ART & LIFE

Họa sĩ Võ Thành Thân: Ám ảnh khôn nguôi trong đống giấy vò nhàu nát

May 27, 2020 | By Trang Ps

Nổi bật là họa sĩ trẻ tài năng có nhiều bức tranh thuộc các bộ sưu tập nổi tiếng trong và ngoài nước, Võ Thành Thân khiến chúng tôi ấn tượng hơn khi có dịp nghe anh kể về triết lý tạo hình bằng giấy vò.

Được biết họa sĩ Võ Thành Thân từng có thời gian làm việc cho tập đoàn Sun Group, vậy cơ duyên nào đã mang anh trở về với sự nghiệp họa sĩ vào năm 2015?

Năm 2011, tôi tốt nghiệp ra trường. Hành trang trên vai của tôi lúc đó là lòng đam mê sáng tác nghệ thuật và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nhưng tôi biết như vậy là chưa đủ, cái tôi còn thiếu là vốn sống và những va chạm với đời. Đó là những yếu tố sẽ giúp tôi đa dạng và phong phú hơn về chất liệu sáng tác.

Đến tháng 05/2015, khi cảm thấy vốn sống lận lưng của mình ít nhiều đã có và cũng là năm nổi bật với hai cuộc chơi lớn sắp diễn ra: Cuộc thi chân dung tự họa Dogma Prize và Triển Lãm Mỹ Thuật Việt Nam, tôi nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để quay trở lại con đường nghệ thuật. Đó cũng là cách tôi dùng để kiểm chứng những gì mình đã học trong gần 5 năm vừa qua.

Cũng chính vào năm 2015, anh giành giải nhất cuộc thi Dogma cho bức chân dung tự họa. Anh có thể chia sẻ qua một chút về tác phẩm đặc biệt này?

Tháng 05/2015, khi quay trở lại với nghệ thuật, tôi xác định việc đầu tiên là vẽ một tác phẩm tham gia cuộc thi Dogma Prize. Nhưng lúc đó, tôi chưa biết mình phải bắt đầu từ đâu. Tôi đã mất gần hai tháng để cố gắng bắt nhịp lại với những hoạt động nghệ thuật bằng cách đi xem các triển lãm tranh, đi đến các di tích lịch sử hay đôi khi là lang thang trên những con đường xưa cũ ở Huế…

Bức tranh tự họa đạt giải nhất cuộc thi Dogma năm 2015 của họa sĩ Võ Thành Thân.

Ở cố đô Huế, người dân thường đốt vàng mã vào những ngày rằm hay vào các dịp thờ cúng. Trong một lần tình cờ đốt giấy vàng mã cho gia đình, tôi đã nhìn thấy một nhân diện trong một tờ giấy bị vò nát, và biết đây là thứ tôi đang tìm kiếm và con đường tôi phải đi. Tôi đã vò nát hay đôi khi xé rách những tờ giấy nhỏ và kết nối chúng lại với nhau thành chân dung. Chân dung này có thể là của tôi nhưng cũng có thể là của muôn vàn người khác, nếu ai nhìn thấy được hình bóng mình trong đó thì đó là chân dung của họ, còn nếu không nhìn ra được thì nó đơn thuần chỉ là tờ giấy bị vò nát, xé rách không hơn không kém.

Tôi hoàn thành bức tranh trong vòng một tháng bằng chất liệu sơn dầu trên toan. Bức tranh là nỗi ám ảnh của tôi về những cái chết của người thân trong gia đình, của bạn bè, hay những thân phận khác mà tôi đã từng chứng kiến trong cuộc sống. Khoảnh khắc của sự sống và cái chết đôi khi thật mong manh và dễ vỡ, nó gây nên cho tôi nỗi ám ảnh khôn nguôi đồng thời cũng là nguồn cảm hứng để tôi tạo ra tác phẩm này. Bức tranh may mắn đoạt giải nhất cuộc thi sau đó. Nó đóng vai trò bước đệm, nguồn động lực để tôi tự tin, vững bước trên con đường nghệ thuật sau này.

Có lẽ vì thế mà về sau, các phác thảo tạo hình của anh thường được lấy cảm hứng từ giấy vò!

Tôi thường thực hiện các phác thảo tạo hình của mình bằng chất liệu giấy vò. Đó là những tờ giấy vụn, nhàu nát, bị xé rách. Với người khác, đó là những thứ thải loại, không có giá trị. Nhưng tôi lại muốn biến những thứ vô giá trị đó thành những thứ có giá trị, bằng cách gắn kết chúng lại với nhau thành một tác phẩm nghệ thuật.

Những tờ giấy vò nhàu nát, rách rưới lẫn vụn vỡ như những thân phận mỏng manh, yếu đuối của một bộ phận con người. Nhưng nếu chúng ta biết kết hợp những thân phận yếu đuối này lại với nhau thì sẽ tạo thành một sức mạnh to lớn không gì có thể cản phá lại được.

Bút pháp mà anh thể hiện có sự biến chuyển như thế nào trong 5 năm qua? Sự đa dạng hình khối trong tranh anh được thể hiện như thế nào? 

Bút pháp của tôi là bút pháp hiện thực. Tôi thường chú trọng đến ánh sáng, luôn làm nổi bật hình thể bằng hai mảng sáng tối mạnh, đồng thời diễn tả kỹ và đẩy sâu các chi tiết trong tác phẩm. Giai đoạn sau này, tôi thường đơn giản lại các mảng khối hơn, đồng thời tôi thường tìm hiểu, nghiên cứu học hỏi, chọn lọc các phương pháp kỹ thuật của các bậc thầy trên thế giới để thực hành trên tác phẩm của mình.

Tôi thường thay đổi chất liệu giấy vò, từ giấy trắng đơn thuần sang giấy màu, giấy kim loại, các loại giấy tiền và gần đây là giấy vàng mã. Đồng thời, một số tác phẩm cũng được thay đổi cách tạo hình, từ tạo hình mang tính điêu khắc, sắp đặt sang tạo hình theo kiểu cắt và xé gián giấy… bên cạnh đó, tôi cũng đưa mô típ tranh truyền thống vào trong các sáng tác của mình.

Nếu có 3 tính từ để nhận xét về tôi thì đó là: tự tin, liều lĩnh và cầu tiến. Tôi không nghĩ mình là kẻ phiêu lưu trong nghệ thuật mà tôi muốn khám phá nó, mà càng khám phá tôi lại càng thấy mình nhỏ bé trong thế giới nghệ thuật.

Màu sắc mà anh ám ảnh nhất?

Những gam màu tối.

Cuộc hợp tác với phòng tranh có hỗ trợ, thúc đẩy quá trình sáng tác của anh? Anh có quan điểm ra sao về vai trò của mối hợp tác này với anh nói riêng và nghệ sĩ nói chung?

Trước đây, tôi thường sáng tác và làm việc tự do. Ngoài vấn đề chuyên môn, tôi cảm thấy mình khá may mắn khi mới bước chân vào nghề trong một thời gian ngắn đã được khá nhiều nhà sưu tập trong, ngoài nước yêu mến và sở hữu các tác phẩm. Do đó, tôi không lo lắng nhiều về kinh tế và rất thoải mái trong việc sáng tác nghệ thuật.

Gần đây, tôi có làm việc với Trung tâm Shanghai Southeast Asia Art cho một dự án tranh trong vòng hai năm mà hiện tại, chúng tôi vẫn giữ liên lạc và làm việc với nhau. Theo quan điểm của cá nhân tôi thì vai trò của gallery, bảo tàng, đơn vị sưu tập… là rất lớn và quan trọng, đồng thời là những mắc xích không thể thiếu để tạo nên một thị trường nghệ thuật cùng với người nghệ sĩ.

Được biết, anh từng có nhiều tác phẩm thuộc bộ sưu tập Trung tâm Shanghai Southeast Asia Art, anh có thể chia sẻ thêm về cơ duyên này không? Hiện các bức tranh của anh còn thuộc các bộ sưu tập nổi bật nào khác?

Vào tháng 05/2017 tại cuộc triển lãm nhóm Gió Lào tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Tp.HCM, trong một lần tình cờ về Việt Nam, ông Zhang Zhiyong – Giám Đốc của Trung tâm Shanghai Southeast Asia Art có ghé qua bảo tàng và xem triển lãm của chúng tôi. Ông ấy đã có cuộc trò chuyện ngắn với anh em họa sĩ trong nhóm và lấy một số hình ảnh của tác phẩm tại triển lãm.

Sau khi về nước, Zhang có gửi tác phẩm của tôi cho hội đồng tư vấn nghệ thuật của China Art Museum và họ đều đánh giá rất cao. Vì thế, ông ấy đã quyết định mua lại tác phẩm Ám ảnh số 3 của tôi để đưa vào triển lãm “Duyên Sơn”. Đây là Triển lãm nghệ thuật đương đại lớn nhất của Việt Nam tại Bảo tàng Mỹ thuật Trung Quốc, nối tiếp cuộc triển lãm sơn mài Việt Nam tại Thượng Hải và Bắc Kinh, Trung Quốc năm 1962. Triển lãm quy tụ 18 họa sĩ tiêu biểu từ thế hệ các họa sỹ Đông Dương, họa sĩ đương đại và thế hệ họa sĩ trẻ của Mỹ Thuật Việt Nam.

Hiện các bức tranh của tôi thuộc bộ sưu tập của Dogma, bộ sưu tập cá nhân của các nhà sưu tập Mỹ, Anh, Việt Nam, sưu tập của Shanghai Southeast Asia Art. Riêng Shanghai Southeast Asia Art đã sưu tập trên mười tác phẩm của tôi.

Trong quá trình sáng tác nghệ thuật, triết lý xuyên suốt mà tôi theo đuổi là nghệ thuật phải phản ánh đúng bản chất con người và cuộc sống của người nghệ sỹ.

Anh có thể chia sẻ về nguồn cảm hứng nghệ thuật của mình và đâu là người ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác của anh?

Cảm hứng nghệ thuật của tôi thường đến ở bất cứ đâu: giấc mơ, nỗi ám ảnh trong tiềm thức, cuốn sách mà tôi đọc, bức tranh mà tôi xem, hay sự kiện lịch sử, vụ khủng bố, thông tin thời sự gây ấn tượng mạnh trên ti vi hay có đôi khi từ những cuộc cà phê, mẩu chuyện đối thoại với bạn bè, những hình ảnh mà tôi bắt gặp trên đường… Còn người ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác của tôi có thể kể đến hoạ sĩ Salvador Dali và các họa sĩ bậc thầy cổ điển khác.

Những triển lãm mang tính bước ngoặt trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của anh?

Đầu tiên là triển lãm Dogma 2015, nơi tôi ghi dấu ấn mạnh mẽ khi quay trở lại với con đường nghệ thuật. Thứ hai là triển lãm nhóm Gió Lào, nơi tôi gặp gỡ ông Zhang Zhiyong bên Shanghai Southeast Asia Art, và thứ ba là triển lãm Duyên Sơn tại China Art Museum, nơi tôi có dịp giới thiệu tác phẩm của mình ra bạn bè quốc tế

Còn về dự án sắp tới của anh thì sao?

Tôi tiếp tục làm việc với series tranh mới, chờ đợi đến lúc thích hợp sẽ thực hiện cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của bản thân mình.

Cám ơn những chia sẻ thú vị của anh!

Ảnh: NVCC


 
Back to top