ART & CULTURE

Sau 2 năm đến Việt Nam, Sotheby’s mang đến những tín hiệu khả quan về thị trường tranh Việt

Nov 27, 2023 | By Art Republik

Với những triển lãm liên tục được tổ chức và gây chú ý trong giới yêu nghệ thuật tại Việt Nam thời gian gần đây, không khó để nhận thấy sự xuất hiện của Sotheby’s đã khiến thị trường trở nên sôi động hơn đáng kể.

Tác phẩm “Femme au voile” của danh họa Le Phổ trong buổi đấu giá của Sotheby’s Paris cho bộ sưu tập cá nhân của Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc

Từ “Hồn xưa bến lạ” giới thiệu lứa họa sĩ đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương, cho đến “Mộng viễn đông” quy tụ tác phẩm của các họa sĩ Pháp góp phần vào những bước đầu tiên của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, cho đến gần đây nhất, buổi đấu giá bộ sưu tập cá nhân của Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc tại Paris mang tên “Tráng lệ và vương giả” thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng, Sotheby’s đã cho thấy tiềm năng lớn trong việc mang đến những sự kiện nghệ thuật chất lượng tại thị trường nội địa. Vừa đặt văn phòng tại Việt Nam, Sotheby’s đã đặt ra mục tiêu nuôi dưỡng công chúng từ gốc với việc ưu tiên cho người trẻ xem tranh, đồng thời xây dựng kế hoạch chuỗi triển lãm dài hạn. Theo đó, các triển lãm sẽ không dừng lại ở đây mà sẽ tiếp tục được phát triển theo mạch theo chiều dài lịch sử của nền mỹ thuật Việt Nam.

Tác phẩm “Femme assise” của danh họa Nguyen Tuong Lan (1906-1946) trong buổi đấu giá bộ sưu tập cá nhân của Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc

Là Giám tuyển và cũng là Giám đốc Điều hành của Sotheby’s tại Việt Nam, ông Ace Lê cho biết: “Bất chấp bối cảnh kinh tế, phiên đấu ‘Tráng lệ và Vương giả (Magnificence et Régalité)’ là một trong những phiên hiếm hoi của thị trường năm nay đạt được danh hiệu ‘găng tay trắng (white glove)’, tức gõ búa thành công tất cả các lô được chào (16/16 lô). Rất nhiều tác phẩm trong phiên đã vượt giá ước tính, với sự quan tâm rộng rãi từ khách mua ở cả trong và ngoài nước. Lý do chính yếu là vì bộ sưu tập này mang ý nghĩa văn hoá, lịch sử, và lịch sử mỹ thuật rất lớn, bởi Hoàng thân Nguyễn Phúc Bửu Lộc không chỉ là một nhà sưu tập đơn thuần, mà là một vị bằng hữu thân thiết với những danh họa lứa đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ và Vũ Cao Đàm. Tư gia của ông tại Paris đã từng là một trong những salon văn hóa tiếp đón những nhân vật nổi bật về văn hóa nghệ thuật và chính trị thời bấy giờ.”

Tác phẩm tranh lụa “Uyên ương hý liên” (Canard et Lotus) (c.1930s) của Lê Phổ dẫn đầu phiên với giá gõ búa 1.2 triệu EUR (tương đương 1.28 triệu USD) gồm cả thuế phí, vượt xa khung giá ước tính ban đầu 300,000-500,000 EUR

“Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi nhìn vào những kỷ lục giá trong phiên. Trong đó, nổi bật nhất là bức tranh lụa ‘Uyên ương hý liên (Canard et Lotus)’ (c.1930s) của Lê Phổ, dẫn đầu phiên với giá gõ búa 1.2 triệu EUR, chính thức lọt vào top 10 tác phẩm Việt đắt giá nhất. Đây cũng là kỷ lục giá triệu đô thứ 2 trong năm 2023 của nhà Sotheby’s cho tranh Việt, sau ‘Gia đình trong vườn (La famille dans le jardin)’ với giá 2.37 triệu USD tại Sotheby’s Hongkong vào tháng 4 vừa rồi.”

Những tín hiệu khả quan

Giám tuyển Ace Lê, Giám đốc điều hành Sotheby’s tại Việt Nam

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, sự thành công của các sự kiện vừa qua là một tín hiệu rất đáng mừng trong thời điểm thị trường đang có dấu hiệu chững lại. Điều này cho thấy rằng thị trường tranh, nhất là tranh Đông Dương, vẫn còn có giá trị, và hứa hẹn sẽ trở lại sôi động như xưa trong một thời gian ngắn. “10 năm trở lại đây, chúng ta chứng kiến một thời kỳ cực thịnh của tranh Đông Dương tại Việt Nam, với những tác phẩm được định giá triệu đô.

Đối với tôi, đây là thời kỳ huy hoàng của thị trường tranh Việt Nam nói chung và tranh Đông Dương nói riêng”. Cùng chung nhận định với ông Ngô Kim Khôi, giám tuyển Ace Lê cho biết, so với phân khúc tranh hiện đại giai đoạn thuộc địa ở các nước Đông Nam Á khác, giá tranh Đông Dương có xuất phát điểm thấp hơn nhiều trong vài thập kỷ qua, nhưng giá lại tăng phi mã trong 10 năm đổ lại, với tốc độ nhanh nhất trong khu vực.

Cũng theo ông Ace Lê, biến chuyển lớn nhất (và tích cực nhất) là ở thái độ và hành vi ở khối sưu tập. Cộng đồng nhà sưu tập ở Việt Nam đang có những thay đổi lạc quan về tầm nhìn và ý thức, phù hợp với phong trào “sưu tập có trách nhiệm (responsible collecting)” đang diễn ra sâu rộng ở khu vực và quốc tế. Thay vì chỉ trưng bày những tác phẩm tại gia hoặc cất chúng trong nhà kho, giờ đây nhiều nhà sưu tập đã sẵn lòng chia sẻ những gì họ có với công chúng thông qua việc đầu tư tham gia triển lãm, xuất bản sách, hay thậm chí là mở bảo tàng.

Điều này là rất quan trọng, vì nó vừa cải thiện sự tiếp cận của công chúng đến các tác phẩm quý mà hệ thống bảo tàng công không có hoặc không đủ ngân sách để thu mua, vừa giúp tăng độ uy tín – kèm theo đó là giá trị tài chính – cho bộ sưu tập. “Ví dụ, cho hai triển lãm ‘Hồn Xưa Bến Lạ’ và ‘Mộng Viễn Đông’, tôi từng mượn tác phẩm của 10 nhà sưu tập khác nhau cho mỗi triển lãm, và hầu hết các tác phẩm đều chưa từng được trưng bày công khai trong nước. Khi công chúng và thế hệ trẻ được tiếp cận dễ dàng hơn tới nghệ thuật, cộng đồng sẽ tự sản sinh ra những nhà sưu tập mới. Một thị trường nghệ thuật lành mạnh phải là một thị trường có thanh khoản dồi dào từ cộng đồng nội địa,” ông nói.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi

Chia sẻ về những tiềm năng về thị trường tranh Việt, ông Ngô Kim Khôi tỏ ra rất lạc quan, khi khẳng định người trong nước vẫn có khao khát đưa tranh về nguồn. Sự xuất hiện của các nhà đấu giá chuyên nghiệp và có quy mô quốc tế như Sotheby’s có thể mở ra thị trường đấu giá tại Việt Nam, với sự tham gia của ngày càng nhiều hơn các đơn vị đấu giá nội địa và quốc tế. “Nếu Sotheby’s lập văn phòng tại Việt Nam sẽ kéo theo những đối tác, nhà đấu giá khác. Điều này tốt cho thị trường mỹ thuật Việt Nam, cũng là cơ hội để các nhà đấu giá trong nước noi theo, tổ chức lại mô hình đấu giá cho đúng đắn. Thị trường tranh vô cùng sôi động, nếu để người nước ngoài vào làm thì thật tiếc,” ông nói.

Tiềm năng trong tương lai

Hình ảnh khách tham quan triển lãm Mộng Viễn Đông do Sotheby’s tổ chức

Tuy nhiên, cơ hội luôn tiềm ẩn rủi ro. Nhận định về những khó khăn còn tồn đọng trong thị trường, ông Ngô Kim Khôi cho biết hạn chế lớn nhất của Việt Nam chính là tính thanh khoản, sự minh bạch, cơ chế và cả sự bảo vệ của pháp luật. Nếu một nhà đấu giá đến Việt Nam, cần làm rõ được vấn đề về thuế và các phương thức thanh toán, tương tự như vậy là trường hợp của người tại Việt Nam muốn mua tác phẩm nghệ thuật của một nhà đấu giá nước ngoài, với giá trị lên đến hàng trăm ngàn hoặc hàng triệu USD, nhất là việc chuyển tiền qua nước ngoài tại Việt Nam bị giới hạn trong khoảng vài nghìn USD. Tất cả những khó khăn nói trên đều cần được giải quyết trên cơ sở tiếp cận và học hỏi luật pháp của các nước khác.

Cùng quan điểm với ông Ngô Kim Khôi, ông Ace Lê cho biết một trong những vấn đề nổi cộm nhất của thị trường mỹ thuật Việt Nam trong những thập kỷ qua là sự thiếu minh bạch về giá cả, nguồn gốc và tính xác thực của tác phẩm. Việc lần đầu tiên Sotheby’s bổ nhiệm một giám tuyển Việt Nam để đảm nhiệm thị trường Việt Nam là bước đi đúng đắn. Chiến lược của Sotheby’s trong giai đoạn tiếp theo sẽ vẫn tiếp tục đi song song, vừa tập trung vào những dự án phi thương mại để phục vụ công chúng tại Việt Nam – như triển lãm “Hồn Xưa Bến Lạ” và “Mộng Viễn Đông” vừa rồi – và vừa đẩy mạnh khâu minh bạch hóa thị trường thông qua những phiên đấu định kỳ trong khu vực và quốc tế. Cụ thể là minh bạch trong thu nhận tác phẩm, kiểm định tác phẩm, quảng bá và triển lãm tác phẩm, và công bố thông tin giao dịch.

“Trong tất cả những đơn vị tham gia thị trường – từ nhà sưu tập tới phòng tranh, từ giám tuyển tới những dịch vụ tổ chức – thì nhà đấu giá vẫn là đơn vị duy nhất niêm yết công khai giá trị của mỗi giao dịch. Trong các thư viện quốc gia lớn đều có những kệ dành riêng để lưu trữ các vựng tập giao dịch mỗi năm của Sotheby’s và các nhà đấu giá khác, như một trung tâm tham chiếu giá quan trọng cho công tác nghiên cứu thị trường. Là một trong những nhà đấu giá lâu đời và lớn nhất thế giới, Sotheby’s sẽ ưu tiên phối hợp với những đối tác, chuyên gia trong và ngoài nước để chuẩn hóa quy trình và giải quyết những vấn đề nói trên, đồng thời thiết kế những chương trình đẩy mạnh kiến thức tập thể, hỗ trợ cộng đồng hiểu rõ hơn về cơ cấu và cách vận hành của một thị trường mỹ thuật lành mạnh.”

Hình ảnh khách tham quan triển lãm Mộng Viễn Đông do Sotheby’s tổ chức

“Nhưng nếu chỉ có giới sưu tập đẩy giá tranh lên cao, thì nền nghệ thuật mới chỉ có lá, hoa, quả. Muốn bền vững, phải có rễ tốt, cành khỏe. Về hạ tầng cơ sở, chúng ta còn đi sau Singapore, Indonesia, Philippines và cả Thái Lan do thiếu thốn chương trình giáo dục lịch sử mỹ thuật, khung luật pháp, và hệ thống kinh viện, bảo tàng nghệ thuật. Ở trên hạ tầng cơ sở là thượng tầng kiến trúc, với hệ thống nghiên cứu, giám tuyển nghệ thuật, các kênh phân phối nghệ thuật (các phòng tranh, nhà môi giới, sàn đấu giá), và giới tổ chức, hậu cần, truyền thông. Mỗi nhóm có một vai trò nhất định trong chuỗi giá trị gia tăng của mặt hàng nghệ thuật. Chúng ta mới đi được một nửa chặng đường, và còn rất nhiều việc để làm.”, ông kết luận.

Hải Yến


 
Back to top