Hội họa An & Huy: “Tự do trong buộc ràng”
Nếu Nguyễn Đức Huy men theo không gian tâm thức để phác họa chiều sâu cuộc sống tâm linh thì Đặng Thị Thu An lại hòa vào hơi thở đời thường để lên tiếng rằng đó chính là vẻ đẹp kiếp người. Dù là gì đi nữa, cặp vợ chồng họa sĩ này đều có những cách sáng tạo khá thú vị để chiêm nghiệm.
Huy ẩn tàng những thân phận trong một bối cảnh xen lẫn giữa trừu tượng và biểu hiện mà nổi bật trong đó là cách dùng màu vừa gân guốc mạnh mẽ vừa như làn sương mờ ảo. Tính mạnh và nhẹ, nóng và lạnh được đan cài vào nhau một cách nhuần nhuyễn để mang tới không chỉ một cá thể mà là một tập thể số phận cũng đang được đan cài và có tính tương thuộc lẫn nhau. Đó không chỉ là con người, mà còn là những con vật, và ta gọi chung là chúng sinh.
Ở tâm điểm của tất cả những nhiễu loạn và chuyển động dường như rối rắm xung quanh, đó là ánh sáng của Phật tính, một vẻ đẹp nguyên sơ, trong lành và mát mẻ, có thể thấy rất rõ trên tất cả mọi bức họa của Nguyễn Đức Huy. Cạnh bên cái gân guốc là sự trong trẻo. Cạnh bên cái thô ráp móc nối ràng buộc là tính nước linh hoạt, uyển chuyển. Đó là một lối tiếp cận hội họa mang lại tính gợi về mặt thị giác lẫn cả tâm thức.
Trong khi đó, tranh của Đặng Thị Thu An không hẳn là nghiêng về việc chải chuốt cho tính nữ, mà là một cách tiếp cận tính nữ làm sao mô tả được nỗi niềm tính nữ tập thể. Trong cái chất màu nóng đậm đà và sâu lắng, ta thấy được vẻ đẹp người phụ nữ qua những lớp thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Tất cả biểu lộ thật rõ ràng trong ánh mắt và hình dáng cơ thể.
Với tà áo dài, mái tóc dài cùng hoa sen được lặp đi lặp lại, tính nữ Việt Nam qua đây mà gợi lên nét đặc trưng một cách cụ thể và tinh tế. Lúc này, phong thái cá tính và nổi loạn của người phụ nữ được biểu hiện qua phần hồn của họ nhiều hơn là cách họ ăn mặc. Đôi mắt nhìn nghiêng suy tư, nhìn thẳng thắn nhẹ nhàng hay đơn thuần là rơi vào trong khoảng mơ màng, ta có bắt gặp chính mình trong đó hay chăng?
Cách tiếp cận bút pháp lẫn hình tượng trên tranh của An và Huy có vẻ khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung, ấy là tính tự do. Biểu tượng tự do của họ có mặt ở khắp mọi nơi trên tác phẩm. Nếu Huy cho rằng tính tự do được biểu hiện qua việc đi vào sâu bên trong mình để trở về Phật tính, thì An lại thấy tự do có mặt ở muôn nơi, kể cả việc bạn phải tuân thủ những phép tắc và lễ nghĩa bên ngoài.