Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Ký ức Đông Dương (3): Những người học trường Mỹ thuật Đông Dương mà không định trở thành họa sĩ chuyên nghiệp

Mar 22, 2022 | By Art Republik

Từng có một khoa kỳ lạ nhất trong lịch sử đào tạo của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là khoa “Tự do”, tiếng Pháp là “Libre”. Nhiều người đến học “lớp Libre” mà không hề định trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, nhưng về sau này trở thành nghệ sĩ tiếng tăm.

Ngồi ở vị trí trung tâm (hàng đầu tiên) là hoạ sĩ người Pháp Victor Tardieu, cùng với hoạ sĩ Nam Sơn (người Việt Nam duy nhất ở hàng ghế phía trước, đầu tiên từ phải sang) là hai nhà sáng lập của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ảnh chụp năm 1926. Nguồn: Internet

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương/ École Supérieure des Beaux- Arts de l’Indochine (ESBAI) chính là tiền thân của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay. Địa điểm không thay đổi. Nền tảng, mục đích và phương pháp đào tạo về cơ bản không thay đổi. Nhưng ngôi trường tiền thân thì đáng chú ý ở sự đối lập: tuyển sinh khắt khe mà đào tạo lại đa dạng. Ngoài chính khóa gồm Hội họa và Điêu khắc, trường còn có khoa Kiến trúc, và khoảng năm 1935 – 1938, trường có đào tạo thêm các khóa nghệ nhân ngắn hạn cho các nghề Gốm, Mộc, Đúc khuôn và Sơn mài.

Nhưng có một khoa kỳ lạ nhất trong lịch sử đào tạo của trường là khoa “Tự do”, dịch từ tiếng Pháp là “Libre” (sau đây gọi tắt là lớp Libre). Thực chất đó chỉ là một phòng tập vẽ cho tất cả những ai muốn học. Dưới thời Hiệu trưởng đầu tiên, ông Tardieu, thì miễn phí để khuyến khích – bởi ban đầu rất ít người muốn học thành họa sĩ, một nghề mà đương thời xã hội coi là vô bổ. Nhưng kể từ thời Hiệu trưởng thứ hai, ông Jonchere thì học viên phải đóng tiền mẫu, tiền giấy vẽ và than – mà chia đều ra cho khoảng 40 – 50 học viên nên mỗi người chỉ phải chi rất ít. Bất kỳ ai thích nghề vẽ hay chỉ cần tò mò, cứ việc tự đến, không phải thi, chỉ phải qua vòng sát hạch khả năng sơ qua. Trường dành ra một phòng gần cổng, có sẵn giá, bảng vẽ và mẫu để vẽ. Một giảng viên nào đó của trường tới sắp xếp hay thay đổi mẫu theo định kỳ.

Người muốn học chỉ việc mang theo giấy, bút chì, bút lông bẹt, hộp màu, palette… đến tự làm bài. Thỉnh thoảng có các thầy Pháp hay Việt ghé qua lớp để hướng dẫn. Nhưng vui nhất là sinh viên đang học các lớp chính thức thường xuyên xuống chỉ bảo cho bạn bè hoặc các đàn em. Nơi này gần giống như trung tâm luyện thi ngày nay nhưng khác bởi trước 1938 được miễn phí hoàn toàn theo đúng nghĩa Libre = Tự do. Chỉ có sau 1938 thì đóng tiền mẫu, giấy và than nhưng chia ra cho khoảng 40 – 50 người nên mỗi cá nhân phải chi không đáng là bao.

Chính vì thế, những người đến đây không phải ai cũng cắm đầu cắm cổ vẽ hùng hục nhằm mục đích thi đỗ như luyện thi mỹ thuật thời nay. Có một số người đến vì nhiều mục đích khác nhau, học mà không hề định trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, trong đó có những học viên sau này trở thành nghệ sĩ tiếng tăm ở tầm quốc gia như Thế Lữ, Văn Cao và Quang Dũng…

Thế Lữ đến học lớp Libre vì bị chê hình ảnh trong thơ khô khan

Nếu bạn tra mục từ “Thế Lữ” trên mạng qua từ điển mở wikipedia sẽ đọc thấy đoạn: “Năm 1929, ông lên Hà Nội, thi đỗ dự thính vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học cũng chỉ một năm rồi lại bỏ do bất mãn với một giáo sư và giám hiệu của trường”. Thông tin này sai ở 2 cụm từ “thi đỗ dự thính” và “do bất mãn với một giáo sư và giám hiệu của trường”.

Thế Lữ, chân dung sơn dầu của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc. Nguồn: internet

Thi vào trường Mỹ thuật Đông Dương chỉ có 2 kết quả đối lập, hoặc đỗ hoặc trượt! Từ “dự thính” nghe thật mơ hồ. Chỉ có thể là học lớp Libre, mà Libre thì tự do, không phải thi.  Tất nhiên cũng có ngoại lệ như trường hợp ông Nguyễn Văn Thế dự thính điêu khắc, hay mấy học viên Tây gặp lúc đang Thế chiến II không thể về mẫu quốc nên đành vào trường, được ưu tiên dự thính vì có quốc tịch Pháp.

Nhưng tất cả những trường hợp học dự thính không thi đầu vào cũng sẽ không được thi tốt nghiệp và đương nhiên không có bằng cấp. Còn chuyện “bất mãn” thì càng mơ hồ. Thích thì đến học, chẳng thích thì thôi, nào ai ép gì đâu? Chính sách của trường như vậy, khi chưa chính thức là sinh viên thì không phải theo nội quy kỷ luật nào ngoài những phép tắc lịch sự thông thường nơi công cộng. Ông Thế Lữ rất có thể đã đến học lớp Libre năm 1929 và khi thấy chán thì ông thôi không đến nữa.

Chân dung Thế Lữ qua nét vẽ của họa sĩ Sỹ Ngọc. Nguồn: internet

Có một chuyện thú vị với nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch Thế Lữ, liên quan đến bố tôi, họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp. Năm 1939, bố tôi thi đỗ vào khóa XIII của trường. Chỉ sau đó ít lâu, vì đã quen biết từ trước, nhà thơ Thế Lữ tìm gặp bố tôi và hỏi: “Này Hợp, mình bị người ta chê làm thơ mà hình ảnh khô khan… Hay là đến học Libre có nên không?” Bố tôi trả lời: “Vâng, anh cứ đến, anh sẽ hiểu cái đẹp của màu sắc, hòa sắc hơn đấy, mà lại miễn phí”. Vậy là Thế Lữ, lúc đó đã là nhà thơ có tên tuổi, ngày ngày đến học vẽ ở lớp Tự do.

Sau đó ít lâu, bỗng một hôm ông kéo bố tôi ra một chỗ và bảo: “Này Hợp, mình hiểu hòa sắc rồi. Giờ có bài thơ tả màu sắc, cậu nghe xem có được không nhé”. Và ông đọc:

Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.
Trời cao, xanh ngắt. – Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai…

Đó là trích đoạn của bài thơ “Tiếng sáo Thiên Thai” nổi tiếng ngay sau đó. Lúc ấy nghe xong, bố tôi nói liền: “Hay lắm anh ạ. Các màu, vị trí và khoảng cách màu sắc trong không gian rất tuyệt! Tương quan màu cũng đẹp. Mà giữa những “ngừng”, “nhuộm”, “không đi”… thì “hạc trắng bay” lại chuyển động và sáng lấp lánh”. Ông Thế Lữ vui ra mặt, đoạn hỏi lại cho chắc rồi bảo: “Vậy thì xong rồi, mình trở lại làm thơ tiếp”. Và ông ngừng học lớp Libre từ đó…

Văn Cao tới học lớp Libre để mở mang khả năng nghệ thuật

Mục từ Văn Cao trong từ điển mở wikipedia trên mạng có đoạn: “Năm 1942, nghe theo lời khuyên của Phạm Duy, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội. Ông thuê căn gác nhỏ số 171 phố Mongrant – nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền – và theo học dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương”.

Chân dung tự họa của Văn Cao với 2 kiểu nét mực khác nhau. Nguồn: internet

Chính xác hơn là ông học lớp Libre. Văn Cao và bố tôi quen biết từ đó. Nhưng ông ấy quả là thiên tài. Chỉ vừa một năm sau, ông lập tức có tranh tham dự triển lãm Salon Unique 1943 và có tiếng vang trong chính giới mỹ thuật. Sau này, đời nghệ thuật của ông song hành Nhạc, Thơ, Họa như chúng ta đã biết.

Nhạc của ông lừng lẫy nhất với “Tiến quân ca” sau trở thành “Quốc ca”. Nhưng tranh sơn dầu và nhiều minh họa báo Văn nghệ của ông cũng được chính giới mỹ thuật đánh giá cao về tạo hình, bóp hình, chắt lọc nét, tả chất và hòa sắc… Suốt đoạn đời khốn khó bó buộc sau “Nhân văn Giai phẩm”, ông kiếm sống chủ yếu nhờ minh họa báo Văn nghệ và vẽ bìa sách, họa hoằn lắm mới có người đặt hàng làm nhạc phim hoạt họa.

Văn Cao vẽ vợ, bà Nghiêm Thúy Băng. Nguồn: internet

Một minh họa thơ qua nét vẽ của Văn Cao. Nguồn: internet

Trở lại câu chuyện Văn Cao học lớp Libre, cuối năm 1943, trường Mỹ thuật Đông Dương bị bom của máy bay Đồng Minh ném sập một lớp điêu khắc, chết một giáo sư Pháp và đành phải sơ tán khoa Hội họa và một phần Điêu khắc lên Văn miếu Sơn Tây (khoa Kiến trúc và phần lớn Điêu khắc đi Đà Lạt, còn khoa Nghệ nhân đi Phủ Lý), Văn Cao cũng ngừng học lớp Libre. Ông tự thấy thế là đủ, không cần học tiếp. Thời gian sau đó chứng minh ông cũng thành danh về hội họa, dù không nổi bằng âm nhạc.

Nhà thơ Quang Dũng học vẽ vì muốn thử nghiệm mọi tài năng

Bên  trái: Chân dung Quang Dũng, tranh sơn dầu, họa sĩ Bùi Quang Ngọc. Bên phải: Ảnh chụp Quang Dũng đầu những năm 1980. Nguồn: internet

Bến Ngọc sông Đà, nơi đoàn binh Tây Tiến xuất quân. Quang Dũng vẽ trực họa năm 1960. Nguồn: internet

Nhà thơ Quang Dũng nổi tiếng với bài thơ “Tây Tiến”, một trong những tuyệt đỉnh của Thi ca hiện đại Việt Nam. Đó là một con người vừa đa năng vừa đa tài. Ông từng là quân nhân, từng tập làm chính trị, viết văn hay, làm thơ giỏi, biết đàn hát và vẽ tranh rồi tự minh họa cho thơ văn của mình. Ông cũng thường “đành phải vẽ nháp” bởi điều kiện thiếu thốn suốt gần hết cuộc đời.

Bìa sách bên trái do Quang Dũng trình bày. Bìa sách bên phải có dùng tranh của Quang Dũng. Nguồn: internet

Những năm bố tôi học trường Mỹ thuật Đông Dương (1939 – 1944) cũng là lúc Quang Dũng đến tuổi thanh niên và mê vẽ. Sau này bố tôi kể lại rằng có thấy ông đến lớp Libre nhưng rất lớt phớt vài bận rồi bỏ. Năm 1943, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc cũng từng tiếp Quang Dũng đến nhà học hỏi và ông đã cho Quang Dũng bột màu và bút vẽ.

Một người khác, ông Phan Lạc Tiếp (nguyên là Hạm Trưởng VNCH, và cũng là nhà văn) từng kể rằng khi đến ngủ nhờ qua đêm, có thấy tranh Quang Dũng tự vẽ trên tường nhà của gia đình ông ở thị trấn Phùng, bên sông Đáy: “Ở một góc tường cao, nếu đứng từ trên sàn gác, thì vừa tầm tay, có một bức tranh vẽ lên tường. Cao quá, và bụi quá, tôi không nhìn rõ, vả lại bây giờ tôi cũng đã quên lấp đi nhiều, tôi không biết bức tranh ấy vẽ hình ảnh gì. Hình như cảnh một buổi chiều nào đó trong vườn câỵ. Cụ Tổng (mẹ của Quang Dũng) bảo, của anh Diệm (tên thật của Quang Dũng) anh ấy vẽ đấy. Và còn một bức tranh tường nữa trong căn buồng ở đầu nhà”.

Người ta tưởng Quang Dũng chỉ vẽ tranh kiểu chơi chơi vậy thôi nhưng khi đủ điều kiện về vật liệu họa phẩm và không bị câu thúc bởi thời gian thì ông có một số tác phẩm hội họa tham gia Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc Việt Nam những năm 1954 (có 3 tranh phong cảnh bột màu), 1960 (tranh bột màu “Mùa gặt”), 1962 (tranh bột màu “Cây bàng”).

Tranh “Cây bàng”, bột màu trên giấy, Quang Dũng. Nguồn: internet

Tranh “Ba Vì”, bột màu trên giấy, Quang Dũng. Nguồn: internet

Bây giờ đã sang đầu thế kỷ XXI được hơn 20 năm, hào quang của bài thơ “Tây Tiến” và Quang Dũng vẫn ngày càng lung linh chứ chưa bao giờ bị quên lãng. Từ 2010 đến 2020, đã có tới 5 cuốn sách về thân thế, sự nghiệp, tác phẩm của Quang Dũng được xuất bản. Trong các cuốn sách đó, độc giả lần lượt được thấy những bức tranh của Quang Dũng mà gia đình còn lưu giữ, trong đó đa số là những bức phong cảnh với tầm nhìn rộng mở, cảnh sắc Việt Nam thoáng đãng cùng núi non và chân trời xa thẳm. Cảnh cũng là người, điều này dường như đồng nhất với đời trai tài vừa lận đận vừa phóng khoáng và hào hùng, bởi “chẳng tiếc đời xanh”, của tác giả.

Tranh phong cảnh của Quang Dũng tặng nhà thơ Yến Lan (có thể do ảnh chụp qua khung kính nên có chút mảng sáng phản chiếu). Nguồn: internet

Bài: Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa từ Canada

_ _ _

Chuyên mục Ký ức Đông Dương, mong nhận thêm các bài viết tại địa chỉ: sonca@artrepublik.vn. Chân thành cảm ơn!


 
Back to top