ART & CULTURE

Tương lai nghệ thuật trực tuyến: Thế giới ảo trở thành thị trường an toàn cho tất cả

Oct 20, 2020 | By Trang Ps

Khi thế giới thực đang bị cách ly trên diện rộng, thế giới ảo bỗng trở thành thị trường an toàn cho tất cả.

Theo một khảo sát gần đây của ngân hàng Thụy Sĩ UBS và nhà tổ chức Art Basel, 59% nhà sưu tầm chia sẻ rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 đã thúc đẩy sở thích sưu tập của họ. Xu hướng này đặc biệt rõ rệt ở thế hệ millennial, những cá nhân liều lĩnh chi tiêu online hơn thế hệ X.

https://www.instagram.com/p/CFAdR-olvBN/?utm_source=ig_embed

Nhờ vậy, nhiều nghệ sĩ hiện tìm cách quảng bá và bán tác phẩm trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và Instagram. Vào tháng 3 năm nay, nghệ sĩ người Anh Matthew Burrows đã khởi động sáng kiến #ArtistSupportPledge nhằm khuyến khích các đồng nghiệp tham gia vào một hệ sinh thái hợp tác.

Ý tưởng của Matthew khá đơn giản. Các nghệ sĩ đăng hình ảnh tác phẩm mà họ sẵn sàng bán với giá không quá 200 bảng Anh (khoảng 255 USD) trên Instagram. Nếu hoặc khi họ kiếm được 1000 bảng Anh thông qua chương trình này, họ phải cam kết mua một tác phẩm của một nghệ sĩ khác.

Matthew chia sẻ với The Art Newspaper rằng sáng kiến diễn ra thành công ngoài mong đợi, với doanh thu tạo ra khoảng 60 triệu bảng Anh từ 371.000 tác phẩm.

Trong khi một số nghệ sĩ mới bắt đầu tập trung nhiều hơn cho các trang mạng xã hội thì đã có không ít người định hình tên tuổi vững chắc trên Instagram với lượng khách hàng trung thành.

IG @sophieteaart.

Năm ngoái, nữ họa sĩ người Anh Sophie Tea tuyên bố đã kiếm được 1 triệu bảng Anh với loạt tranh khỏa thân màu bán độc quyền trên trang Instagram. Điều tương tự cũng diễn ra với nghệ sĩ người Úc CJ Hendry, người sở hữu những bức vẽ siêu hiện thực (ultra-realist) đăng trên tài khoản Instagram với xấp xỉ 525.000 theo dõi, trong đó có cả Kanye West. Rapper người Mỹ này từng mua một bức vẽ có khuôn mặt anh xuất hiện trên tờ 100 USD từ CJ.

IG @cj_hendry.

Henry giải thích với CNN: “Trước đây, nghệ sĩ phải đợi một phòng tranh thực hiện triển lãm cho mình, và mọi người chỉ có thể xem tác phẩm bằng cách trực tiếp đi đến đó. Nhưng giờ đây, bạn có thể cho mọi người xem bất cứ thứ gì và bất cứ lúc nào.”

Đối mặt với sự bùng nổ mua bán nghệ thuật trực tuyến, các phòng tranh và nhà đấu giá như Christie’s, Sotheby’s và Phillips đã tổ chức hơn 130 cuộc đấu giá online xuyên suốt 6 tháng qua, nhiều gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, và tạo ra doanh thu hơn 190 triệu USD.

David Galperin, một chuyên gia nghệ thuật đương đại Sotheby’s, cho biết: “Có nhiều nhà sưu tập tham gia đấu giá mà không có cơ hội tận mắt nhìn thấy tác phẩm.”

Balloon Venus Lespugue (Red)

Các phòng trưng bày như Gagosian, David Zwirner và Hauser & Wirth cũng lần lượt báo cáo doanh thu tăng từ bán hàng trực tuyến (cán mốc 6 chữ số bất chấp đại dịch). Một ví dụ điển hình như tác phẩm điêu khắc Balloon Venus Lespugue (Red) của Jeff Koons cán mức giá 8 triệu USD, trở thành tác phẩm đắt nhất từng bán trực tuyến của David Zwirner.


 
Back to top