Nghệ thuật

“Đôi Mắt Hồng” của họa sĩ Phan Sang: Một triển lãm giàu năng lượng tươi mới và tích cực

Mar 12, 2021 | By Trang Ps

Từ ngày 12/03 đến 16/03, họa sĩ Phan Sang giới thiệu đến công chúng loạt tác phẩm mới vẽ trong thời gian vừa qua tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội. Với tên gọi “Đôi Mắt Hồng” (Pink Eyes), series phản ánh cái nhìn lạc quan tích cực của anh trước cuộc sống bao la với nhiều cung bậc trái ngược.

Có câu nói “tâm như thế nào thì nhìn ra như thế đấy” để ám chỉ rằng nội tại con người phản ánh cái thấy của anh ta. Trẻ con thường nhìn cuộc sống màu hồng, tò mò và vô tư với tất cả, thể hiện rõ tâm hồn trong sáng và an nhiên. Nhưng khi người lớn nhìn đời qua lắng kính màu hồng thì ngược lại, không ít kẻ nghi vấn. Vì cuộc đời ưu ái cho anh ta quá nhiều, hay anh ta vô minh tự lừa gạt chính mình? Nhưng có mấy ai biết rằng đó là thái độ sống rộng mở với tất cả, dẫu biết cuộc đời tồn tại bao oái ăm ngang trái nhưng vẫn nhận thức bằng tinh thần lạc quan đầy thấu hiểu.

Triển lãm Đôi Mắt Hồng (Pink Eyes) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.

“Đôi Mắt Hồng” của họa sĩ Sang Phan minh tường cho thái độ rộng mở ấy. Các tác phẩm ra đời trong giai đoạn người họa sĩ đối diện sâu vào bên trong mình và bên ngoài cuộc sống, hai vũ trụ bao la nơi những giả dối và tối tăm lạnh lùng đồng thời xuất hiện. Dẫu vậy, anh đã xóa tan mảng năng lượng tiêu cực ấy bằng chính năng lượng tích cực của mình.

Toàn bộ cung bậc nhị nguyên ẩn hiện trên từng họa phẩm chứng tỏ sự cảm thấu bản chất đời sống đa chiều của tác giả, đó là những mặt tối mang tính bản năng của con người nhưng đã được năng lượng yêu thương thể hiện qua gam sắc hồng chữa lành, xoa dịu. Không biết vô tình hay cố ý, series này của Sang như tấm gương phản chiếu tâm hồn, giúp người xem tái khám phá và định hình nội tại.

Phan Sang luôn nhấn mạnh: “Tác phẩm dù phản ánh điều tiêu cực nhưng phải mang đến năng lượng tích cực”. Anh từng chia sẻ có giai đoạn sống và sáng tác trong ngôi nhà mà xung quanh là nghĩa địa. Huế là một vùng đất tâm linh. Vì thế, cái chết dường như là nỗi ám ảnh. Với hầu hết con người, chết là sự kết thúc. Chết là hết. Sống trong môi trường như vậy, tôi bị mê hoặc bởi cái chết. Nhưng tôi cho rằng, cái chết chính xác là sự khởi đầu.

Bằng cách tiếp cận cởi mở ấy, trong series “Đôi Mắt Hồng”, công chúng sẽ cảm nhận một tinh thần lạc quan và hào sảng ở trong anh. Nguồn năng lượng ấy như xoa dịu và đánh tan những u ám và bi quan của thời gian đại dịch, là lời mời gọi để chúng ta luôn nhìn vào mặt tích cực của vấn đề giữa cuộc sống đa chiều này.


 
Back to top