Nghệ thuật / Đấu giá

Nghệ sĩ sống trong rừng: Gặp gỡ nhiếp ảnh gia Yuriko Takagi

Jan 18, 2021 | By Trang Ps

Ý tưởng về một cuộc sống trong rừng khiến tôi nhớ đến tác phẩm Walden của triết gia Henry David Thoreau, dường như cuốn sách đã truyền nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho xu hướng ẩn dật của con người thời hiện đại. Điều đó được thể hiện sống động qua ngôi nhà trên cây của kiến trúc sư thành danh Jim Olson mà tôi có dịp khám phá gần đây, nhưng lý tưởng và thi vị hơn cả vẫn là nơi lưu trú của nhiếp ảnh gia người Nhật Yuriko Takagi, người từng cộng tác với NTK thời trang Issey Miyake.

Từng là nhà thiết kế tự do ở châu Âu, Yuriko Takagi chuyển sang nhiếp ảnh chân dung khi bà có dịp thăm thú nhiều nơi tại châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông. Sáng tạo của bà tập trung vào tính tồn tại của con người, một góc nhìn thú vị liên kết với thời trang và cơ thể. Bà cũng ám ảnh bởi sự đắm mình của cơ thể trong thiên nhiên. Nữ nhiếp ảnh từng dành hơn 15 năm thực hiện các dự án như The Birth of Gravity, khám phá mối liên hệ giữa con người và tự nhiên thông qua lực trái đất. Bằng cách tiếp cận nhân văn và khéo léo, bà đã lấy được lòng tin của người bản địa, khiến họ giữ tư thế không mặc quần áo mà vẫn tự nhiên trước ống kính.

Yuriko Takagi: “SỐNG chính là ý nghĩa của cuộc sống”

Nhiếp ảnh gia Yuriko Takagi từng sống ở châu Âu 17 năm, và 35 năm tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. 4 năm trước, ở độ tuổi 65 “thập cổ lai hy”, Takagi tình cờ biến đến một mảnh đất hoang dã trong khu rừng ở Karuizawa với diện tích 1440 mét vuông. Suốt cuộc đời, bà đã mơ về việc xây dựng cho riêng mình một ngôi nhà. Vì thế, Takagi tin rằng có lẽ cơ hội ấy đã đến. Nhận ra bản thân vẫn chưa có bằng lái xe và thiếu kinh nghiệm sống ở chốn “rừng thiêng nước độc”, nhưng vì quá yêu Karuizawa, bà quyết định phải có được bằng lái và bắt đầu lên kế hoạch thiết kế và xây dựng ngôi nhà.

Dù diện tích mảnh đất lên đến 1440 mét vuông nhưng nơi lưu trú chính chỉ khoảng 135 mét vuông. Ngôi nhà tỏa ra ba hướng men theo sự sinh sôi nảy nở sống động của những loài cây trong khu rừng rậm rạp.

Với Yuriko Takagi, không tồn tại ranh giới nào giữa cuộc sống và công việc hàng ngày. Tất cả mọi không gian đều kết nối với nhau, điều đó có vẻ chẳng giống với cách chúng ta hình dung về một nhà ở. Ngay khi bạn bước vào phòng làm việc, một cửa sổ kính lớn đóng vai trò như khung tranh tái hiện phong cảnh tự nhiên tràn đầy sức sống ở bên ngoài. Điều đặc biệt là bức tranh ấy liên tục thay đổi theo ngày và đêm, theo mùa Xuân Hạ Thu Đông, một “họa phẩm” mang nguồn năng lượng và sinh khí dạt dào hòa quyện và tan chảy vào khối kiến trúc, biến trong – ngoài như một.

Đi sâu hơn nữa, bạn sẽ thấy một phòng khách truyền thống của Nhật Bản, nơi những người bạn phương xa có thể ngồi lại với gia chủ, thưởng thức một tách trà ấm nóng, thư giãn và tán gẫu.

Không gian chính là nơi bà thường làm việc, trừ chiếc ghế dài, mọi thứ gần như có thiết kế bánh xe để bà di chuyển chúng linh hoạt từ vị trí này sang vị trí khác. Trong hai bức ảnh này, phía bên phải là người đàn bà mà Takagi gặp ở chợ Iran và phía bên trái kia là người Yi đến từ Trung Quốc.

Nữ nhiếp ảnh gia luôn mong muốn một không gian mà mọi thứ từ tường, trần nhà,… đều sơn màu đen. Đối với bà, khi ai đó dựa vào màu đen, bối cảnh ấy khiến họ trở nên nổi bật một cách “ma mị”. “Có vẻ hơi quá lời, nhưng màu đen tôn thêm nét nổi bật cho bạn. Khác với khi bạn đứng trước mảng trắng. ” – bà chia sẻ.

Yuriko Takagi đam mê nấu ăn, bà có thể dành cả ngày trong nhà bếp làm món này món kia mà không bao giờ cảm thấy chán nản. Phòng ngủ độc lập với tất cả mọi không gian khác và sơn màu trắng. Ngôi nhà của bà phục vụ chính cho mục đích nhiếp ảnh, và thế, bà không cần quá nhiều không gian riêng tư.

Những không gian khác nhau đều kết nối với thiết kế thông tầng, nơi ánh sáng tự nhiên có thể rủ xuống bất cứ khi nào, mang đến nguồn năng lượng tươi mới và ấm áp cho toàn bộ ngôi nhà. Thiết kế này cũng cho phép bà cảm nhận sự di chuyển và tồn tại của gió, nhưng vẫn đảm bảo sự yên tĩnh. Sống động và trầm lặng, hai trạng thái nhị nguyên thú vị ấy đã góp phần cân bằng kiến trúc lẫn tinh thần con người.

Bên ngoài nơi lưu trú là khu vườn với nhiều cây phong và sakura. Từ trong ngôi nhà thông qua cửa kính, nhà nhiếp ảnh có thể  cảm nhận sự giao mùa quanh năm.

Với triết lý “living is the meaning of life” (sống chính là ý nghĩa cuộc sống), Yuriko tin còn khỏe thì bà vẫn luôn luôn cống hiến hết mình cho nhiếp ảnh, sáng tạo và tò mò cho đến khi từ giã cuộc đời. Và không quan trọng là sống với ai, vì bà cho rằng chúng ta nên là những cá thể độc lập, thật quan trọng để không phụ thuộc vào bất cứ người nào.

Nguồn ảnh: 一条Yit


 
Back to top