ART & LIFE

“Mộng Bình Thường”: Thủy Nguyễn kể chuyện 10 năm gấm hoa

Jan 13, 2021 | By Trang Ps

Nếu hào quang ánh sáng của sàn diễn thời trang là nơi đánh dấu thành tựu của nhà thiết kế thì những lắng đọng đăm chiêu của một triển lãm chính là hồi kết trọn vẹn cho một chặng đường rạng rỡ của họ, đồng thời mở ra một con đường mới. Với Thủy Nguyễn cũng vậy, “người đàn bà của gấm” được biết đến vừa như một nghệ sỹ, một nhà thiết kế thời trang, người truyền cảm hứng, một cá nhân tiên phong, vừa như một nhà đầu tư và nữ doanh nhân.

Cách thực hành sáng tạo của Thủy Nguyễn trải rộng trên nhiều lĩnh vực như hội họa, sắp đặt, điện ảnh, thời trang và thiết kế. Năm 2021 tới, nhân dịp kỷ niệm mười năm xây dựng thương hiệu Thủy Design House, Thủy Nguyễn muốn nhìn lại chặng đường vừa qua và chia sẻ về sự nghiệp thời trang của mình qua triển lãm mang tên “Mộng Bình Thường”.

“Mộng Bình Thường”: Thủy Nguyễn kể chuyện 10 năm gấm hoa

“Mộng Bình Thường” không bê nguyên những bộ sưu tập trên sàn diễn mà dẫn dắt người xem khám phá những khía cạnh rất mới bằng những góc nhìn khác lạ trong tư duy sáng tạo của Thủy Nguyễn, cụ thể qua góc nhìn và quan điểm của giám tuyển nghệ thuật Dolla S. Merrillees.

“Mộng Bình Thường” của Thủy Nguyễn lấy cảm hứng từ ca khúc nổi tiếng Ngậm Ngùi của nhạc sỹ Phạm Duy, như một ngụ ý về cội nguồn của những sáng tạo của Thủy Nguyễn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những chất liệu của cuộc sống xung quanh và trải nghiệm cá nhân Thủy. Sự hiện diện thường xuyên của các thành ngữ, tục ngữ, nghệ thuật dân gian, truyền thuyết… đã phản ánh mối tâm giao sâu sắc giữa Thủy và văn hóa truyền thống Việt Nam.

Thiết kế của Thủy thường bám sát các tự sự như tình mẫu tử, quê hương, thiên nhiên và đời sống tâm linh. Dù không được đào tạo bài bản trong lĩnh vực thiết kế thời trang, thực hành sáng tạo của cô được xây dựng dựa trên tầng tầng lớp lớp ý nghĩa cũng như hiểu biết về sự cộng sinh giữa truyền thống và phát triển, giữa Đông và Tây.

Thông qua việc trưng bày các trang phục, phụ kiện, những hiện vật sưu tầm và tư liệu cá nhân trong một dàn cảnh được xây dựng công phu, “Mộng Bình Thường” kể về quá trình sáng tạo cũng như những tâm tư tình cảm, thông điệp được gửi gắm trong từng thiết kế của Thủy Nguyễn. Đến với “Mộng Bình Thường”, ta như có cảm giác được bước vào tâm trí và trái tim của người phụ nữ đa tài này. “Mộng Bình Thường” khiến ta thầm thán phục rằng thì ra một nghệ sỹ tài ba là đây, rằng cái tài của họ nằm ở khả năng biến những tâm tư trải nghiệm cá nhân thành những dạng thức nghệ thuật hữu hình để người đời chiêm ngưỡng và tán thưởng.

Xuất thân là một họa sỹ, Thủy mang tâm hồn hội họa của mình vào bay nhảy trong thế giới thời trang. Thủy Nguyễn tìm thấy điểm chung giữa hội họa và thời trang: màu sắc và hình dáng. Nhưng chỉ vậy là chưa đủ, những dấu ấn đặc biệt nhất trong thiết kế của cô, đó là sự chú trọng vào tính tạo hình, kỹ thuật trang trí hay phóng đại, sự kịch tính và hòa sắc rực rỡ.

Nếu Thủy đặt tên cho những bộ sưu tập của mình với những từ tượng hình, tượng thanh đầy chất thơ như “Lúng Liếng” (2015), “Mộng Mị” (2017), “Tình Tang” (2019)… thì ở “Mộng Bình Thường”, mỗi không gian trưng bày được đặt tên theo một mẩu tự sự ẩn chứa những câu chuyện sâu sắc. Đến với “Mộng Bình Thường”, ta sẽ được chu du trong những không gian và thời gian khác nhau, không theo trật tự sẵn có của những mẫu thiết kế mà theo những mối tương quan của áo dài đối với các khía cạnh lịch sử, văn hóa, truyền thống…

Ở không gian “Áo dài: Xưa đến ngày sau”, Thủy Nguyễn và giám tuyển Dolla S. Merrillees thể hiện những góc nhìn khác nhau về tà áo dài, từ phương Đông lẫn phương Tây khi đặt tà áo dài được thiết kế bởi “bà hoàng tối giản” Jil Sander cạnh tà áo dài truyền thống đến cách tân của Thủy Nguyễn. Với Thủy Nguyễn, áo dài là một phần không thể thiếu của văn hoá Việt, một trang phục vượt lên mọi định chế của giới tính, giai cấp hay biến cố thời cuộc. Trong khi áo dài vẫn tồn tại trong mường tượng rập khuôn của khách du lịch về một Việt Nam truyền thống, Thủy đem lại một hơi thở mới cho chúng qua những đường cắt táo bạo, phủ lên chúng một luồng năng lượng tươi mới thông qua vật liệu, họa tiết và màu sắc.

Tiếp đến “Ở trọ trần gian”, Thủy Nguyễn tâm tình về tính vô thường của sự sống con người. Chúng ta sinh ra rồi sẽ quay trở về với cát bụi. Mỗi cá thể chỉ đang “ở trọ” chốn trần gian một quãng thời gian nhưng những giá trị của những di sản là trường tồn mãi mãi. Nguồn cảm hứng của Thủy đến từ những câu chuyện bản địa và cô sử dụng các sáng tạo của mình để gợi nhớ lại những câu chuyện đầy hứng khởi để chúng không bị rơi vào quên lãng.

“Muôn hình vạn trạng” kể về sự thú vị của nghệ thuật nói chung và thiết kế thời trang nói riêng. Thủy Nguyễn kể về sự thách thức đối với những rập khuôn, những “công thức” được định ra để có thể trở thành một nhà thiết kế thời trang. Dù không được đào tạo bài bản về thời trang, các thiết kế của Thuỷ mang đầy tính chân thực, ngẫu hứng và trực giác. Sự tách biệt khỏi các khuôn mẫu chính là đặc tính khẳng định thời trang của cô. Thủy Nguyễn không chỉ thách thức thời trang, cô còn thách thức định kiến xã hội về chuẩn mực của tà áo dài. Và có thể thấy, không nhà thiết kế Việt Nam nào ngoài Thủy Nguyễn có những trải nghiệm và quyết định sáng tạo táo bạo đến thế trên tà áo dài.

“Lầu son gác tía” lại kể về màu sắc, một thứ gắn bó rất chặt chẽ với Thủy và quá trình sáng tạo của Thủy không chỉ vì Thủy là một họa sỹ. Cô không nhìn màu sắc như vốn có mà nhìn nó như một công cụ thể hiện cảm xúc, cá tính. Màu sắc là để kể chuyện. Màu sắc ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách chúng ta nhìn nhận sự vật. Màu sắc có thể là một công cụ đắc lực để giao tiếp, vượt qua các rào cản, để thể hiện cá tính, sự tự do, sự gắn kết và sức mạnh.

“Đôi vầng nhật nguyệt” kể về sự song hành của những điều tương phản trong cuộc sống, dù là tốt hay xấu, sáng hay tối, trắng hay đen… Đó là những cặp tương phản không thể tách rời, không thể loại bỏ đi một mà không mất đi cái còn lại. Thủy là người thích ‘chơi trốn tìm’ với sắc màu, xử lý ánh sáng và bóng tối triệt để trong cách kết hợp thêu nổi và đính kết để tạo hiệu ứng phản sáng lấp lánh và chuyển sắc độ của màu. Đây có lẽ là ảnh hưởng từ nền tảng đào tạo mỹ thuật của cô. Dù ánh sáng – bóng tối, đen – trắng thường được coi như những cặp tương phản, các trang phục ở đây hòa trộn những yếu tố khác biệt của cả hai. Chúng vừa trịnh trọng lại vừa mềm mại, vừa mờ vừa tỏ, vừa khoáng đạt vừa khuôn khổ, vừa đặc vừa rỗng. Tất cả những đặc điểm này tạo ra một bố cục hoàn chỉnh về chiều sâu, ánh sáng và hòa sắc đơn màu.

“Phố phố phường phường” lại kể về mối quan hệ cộng sinh của thời trang và kiến trúc. Từ nhiều thế kỷ nay, kiến trúc và không gian sống trong đô thị đã và vẫn luôn đóng vai trò là nguồn cảm hứng dồi dào cho ngành thời trang, với đa dạng tác động và góc nhìn mang tính toàn cầu về ý tưởng, hình ảnh và chất liệu. Đó không chỉ là sự ngẫu hứng, sự tò mò thích thú của thời trang với kiến trúc đô thị, mà còn là sự tự thuật các câu chuyện, trải nghiệm cá nhân về mối quan hệ giữa con người và không gian sống của họ.

Và cuối cùng là “Đong đầy ký ức”, đưa ta trực tiếp bước vào thế giới nội tâm muôn màu sắc của Thủy Nguyễn, giúp ta hiểu được gốc rễ, nguồn cội những sáng tác của cô. Trong căn phòng này, Thủy chia sẻ những hiện vật và ký ức góp phần làm nên con người cô. Đối với Thủy, căn phòng này là chân dung dung dị nhất, đầy những kỷ niệm mà cô trân quý. Từng thứ, từng thứ một đong đầy ký ức của Thủy, gợi mở, dẫn dắt cô trên con đường sáng tạo – và không khó để nhận thấy các trang phục trong triển lãm này cũng mang dấu ấn của những đồ vật cô luôn nhặt nhạnh, sưu tầm.

“Mộng Bình Thường” dẫn dắt người xem qua 10 năm sáng tạo không ngừng nghỉ của Thủy Nguyễn và thương hiệu Thủy Design House. Câu chuyện 10 năm không chỉ của Thủy, của Thủy Design House mà còn là của tà áo dài truyền thống của Việt Nam. Một chặng đường không ngắn mà cũng không quá dài để cho công chúng thấy sức sống mạnh mẽ của áo dài, cả khả năng trỗi dậy và biến hóa mạnh mẽ của nó.

Bài: Mỹ Đỗ

Triển lãm “Mộng Bình Thường” của Thủy Nguyễn diễn ra từ ngày 7/11/2020 đến hết ngày 06/02/2021 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory, 15 Nguyễn Ư Dĩ, Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.


 
Back to top