ART & CULTURE

NFT đầu tiên của Gucci đấu giá quyên góp ủng hộ chương trình COVAX

Jun 05, 2021 | By Xu

Phiên đấu giá NFT đầu tiên của Gucci đã kết thúc vào ngày 3/6 vừa qua với giá “gõ búa” 25.000 USD. Đợt sale “Proof of Sovereignty” của Christie’s còn là bằng chứng cho thấy nhà đấu giá hàng đầu đang có ý định hoạt động nghiêm túc với lĩnh vực crypto-art, và “góp vui” trong tương lai gần chính là ngành thời trang.

Khép lại đợt sale NFT vừa qua của nhà Christie’s, đoạn mã NFT đầu tiên của thương hiệu thời trang xa xỉ Gucci đã đạt mức giá 25.000 USD. Tất cả số tiền sẽ được quyên góp cho chương trình COVAX của UNICEF USA, nhằm hỗ trợ khả năng tiếp cận vắc xin phòng chống Covid-19 cho công dân toàn cầu.

Nhà thời trang Ý đã ra mắt NFT đầu tiên lấy cảm hứng từ BST Fall/Winter 2021 kỷ niệm 100 năm của nhà mốt, đồng thời BST còn ghi dấu “màn hợp tác thế kỷ” giữa Gucci và Balenciaga, công bố qua digital show hồi 15/4/2021.

Đoạn video dài 4 phút có tên Aria, như một sản phẩm NFT sinh ra từ kỹ thuật số, trích xuất từ fashion film cùng tên do nhiếp ảnh gia/nhà làm phim Floria Sigismondi và giám đốc sáng tạo Alessandro Michele của Gucci đồng đạo diễn, đã được đưa ra đấu giá trực tuyến bởi nhà Christie’s.

Tác phẩm NFT Gucci Aria được chào bán như một phần của đợt sale NFT “Proof of Sovereignty” (Bằng chứng về chủ quyền) do Christie’s chủ trì, giám tuyển bởi nghệ sỹ kỹ thuật số ẩn danh Lady PheOnix, bắt đầu từ ngày 25/5 và kéo dài cho đến hết ngày 3/6/2021.

Mặc dù là tác phẩm NFT đầu tiên của nhà mốt Gucci, và đạt giá “gõ búa” tương ứng 25.000 USD (thanh toán bằng tiền kỹ thuật số Ethereum) như một trong những mặt hàng đắt đỏ nhất do Gucci sản xuất. Thực tế, NFT Aria của Gucci có mức giá khởi điểm 20.000 USD, dự đoán từ 100.000 USD – 200.000 USD. Kết quả cho thấy nhà mốt chưa nắm bắt được “chiến lược” hiệu quả để tham gia vào lĩnh vực crypto-art.

25.000 USD để xem nàng thơ gợi cảm của Gucci mở cánh cửa và nghe tiếng vó ngựa

Đáng chú ý hơn, con số 25.000 USD là khá thấp so với top 3 mức giá cao nhất trong đợt đấu giá này của nhà Christie’s. Dẫn đầu là tác phẩm “Genesis” của nghệ sỹ Josie Bellini với giá 400.000 USD, kế tiếp là “Lady Justice” đạt giá 137.500 USD của nghệ sỹ Raf Grassetti, và thứ 3 là “Degradation” của nghệ sỹ Ash Thorp có giá 68.750 USD.

“Genesis” của nghệ sỹ Josie Bellini đạt mức đấu giá 400.000 USD

“Lady Justice” đạt giá 137.500 USD của nghệ sỹ Raf Grassetti

“Degradation” của nghệ sỹ Ash Thorp trị giá 68.750 USD

Kể từ đầu năm 2021, Christie’s đã đi đầu khi trở thành nhà đấu giá tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường NFT. Con số 69 triệu USD từ phiên đấu giá tác phẩm Everydays: the First 5000 Days (2008-21) của Beeple vào tháng 3 không chỉ là một bước ngoặt của nhà đấu giá này, mà còn đẩy Beeple trở thành nghệ sỹ đắt giá thứ ba còn sống trên thế giới.

Kể từ đó, Christie’s đã triển khai các đợt bán NFT khác để thu hút một tầng lớp người mua “giàu tiền điện tử” (crypto-wealthy buyers) mới nổi. Các thử nghiệm của Christie’s trong lĩnh vực crypto-art cũng đối mặt với rất nhiều chỉ trích. Gần đây nhất là đợt NFT Sale kết hợp với Andy Warhol Foundation Foundation, để đấu giá các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số ít được biết đến, và khôi phục từ máy tính Amiga 1000 từ những năm 1980 của nghệ sỹ Pop Art nổi danh này.

Tuy nhiên, mối hợp tác của Christie’s với thương hiệu xa xỉ Gucci lần này vẫn được cho là động thái đánh dấu một “dịch vụ” mới của nhà Christie’s, ở thời điểm mà xu hướng crypto-art đang củng cố chỗ đứng trên các sàn đấu giá chính thống, và “khách mời” mới mang tên “thời trang” từ lâu đã được biết đến như một tay chơi thừa tiền.

Đối với thương vụ NFT Gucci Aria này, trong một tuyên bố, Noah Davis – chuyên gia nghệ thuật đương đại của nhà Christie’s tin rằng “điều này sẽ thay đổi cách các nghệ sỹ làm nghệ thuật và cách mọi ngành công nghiệp sáng tạo hoạt động, bằng cách dân chủ hoá quyền truy cập thông tin, giảm bớt sự mờ mịt theo hướng minh bạch và trao quyền cho những người sáng tạo ở mọi nơi“.

 

Nguồn:

 Onlineonly.christies.com, Artnews, Highsnobiety

Thực hiện: Xu

 


 
Back to top