Nghệ thuật / Nghệ sĩ

“Nếu Wowy là một tác phẩm, Tuấn Andrew Nguyễn là một nghệ sĩ, thì tôi chính là tác phẩm đương đại do anh phát triển”

Apr 21, 2021 | By Trang Ps

Tuấn Andrew Nguyễn là nghệ sĩ đa phương tiện có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất phim và truyền thông.  Với quá trình nghiên cứu nghiêm túc về văn hóa và xã hội, anh đã nhiều lần hợp tác cùng học trò Wowy – rapper đình đám tại Việt Nam hiện nay, để cho ra đời những dự án nghệ thuật đương đại giàu tính phản biện, dấy lên những mối quan ngại và trăn trở sâu sắc về các vấn đề, thực trạng đáng báo động tại Việt Nam nói riêng và trên trái đất nói chung.

Sinh năm 1976 tại Sài Gòn, thực hành nghệ thuật của Tuấn Andrew Nguyễn khám phá những chiến lược đối kháng chính trị, nghiên cứu và tái tạo những câu chuyện lịch sử và siêu nhiên là một phần thiết yếu trong các tác phẩm video và điêu khắc của anh, nơi thực tại và hư cấu cùng giữ vai trò quan trọng. Nam nghệ sĩ nhận bằng cử nhân nghệ thuật của Đại học California, Irvine vào năm 1999, sau đó 5 năm là thạc sĩ nghệ thuật tại Viện Nghệ thuật California. Trong suốt ba thập niên hoạt động sáng tạo, anh đã nhận nhiều giải thưởng quan trọng như Art Matters (2010), giải phim hay nhất tại VietFilmFest (2008) cho tác phẩm “The Island”. Nhiều tác phẩm của Tuấn Andrew Nguyễn đã được trưng bày tại các triển lãm quốc tế như Pacific Triennial (2006), Whitney Biennial (2007) và Shariah Biennial (2019)…

Sinh năm 1988 cũng tại Sài Gòn, Wowy tiếp cận hip hop từ sớm và tham gia các hoạt động văn hóa đường phố khác nhau như breakdance, graffiti trước khi đến với rap. Những tác phẩm graffiti của anh từng triển lãm ở Việt Nam, Thượng Hải và Singapore… Khi bắt đầu tham gia nhóm SouthGanz vào năm 2006, Wowy trở thành một trong những rapper tiên phong ở miền Nam. Được mệnh danh là “lão đại” của làng Rap Việt, sự nghiệp của Wowy trong một thập niên nay thăng hoa hơn bao giờ hết, đặc biệt khi anh đóng vai trò huấn luyện viên tại chương trình Rap Việt 2020. Thế nhưng, cùng với người thầy Tuấn Andrew Nguyễn, Wowy dần ghi những dấu ấn cá nhân quan trọng trong việc theo đuổi nghệ thuật đương đại, từ thực hành điêu khắc đến vẽ… Mà như Tuấn Andrew Nguyễn nhận định: “Việc chuyển mình của Wowy là điều tất yếu!”

Cùng tuổi Thìn, cuộc gặp gỡ giữa thầy trò Tuấn Andrew Nguyễn – Wowy như mối duyên tiền định. Trong suốt 15 năm qua, họ đã kết hợp ăn ý với nhau thông qua nhiều dự án như triển lãm Quiet Shiny Words (2008) tại Galerie Quỳnh, MV Kẻ Tội Đồ, video My Ailing Beliefs Can Cure Your Wretched Desires,… Và tháng 4 năm 2021 này, họ sẽ trở lại trong một triển lãm mang tên “A Dream Of The End At The End Of A Dream” tại Galerie Quỳnh, thể hiện những trăn trở và nghiên cứu sâu sắc của thầy trò về môi trường trên trái đất.

Trước thềm triển lãm, Art Republik/LUXUO đã thực hiện một cuộc trò chuyện thân mật với Tuấn Andrew Nguyễn và Wowy để hiểu hơn về nhân duyên gặp gỡ-hợp tác, cũng như tư tưởng lẫn mối quan tâm chính yếu của thầy trò trong hành trình sáng tác nghệ thuật.

Hai anh có thể chia sẻ về cuộc gặp gỡ đầu tiên dẫn đến mối quan hệ thầy trò và những hợp tác ăn ý về sau này?

Tuấn Andrew Nguyễn: Năm 2004, tôi trở về Việt Nam làm một bộ phim điện ảnh. Sau dự án này, tôi quan sát thấy những tác phẩm graffiti xuất hiện rất nhiều ở các đường phố Sài Gòn. Hồi xưa, thời cấp 2 và cấp 3, graffiti cũng là thực hành nghệ thuật đầu tiên của tôi. Vì thế, tôi quyết định làm một bộ phim tài liệu về thế hệ đầu tiên vẽ graffiti tại đây.

Tôi khá tò mò khi thấy chữ ký Wowy “cực kỳ xấu” khắp mọi nơi (cười). Và trong một cuộc gặp với các bạn vẽ graffiti thì tôi hỏi Wowy là ai. Lúc đó, tôi mới biết Wowy vẫn đang là một học sinh cấp 3, vừa đi học về trong bộ đồng phục. Thời gian sau này, khi Wowy trở nên nổi tiếng, cộng đồng mạng bắt đầu lục lại clip ấy và biết đến thực hành nghệ thuật này của cậu. Cũng clip này, tôi có dịp lưu giữ hình ảnh Wowy lúc chưa bị bể tiếng (cười). Tôi còn nhớ, lúc ấy, cậu ấy chia sẻ rằng rồi mọi người sẽ biết cái tên Wowy ký trên tường ấy là ai, bỗng nhiên, nó trở thành bằng chứng cho con người hiện tại của chàng rapper trẻ tuổi.

Được biết, tiềm năng rap của Wowy được phát hiện một phần nhờ anh Tuấn?

Wowy: Khi thực hiện clip thế hệ đầu tiên vẽ graffiti ở Việt Nam, anh Tuấn mới bảo rằng cách chia sẻ của tôi có nhịp điệu và gợi ý tôi nên hát rap đi. Nhưng cách đây 16, 17 năm, rap còn mới bắt đầu phôi thai tại Việt Nam, với một số tên tuổi hiếm hoi đầu tiên như Tiến Đạt, vì thế tôi không biết hát rap là hát như thế nào.

Sau đó một năm, tôi có ý định theo học tại trường Sân khấu Điện ảnh. Trong một cuộc trò chuyện, anh Tuấn hỏi tôi: “Em vào đó làm gì?” Ý anh là tôi học ở đó để sau này làm cái gì, nhưng tôi không trả lời được, bởi bản thân chỉ đơn thuần mong muốn theo đuổi nghệ thuật. Thấy thế, anh bảo tôi đừng vô học nữa mà hãy qua làm thực tập sinh ở chỗ anh, anh chỉ cho nhiều thứ.  Cũng chính quyết định táo bạo ấy cùng những hướng dẫn quý giá của anh đã thay đổi hoàn toàn góc nhìn của tôi về thế giới nghệ thuật. Cũng thời gian này, anh Tuấn tạo một nhóm nghệ thuật, ban ngày làm về quảng cáo, tối về thì làm nghệ thuật. Lúc đó, có một nghệ sĩ chuyên sản xuất âm nhạc, vì thế, anh Tuấn đã kết hợp hai chúng tôi lại với nhau.

Nghệ sĩ Wowy.

Vào năm 2008, “Quiet Shiny Words” là triển lãm đầu tiên đánh dấu sự kết hợp giữa Tuấn Andrew Nguyễn và Wowy. Hai anh có thể chia sẻ thêm về dự án này?

Tuấn Andrew Nguyễn: Quiet Shiny Words là triển lãm đầu tiên tôi kết hợp với Wowy tại Galerie Quỳnh. Kể từ khi trở về Việt Nam, một quốc gia với 40% dân số dưới 30 tuổi thời bấy giờ, chúng tôi muốn làm nghệ thuật về văn hóa nhóm thanh niên Việt Nam.

Quiet Shiny Words bao gồm ba bộ tác phẩm. (1) Letters from Saigon to Saigon giới thiệu những bức ảnh lớn chụp lá thư viết tay của rapper Wowy đến rapper Mỹ mang tên Saigon.  Tác phẩm biếm họa lớn đầy xúc động thể hiện những khát vọng và tình cảm trân quý của Wowy dành cho Saigon, người đã cố tình lấy tên này để nhắc nhở mình về sự áp bức xã hội đối với người da đen tại Mỹ.

(2) Hip Hop History Sampling Hip Hop History: The Red Remix là một bản phối tổng hợp hơn 60 bài hát rap về Việt Nam, phát qua chiếc loa đỏ bóng bẩy được đặt làm riêng, gắn vào sau một chiếc xe đạp. Một nhóm gồm 8 nhiếp ảnh gia đã theo chân Wowy và chiếc xe đạp ấy, đi gắp mọi nẻo đường thành phố Hồ Chí Minh và ghi lại những hình ảnh trong triển lãm.

(3) Take Cover, Take Care thể hiện hai nắp cống thoát nước thải được lấy từ các tuyến đường thành phố. Một bức được khắc ở mặt dưới với lời bài hát của Tupac Shakur: “I don’t give a fuck”: Má tao nói tao đẻ lộn nhà vì cách sống và nói của tao / Nhưng tao thì chỉ lặng cười và trả lời rằng chuyện đó không sao / Tao biết má sẽ không hiểu vì lời tao nói sẽ mang ẩn ý / Khi má là tao thì mẹ sẽ hiểu những từ ngữ của underground.

Sau triển lãm này, hai thầy trò vẫn tiếp tục hợp tác với nhau ở các dự án nghệ thuật đương đại khác nhau. Và như anh Tuấn Andrew Nguyễn có nhấn mạnh, việc Wowy làm nghệ thuật đương đại không phải một bước ngoặt bất ngờ mà là một sự chuyển mình dễ hiểu. Wowy có thể chia sẻ thêm về điều này?

Wowy: Như bạn thấy, nhạc rap là thể loại mới với người xem tivi. Và khi rap xuất hiện nhiều thì mọi người mới bắt đầu biết, tiếp cận và dần gỡ bỏ định kiến. Người ta cũng thay đổi phương thức tiếp cận để phù hợp với mọi người. Đối với nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, mặc dù anh Tuấn đã trở về nước cách đây 17 năm, nhưng cho đến bây giờ, khi hỏi nghệ sĩ là gì, thì vẫn bị gói gọn trong ca sĩ, diễn viên,… Thế nhưng, công việc của nghệ sĩ vô cùng rộng, không thể giải thích qua việc tốt nghiệp trường nào, công việc lẫn sản phẩm của họ là gì, mục đích sản phẩm giúp ích gì lẫn thông điệp… hay làm nghệ sĩ có an toàn không,… Số lượng người đặt những câu hỏi ấy tại Việt Nam không nhiều. Anh Tuấn, theo Wowy, là một trong những người đang có câu trả lời dần trọn vẹn. Và cả hai thầy trò chúng tôi tiếp tục làm việc và nghiên cứu để giải nghĩa nghệ thuật.

Trong quá trình tham gia chương trình rap Việt và với tư cách là rapper, tôi thấy vốn kiến thức của mình luôn cần cung cấp thêm. Như các màn Sơn Tinh – Thủy Tinh trên tivi, mọi người thích những con thú quý hiếm, và bắt chúng để dâng lên vua và công chúa. Câu chuyện trở thành truyền thuyết và neo giữ trong tiềm thức mỗi người. Để hôm nay, họ có những hành động bắt giữ động vật quý trái phép, trưng hoa thơm của lạ trong nhà,… Những vấn đề ấy đòi hỏi người nghệ sĩ phải nghiên cứu và tự vấn nghiêm túc. May mắn, trong quá trình hợp tác với anh Tuấn, góc nhìn cá nhân của tôi được nới rộng ra, và tôi muốn hoạt động nghệ thuật đương đại để phổ biến tính rộng lẫn sâu không giới hạn của lĩnh vực này.

Thời điểm này, có thể, tôi cũng chưa thể định nghĩa trọn vẹn nghệ thuật là gì, nhưng tôi hình dung nó như một đại dương bao la, và mỗi ngày mình lại học thêm được những điều mới mẻ.

Nếu nói Wowy là một tác phẩm, Tuấn Andrew Nguyễn là một nghệ sĩ, thì tôi chính là tác phẩm đương đại do anh phát triển và đang phát triển theo thời gian.

Khi nói con đường hoạt động nghệ thuật đương đại của Wowy là sự chuyển biến tất yếu, với tư cách là người thầy dẫn dắt, anh có thể chia sẻ thêm về sự phán đoán chắc nịch này?

Tuấn Andrew Nguyễn: Đầu những năm 2000, tôi không chỉ gặp Wowy mà còn nhiều bạn trẻ khác đam mê nghệ thuật. Nhưng ở Wowy, tôi nhìn thấy tinh thần tò mò và ham học hỏi. Cậu ấy luôn sẵn sàng nhìn vấn đề ở những khía cạnh khác nhau, một cách tiếp cận rất phù hợp với nghệ thuật đương đại.

Vì thế, trong các dự án nghệ thuật, tôi thường hợp tác với Wowy, có lúc thì qua Singapore trình diễn, có khi thì triển lãm ở Hong Kong, Thượng Hải,… Cách đây khoảng 4, 5 năm, hai anh em có ngồi trò chuyện với nhau và tôi hiểu ước muốn đi sâu vào nghệ thuật đương đại của Wowy. Gần đây, chúng tôi cùng làm điêu khắc, vẽ, video art,…

Vậy theo anh, đến thời điểm hiện tại, anh định nghĩa nghệ thuật như thế nào?

Tuấn Andrew Nguyễn: Tôi nghĩ nghệ thuật hay ở chỗ, những người làm nghệ thuật phải luôn đặt câu hỏi “nghệ thuật là gì?” với chính mình. Và họ luôn luôn phải tự tái định nghĩa nghệ thuật. Theo thời gian và hoàn cảnh sống, nghệ thuật càng nới rộng ra. Những gì mình làm cũng chưa thể trả lời câu hỏi ấy một cách trọn vẹn.

Sau 4 năm kể từ triển lãm cá nhân “Rừng Hoang” (2017) ở The Factory Contemporary Arts Centre, anh mới trở lại công chúng trong một triển lãm mới vào tháng 4 này ở Galerie Quỳnh. Anh có thể chia sẻ về mối nhân duyên đến ý tưởng triển lãm?

Tuấn Andrew Nguyễn: Như lúc nãy Wowy có chia sẻ về câu chuyện “Sơn tinh – Thủy tinh”, cá nhân tôi cũng có sự quan tâm đặc biệt đối với động vật hoang dã. Trong dự án “Rừng Hoang”, tôi sử dụng đa chất liệu từ phim, điêu khắc đến nhiếp ảnh nhằm hé lộ nền công nghiệp được xây dựng trên đức tin hay mê tín dị đoan của con người dấy nên nối thống khổ cho các sinh vật quý hiếm như tê tê, rùa, tê giác, hươu…

Riêng triển lãm “A Dream Of The End At The End Of A Dream” vào tháng 4/2021 này, tôi và Wowy nới rộng sự quan tâm đến môi trường sống trên trái đất, nơi mà nhiều nguồn tài nguyên đang rơi vào kiệt quệ cùng đó là bao thạm họa diễn ra. Nhân duyên triển lãm đến từ cuộc gặp gỡ với Quỳnh, nhà sáng lập Galerie Quỳnh vào hồi đầu năm nay.

Trọng tâm triển lãm là bộ phim kể về nhân vật cuối cùng trên trái đât (do Wowy đóng). Nhân vật này ở lại để trải nghiệm cảnh tượng tuyệt chủng của con người trên trái đất. Dự án cũng lấy cảm hứng từ những dự báo về tương lai trái đất của nhà bác học Steven Hawking, trong đó ông nhấn mạnh con người có nguy cơ tuyệt chủng nếu không tìm cách thoát khỏi hành tinh mong manh này trong 50 năm tới.

Cảm ơn Tuấn Andrew Nguyễn và Wowy vì những chia sẻ thú vị ngày hôm nay!


 
Back to top