ART & CULTURE

Nghệ thuật của Sung Tiêu: trăn trở, truy bức, liên tục bộc lộ rồi lại tự giấu mình

Sep 26, 2021 | By Bùi Bảo Trâm

Tiến trình lịch sử, những khuôn dạng và cấu trúc quyền lực của xã hội, tiếng nói cho dân di cư…luôn là những vấn đề khiến Sung Tiêu trăn trở, tranh luận và truy vấn chính mình. Như một cách tự truy bức giữa quá khứ – hiện tại, hư cấu – sự thật, lý trí – tinh thần, nghệ thuật của Sung Tiêu khiến người xem nhận ra chúng ta không ngừng khao khát bộc lộ bản thân nhưng đồng thời lại tránh né gốc gác, cội nguồn.

Nghệ sỹ Sung Tiêu. Nguồn: kaleidoscope.media

Sung Tiêu có mối quan tâm đối với chính trị, đặc biệt là về những tàn dư, hậu quả mà con người đã để lại sau cuộc chiến, cũng như hành trình xây dựng “giấc mơ” xã hội đương đại của loài người. Do những tác động của chiến tranh Việt Nam, Sung Tiêu (sinh năm 1987 tại Hải Dương) đã theo gia đình di cư tới Đức từ khi 5 tuổi và hiện đang sinh sống, làm việc tại đây. Là một thế hệ chịu ảnh hưởng bởi giai đoạn chuyển đổi hậu chính trị của Xô Viết và sự sụp đổ của bức tường Berlin (Đức) cuối thập niên 1980 – dù ít hay nhiều, điều này đã góp phần định hình mối quan tâm của cô.

Sung Tiêu cải biên lại tiến trình lịch sử bằng cách thường xuyên tranh luận, đặt câu hỏi tự vấn, cũng như dõi theo và tái xác định những chuyển động thay mình của các quốc gia, con người lẫn sự vật. Áp dụng phương pháp nghiên cứu thông qua cộng đồng di dân hoặc văn hóa tiêu thụ đầy tính “ăn liền” của chủ nghĩa tư bản, Sung Tiêu bày tỏ mối quan tâm của mình về những “vùng xám pháp lý”; tranh luận về sự phân chia tầng lớp xã hội, những vấn đề về di cư, tha hương và lưu vong của loài người. Thực hành của Sung Tiêu thường xoay quanh các tác phẩm thị giác, sắp đặt, thời trang, phim và điêu khắc với ngôn ngữ tối giản nhưng tổng hòa được nhiều chất liệu khác nhau.

Hình ảnh cắt ra từ phim “Moving Target Shadow Detection” ở góc quay nano-drone camera. Nguồn: Forma.org.uk

Các tác phẩm nghệ thuật của Sung Tiêu đã được triển lãm rộng rãi ở nhiều quốc gia như Anh, Đức, Mexico, Wales, Tây Ban Nha và Việt Nam. Đặc biệt, cô vừa nhận được giải thưởng Frieze Artist Award 2021 cho bộ phim “Moving Target Shadow Detection” (2021). Đây là giải thưởng thường niên dành cho nghệ sỹ ở khắp nơi trên thế giới, bắt đầu được tổ chức từ năm 2013 với những chủ đề khác nhau qua từng năm, điều hành và quản lý bởi Frieze – một công ty truyền thông có danh tiếng và thành công ở mảng văn hóa nghệ thuật (thành lập từ năm 1991 tại Anh). Ngoài hoạt động truyền thông, Frieze còn tổ chức bốn Hội chợ Nghệ thuật Đương đại có tầm ảnh hưởng quốc tế.

“Moving Target Shadow Detection” tái hiện chi tiết nội thất bên trong khách sạn Nacional de Cuba tại Havana (Cuba) – nơi được ghi nhận là địa điểm đầu tiên nghi ngờ bị tấn công bởi thiết bị đặc biệt phát ra xung năng lượng ở tần số vô tuyến, khiến con người mắc phải hội chứng bí ẩn Havana (được đặt tên theo khách sạn này).

Hội chứng này khiến người bệnh có những triệu chứng như buồn nôn, mất trí nhớ và chấn thương não. “Moving Target Shadow Detection” đã khám phá một khía cạnh tâm lý khác của chiến tranh bằng vũ khí âm thanh thông qua góc nhìn mới lạ: góc nhìn của một con muỗi. Bộ phim được quay bằng nano-drone camera, phân tích cấu trúc khách sạn để suy đoán về những phương pháp mà cuộc tấn công có thể đã diễn ra.

Ngoài bộ phim đạt giải thưởng nêu trên, để hiểu rõ hơn về cách suy xét giữa quá khứ – hiện tại, hư cấu – sự thật, lý trí – tinh thần mà nghệ sỹ Sung Tiêu luôn ám ảnh, mời bạn tham khảo số dự án/triển lãm nổi bật khác của Sung Tiêu.

Trời ơi (2014)

Hình ảnh từ dự án “Trời ơi” (2014). Nguồn: Sungtieu.com

“Trời ơi” là dự án Sung Tiêu hợp tác cùng Như Dương – một nhà thiết kế thời trang – vào năm 2014 khi Sung Tiêu vừa tốt nghiệp. Cô nhận ra tại một số trạm dừng dành cho phương tiện công cộng ở Berlin (Đức) có một lượng lớn người Việt buôn bán hoa tươi. Tuy nhiên, vì gian hàng của họ rất nhỏ nên những người Việt nhập cư này chỉ có thể bán cho người Việt khác hoặc người châu Á có thu nhập thấp. Vì vậy, những người bán hàng này rất ít khi có cơ hội để giao tiếp và gặp gỡ người Đức.

…từ việc mua áo và hoa, họ lại chuyển sang đặt câu hỏi cho những người chủ về sự xuất hiện của những cửa hàng…

Để người Đức có lý do tiến vào những cửa hàng chật chội mà họ chưa bao giờ để tâm, Sung Tiêu đã cùng với Như Dương thiết kế những chiếc áo và gợi ý các chủ cửa hàng bán chung với hoa như một cách thu hút sự tò mò. Điều này giúp tạo ra những sự đối thoại mới – khi từ việc mua áo và hoa, họ lại chuyển sang đặt câu hỏi cho những người chủ về sự xuất hiện của những cửa hàng này sau khi nước Đức thống nhất.

Hình ảnh từ dự án “Trời ơi” (2014). Nguồn: Sungtieu.com

Hình ảnh những người khách ghé thăm cửa hàng hoa từ dự án “Trời ơi” (2014). Nguồn: Sungtieu.com

Đối với nghệ sỹ Sung Tiêu, cô xem những tiệm hoa này là “tàn tích” còn sót lại của nền kinh tế phi chính thức từng phát triển mạnh mẽ bởi dân nhập cư, trong đó có cộng đồng nhập cư người Việt. Người Việt đã từng được đến đây làm việc theo hợp đồng lao động; tuy nhiên sau khi nước Đức thống nhất, rất nhiều người mất việc làm và bị bỏ rơi trong “vùng xám pháp lý” của hợp đồng, khiến họ không thể quay về hay ở lại. Nhiều người không thể xin được giấy phép lao động nên đã tự mở các cơ sở kinh doanh riêng như sạp hoa hay tiệm làm móng với số vốn ít ỏi – biến những nơi này thành một phần của nền kinh tế không chính thức tại Đức.

Hình ảnh một mẫu áo từ dự án “Trời ơi” (2014). Nguồn: Sungtieu.com

Tuy nhiên, sau khi châu Âu rộ lên các làn sóng kỳ thị trong những năm 201x, dân nhập cư đã phải đối mặt với việc mất đi nguồn thu nhập và rất khó để có những nguồn thu nhập mới thay thế. Vì vậy, nghệ sỹ Sung Tiêu đã thực hiện dự án này nhằm thay đổi một số góc nhìn tiêu cực về dân nhập cư thông qua những cuộc đối thoại thân mật. Dù “Trời ơi” là một dự án nhỏ nhưng đã để lại những thay đổi tích cực đối với cuộc sống của một số chủ tiệm hoa.

Emotion Refuge (2015)

Hình ảnh từ triển lãm “Emotion Refuge” (2015). Nguồn: Sungtieu.com

“Emotion Refuge” (tạm dịch: Chốn tị nạn động lòng) được nghệ sỹ Sung Tiêu thực hiện năm 2015, triển lãm đầu tiên ở Hội chợ Nghệ thuật Foire Internationale d’Art Contemporain (FIAC) tại Pháp và sau đó là triển lãm cá nhân tại Micky Schubert gallery, Berlin (Đức). Ý tưởng chính của triển lãm này xoay quanh sự di cư và những con đường khác nhau mà người nhập cư đã chọn để đi tới được quốc gia mà họ tị nạn.

Chúng ta liên tục bộc lộ bản thân nhưng cũng tránh né những thứ khiến ta xấu hổ, thậm chí giấu mình đi khỏi gốc gác, nguồn cội

Trong bài phỏng vấn cùng Post Vidai [*], nghệ sỹ Sung Tiêu chia sẻ “Emotion Refuge” là một dụng ý để thấy đây là “hai từ tách biệt nhưng lại đi cùng nhau”. “Emotion Refuge” là một triển lãm chất vấn tình cảnh chung của tất cả mọi người, vượt ra khỏi bối cảnh khủng hoảng cụ thể tại thời điểm dấy lên sự thù hằn dành cho người nhập cư châu Âu mà cô thực hiện trong những năm 2014-2017.

Hình ảnh từ triển lãm “Emotion Refuge” (2015). Nguồn: Sungtieu.com

Loại vải dùng cho tác phẩm xuất phát từ Indonesia. Người Trung Quốc sử dụng loại vải này để may “túi dành cho dân di cư” (migrant bag) vì đặc biệt rẻ và bền. Sung Tiêu đã tiến hành nghiên cứu thêm và nhận ra rằng, dù có nhiều nguồn gốc và chất liệu nhưng có rất nhiều quốc gia đặt tên riêng cho những cái “túi dành cho dân di cư”. Ở Đức, “túi dành cho dân di cư” được gọi là Turkenkoffer (vali của người Thổ). Ở Anh, nó được gọi là Bangladeshi Bag (túi của người Bangladesh). Người Nigeria thì gọi chúng là “Ghana must go bag” (Người Ghana phải cuốn gói) bởi vì người Nigeria từng trục xuất người Ghana khi họ gặp khủng hoảng kinh tế.

Và đó là lí do vì sao cô xem đây là một câu chuyện chung chứ không còn dừng lại ở những bối cảnh, quốc gia nhất định.

Hình ảnh từ triển lãm “Emotion Refuge” (2015). Nguồn: Sungtieu.com

Vì vậy, cái túi đó đối với tôi như một biểu tượng của phong trào di cư diễn ra trên toàn cầu”, Sung Tiêu phát biểu trong bài phỏng vấn với Post Vidai tại The Factory Contemporary Arts Centre (Việt Nam).

Tác phẩm được đặt trong một không gian đặc biệt bao quanh bởi các tấm gương, khiến người xem suy ngẫm lại vấn đề về danh tính và sự thật liệu có “trọn vẹn” qua cái nhìn chủ quan cá nhân. Ở mỗi góc độ khác nhau, tấm gương khiến tác phẩm thay đổi và người xem không bao giờ có được góc nhìn toàn diện.

Chúng ta liên tục bộc lộ bản thân nhưng cũng tránh né những thứ khiến ta xấu hổ, thậm chí giấu mình đi khỏi gốc gác, nguồn cội”, nghệ sỹ Sung Tiêu chia sẻ thêm về ý nghĩa của tác phẩm.

Coral Sea as Rolling Thunder (2017)

“Coral Sea as Rolling Thunder” là một trong những triển lãm đầu tiên nghệ sỹ Sung Tiêu làm việc với chất liệu video, thực hiện vào năm 2017. “Coral sea” là tên một loại tàu sân bay được Mỹ sử dụng chủ yếu trong thập niên 60 tại Việt Nam. “Rolling Thunder” (tạm dịch: Chiến dịch Sấm rền, hay còn được gọi là Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất) là chiến dịch đánh bom liên hoàn nhằm ngăn cản và phá hoại chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam trong bốn năm (1965 – 1968). Sung Tiêu chia sẻ: “Có một chất thơ rất kì lạ trong cái cách mà các chiến dịch này được đặt tên nhưng mặt khác đó là những chiến dịch tàn phá rất ác liệt”.

Hình ảnh từ triển lãm “Coral Sea as Rolling Thunder” (2017). Nguồn: Sungtieu.com

Triển lãm xoay quanh sự tàn phá có tính liên hệ giữa chất độc chiến tranh trong quá khứ tại châu Á (chất độc màu da cam) và chất độc đương đại (quá trình tẩy trắng da bằng axit và hình ảnh sinh vật biển chết hàng loạt do nhiễm độc trong sự kiện Formosa tại Việt Nam), từ đó nói về những giải pháp “tạm bợ” mà loài người đang thực hiện để xây dựng xã hội hiện đại. “Coral Sea as Rolling Thunder” được chọn là một trong những triển lãm nổi bật tại Art Basel Statement năm 2017.

Trong đó, đoạn phim “Memory Dispute” (tạm dịch: Tranh chấp Kí ức) đặc biệt đối mặt với chủ đề trên: mối quan hệ giữa chất độc màu da cam sử dụng cho cuộc chiến khốc liệt trong quá khứ, và góc nhìn hoán đổi về các loại hình kinh tế đang phổ biến việc sử dụng những chất độc hại khác ngày hôm nay.

Hình ảnh từ triển lãm “Coral Sea as Rolling Thunder” (2017). Nguồn: Sungtieu.com

Xem thêm đoạn phim tại: sungtieu/coral-sea-as-rolling-thunder

Sung Tiêu chia sẻ trong cuộc phỏng vấn cùng Post Vidai về phân đoạn tẩy trắng da như sau: “Tôi đã quay video quá trình làm trắng da tại Sài Gòn. Quá trình làm trắng này hoạt động theo nguyên lí phủ axit lên cơ thể rồi để thấm trong 8 tiếng. Sau đó, người sử dụng có thể lột cả lớp da mỏng bên ngoài để lộ ra một lớp da trắng hơn ở dưới. Quả thật, tôi cảm thấy ấn tượng với sự liều mạng đó, để rồi chất vấn lại một cách ẩn dụ về việc chúng ta cư xử như thế nào với môi trường”.

Hình ảnh từ triển lãm “Coral Sea as Rolling Thunder” (2017). Nguồn: Sungtieu.com

Một phân đoạn khác của “Tranh chấp ký ức” được quay tại dãy núi Bạch Mã – vùng từng đánh phá bởi bom napalm của Mỹ. Theo Sung Tiêu, có điều gì đó luôn ám ảnh tại nơi đây. Và khi sự kiện Formosa xảy ra, mối liên hệ giữa rừng và biển càng được nhắc lại (Bạch Mã chỉ cách biển một giờ đồng hồ) vì đó là hình thức khác mà các chất hóa học lại ảnh hưởng đến môi trường ở Việt Nam. Trong triển lãm “Coral Sea as Rolling Thunder” còn sắp đặt các tác phẩm nhiếp ảnh được nghệ sỹ Sung Tiêu chụp lại bằng máy ảnh phim. Đây là hình ảnh những con cá trong vùng nước ô nhiễm buộc phải thích nghi với môi trường độc hại này.

Có một chất thơ rất kì lạ trong cái cách mà các chiến dịch này được đặt tên…

Khi đó là năm 2016, những ngư dân ngay ở phía trước Bạch Mã, ở phía biển Lăng Cô và phía bắc Lăng Cô đều bị ảnh hưởng bởi các chất độc hại. Lúc đó tôi đã chụp lại những con cá này bằng máy ảnh phim. Tôi cảm thấy có lẽ những con cá này đã phải tự thích nghi với vùng nước ô nhiễm như những ngư dân nơi đây.

Hình ảnh từ triển lãm “Coral Sea as Rolling Thunder” (2017). Nguồn: Sungtieu.com

Đoạn phim được sắp đặt trên khung nhôm do Sung Tiêu thiết kế. Cô suy ngẫm về những cấu trúc xây dựng và đưa ra mối liên hệ với cách mà loài người đang “xây dựng xã hội hiện đại”. Theo nghệ sỹ Sung Tiêu, nhôm đại diện cho sự xây dựng cấp tốc với những đặc tính nhanh và nhẹ; tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc không thể tồn tại được lâu dài. Việc cô sử dụng nhôm để làm cấu trúc nâng đỡ cho tác phẩm của mình đưa ra những hoài nghi về sự hữu dụng trong hiện tại nhưng thiếu đi tính lâu dài trong các chiến lược phát triển bền vững.

Song for Unattended Items (2018)

“Song for Unattended Items” (tạm dịch: Thanh âm của vật không người sở hữu) lấy cảm hứng từ đoạn âm thanh “Ghost Tape No. 10” (Cuốn băng Ma số 10), được người Mỹ tạo ra trong chiến dịch OWS (Operation Wandering Soul hay “Chiến dịch những oan hồn vất vưởng”) nhằm làm sa sút tinh thần của quân đội Việt Nam trong thập niên 60. Đây là một triển lãm sắp đặt về âm thanh được thực hiện tại Anh, chất vấn về mối quan hệ giữa bản chất âm thanh với trí tưởng tượng, sự thao túng tâm lý và những sang chấn sau chiến tranh.

…”Cuốn băng Ma số 10 ” đã từng được những người lính Mỹ để trong ba lô và phát loa đi khắp rừng.

“Ghost Tape No. 10” được thực hiện bởi tiểu đoàn PSYOPS – một tiểu đoàn đặc biệt chuyên nghiên cứu những chiến thuật khủng bố tâm lý để sử dụng nó làm vũ khí trong chiến tranh. Lợi dụng tín ngưỡng người Việt tin rằng người chết nếu không được chôn cất tử tế thì oan hồn sẽ vất vưởng trên trần thế và tìm về báo oán, tiểu đoàn này đã thuê những diễn viên để thực hiện những đoạn ghi âm khóc lóc, van xin của những oan hồn; trong đó còn có tiếng của người lính gọi vợ và con từ nơi mình chết. Ngoài ra, tiểu đoàn này còn ghi âm những âm thanh mà họ cho là đáng sợ trong các khu rừng để đưa vào cuộn băng.

Hình ảnh từ triển lãm “Song for Unattended Items” (2018). Nguồn: Sungtieu.com

Hình ảnh từ triển lãm “Song for Unattended Items (2018)”. Nguồn: Sungtieu.com

Sung Tiêu đã rất ấn tượng những âm thanh tưởng chừng như đơn giản (âm thanh trong rừng) và niềm tin tâm linh bị vũ khí hóa, trở thành công cụ gây ra nỗi sợ hãi và tấn công tinh thần. 12 đoạn âm thanh khác nhau đặt trong những chiếc túi riêng biệt do bạn cô quyên góp cho triển lãm. Những chiếc túi sắp đặt có âm thanh lấy cảm hứng từ việc “Cuốn băng Ma số 10 ” đã từng được những người lính Mỹ để trong ba lô và phát loa đi khắp rừng. Ngoài ra, những chiếc túi này còn hưởng ứng một hiện tượng mà Sung Tiêu quan sát thấy tại London – khi những chiếc túi dù có vẻ như vô chủ nhưng vẫn luôn có người xung quanh quan sát âm thầm.

Hình ảnh từ triển lãm “Song for Unattended Items (2018). Nguồn: Sungtieu.com

Nghe các đoạn âm thanh được kết hợp tại: sungtieu/song-for-unattended-items

Tôi bị cuốn hút bởi cách âm thanh vô hại có thể kích hoạt ký ức về chấn thương của các cựu chiến binh mắc PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn), vì vậy tôi kết hợp các âm thanh nhẹ nhàng, chẳng hạn như ghi âm tiếng dế trong công viên, âm thanh của pháo hoa và máy bay trực thăng, sau đó trộn lẫn với tiếng ồn, tiếng gỗ cháy. Những âm thanh này khi đi cùng nhau cuối cùng lại gợi lên sự nguy hiểm và hỗn loạn”, nghệ sỹ Sung Tiêu chia sẻ.

Chú thích

[*] Post Vidai: một đơn vị sưu tập, sản xuất các ấn phẩm và triển lãm, tập trung vào sự phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam, ra đời từ năm 1994


 
Back to top