ART & LIFE

Ca sĩ Khánh Linh: “Khán giả đừng vội trách nghệ sĩ”

Nov 04, 2020 | By Trang Ps

Khánh Linh trở lại với dự án Khánh Linh’s Journey” – một hành trình âm nhạc có vẻ “cũ”, như chính chị nhận xét: “không có gì lột xác và lớn lao nào cả”.

Nhắc tới anh Võ Thiện Thanh, chị chia sẻ thế nào về lần hợp tác cùng anh trong album “Khánh Linh’s Journey”?

Tôi với anh Võ Thiện Thanh có điểm chung là cả hai đều đang có nhiều năng lượng với mong muốn sẽ được cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho âm nhạc Việt Nam. Tôi luôn cố gắng tìm đến những người nghệ sĩ/nhạc sĩ hiểu mình, có thể chia sẻ những gì bản thân muốn và cùng nhau thực hiện nó. Tôi nghĩ chỉ khi đủ duyên thì hai chúng tôi mới có thể hợp tác với nhau. Nhạc sĩ và ca sĩ nó nhạy cảm lắm, nếu mình gặp đúng thì sẽ vô cùng khăng khít, còn lệch người thì như nam châm trái dấu vậy, chẳng có gì để bàn.

Thực ra album chẳng phải điều gì gọi là “lột xác” lớn lao, bởi nó là điều tiềm ẩn trong con người mình lâu rồi, bây giờ mình mới gặp đúng người để khơi ra nguồn cảm xúc đó của mình để làm điều đó tốt hơn.

Chị nói ra sản phẩm âm nhạc phải có sự bàn luận trái chiều, nhưng chị có từng lo sợ mình ra album mà không ai bàn luận gì không?

Việc tiếp nhận album “Khánh Linh’s Journey” lần này tôi để cho khán giả tự tìm đến, không thể bắt ai phải nghe như một cỗ máy. Thay vì cứ đắn đo khán giả có thích, có bàn luận hay không thì mình hãy cứ làm hết mình đi.

Thông điệp trong album, riêng phần lời đã rất rõ ràng. Người ta có rất nhiều lựa chọn trong cách nghe, có người nghe chỉ để giải trí, sau một ngày mệt mỏi chỉ để vui tai, còn âm nhạc của tôi trong album này đòi hỏi một sự tập trung nhất định, ngồi nghe trong không gian yên tĩnh để tìm thấy dòng chảy nội dung riêng của từng tác phẩm.

Nghe chị tả giống như một album mang tính tư tưởng rất cao?

Làm nhạc có tư tưởng như vậy rất mệt, lại còn không dễ hiểu, thì mới cần mọi người nghe nhiều để tưởng tượng. Bạn có thể thấy xuyên suốt các bài là tình yêu bao la rộng lớn, yêu thiên nhiên chứ không chỉ bó hẹp trong tình yêu nam nữ bình thường. Nội hàm có rất nhiều sự mất mát, trải nghiệm đó từ tuổi 18 đến bây giờ, có quá nhiều trạng thái khác nhau về mặt tâm lí, cảm xúc, từ hạnh phúc tới tan vỡ, sụp đổ rồi lại được hạnh phúc.

Sau khi trải nghiệm, tôi thấy đây là điều rất hay, những con chữ, nốt nhạc chính là người thầy lớn nhất đã dạy tôi. Nếu tôi chưa từng nghiên cứu, làm sao có được “Hoạ mi”, “Ban mai xanh”, “Giấc mơ trưa”,… được mọi người yêu mến, nếu không thấu hiểu nó, chắc nó cũng chỉ nhạt nhoà như bao ca khúc khác mà thôi.

Vậy điều gì làm khó chị trong album lần này?

Đối với tôi, cho tới khi làm album này, tôi lại càng hiểu rõ điều đó hơn, có những tác phẩm khó lắm, cũng muốn đầu hàng khi nhận demo. Nhưng tính tôi lại không phải kiểu người dễ đầu hàng, phải vượt qua khó khăn, con người phải vượt lên được giới hạn thì mới nhận ra được sức mạnh nội tại, sự lì lợm là mình làm được hay không, nghị lực ấy.

Bản thân tôi cách đây một vài năm cũng từng bỏ cuộc rất nhiều lần, bởi ngại ngần, ham chơi, lười nữa, cái gì cũng muốn thì khó lắm. Nên con người cũng phải có một khoảng thời gian tập trung tối đa sức lực, thời gian chỉ để làm một điều gì đó, hiện tại tôi cũng đang làm điều đó, tập trung hết sức, tối đa nguồn lực, sức khoẻ, tài chính để hoàn thành album này.

Nhiều người nghệ sĩ chọn cover một bài hát hit hay tham gia gameshow và được chú ý hơn nhờ điều ấy thay vì vắng bóng và kì công chuẩn bị một album dài đằng đẵng mà còn xui rủi. Chị thấy sao về điều này?

Tôi cũng đã thử làm những thứ như cover để đến gần với khán giả, chẳng qua là họ có để ý hay không thôi. Khán giả đừng vội trách nghệ sĩ không làm gì mới, hãy tự nhìn lại xem mình có để ý những cái mới của nghệ sĩ hay không trước đã.

Tôi nhận được nhiều lời trách của đồng nghiệp là “Ơ sao dạo này không thấy lên TV nhỉ”, còn tôi chỉ cần đặt ngược lại câu hỏi rằng một ngày mọi người dùng bao nhiêu thời gian để xem TV? Và mọi người có biết trên TV bây giờ có bao nhiêu chương trình ca nhạc mỗi ngày hay không?

Tôi nghĩ, khán giả đừng bao giờ đặt câu hỏi hay chụp mũ rằng một thời gian chẳng thấy nghệ sĩ đâu cả khi họ vẫn đang hoạt động còn mình thì không theo dõi. Nghệ sĩ phải có sự chắt lọc, cái gì cần và nên xuất hiện chứ không phải xuất hiện tràn lan, cái gì cũng tham gia mà chẳng có ý nghĩa gì.

Khán giả đừng vội trách nghệ sĩ không làm gì mới, hãy tự nhìn lại xem mình có để ý những cái mới của nghệ sĩ hay không trước đã

Chính bởi vậy chị ít xuất hiện trước đại chúng?

Sự xuất hiện lan tràn sẽ chẳng có tác dụng gì, thay vào đó, hằng ngày tôi vẫn cống hiến cho nhà hát Thăng Long – cho âm nhạc của thủ đô với những ý tưởng về nhạc kịch. Còn những gì đưa lên báo chí, đó là sản phẩm âm nhạc của cá nhân tôi, và theo như những gì trông thấy thì tôi đang làm tốt cả “việc nước” lẫn “việc tư”, như vậy là tôi đang làm rất nhiều chứ không phải không làm gì, chưa bao giờ để đầu óc ngơi nghỉ, lúc nào cũng nghĩ phải làm gì tiếp theo, cả việc làm sao để thúc đẩy những người bạn đồng nghiệp của mình để họ đừng nản lòng, cứ tiếp tục sáng tạo có năng lượng làm việc như mình.

Nghe có vẻ hơi tiêu cực quá không thưa chị?

Vì mình yêu nghề quá, nên có vẻ hơi tiêu cực như vậy. Ngay cả anh Võ Thiện Thanh cũng trăn trở với mình rằng thế hệ của anh cũng đã có những người yên vị, họ rẽ hướng làm những thứ khác dễ nghe, dịu dàng, gần gũi hơn. Còn với người làm nghề có tâm điển hình như anh Thanh, chính anh cũng cảm thấy điều đó chưa thực sự có tính nghiên cứu, làm nghề thì phải có nghiên cứu.

Tuổi nghề của một người nghệ sĩ vốn rất ngắn, nhạc sĩ có thể dài hơn nhưng khi một ai đã mất hứng thì chắc chắn sẽ chẳng có một tác phẩm nào ra đời. Nói về nghệ thuật, rất khó để có thể đánh giá đúng, công chúng họ cũng chỉ có thể đánh giá bằng cảm quan và mức độ họ hiểu tác phẩm đó tới đâu. Nghệ thuật hay bất kì ngành nghề khác đều đòi hỏi người tiếp nhận phải có sự tìm tòi nhất định, rồi sau đó mới có sự sâu sắc khi đánh giá. Tôi rất cần sự sâu sắc như thế, đó cũng là cách tôi lựa chọn khán giả cho riêng mình.

Bài: NGUYỄN HÀ | Ảnh: NVCC

Võ Thiện Thanh chia sẻ về album: “Cuộc sống chưa bao giờ dừng lại. Dù bạn có đang hạnh phúc, khổ đau, hi vọng hay chán chường thì cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn và cuộc hành trình này vẫn phải tiếp tục. Cơn mưa đêm đã cuốn trôi hết muộn phiền nhưng cũng biết bao nhiêu mầm sống đang chực chờ trỗi dậy. Nỗi buồn ngày hôm qua dù có mênh mông sâu thẳm như cõi lòng của người thuỷ thủ thì nó vẫn đẹp tới ngỡ ngàng. Cuộc đời của tất cả chúng ta cuối cùng cũng giống như người thuỷ thủ, chỉ là nỗi khát khao tình yêu và sự tự do. Nếu “Mưa đêm” mang phong cách của nhạc phim đương đại, sự đan xen và đuổi bắt nhau của dàn nhạc thì “Tình ca thuỷ thủ” như một bản Romance bán cổ điển mà ở đó chỉ có tiếng đàn Half, bộ dây bán chủ đạo và giọng hát như một nàng tiên cá, vẽ nên một nỗi lòng và khát khao muôn thuở như là nỗi lòng mang tên nhân loại”.


 
Back to top