ART & CULTURE

Nghệ thuật xung đột: 4 bức họa nổi tiếng của Richter, Baselitz, Vieira da Silva và Ghenie

Feb 12, 2020 | By Trang Ps

Một loạt tác phẩm trong phiên đấu giá Contemporary Art Evening Auction diễn ra vào đêm 11/02 này tại London thể hiện chủ đề chiến tranh theo những cách rất riêng. Ở đây, chúng tôi giới thiệu bốn bức họa lột tả đa góc cạnh của tội ác chiến tranh, cùng với đó là sự phức tạp trong xung đột thể hiện tiềm năng riêng của mỗi nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Adrian Ghenie với bức họa The Arrival

Adrian Ghenie, The Arrival

Bức họa The Arrival đạt mức giá ước tính 2,5 đến 3,5 triệu bảng Anh

Người ta thường nói rằng mỗi nghệ sĩ sở hữu tài hoa đặc biệt để lột tả thế giới xung quanh họ, và điều này đã được chứng minh rõ trong tác phẩm của Adrian Ghenie. Sử dụng nguồn tư liệu phong phú từ báo chí và truyền hình, các tác phẩm nghệ thuật và nghiên cứu khoa học nổi tiếng, ông đào sâu các khoảnh khắc và con người trong lịch sử văn hóa nhân loại. Những bức tranh của ông cũng thường tham khảo nhiều tác phẩm và nhà thực hành quan trọng trong lịch sử nghệ thuật, đồng thời là các sự kiện đã định hình bối cảnh chính trị và xã hội Âu châu.

Bức họa The Arrival (Sự xuất hiện) mở ra viễn cảnh hư cấu, nơi bác sĩ Đức Quốc xã Josef Mengele, còn được biết đến với tên gọi “Thiên sứ tử thần” khi thực hiện vai trò lựa chọn những nạn nhân để tiêu diệt tại các phòng hơi ngạt và thực hiện các thí nghiệm trên người lên các tù nhân ở trại tập trung Auschwitz trong chiến tranh thế giới thứ hai. Ông bước đi giữa rừng cây xanh kỳ lạ trong chiếc áo khoác lông nặng nề, chiếc mũ nơ và tay xách một chiếc vali màu vàng nổi bật. Kỹ thuật đa lớp này thường được nhiều nghệ sĩ sử dụng.

Ghenie đã lột tả chân thật đặc trưng nét biểu cảm trên khuôn mặt và cảnh sắc. Mặc dù bị che khuất bởi lớp sơn dày không ổn định, người xem vẫn có thể tưởng tượng bên dưới những dấu ấn này, khuôn mặt nhân vật được thể hiện với độ chính xác bậc thầy như cách truyền thống mà Lucian Freud, Edvard Munch và Francis Bacon đã từng làm.

Trong cuộc trò chuyện cùng Michael Peppiatt, Adrian chia sẻ: “Tôi đang tìm kiếm sự phân mảnh bề mặt. Luôn tồn tại một sự rung động mạnh mẽ bên trong, hay sự phân mảnh. Đối với tôi, thực tế, mọi đối tượng bạn nhìn vào đều sở hữu tính chất này. Không có bất cứ thứ gì đơn giản là một màu phẳng lặng. Da người, gỗ,… tất cả mọi thứ.” Nhân vật bác sĩ Mengele đã được tái diễn trong một số bức họa của Ghenie. Sự hiện diện của ông ta đã mang đến nhiều phương tiện để thăm dò đa thái cực nham hiểm trong bản chất con người.

Nghệ sĩ Georg Baselitz với bức họa Ohne Titel (Held) (Untitled (Hero)

sau chiến tranh-2.jpg

Bức họa Ohne Titel (Held) (Untitled (Hero) đạt giá ước tính 450.000 đến 650.000 bảng Anh

Cũng thu hút người thưởng lãm bởi nhân vật trung tâm, tác phẩm hội họa Ohne Titel (Held) (Untitled (Hero) của nghệ sĩ Georg Baselitz được thực hiện vào năm 1965 từ series Heroes (Những anh hùng), hồi tưởng chân dung lịch sử của bao người lính kiệt sức vì chiến đấu và khập khiễng trở về từ tiền tuyến xa xôi.

Mặc dù ra đời khoảng 20 năm sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, tác phẩm vẫn nghiễm nhiên được trưng bày cạnh bản vẽ của Goya và Van Gogh vì cường độ nét phác thảo và câu chuyện thú vị được lột tả. Được vẽ bằng bút chì và than củi, tác phẩm này có quy mô sâu sắc trên giấy, gói gọn tính trực quan của bản phác thảo Baselitz và phô diễn tinh thần tốc ký mạnh mẽ của series nói chung.

Sinh năm 1938 và tròn 7 tuổi vào cuối chiến tranh thế giới thứ hai, Baselitz nổi tiếng với phần quá khứ lớn lên trong cảnh tan hoang và bạo loạn: “Tôi sinh ra trong bối cảnh thế giới bị phá hủy trầm trọng. Nước Đức bị đánh bại và tàn phá khốc liệt trong thế chiến thứ hai, người dân chìm trong nỗi thống khổ hơn nữa khi quốc gia bị chia cắt thành hai: Đông Đức và Tây Đức. Bức tranh trên là nguyên mẫu của những người sống sót trở về. Những kẻ lang thang cô độc trong bộ đồng phục rách nát đã phơi bày sự tàn ác của chiến tranh, thể hiện qua bao vết thương cắt xén chưa kịp lành.

Nghệ sĩ Gerhard Richter với bức họa Stadtbild Sa (Townscape Sa)

Gerhard Richter, Stadtbild Sa (Townscape Sa)

Bức họa Stadtbild Sa (Townscape Sa) đạt giá ước tính 1,8 đến 2,5 triệu bảng Anh

Chuyển từ hình dạng con người sang bối cảnh xung đột, Gerhard Richter đã sử dụng những bức ảnh chụp từ trên không trong quá trình xây dựng lại thành phố Đức sau chiến tranh để làm tư liệu cho tác phẩm Stadtbild Sa (Townscape Sa), cũng như series Stadtbilder của ông. Bức họa phần nào đó đánh dấu mốc khởi đầu quan trọng khi khai thác chủ đề mờ ảo của Richter, biến Stadibilder đứng trên đỉnh cao của vẻ đẹp trừu tượng và hình tượng. Bàn luận về tính trung lập này, Richter giải thích rằng những bức tranh dự định là sự bác bỏ nội dung thú vị mang tính ảo giác. Đốm sơn với các họa tiết trong bức vẽ không cần đến lời giải thích cụ thể nào.

Sự tàn phá nặng nề của Dresden trong cuộc đánh bom đã đè nặng lên tâm lý của cư dân tại đó, và là một người con của thị trấn, Richter đã nhiều lần đề cập đến chấn thương tập thể này trong loạt tác phẩm của ông. Vào những năm 1960 ở Đức, một phần năng lượng và công sức đáng kể đã được huy động nhằm tái xây dựng đất nước và xóa dấu vết chiến tranh. Dẫu vậy, ký ức về sự đè nén và mất mát vẫn âm ỉ trong ký ức tập thể.

Giám tuyển Tate Mark Godfrey đã giải thích: Nhìn vào bức họa này, ta thấy một chuỗi đảo ngược phi thường diễn ra trong các cảnh quan. Richter bắt đầu với những bức hình chụp từ trên không nhằm ghi lại quá trình xây dựng thành phố sau chiến tranh, tôn vinh thành tựu của bao kiến trúc sư, nhà quy hoạch thị trấn và người lao động,… trong lĩnh vực tưởng tượng của hội họa.

Nghệ sĩ Maria Helena Vieira da Silva với bức họa L’Incendie II ou le Feu

post-war-3.jpg

Bức họa L’Incendie II ou le Feu (The Burning II or The Fire) đạt giá ước tính 1,2 đến 1,8 triệu bảng Anh

Được thực hiện vào năm 1944 – đỉnh cao của thế chiến thứ hai, tác phẩm  L’Incendie II ou le Feu (The Burning II or The Fire) được đánh giá là một trong những bức quan trọng nhất trong sự nghiệp Maria Helena Vieira da Silva, đại diện cho cái nhìn bất ổn và hỗn loạn về thế giới khi đối mặt với cuộc xung đột vô cùng khốc liệt.

Thoạt đầu, bức họa có vẻ mang phong cách bán trừu tượng, nhưng khi kiểm tra kỹ hơn, người thưởng lãm sẽ dễ dàng nhận ra các hình vẽ bao gồm tòa nhà bị nhấn chìm và tràn ngập trong ngọn lửa giận dữ. Khi đến Paris vào năm 1908 khi còn là nữ sinh 19 tuổi, Vieira đã có cơ hội tiếp xúc với các tác phẩm của danh học Picasso và Cezanne, và tại đây, bà bắt đầu tiếp thu những ảnh hưởng của trường phái lập thể (cubism) và chủ nghĩa vị lai (futurism), từ đó tạo ra điểm nhấn khác biệt cho con đường hội họa của mình.

Bức tranh ra đời trong thời gian Vieira da Silva bị lưu đày ở Rio de Janeiro, nơi bà trốn đi vào năm 1940 cùng người chồng, đồng thời là họa sĩ người Do Thái Árpád Szenes, để thoát khỏi cuộc đàn áp của Đức Quốc xã và chỉ trở về Paris vào năm 1947. Trong thời gian này, Vieira sáng tác một số bức tranh mà ba trong số đó được thực hiện vào năm 1944. Tối tăm, ám ảnh và đậm dấu ấn nội tâm, các tác phẩm này đã trở thành cuốn nhật ký trực quan mà qua đó người họa sĩ có thể phản ánh trọn vẹn cuộc chiến tranh đang tàn phá Âu châu nặng nề, đồng thời là tâm trạng hỗn loạn của người phụ nữ nhạy cảm như bà.

Nữ nghệ sĩ Vieira da Silva.

Trong tác phẩm này, cũng như trong các bức họa của Ghenie và Richter, gần như mỗi mi-li-mét đều được phủ sơn, thách thức tầm nhìn của người thưởng lãm trên bề mặt. Có những yếu tố tích cực trong sự hỗn loạn thuần túy, bao gồm sự ấn tượng lâu dài về tính khủng khiếp của chiến tranh, ngột ngạt và giàu xúc cảm.

Có rất ít nữ nghệ sĩ được công nhận tại thời điểm tác phẩm này sinh ra. Chính hiện tượng đó đã gia tăng quan điểm phản biện đối với vấn đề: Họa sĩ chiến tranh luôn là nam giới, và những bức tranh lịch sử nổi tiếng và vĩ đại luôn do đàn ông ủy thác và thực hiện. Tuy nhiên, tầm quan trọng của bức tranh này không nằm ở đề tài giới tính mà ở khả năng thăm dò tất cả các khía cạnh của tình trạng con người.

Theo Sotheby’s

 


 
Back to top