Những người đàn ông Rei yêu
Nếu xem cuộc đời là một vở kịch và mỗi người được tự do lựa chọn vai cho riêng mình, thì thời trang vừa là sân khấu, vừa là vai diễn lớn nhất của Rei Kawakubo.
1. Người làm việc trong tu viện
Kawakubo, ở tuổi 79, vẫn đang là chủ sở hữu duy nhất của thương hiệu thời trang cao cấp Comme des Garçons và Dover Street Market, với hàng trăm cửa hàng nhượng quyền trên khắp thế giới. Mặc dù là tượng đài với thu nhập hàng trăm triệu USD mỗi năm, nhà thiết kế vẫn chỉ thích đi lại bằng xe Mitsubishi 1970 cổ điển, ở trong căn hộ yên tĩnh ít người biết, và sáng tạo trong căn phòng mà theo cây bút người Anh Deyan Sudjic, giống như “tu viện hơn phòng làm việc”.
Ngay từ ngày đầu sự nghiệp, Kawakubo đã thẳng thừng tuyên bố cách duy nhất để hiểu bà là “thông qua quần áo của tôi”. Những cuộc nói chuyện dù dưới bất kỳ hình thức nào, đều không phải sở trường của bà. Kawakuho từng ngạc nhiên hỏi cây bút Judith Thurman (The New Yorker): “Thực sự có những người muốn giải thích bản thân họ sao?”
Dưới những thiết kế phản thời trang, quần áo của Kawakuho kể rất nhiều câu chuyện về tình yêu, sự chối bỏ, sự hủy hoại, chiến tranh,… Bản thân tên thương hiệu đình đám Comme des Garçons, cũng bắt nguồn từ một câu hỏi mà bà luôn đau đáu: “Khi nào thì tình yêu đến với mình?”
2. Cuộc gặp gỡ giữa những tâm hồn đồng điệu
Câu trả lời là vào năm 30 tuổi, bà rơi vào lưới tình với một nhà thiết kế avant-garde đồng hương, Yohji Yamamoto. Có điều gì đó toát ra từ khí chất của hai người khi họ sánh bước bên nhau, như một cặp đôi vừa tay trong tay bước ra từ tòa thánh đường, cùng chia quyền nhiếp chính một triều đại thời trang mới đang đến của Nhật Bản. Yamamoto sở hữu nhiều điểm tương đồng với Kawakubo. Họ là cựu sinh viên của Đại học Keio. Họ lớn lên với những người mẹ đơn thân mạnh mẽ. Cũng giống như Kawakubo, Yamamoto là một nhân vật bất thường trong thế giới thời trang. Ông là người ra mắt bộ sưu tập thời trang đầu tiên tại Paris cùng năm với bà, là người hiểu những nguồn cảm hứng và cùng bà thăng hoa trong sáng tạo. Tên của họ luôn xuất hiện cạnh nhau khi người ta đề cập đến một trường phái thiết kế đang thách thức các quy chuẩn thời trang phương Tây. Giữa Kawakubo và Yamamoto tồn tại sự đồng ngưỡng mộ sâu sắc.
Tuy nhiên, chính sự nổi loạn và khác biệt khiến họ nổi bật trong thời trang lại là con dao hai lưỡi trong mối quan hệ của họ. Hai người khó lòng đồng hành mà không bị tổn thương bởi những góc cạnh quá sắc bén của nhau. Irène Silvagni, một cựu phóng viên thời trang và là bạn của Yamamoto, cho biết: “Rei và Yohji có sự cạnh tranh rất lớn. Mặc dù cả hai đều là những người thích phá vỡ nguyên tắc và Kawakubo sẽ không phản đối quan điểm ‘hoàn hảo là kẻ thù thời trang’ của Yamamoto, họ chưa bao giờ hợp tác trong bất kỳ bộ sưu tập nào.” Trong nhiều năm, họ ở cạnh nhau như tri kỷ.
Nhưng điều gì phải xảy ra cũng đã xảy ra. Những quy tắc rời rạc của Yamamoto về chủ nghĩa hiện sinh liên quan đến rượu, cờ bạc, chứng mất ngủ và phụ nữ đã vô tình trở thành gông cùm với tinh thần tự do của Kawakubo. Và họ chia tay. Ở tuổi 50, với một trái tim tan vỡ, sức sáng tạo của Kawakubo trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hàng loạt tác phẩm mới ra đời: bộ sưu tập “Destroy” gây tranh cãi (1982), nhiều cửa hàng Comme des Garçons mới khắp thế giới, ấn phẩm lớn về thời trang và nghệ thuật Six,…
3. Chú chim gãy cánh cần người bảo vệ
Khi mọi thứ dần nguôi ngoai, tình yêu lần nữa tìm đến với Kawakubo dưới cái tên Adrian Joffe. Ông nhỏ hơn bà 10 tuổi, là một người gốc Nam Phi nhưng đem lòng say mê văn hóa Nhật Bản và tôn thờ trường phái thời trang của Kawakubo. Năm 1987, ông tiếp quản vị trí quản lý tập đoàn Comme des Garçons. Năm 1992, họ cưới nhau.
Joffe tiếp tục làm việc tại trụ sở công ty ở Paris trong khi Kawakubo quay về Tokyo. Họ gặp nhau ít nhất một tháng một lần và trong những sự kiện biểu diễn. Giai đoạn này chứng kiến nhiều sự chuyển giao đặc biệt trong thiết kế của Kawakubo. Màu đen làm nên thương hiệu dần được thay thế bằng bảng màu tươi sáng, hoa văn rực rỡ. Kawakubo cũng thử nghiệm nhiều vật liệu trước đây bà từng ghét cay ghét đắng: vải voan nhiều lớp, vải dệt kim, áo cổ lọ, nón hình chóp hay mạng che mặt,… Năm 1997, bộ sưu tập Dress Meets Body của bà lại khiến người hâm mộ xôn xao. Năm 2017, bà trở thành nhà thiết kế thứ hai sau Yves Saint Laurent có triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan khi vẫn còn tại thế.
Trong suốt quá trình đó, Joffe không chỉ đóng vai trò là CEO kiêm Chủ tịch Comme des Garçons toàn cầu, mà còn là chồng, là người phiên dịch, người bảo vệ, người trấn an và là cầu nối giữa Kawakubo và thế giới. Joffe luôn biết cách kiên nhẫn với tâm trạng của vợ; ông tạo ra đủ khoảng trống để Kawakubo có thể mặc sức sáng tạo trong điên loạn mà từ ngoài nhìn vào, người ta vẫn tưởng bà đang ở trong một tòa lâu đài bình yên. Joffe là người đứng cạnh Kawakubo trong cánh gà mỗi buổi biểu diễn, là người chuyển lời của Kawakubo đến cánh nhà báo đang sôi sục, và là người tranh cãi với các nhà bán lẻ để đưa trang phục của bà ra thị trường.
4. Tình yêu thực sự
Thời trang là vỏ bọc, hay thời trang là con người thật sự?
Tình yêu là chất xúc tác, hay tình yêu là hàng rào bảo vệ?
Rốt cuộc thì, đâu là mộng ảo bọt bóng, và đâu mới là câu chuyện tình của cuộc đời Rei Kawakubo?
Nhưng rõ ràng, với Rei Kawakubo, không ai và không điều gì là đủ. Thế giới của bà tồn tại quá nhiều sự đối lập, đòi hỏi bà phải luôn tạo mới và bỏ đi cùng một lúc. Bà thường sẽ quên ngay tác phẩm khi vừa hoàn thành. Và bà ghét những ai nhắc lại quá khứ.
Mối quan hệ với Yamamoto cũng nằm trong quỹ đạo đó. Sự đồng điệu đầy phức tạp khiến bà say mê, rốt cuộc vẫn trở thành thứ bà không muốn níu giữ. Yohji có thể cho bà cảm hứng sáng tạo, nhưng ông vẫn không thể bỏ đi một phần khuôn phép từ dòng máu Nhật Bản. Trong khi tính cách Kawakubo vốn vừa muốn giữ lại truyền thống, vừa luôn khao khát phá vỡ. Hai người họ hút nhau như nam châm trái dấu, nhưng lại không thể nằm im khi được đặt cùng chiều. Giống như cách mẹ bỏ cha bà để đi theo ước mơ, Kawakubo cũng quyết định dứt khỏi người tình để giữ lấy bản ngã, mặc dù cuộc chia ly ấy khiến bà đau đớn chẳng khác nào vứt bỏ một phần da thịt mình.
Cuộc hôn nhân với Joffe lại là câu chuyện khác. Joffe đến từ một đất nước xa lạ, nhưng ông yêu và chấp nhận Kawakubo như chính con người bà. Mặc dù Joffe không thể là nguồn cảm hứng sáng tác cho Kawakubo, cũng không thể hiểu hết những gì bà trải nghiệm, nhưng hơn ai hết, Joffe biết vợ mình cần gì và sẵn sàng vạch ranh giới để bản thân không xâm phạm vào chúng. Tình yêu của ông mang tinh thần của một người bảo vệ hơn là người đồng hành. “Kawakubo sẽ cư xử nhã nhặn với tôi nếu tôi biết cách lịch sự và cẩn thận trong cuộc nói chuyện. Điều đó không khác là bao so với một nghi lễ trà đạo, một phức cảm tinh tế được kéo căng.” Kawakubo có thể táo bạo và gây sốc khi bước vào thời trang, nhưng bước ra khỏi đó, bà ngay lập tức như “chú chim sẻ gãy cánh” (Judith Thurman, The New Yorker). Joffe có thể không phải là tri kỷ, nhưng ông chính là mục sư tận tụy nhất với thánh đường mang tên Rei Kawakubo.
Nhưng cuối cùng vẫn là câu hỏi dành cho nhà thiết kế vĩ đại: Giữa Yamamoto – một người có thể giao tiếp với bà bằng những rung động sâu xa nhất của tâm hồn, và Joffe – một người tự nguyện vạch ra ranh giới và xả thân để bảo vệ ranh giới đó, ai mới là người Kawakubo yêu?
Câu trả lời có lẽ… cả Yamamoto và Joffe đều không phải.
Mà cuộc tình đầu tiên, duy nhất và mãi mãi của Kawakubo chính là sân khấu và vai diễn mà bà đã chọn ngay từ đầu, là thế giới riêng mà người đời mãi mãi không thể đặt chân tới.
Là cuộc đối thoại bất tận của bà với thời trang.