượng với triển lãm cá nhân của bạn ở Sài Gòn có tên Insext, nói về tình yêu của những con ruồi. Ý tưởng vui vẻ này tới từ đâu vậy?
Tác phẩm này đến từ việc quan sát hai con ruồi làm tình trên một bức vẽ của tôi. Tôi đang thực hiện một bức chân dung cho buổi biểu diễn sắp tới ở Hà Nội và hai con ruồi này đang giao phối trên bức vẽ của tôi. Nó làm cho tôi cười và tôi thấy nó thơ mộng bằng cách nào đó. Kể từ lúc này, tôi bắt đầu chú ý đến nó nhiều hơn và vì vậy tôi bắt đầu quan sát cuộc làm tình của các loài bướm, côn trùng nhỏ…
Bạn là một nghệ sĩ hoạt động đều đặn với những buổi triển lãm kể từ khi bạn tới Việt Nam. Buổi triển lãm nào làm bạn nhớ nhất?
Buổi triển lãm đầu tiên của tôi tại Hồ Chí Minh vào năm 2016 có ý nghĩa rất lớn và mang tính biểu tượng cao với tôi. Nó có tên là “From memory and oblivion”. Triển lãm nói về những kỷ niệm thời thơ ấu của ông bà tôi ở Việt Nam. Đây là một nỗ lực để tôi rụt rè kết nối lại với nguồn gốc gia đình mình. Vì vậy, việc trưng bày chân dung họ ở Việt Nam mang tính biểu tượng cao đối với tôi. Đó cũng là lúc tôi quyết định sẽ chuyển đến sống tại Việt Nam.
Triển lãm này của bạn gây ấn tượng mạnh với tôi khi tôi may mắn có cơ hội được xem. Tôi nhìn thấy cảm xúc của bạn, cảm giác mất mát và sự hội tụ của những kỷ niệm. Phải chăng đây là cảm giác của bạn khi phần nào tìm thấy danh tính của mình ở Việt Nam?
Triển lãm đó nói về ký ức Việt Nam của ông bà tôi. Họ rời đất nước vào những năm 1950. Một hôm, tôi hỏi họ về những kỷ niệm thời thơ ấu của họ. Tôi đã được nghe những câu chuyện mà tôi chưa từng nghe bao giờ. Đó là một khoảnh khắc mạnh mẽ đối với tôi. Tôi đã dành một vài lần để suy ngẫm về cuộc nói chuyện này và tôi đã vẽ rất nhiều bản vẽ từ nó. Có điều có thể nói, có điều không thể nói, có những điều chúng tôi nhớ, những điều đã bị xóa mờ dưới bóng của sự lãng quên.
Các tác phẩm trong triển lãm này là nỗ lực của tôi để phản ánh điều đó. Tôi đã mất rất nhiều thời gian cho hai bức chân dung lớn. Tôi đã đặt rất nhiều tâm sức vào đó, bao gồm những gì tôi được nghe và cả những gì tôi cảm thấy khi đặt mình vào vị trí của họ.
Tôi đã làm loạt tác phẩm này cách đây 5 năm và tôi cảm thấy mình vẫn đang tiếp tục với nó. Tôi nghĩ tác phẩm này cố gắng nói về sự truyền tải giữa các thế hệ, về cuộc sống lưu vong, về thân phận/danh phận của chúng ta, và những câu chuyện chúng ta mang theo bên mình, dù có nặng nề hay không.
Câu hỏi cuối cùng nhé, bạn thấy mình tồn tại nhất khi nào?
Trong một bức thư của Romain Rolland viết cho Freud, ông đã nói về “cảm giác đại dương”, cảm giác “hòa làm một với thế giới bên ngoài như một tổng thể”. Tôi đã tiếp cận cảm giác này một lần và tôi ước được chạm vào nó một lần nữa vào một ngày không xa. Nhưng để trả lời rõ ràng hơn, tôi cảm thấy mình đang tồn tại qua những điều đơn giản. Đi dạo giữa thiên nhiên, chia sẻ những khoảnh khắc với bạn thân và người thân, vẽ vời, làm tình…
Cảm ơn Florian một lần nữa vì những chia sẻ thật chân thành. Hoàng Việt.