ART & LIFE

Suy tư về sáng tác và nhân sinh của vợ chồng nghệ sĩ Võ Trân Châu – Nguyễn Mạnh Hùng thời dịch bệnh

Sep 01, 2021 | By Trang Ps

Tình trạng giãn cách xã hội đã diễn ra ở Sài Gòn suốt 3 tháng qua, gia đình vợ chồng nghệ sĩ Võ Trân Châu – Nguyễn Mạnh Hùng vẫn miệt mài với công tác thiện nguyện, hỗ trợ và chia sẻ với bao khó khăn của bà con. Được biết, cách đây hơn 10 năm, anh Hùng đã có bộ tranh sáng tác máy bay chiến đấu của quân đội đi chợ, gây thu hút và lan tỏa trong cộng đồng mạng suốt những ngày qua. LUXUO đã có cuộc trò chuyện với vợ chồng để hiểu hơn những suy tư về nhân sinh/sáng tác của họ trong thời gian khó khăn này.

Vợ chồng Võ Trân Châu – Nguyễn Mạnh Hùng ở Paris năm 2014.

Hơn chục năm về trước, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đã sáng tác những tác phẩm 3D vẽ máy bay chiến đấu của quân đội đi chợ, thật trùng hợp với bây giờ. Anh có thể cho biết mối nhân duyên đến với ý tưởng này và concept đằng sau?

Concept trong đường lối sáng tác của tôi được định hình từ rất sớm. Ngay từ khi còn là sinh viên mỹ thuật năm cuối (2001), tôi đã xác định theo đuổi dòng siêu thực (surrealism). Do trường phái này phù hợp với kỹ năng mà tôi đã được đào tạo, cũng như đáp ứng được việc kết hợp nhiều yếu tố “bất ngờ” với nhau trên cùng một không gian.

Do hoàn cảnh gia đình tôi là quân nhân, nên từ nhỏ, tôi đã theo bố đi khắp các sân bay quân sự, căn cứ không quân trên các vùng miền Việt Nam, nên tôi đặc biệt yêu thích xe tải, pháo cao xạ, máy bay…

Từ những bức tranh đầu tiên, tôi đã đặc biệt quan tâm đến các phương tiện, thiết bị quân sự. Tôi không nhìn chúng như các phương tiện vô tri, mà thấy chúng là những nhân vật có cá tính, có khả năng làm việc này việc kia theo trình độ, chuyên môn của chúng. Nói ngắn gọn: “thủ pháp nhân cách hoá” được tôi khai thác ngay từ thời kỳ đầu. Hồi đó, tôi vẽ xe tải Liên Xô nhiều đến mức thuộc tất cả các chi tiết và hình dáng từng loại xe. Bạn bè trong nghề còn gọi tôi là “Hùng ô tô”.

Đến những năm 2005 – 2006, sau một khoảng thời gian đã sáng tác được một lượng tác phẩm, đủ nhiều để thúc đẩy mình nghĩ tiếp, tôi đã nghĩ nhiều đến bố tôi. Ông là một phi công chiến đấu, từng tham chiến lẫn làm nhiệm vụ thời bình trong nhiều nghìn giờ bay, được đào tạo ở Trung Quốc và Liên Xô, ông có những cá tính như thế này, những kỹ năng như thế kia. Khi ở đơn vị, ông làm công việc của quân nhân, khi về nhà, ông làm việc nhà… Tôi thấy những khía cạnh khác nhau của một nhân vật và chắc chắn một điều là nhân vật nào cũng có nhiều khía cạnh.

Rồi tôi dùng hình ảnh máy bay MIG-21tượng trưng cho một nhân vật có kỹ năng như vậy, tính nết như vậy, sức mạnh như vậy… giống như bố tôi vậy, và khi đang ở nhà thì “máy bay” làm việc nhà. Tôi vẽ máy bay liên tục hơn 10 năm, bạn bè đồng nghiệp lại gọi tôi là “Hùng máy bay”.

Bạn sẽ thấy rằng tất cả các tác phẩm của tôi đều buồn cười, vì quả thực khi ta dùng thủ pháp lắp ghép hình ảnh của Surrealism thì các yếu tố “bất ngờ” đã ăn khớp với nhau về mặt thị giác, mà lại đối chọi nhau về mặt nội dung.

Nếu bạn từng trải qua những năm tháng bao cấp 1980, hoặc thậm chí những năm tháng chiến tranh, thì quả thật bạn đã trải nghiệm nhiều tình huống trong đời sống thực tế rất là buồn cười, thậm chí là nực cười, mà càng lúc nghèo khổ, thiếu thốn, khó khăn thì nó lại lòi ra nhiều hơn!

Một người đàn ông Việt Nam sinh ra không phải là chiến binh, họ phải là nông dân trước đã, làm việc nhà, rèn luyện các kỹ năng sống… rồi bối cảnh lịch sử khoác lên người họ lần lượt các trách nhiệm to lớn khác.

Mặc dù tôi đang kể những câu chuyện thực từ cuộc đời, từ lịch sử có nhiều nỗi buồn, nhưng qua lăng kính “siêu thực” nó được pha thêm những yếu tố hài hước, nó giúp người xem không bị cảm giác buồn bã, tiêu cực chi phối, họ sẽ đi bước đầu tiên là “cười” cái đã.

Một bậc thầy ảnh hưởng đến sáng tác của tôi là Charlie Chaplin. Khi bạn xem tác phẩm của ông là đầu tiên phải cười cái đã, rồi đi tiếp bước thứ hai, bước thứ ba…

Tới đây bạn đã hiểu tại sao quân đội đi chợ. Chuyện này vô tình trùng hợp với hoàn cảnh dịch bệnh mà chúng ta đang đối diện, nhưng dù sao như tôi đã nói:  mỗi nhân vật đều có nhiều khía cạnh, do vậy mà quân đội đi chợ cũng là một khía cạnh đương nhiên thôi!

Là nghệ sĩ, và cùng làm tình nguyện trong đợt dịch này, anh chị có cảm nhận như thế nào với tình hình chung? 

Thật lành thay khi cả hai chúng tôi đều là Phật tử Theravada, cùng học giáo lý, và cùng hiểu lợi ích của việc phục vụ. Chúng tôi cũng vật lộn với hoàn cảnh khó khăn như mọi người thôi, cũng có lúc vất vả, cũng có lúc nhàn nhã… nhưng nhìn chung sự vận hành của tự nhiên nó đã hoàn hảo sẵn rồi, chỉ có thái độ của mình với hoàn cảnh ra sao mà thôi. Do vậy, tình hình này có thể nhanh chóng chấm dứt hoặc kéo dài bao lâu, thì đều không nằm trong sự hiểu biết và năng lực giải quyết của mình, nhưng tinh thần và thái độ của mình khi sống với nó thì mình biết được, cứ thuận theo sự vận hành của Pháp thôi!

Có câu thơ thế này mà tôi rất thích:

“Ngày mai chẳng biết ra sao nữa

Mà có ra sao cũng chẳng sao”

Trong thời gian Covid, hoạt động sáng tác của anh chị thì sao? Mọi người đang có suy tư như thế nào cho những tác phẩm/dự án mới? 

Việc sáng tác của Châu trong thời gian giãn cách khó thực hiện hơn do nhiều yếu tố chi phối: phải dành thời gian chăm con, dành thời gian cho công tác thiện nguyện…

Việc sáng tác của Hùng thì dễ dàng hơn chút xíu, khi không quá bận với hoạt động thiện nguyện thì Hùng vẽ tranh.

Từ vài năm nay, tôi thường xuyên nghĩ về cái chết của mình, sau khi chết mình sẽ ra sao? Ở cuộc đời này mình tin vào điều gì?

Cũng phải nói thêm rằng việc suy niệm về sự chết là một việc làm bình thường và rất thường xuyên của những hành giả Phật Giáo. Và những bức tranh tôi đang vẽ liên quan đến sự chết thực ra đã được trăn trở từ vài năm trước rồi.

Nếu nhìn lại quãng đường sáng tác hơn 20 năm của tôi thì đa số các ý tưởng quan trọng sẽ đi qua các dạng thức khác nhau: phác thảo, tranh, tranh in, điêu khắc, sắp đặt 3 chiều… Các dự án lớn cũng theo lộ trình đó mà tiến hành, do vậy mà tôi không lên kế hoạch cho tương lai quá xa.

Cả hai vợ chồng đều xác định là cứ sống đến đâu thì làm đến đó, tuỳ theo điều kiện hiện tại.

Lối sống của anh chị có thay đổi nhiều hơn hay không/và có đúc rút được bài học thay đổi nào trong thời gian đại dịch này?

Đây là câu hỏi rất hay! Thực sự là một câu hỏi lớn cho cả loài người!

Cuộc đời này là trường học, và mỗi người đều đang học bài học của mình, tuỳ theo căn cơ trình độ mà khi mình gặp chuyện gì chính là mình đang học bài học trên chuyện đó!

Dịch bệnh chắc chắn thay đổi đời sống nhiều người, nhiều gia đình, các thói quen sinh hoạt náo nhiệt đều phải chậm lại, thậm chí phải dừng lại. Với chúng tôi, dù ít sôi động như người ta, nhưng dẫu sao dịch bệnh đem đến cho chúng tôi nhiều thời gian sống cho gia đình hơn, suy nghĩ về mục đích sống của mình, suy nghĩ về mối quan hệ giữa mọi người với nhau.

Bài học mà chúng tôi đang học là:

Nhìn rõ cái gì làm cho mình sợ. Nó có chi phối mình không?

Nhìn rõ cái gì làm cho mình hãnh diện. Nó có trói buộc mình không?

Nhìn rõ các mối quan hệ với người khác. Mình có dính mắc vào đó không?

Theo anh chị, nghệ sĩ có thể làm gì cho những tình hình lúc này thông qua hoạt động sáng tạo của mình?

Chức năng của nghệ sĩ trong thời đại nào cũng là tác động đến công chúng ở phương diện TINH THẦN, không phải ở giá trị vật chất, tiền bạc. Mặc dù thông qua vật chất là tác phẩm, sờ được, xem được, nghe được, định giá được… nhưng phía sau nó là những thông điệp TINH THẦN. Nếu công chúng và nghệ sĩ gặp nhau tại “điểm hẹn TINH THẦN”, thì nghệ thuật phát huy tác dụng, là phương tiện kết nối không lời, phi vật chất.

Khi đó những ý tưởng, những NĂNG LƯỢNG hướng thượng, tích cực giúp cho con người ta vững vàng hơn khi trải qua đau khổ.

Thực sự khổ đau sẽ không bao giờ hết, nó cứ luôn trở lại trong cuộc đời, chỉ có người trải nghiệm sự khổ đang sống với trạng thái TINH THẦN nào, NĂNG LƯỢNG ra sao, có vượt qua được hay không.


 
Back to top