ART & CULTURE

TranChau Studio: Một mảnh vải nhỏ, một Châu, và một cô nghệ nhân, rồi đi cùng nhau

Jul 23, 2022 | By Trang Ps

Từ chối những chất liệu có nguồn gốc động vật như da hay tơ tằm vì không muốn làm hại động vật, tận dụng những gì đang có ở xưởng trong nhiều năm làm hàng vải thủ công, hoặc vải thừa từ sản xuất hàng may mặc công nghiệp, TranChau Studio của nghệ sĩ Võ Trân Châu đi theo hướng phát triển bền vững để tạo ra những món đồ xinh yêu bằng tay cho trẻ em và gia đình.

Vải vóc là vật chất xuyên suốt thực hành của Võ Trân Châu trong nhiều năm, điển hình như tại triển lãm “Nhặt Lá Rừng Xưa”. Nhưng khi chị tiếp cận vải vóc như một sản phẩm thủ công, mang tính ứng dụng trong đời sống, thì nghệ thuật của sản phẩm thủ công được thể hiện như thế nào?  

Bản thân tôi được đào tạo là hoạ sỹ nhưng lại yêu thích và chọn làm việc trên vải vóc nên dù là tác phẩm nghệ thuật hay sản phẩm ứng dụng trong đời sống thì vẫn phải đảm bảo cho chúng về mặt thị giác, hài hoà giữa hình khối, màu sắc cũng như cảm xúc. Nếu tác phẩm nghệ thuật đương đại nặng về ý niệm phía sau thì các sản phẩm thiết kế chú trọng về mặt thẩm mỹ cũng như tính năng của chất liệu phù hợp với từng công năng sản phẩm.

Ý tưởng thiết kế cho các sản phẩm ở TranChau Studio hướng đến thiên nhiên và những điều gần gũi trong cuộc sống bằng việc sử dụng chất liệu sợi tự nhiên và các kỹ thuật làm bằng tay, màu sắc thường được tôi sử dụng hài hoà như trong tự nhiên hoặc ton sur ton, pastel,…

Thông thường tôi sử dụng vải vụn, hoặc mảnh nhỏ, ghép chúng lại thành những tấm chăn ô nho nhỏ như các bà các mẹ mình hay làm khi xưa, hoặc với các mảnh vải to hơn thì ghép thành phong cảnh, và sử dụng tay nghề mình có được để trang trí lên đó như thêu tay, đắp vải, vẽ tay…

Tôi muốn thổi vào những mảnh vải nhỏ tưởng chừng vô dụng ấy một cuộc sống và vẻ đẹp mới.

Như chị chia sẻ, các sản phẩm mà TranChau Studio hướng đến rất gần gũi trong cuộc sống thường ngày của mỗi chúng ta. Cảm hứng hay lý do cho cách tiếp cận này, và hiện tại, chị có gặp khó khăn và thử thách nào hay không? 

Tôi nghĩ những gì gần gũi với mình là những điều xứng đáng được quan tâm và trân trọng nhất. Tôi làm tác phẩm hay sản phẩm cũng đều từ những quan sát, trải nghiệm của chính bản thân trong đời sống hàng ngày, và nhận ra rằng gia đình, căn phòng hay chiếc giường mình ngủ là nơi mình sống thật nhất, và là nơi ấm áp và an ủi, vỗ về mình nhất.

Nếu để nói về khó khăn, thử thách thì tôi cũng không thấy quá khó khăn. Tôi xác định làm việc này vì niềm yêu thích và đam mê với nghề nên cũng không tạo cho mình quá nhiều áp lực. Gia đình và bản thân tôi sống đơn giản, ít mua sắm, ít nhu cầu nên việc kinh doanh cũng nhẹ nhàng, và cũng do vậy mà chỉ có thể tiếp cận được đến những người quen biết và đồng cảm…

Còn về đội ngũ của TranChau Studio thì sao? Mọi người đã hợp tác trên sản phẩm như thế nào?

Có những giai đoạn mà đội ngũ của tôi khá đông người và từng người đều được phân bổ nhiệm vụ ở các khâu mà người đó giỏi nhất, như thêu, vẽ, khâu tay… Tuy nhiên hiện ngay lúc này chỉ còn tôi và một cô nghệ nhân, người đã gắn bó mật thiết với tôi trong nhiều năm ở nhiều sản phẩm và tác phẩm nghệ thuật, nên gần như là tụi tôi cùng nhau làm hết tất cả các việc.

Hiện tại, khách hàng của TranChau studio là ai? Liệu thương hiệu có làm các dự án/series theo giai đoạn hay ngẫu nhiên? 

Tuy tôi làm nghề đã lâu nhưng thương hiệu TranChau Studio thì vẫn còn khá mới trong lĩnh vực này, khách hàng chính của tôi hiện nay chỉ là anh chị em bạn bè trong giới nghệ thuật, văn chương… những người yêu cái đẹp và ý nghĩa của sự thủ công tỉ mỉ.

Ngày trước, tôi khá ngẫu hứng, bất chợt thấy gì hay thì vẽ cái đó, và thỉnh thoảng cũng hay vẽ mẫu theo yêu cầu của khách hàng. Dạo gần đây, tôi nghĩ nhiều hơn về những series cho các giai đoạn, ví dụ như lúc này tôi đang thực hiện series về phong cảnh ở Việt Nam, có những dãy núi trùng điệp ở Kom Tum, có đồi cát đỏ Phan Thiết, có ruộng bậc thang Tây Bắc… Và đưa những hình ảnh ấy ứng dụng lên các sản phẩm bằng vải sử dụng trong gia đình như mền gối, thảm, rèm… hay phụ kiện thời trang như áo khoát, túi tote…

Với một sản phẩm (như chăn/mền…), chị có thể nêu các công đoạn thực hiện cụ thể, để qua đó cho thấy đúng như chị chia sẻ: “Làm đồ bằng tay chưa bao giờ là đơn giản, mà thiệt sự lâu ơi là lâu, với quá trời nhiều công đoạn, đoạn nào cũng cần sự tập trung, tỉ mẩn và khéo léo…”

Các công đoạn thực hiện nên một sản phẩm bắt đầu từ việc tìm ý tưởng, phát thảo, lên bảng màu, sau là vẽ lên rập trên giấy cứng. Công đoạn thứ hai là tìm vải cho đúng ý về màu sắc và chất liệu, rồi dựa theo rập mà cắt vải, ráp vải, nếu sản phẩm nào thêu mũi truyền thống thì sẽ căng khung và thêu ở giai đoạn này. Các sản phẩm của chúng tôi thường là có chần gòn bên trong nên phải lượt chỉ bằng tay rất kỹ để vải và gòn nằm êm với nhau trước khi may và chần. May xong sản phẩm sẽ đến khâu trang trí, có khi sẽ vẽ tay, đắp vải hoặc thêu các mũi thêu không cần khung…

Chị có thể chia sẻ thêm series đồ thủ công mới về phong cảnh Việt Nam? Song song đó, chị còn có thể nghiệm nào mới?

Tôi đang và sẽ vẫn thực hiện series về phong cảnh Việt Nam ứng dụng lên các sản phẩm đồ vải sử dụng trong gia đình. Nếu như phong cảnh thường được xử lý bằng cách in ấn thông thường thì với TranChau Studio, với cách xử lý tỉ mỉ những mảnh vải nhỏ, tuy cực khá cực công nhưng tôi nghĩ mình vừa có thể tạo nên những sản phẩm ứng dụng ưa nhìn vừa giải quyết được vấn nạn vải vụn, thứ mà nếu bị thải ra sẽ đè nặng lên môi trường.

Về mặt thể nghiệm mới thì sẽ khó có bức phá gì to tát, mà có thể chỉ nằm ở mặt thị giác qua từng thời kỳ. Lý do là vì các sản phẩm của TranChau Studio là sản phẩm ứng dụng, với các kỹ thuật truyền thống mà mình cũng muốn gìn giữ để khỏi mai một đi, chứ khó mà sử dụng những kỹ thuật đặc biệt bức phá như sản phẩm trưng bày hay trình diễn được.

Còn về chất liệu thì bản thân tôi không muốn làm tổn thương động vật nên cũng từ chối những chất liệu có nguồn gốc động vật như da hay tơ tằm… Và hiện tại tôi cũng đang tận dụng những gì mình đang có ở xưởng trong nhiều năm làm hàng vải thủ công, hoặc vải thừa từ sản xuất hàng may mặc công nghiệp, để TranChau Studio đi theo hướng phát triển bền vững, quan tâm đến tái chế và môi trường.


 
Back to top