Nghệ thuật

Thẩm mỹ xã hội và cộng hòa diễn ngôn

Aug 12, 2020 | By Lê Trọng Phương

“Art happens – no hovel is safe from it…” (tạm dịch: nghệ thuật cùng khắp – không chừa bất cứ xó nào…)  – James Whistler (1834-1903)

contact our privacy policy

Các chuyên gia đang phân tích tác phẩm nghệ thuật.

Nghệ thuật của thời đại này, trong cảm nhận của số đông, trông giống như một giáo phái biệt lập được các chuyên gia về nghệ thuật và giới quan tâm nghệ thuật nghĩ ra cho các nhà sưu tập giàu có. Như một ân sủng từ thời cổ xưa, chỉ một phần của nghệ thuật đắt tiền này sau đó mới đến với người thưởng ngoạn bình thường. Song, người thưởng ngoạn không phải lúc nào cũng chỉ đứng bên ngoài cuộc chơi này. Từ đầu thế kỷ 19, đầu tiên ở châu Âu, nghệ thuật và các thể chế nghệ thuật đã mang lại cho người dân ở những quốc gia mới hình thành một ý thức chung về bản thân. Lý thuyết nghệ thuật lãng mạn thời đó đã dành một chỗ đứng rõ rệt cho người thưởng ngoạn và giới phê bình nghệ thuật. Phê phán về nghệ thuật được xem là yếu tố hoàn thành tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật từ thời đó được hiểu là một thao tác có tính tập thể, giao tiếp và tạo bản sắc.

The Bathers by Paul Cazanne

The Bathers (1898 – 1905) của danh họa Paul Cazanne

Trên thực tế, hiện nay nghệ thuật tạo hình càng chật vật hơn trong một thế giới mà các thế hệ mới ngày càng có thêm nhiều lựa chọn ở khắp mọi chốn cho sở thích riêng. Nhìn từ quan điểm cao của thế giới nghệ thuật, cái hoa mỹ hầu như chỉ tượng trưng cho những trò giải khuây đơn giản và cho một tầm văn hóa dễ dãi, cho “thị hiếu của giới trung lưu thành thị”, như nhà xã hội học Pierre Bourdieu đã gọi. Nghệ thuật hiện đại là phải mới, phải có tính thử nghiệm, đòi hỏi suy ngẫm, đầy bí ẩn, mưu đồ cách mạng, phức tạp, đôi khi cũng đáng ngại hoặc gây sốc. Thật ra chẳng khác gì kể từ khi có những tuyên ngôn rằng trào lưu hiện đại đã kết thúc.

Sự biến mất của “cái đẹp” thật ra khỏi nghệ thuật không chỉ đơn giản do một nhầm lẫn nào đó trong lịch sử. Và cũng nên xem xét kỹ hơn khái niệm “thẩm mỹ”. Nếu cho rằng “đẹp” có nghĩa là khiến người ta có cảm giác ưa thích, hài lòng thì từ lâu, chúng ta đã sống trong một thế giới tươi đẹp rồi, cụ thể là trong một thế giới kỹ thuật số của “bạn bè nối kết” và “likes”. Nếu chỉ là biểu hiện chung của sự ưa thích thì “thẩm mỹ” thực sự có thể tạo ra cầu nối giữa người thưởng ngoạn tác phẩm nghệ thuật (trong ý niệm nghệ thuật lãng mạn) và người dùng mạng của thời đại này. Cả hai loại người này đều mang lại ý nghĩa cho tác phẩm nghệ thuật qua sự công nhận rằng nó đẹp.

Bức Le Bain de Mer – Tắm biển của Lê Phổ bán được với giá hơn 11,7 tỉ đồng

Hãy cho rằng cái đẹp tồn tại theo hai cách khác nhau, một đằng như bản tính và đằng khác như một phán đoán. Cách thứ nhất, “thẩm mỹ” được tìm thấy trong chính những thứ tồn tại như một bản tính. Ý niệm thẩm mỹ này đòi hỏi sự tiếp cận với tính khách quan, và đó là lý do tại sao “thẩm mỹ” được hiểu như thế là khái niệm rất phổ biến ở các chuyên gia nghệ thuật. Họ có thể xác định tính thẩm mỹ, thậm chí đi tìm “chân lý” của tác phẩm nghệ thuật, và tranh luận về chúng. Tương tự, ngay cả trong triết học, như lý thuyết về biểu hiện có tính thẩm mỹ hoặc về năng lực cố hữu trong nghệ thuật.

Khái niệm xã hội về thẩm mỹ – cách thứ nhì  – xét tới tương quan trong việc mang lại cảm giác ưa thích của tác phẩm nghệ thuật hoặc của bất kỳ gì khác. Phán đoán, tức là mối quan hệ của người thưởng ngoạn đối với tác phẩm, thay chỗ cho bản tính. Trong trường hợp này, không cần phải tìm kiếm một chân lý nào đó nữa, bởi vì mỗi người có sở thích riêng và có thể nói ngay ra mình thích gì. Không nhất thiết là mọi người đều đồng ý về một quan điểm chung. Triết gia Kant nghĩ việc này là khả dĩ. Trong cuốn “Phê phán năng lực phán đoán”, ông cho rằng những phán đoán của tất cả mọi người, nếu họ không bị ràng buộc bởi bất kỳ lợi ích nào, sẽ cùng hướng tới một mẫu số chung. Đây thực sự là một luận điểm có tính chính trị. Vấn đề là thế nào để mọi người có thể giữ ý kiến ​​của mình và vẫn cùng nhau sống chung trong một xã hội do một quyền lực chính trị điều hành.

Một tác phẩm của Lê Bá Đảng.

Sự kết hợp một lượng lớn phán đoán trong cộng đồng là một thao tác có tính chính trị. Nếu mọi người đều có suy nghĩ riêng và phán đoán riêng, tất nhiên sẽ phát sinh một cuộc trao đổi, trò chuyện chung về các thứ đó, sẽ xuất hiện một “res publica”, một không gian công khai, một cộng hòa của phát biểu, của diễn ngôn. Khi trao đổi với nhau về những gì làm người ta ưa thích, hài lòng, cố nhiên sẽ hình thành một khái niệm xã hội về cái đẹp. Từ khi mọi người bày tỏ sở thích và cái mình ưa thích thông qua các phát biểu, bình luận và like mọi lúc, mọi nơi trên mạng, thì dạng thức thẩm mỹ xã hội này ở ngay xung quanh ta rồi, với tất cả các tác dụng phụ xấu xí, khó ưa của nó. Câu hỏi không phải là làm thế nào để chúng ta có thể che chắn nghệ thuật khỏi dạng thức thể hiện này, mà làm thế nào để có thể khiến cho dạng thức của cái đẹp một phần do kỹ thuật số và kết nối mạng này mà trở nên có ích và hiệu quả.

Khi đã có điều kiện để mọi người có thể phát biểu, khi đã có nhiều tiếng nói thì làm thế nào để có sự tham gia của công chúng quan tâm đến nghệ thuật trong một nền cộng hòa của diễn ngôn. Cần thực hiện dân chủ hóa. Dân chủ hóa nghệ thuật có nghĩa là mang lại cho cái đẹp dạng thứ hai này – thẩm mỹ xã hội – một nơi chốn hẳn hoi. Có thể nói nôm na là: hãy làm sao để các viện bảo tàng, các phòng triển lãm, trưng bày nghệ thuật lại trở thành những địa điểm của cái đẹp; và hãy làm thế nào để sự quan tâm, niềm hào hứng với những nơi đó luôn hiện diện, được quảng bá rộng rãi. Như thế, nghệ thuật sẽ trở thành một thứ gì đó mà rất nhiều người thích chứ không phải chỉ ít người mua. Khái niệm lãng mạn về cái đẹp luôn có nghĩa là phán đoán chung và qua việc phán đoán chung tạo ra một cộng đồng. Nói về thẩm mỹ xã hội tức là nói về cộng đồng này, cộng hòa của diễn ngôn. Trong ý niệm về xã hội không tưởng mà thật ra là một nhà nước chuyên quyền của Plato, với quan niệm rằng thẩm mỹ là một định nghĩa về bản thể, nghệ thuật và nghệ sĩ tạo hình chỉ được có một chức năng tương đối khiêm tốn ở cấp độ kiến ​​thức thấp vì chỉ tạo ra các bản sao của nguyên mẫu.

Tác phẩm Phố vùng cao của họa sỹ Bùi Xuân Phái

Thị trường nghệ thuật hiện đại, nói cho cùng, không cần quan tâm đến cái đẹp, không cần đến thẩm mỹ xã hội hoặc thẩm mỹ của các chuyên gia nghệ thuật. Giá trị quyết định của một tác phẩm nghệ thuật chỉ nằm ở tính độc quyền của nó. Những gì ai đó đã sở hữu, người khác không thể có được. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu. Tác phẩm nghệ thuật của thời đại này chính là vật thể chỉ tồn tại qua tính cách độc đáo của nó. Tình hình hiện nay sở dĩ như thế cũng vì đã đi song song với trào lưu hiện đại trong nghệ thuật. Chính xác hơn: thị trường nghệ thuật và trào lưu hiện đại chỉ là hai biểu hiện của một hiện tượng.

“Chất hiện đại là chất trẻ.” – Bùi Xuân Phái, 2001

Thoạt kỳ thủy, thị trường nghệ thuật hiện đại đã có xu hướng khá mạnh là dành ưu thế cho tranh vẽ và tác phẩm nghệ thuật nói chung, không để nhiếp ảnh và các hình ảnh tái tạo khác lấn lướt. Điều này làm cho nghệ thuật trở thành hình thức văn hóa duy nhất không liên quan gì đến những cách sản xuất công nghiệp, vẫn giữ tiêu chuẩn “thủ công” cố hữu. Ngoài ra, các viện bảo tàng, chính xác kể từ đầu thế kỷ 19, bắt đầu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật theo thứ tự thời gian. Thứ tự này xác định những gì phù hợp có thể được thêm vào. Việc sắp xếp tác phẩm theo chất lượng được dựa trên đánh giá của các chuyên gia. Mặt khác, triển lãm theo thời gian sáng tạo tác phẩm dẫn tới việc luôn tìm kiếm một cái gì đó mới hơn. Viện bảo tàng như một cửa hàng định hướng thời gian và thị trường nghệ thuật với nỗ lực giữ tính độc quyền của tác phẩm nghệ thuật đã cùng hợp tác một cách hiệu quả. Nghệ thuật trở thành một biểu hiện của sự tiến bộ. Các nghệ sĩ tự coi mình là những người đi tiên phong của xã hội và thị trường nghệ thuật mới nổi cũng thúc đẩy họ làm như thế. Nghệ thuật trở thành động cơ để đánh giá lại tất cả các giá trị, trước hết là các giá trị bảo thủ của thế kỷ 19. Ngược lại, công chúng nói chung lại không có một vai trò nào. Khái niệm cái đẹp càng lỗi thời, nghệ thuật càng có thể khẳng định là thực sự đi trước thời đại, có tính tiên phong. Nghệ sĩ dần trở thành một loại “ông kẹ” kinh hoàng đối với công chúng.

Bên trong triển lãm République D’Art của Luxuo.

Tất nhiên, sự nhạo báng cái lạc hậu, lỗi thời cũng có tác dụng phụ. Những điểm tổ chức nghệ thuật mới dần mất đi khán giả. Đặc biệt, vì với phim ảnh, nhiếp ảnh và máy tính, họ tìm thấy những dạng giải khuây thị giác khác không thuộc lĩnh vực tiên phong. Và vì vậy, nghệ thuật hiện đại dần trở thành một biểu tượng của sự tiến bộ và đồng thời giống như một giáo phái biệt lập của giới tinh hoa. Sự cân bằng giữa thị trường và các viện bảo tàng suy giảm đi khi các cơ quan công rút khỏi các viện bảo tàng và phòng triển lãm và để mặc nghệ thuật cho thị trường. Kể từ đó, các nhà sưu tập lang thang khắp nơi tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Tuân theo trình tự thời gian, cái gọi là trào lưu “hậu hiện đại” nối tiếp giai đoạn hiện đại. Và rồi mọi thứ trở thành “đương đại”.

Ngay từ khi có nghệ thuật đương đại, rõ ràng, cuộc chạy đua giữa tác phẩm nghệ thuật và khả năng tái tạo nghệ thuật bằng phương tiện kỹ thuật cũng bắt đầu. Và có lẽ cuộc đua này có phần quyết định về hình thức thực hiện của tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật đương đại luôn tránh, không để bị chi phối bởi khả năng tái tạo nghệ thuật bằng phương tiện kỹ thuật ở cùng mức độ tiến bộ và tự hoàn thiện của khả năng này. Ngày nay, một tác phẩm thực sự trở thành tác phẩm nghệ thuật ngay khi nó đi trước chỉ một bước so với khả năng tái tạo nó. Cuộc đua giữa tác phẩm nghệ thuật và tái tạo lại có cái oái oăm ở chỗ là cả hai gần nhau đến mức khó có thể phân biệt được. Bản sao tái tạo trở thành một tác phẩm nghệ thuật, hoặc chính xác hơn, bản sao tái tạo trở thành nghệ thuật mà không cần đến một tác phẩm.

“Hình ảnh và Khoảng cách”: Triển lãm số về Gustav Klimt và Egon Schiele đầu tiên tại Việt Nam

Nghệ sĩ đương đại tiến lên phía trước, luôn tiến thêm một bước và tập trung tinh thần sáng tạo, kỹ năng làm phong phú tác phẩm của mình bằng một khía cạnh mới, một viễn cảnh khác, một chiêu độc, bất chấp kỹ thuật tái tạo mới nhất, khốc liệt như thế nào. Vì vậy, nếu thực sự muốn luôn ở tầm cao đương thời, các tạp chí nghệ thuật thường phải gặp rủi ro về mặt thị giác vì hình ảnh bài vở minh họa của họ khựng lại ngay trước khi có thể tạo cho người đọc một ấn tượng đầy đủ về các tác phẩm nghệ thuật đang được nói tới.

Thị trường chỉ có thể tạo ra phong trào, những chuyển động mới. Cũng cần đến ký ức, tài liệu tham khảo, lưu trữ, và các tổ chức, cơ sở hoạt động nghệ thuật, truyền thông thì mới có sinh hoạt đúng nghĩa và lâu dài. Ngoài các nhà tổ chức cùng với giám tuyển của họ, các nhà sưu tập, thì tác nhân ngày càng quan trọng hơn trong bối cảnh “thẩm mỹ, cộng đồng và đương đại” chính là công chúng thưởng ngoạn.

“Tôi không thấy việc sáng tạo nghệ thuật là một thú vui cô đơn. Nó là một phương diện làm mủi lòng tuyệt đại đa số con người bằng cách trao cho họ một hình ảnh thiên vị về niềm vui và nỗi đau chung.”   – Albert Camus (Diễn văn nhận giải Nobel, 1957)

Thẩm mỹ xã hội và cộng hòa diễn ngôn trên ấn phẩm #1 Art Republik Vietnam

Trước bối cảnh tác nhân này, các tạp chí nghệ thuật luôn đứng trong một mối quan hệ lệ thuộc nào đó vào các phòng triển lãm, trưng bày. Trong hoạt động  truyền thông, họ cung cấp thông tin cho giới quan tâm, họ tường thuật, phân phối các đánh giá về triển lãm (và có khi cũng mua quảng cáo từ các nơi tổ chức sự kiện). Các nhà phê bình, cũng qua phương tiện truyền thông, được nhận thù lao, nhiều ít tùy theo quan hệ của họ với các phòng triển lãm, trưng bày, và các tạp chí.  Rõ ràng, nghệ thuật đã thích nghi với nhu cầu, đã trở thành một trong nhiều loại tài sản xa xỉ. Cạnh đó, vẫn có những nhà sưu tập trường phái cũ quan niệm rằng bộ sưu tập của họ mang lại ấn tượng về tầm quan trọng về trí thức hoặc văn hóa – lịch sử. Nhưng thị trường hiện nay cũng mang lại giá trị này. Luôn có những nghệ sĩ nhờ các chuyên gia khoác lên tác phẩm của họ những trang trí trí tuệ, còn những giám tuyển luôn lựa chọn và đưa các tác phẩm nghệ thuật vào một môi trường có tầm cao.

Nhiều người thưởng ngoạn hiện nay tự hỏi tại sao nhiều tác phẩm nghệ thuật lại có vẻ khó hiểu một cách kỳ lạ và khó tiếp cận. Càng bí ẩn và khó hiểu, tác phẩm nghệ thuật càng hứa hẹn rằng nó là một tác phẩm có tính rất độc quyền. Và dường như đó cũng là lý do tại sao người ta nói đến một giáo phái biệt lập cho những độc quyền này. Nghệ thuật phải được xem như một phần đất công của cộng đồng, nó mang tính khái quát, được ghi lại và đề cập đến mọi người trong toàn bộ suy nghĩ, cảm giác và hành động của họ. Trong tình hình này, dân chủ hóa nghệ thuật có nghĩa là coi trọng hơn nữa ý kiến của người thưởng ngoạn. Họ phải có phần trong những quyết định về trưng bày, triển lãm nghệ thuật. Họ bình luận trên những phương tiện truyền thông xã hội. Tiếng nói của họ trong sinh hoạt của thị trường nghệ thuật phải thực sự được chú ý.

Tiết mục biểu diễn luyện tập của biên đạo múa Ngô Thanh Phương cho sự kiện Nổ Cái Bùm.

Dân chủ hóa nghệ thuật, các sự kiện triển lãm và các cấu trúc của nó không dễ dàng. Để người thưởng ngoạn bình chọn trên phương tiện truyền thông xã hội về những gì nên được trưng bày tất nhiên là không đủ. Kết quả của một triển lãm kiểu dân chủ mạng như vậy có lẽ sẽ rất kỳ lạ. Nói theo quan điểm hoặc định kiến ​​của các chuyên gia thì một dự án như vậy chắc chắn chỉ sẽ dẫn đến thảm họa. Một thảm họa, nhưng biết đâu lại có tác dụng tốt vì từ đó sẽ học hỏi được gì đó. Chẳng hạn, có thể thấy hai điều: thế giới nghệ thuật ngày nay không phải là thế giới duy nhất hiện có. Và, thứ hai, vẫn còn nhiều cách khác để phản ứng lại những phán xét của thị trường nghệ thuật. Bất kể điều đó được thực hiện một cách chi tiết như thế nào, nỗ lực dân chủ hóa việc triển lãm nghệ thuật sẽ là một thử nghiệm xã hội chống lại các thể chế nắm quyền và quan hệ quyền lực. Như vậy, nó sẽ rất phù hợp với lịch sử nghệ thuật mà có thể được xem như một chuỗi dài các cuộc cách mạng, làm mới.

Không thể nào có được một công thức an toàn và hợp lý cho con đường dân chủ hóa như vậy. Đành rằng quy tắc cai trị của đa số không phải lúc nào cũng dẫn đến giải pháp tốt nhất, như những kinh nghiệm từ lĩnh vực chính trị cho thấy. Và cái gọi là “trí khôn của đám đông“ cũng chẳng nhất thiết mang lại sự khôn ngoan, như ta thừa biết từ các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, mà đôi khi cũng dẫn đến một trạng thái ù lỳ và hầu như chỉ toàn những cảnh tượng thiếu chiều sâu. Thực tế cho thấy chỉ một tỷ lệ nhỏ người thưởng ngoạn thực sự tham gia vào quá trình quyết định về nghệ thuật và sau đó áp đặt lựa chọn lên người khác. Trên các mạng xã hội chẳng hạn, sự hào hứng tham gia vào những cơn bày tỏ cảm xúc thường để lại thù hằn và trừng phạt.

Khi nói đến dân chủ hóa, ở đây cụ thể là trong nghệ thuật, chúng ta đang xử lý một quá trình mô phỏng tình hình chính trị ở quy mô nhỏ. Đây không phải là một bất hạnh, mà là mục tiêu của một thao tác tập huấn. Cụ thể là thực hiện một “chính sách” cho nghệ thuật tốt hơn việc mô phỏng năng lực thị trường nghệ thuật và giáo phái biệt lập của giới tinh hoa mà chúng ta vẫn đang đối mặt.  Ở một số nơi đã có thể nhìn được vào tương lai khả dĩ này. Các nền trực quan trên mạng như Instagram đã có ảnh hưởng rõ đến nhiều sự kiện triển lãm. “Instagramability”, kỹ năng Instagram, hiện đang trở thành một trong những tiêu chí thẩm mỹ quan trọng nhất. Nghĩa là: một tác phẩm nghệ thuật đúng là hay nếu nó trông cũng hay ho trên Instagram. Bất kỳ cái gì cũng sẽ nổi tiếng nếu được hiển thị tốt trên điện thoại di động.

Đáng chú ý là ở Việt Nam, hiện có thể thấy càng nhiều thông tin, phát biểu trên mạng về triển lãm, các chuyến thăm triển lãm. Nghệ thuật đương đại đã trở thành một phong trào phổ biến. Phòng trưng bày và kinh doanh nghệ thuật ngày càng nhiều. Tiến bộ xã hội gần như được ghi nhận bằng cách biết đến và tham quan triển lãm. Sở hữu các tác phẩm nghệ thuật đồng nghĩa với thịnh vượng đang bắt đầu.

Buổi trò chuyện ‘Hình ảnh | Ảo ảnh’ cua Galerie Quynh

Trong nỗ lực dân chủ hóa các sự kiện triển lãm sẽ không dễ tìm thấy nhiều ủng hộ. Hoài nghi về khả năng phán đoán của khán giả, của người thưởng ngoạn còn quá sâu sắc. Còn về giới điều hành các sự kiện thì nhiều người lại có quá nhiều đan xen quyền lợi. Điều này cũng khá quen thuộc từ sinh hoạt ở chính trường. Càng có nhiều áp lực thay đổi cấu trúc, các cấu trúc này càng được giữ chặt hơn. Một yếu tố không kém quan trọng nữa là mối quan tâm của nghệ sĩ đến sự tự chủ của họ, tức ý tưởng muốn hoàn toàn tự do trong công việc, không hẳn là đối với các nhà sưu tập và giám tuyển hoặc phòng trưng bày. Việc này hiển nhiên là như thế. Nghệ sĩ chỉ có thể cư xử thực sự tự chủ đối với khán giả, người thưởng ngoạn. Cuối cùng, tự chủ trở thành một cái cớ có tính trí thức để không phải chú ý đến khán giả. Nhưng, để phù hợp với tinh thần cộng hòa, với thẩm mỹ xã hội, điều ngược lại sẽ là cần thiết: Thay vì phớt lờ khán giả và xúc phạm họ tùy thích, các nghệ sĩ nên suy ngẫm về thái độ lãng mạn nguyên thủy trong nghệ thuật. Nghĩa là: đến với khán giả và hãy gắng hiểu họ là đồng minh trong tác động của các tác phẩm nghệ thuật của mình. Các nghệ sĩ nên bỏ đi các đắn đo và hãy điềm nhiên trình bày tác phẩm của mình trước sự phán xét của một lượng lớn khán giả. Điều này càng nên được chú ý hơn trong cuộc chạy đua giữa tác phẩm nghệ thuật và khả năng tái tạo nghệ thuật bằng phương tiện kỹ thuật trên thị trường nghệ thuật.

Giám tuyển triển lãm, Zoe Butt có một cuộc trò chuyện ngẫu hứng cùng các bạn sinh viên Trường Đại học Văn Lang và Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh về triển lãm “Khuất Dạng” của nghệ sĩ Hương Ngô

Cuối cùng, khán giả vẫn quan trọng nhất, và điều này càng đúng với những người đã quen biết với phát biểu ở các phương tiện truyền thông xã hội. Họ là chìa khóa để biến các bảo tàng, các phòng trưng bày, các sự kiện triển lãm trở thành nơi chốn của cái đẹp, trong ý nghĩa chính trị của thẩm mỹ xã hội và cộng hòa diễn ngôn. Về lâu dài, điều này sẽ có lợi cho tất cả mọi thành phần tham gia, thị trường nghệ thuật sẽ có cơ hội để tìm thấy một sự cân bằng mới. Tất cả sẽ có cơ hội vun xới và phát triển một tiến trình xã hội để tự thử nghiệm tham gia trong tinh thần dân chủ.

Toàn bộ dự án dân chủ hóa nghệ thuật tất nhiên dựa trên giả định rằng ý nghĩa không phải là thứ tự sinh của các tác phẩm nghệ thuật. Ý nghĩa phát sinh thông qua việc tích cực tham chiếu, thông qua việc sử dụng, có thể khẳng định thế.

Và nếu hiểu tác phẩm nghệ thuật là biến đổi, là thâm nhập và thiết kế thì nó chính là một sự phản bác đối với mọi tính quy phạm của các ước lệ thực tế đã được nội tâm hóa. Nghệ sĩ có thể khôi phục niềm tin vào thao tác nghệ thuật như một quá trình và như kết quả. Một nền cộng hòa diễn ngôn, một xã hội mở cần nghệ thuật như một nền tảng cho sự hiểu biết bản thân quan trọng.  Con đường dân chủ hóa nghệ thuật chỉ có thể thể hiện trong tiến trình thực hiện, như tất cả các phong trào xã hội. Điều quan trọng là không để mất mục đích của toàn bộ công cuộc. Đó là việc mang lại cho nghệ thuật một ý nghĩa xã hội rộng lớn.

Bài: Lê Trọng Phương

Bài viết là một phần trong ấn phẩm nghệ thuật song ngữ Art Republik Vietnam #1. Mời bạn đọc đặt mua ấn phẩm tại link: bit.ly/35bgI6N


 
Back to top