ART & LIFE

Tranh thủy mặc của Cao Hành Kiện: Bước đi cô độc giữa chốn hư vô

Feb 27, 2021 | By Trang Ps

Cao Hành Kiện (1940) là nhà văn, nhà viết kịch, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, đạo diễn phim và sân khấu đầu tiên và là công dân Pháp thứ 13 được trao giải Nobel Văn học trong suốt 100 năm qua. Là một nghệ sĩ toàn diện, bên cạnh tài năng văn chương nổi tiếng, ông còn được biết đến với kho tàng tranh thủy mặc định nghĩa cuộc đời cá nhân nói riêng và nhân sinh nói chung.

Waiting (L’attente), 2004

Từng có 10 năm bị đày ải đi lao động để lọc “máu tiểu tư sản” vào thời kỳ Cách mạng Văn hóa những năm 1960, Cao Hành Kiện có lúc phải bí mật đốt hết một vali đầy bản thao quý giá mà ông lén lút viết ra. Với sức sáng tạo dồi dào, Cao là một trong những văn nghệ sĩ tiên phong của Trung Quốc đã cổ vũ, đấu tranh cho quyền sáng tác văn nghệ tự do và đích thực. Khi vở kịch “Trạm xe” của ông ra đời, một quan chức nhà nước nhận định đó là sản phẩm độc hại nhất kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập.

Vạ bút nhanh chóng ập đến Cao, chính phủ Trung Quốc coi ông là phần tử chống đối và các tác phẩm của ông bị cấm lưu hành từ năm 1986. Năm 1988, Cao sang Pháp sinh sống và nhập quốc tịch Pháp từ năm 1998. Suốt hơn 30 năm sống ở Pháp, ông đã tập trung vào viết lách, soạn kịch và triển lãm nghệ thuật. Trong một chia sẻ với báo chí, ông thẳng thắn: “Với tôi, Trung Quốc như một trang sách đã lật xong.”

The Voide (Le Vide), 2008

Suốt cuộc đời, Cao luôn mong muốn vượt lên chính mình, vượt thoát khỏi trí tuệ nhân sinh này trở về vẹn toàn cùng đại ngã. Ông không ngừng tìm kiếm chiều sâu của bản thể giữa những mong manh và phù du cuộc đời. Trong nghệ thuật, các tác phẩm của Cao là sự kết hợp giữa hiện đại và nét cọ Trung Hoa truyền thống. Những hình ảnh chiêm nghiệm và mang tính tự sự trong hội họa phát lộ cuộc hành trình cá nhân nói riêng và thân phận con người nói chung trong cõi hư vô.

The awakening of consciousness của Cao Hành Kiện tại Royal Museums of Fine Arts Brussels.

Linh Sơn, tác phẩm chính yếu trong phong cách văn chương Cao Hành Kiện, là núi hồn mang nghĩa ẩn dụ như cõi tâm linh sâu thẳm bên trong con người đã được tác giả chuyển tải đầy mê hoặc trong hội họa . Nếu trong Linh Sơn, ta bắt gặp những khuôn mặt đen nhẻm, lầm lũi chật vật tìm chỗ đứng trong cuộc sống bộn bề thì tranh thủy mặc của ông cũng gợi lên sự cô độc trầm từ mặc tưởng của con người giữa vụ trụ bao la.

Bước đi cô độc giữa chốn hư vô

Day and Night, 2007.

Trước khi Cao Hành Kiện nhận giải Nobel, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Châu Á – Lee Duenlang có dịp tiếp cận với hội họa của ông và nhanh chóng bị lôi cuốn. Lee đề nghị Cao mang các tác phẩm từ Pháp về Đài Loan để công chúng có dịp thưởng lãm.

Tại triển lãm cá nhân mang tên “The Edge of Reality” vào năm 2013 tại Đài Loan,  16 bức tranh tượng trưng cho tính tồn tại của ông. Chính tiêu đề đã mô tả trạng huống lang lang giữa thực và ảo, hai cõi như chồng chéo lên nhau khó lòng phân định. Cao từng giải thích rằng trước khi vẽ tranh, ông sẽ nhắm mắt thiền định để thanh lọc tâm trí. Trong bóng tối, người nghệ sĩ luôn trải nghiệm hình ảnh sáng rực nào đó hiện ra từ sâu thẳm tâm hồn mình.

Những bức tranh phong cảnh trừu tượng đen trắng của Cao đại diện cho cõi thanh tao của tâm trí, là ánh sáng và bóng trong bóng tối. Ông tin rằng sự linh thiêng và quyến rũ của mực nằm ở kiểu dáng và sắc màu đa dạng, ông cũng được truyền cảm hứng bởi nhiếp ảnh bằng cách kết hợp ý tưởng về độ dài tiêu cự để tạo ra những trạng thái vừa thực vừa mơ.

Mặc dù đã sống hơn 30 năm tại Pháp, sáng tạo của Cao Hành Kiện thật gần với Thiền tông, đại diện trọn vẹn cho tinh thần Đông phương, một cách diễn giải đương đại cho tranh thủy mặc truyền thống.

Illusion 幻境, 2017

Cao Hành Kiện từng chia sẻ rằng những trải nghiệm đã qua khiến ông cảm thấy như thể bản thân đã sống “ba kiếp” vậy. Ông bắt đầu viết, vẽ và diễn xuất ngay từ khi còn trẻ, và sau đó thành lập một nhóm kịch khi còn học đại học. Nhưng trong tất cả các lĩnh vực này, ông luôn  đối mặt với rất nhiều vấn đề và sự can thiệp của chính trị, cho đến khi các vở kịch của ông bị cấm chiếu cùng các tác phẩm văn học khác không thể xuất bản.

Gao Xingjian, Winner of the Nobel Prize in Literature, Unveils New Ink Paintings in Hong Kong - Artsy

On the Shore (Sur la rive) 此岸, 2016.

Đạo Giáo – Thiền tông đưa ra những quan niệm quan trọng về cõi hư không. Thông thạo triết lý này, Cao Hành Kiện mong muốn tự thanh lọc bản thân thông qua hội họa. Những bức tranh thủy mặc của Cao như sự thừa nhận về việc thiếu hiểu biết của con người về cuộc sống, cùng tính cần thiết trong việc làm sáng tỏ bí ẩn của nó.

Bởi thế, họa phẩm đen trắng của Cao đã phản ánh rõ về sự vô tận, liên tục phát triển đồng thời giải thích thế giới cùng sự hỗn loạn. Ca ngợi sự sáng suốt với cá nhân và cuộc sống, ông công khai chỉ trích triết học của Nietzche đã đóng khung và bóp nghẹt sự sáng tạo và suy nghĩ.  Trong cuộc phỏng vấn với New York Times vào năm 2008, ông nhấn mạnh: “Một nghệ sĩ phải tự đi trên con đường của mình, và nếu có quy tắc, chúng chỉ nên là những quy tắc do chính anh ta tự tạo ra.”

Moon and Wind (Lune et Vent) 風月

Moon and Wind (Lune et Vent) 風月, 2016.

Cao đã trải qua thời thơ ấu được giáo dục nghệ thuật mạnh mẽ ở Trung Quốc đại lục, bắt đầu vẽ tranh theo phong cách châu Âu và sơn dầu, nhưng chính tranh thủy mặc mới là thể loại ông gắn bó sâu sắc và chung thủy từ đầu những năm 1980 đến nay. Với Cao, ngoài thông điệp đã trình bày ở trên, tranh thủy mực là trò chơi tinh tế giữa ánh sáng và bóng tối, bề mặt phẳng toát lên chiều sâu của không gian ba chiều. Ông thường vẽ trong khi nghe những bản nhạc cổ điển của Vivaldi, Kodaly và Bach.

Mon Oeil, 2012.

Con mắt là biểu tượng lặp đi lặp lại trong hội họa của ông. Xuất hiện trong tranh thủy mặc từ những năm 1990 tại Pháp, đôi mắt cũng tạo nên những nét riêng trong các vở kịch và tác phẩm văn học. Một số bức tranh về mắt tiêu biểu của Cao bao gồm: Un Oeil (One Eye 1990), L’Oeil (The Eye 2005) hay L’Oeil Céleste (The Celestial Eye 2011). Dường như đôi mắt hiện lên như sự mời gọi quan sát chính mình.

Gao Xingjian, Call for a Renaissance – Galeria Senda

Vào cuối tháng 1 vừa qua, Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan đã khai trương Trung tâm Cao Hành Kiện ở Đài Bắc, đồng thời khởi động cuộc triển lãm (diễn ra đến hết ngày 25/3) mang tên “Journey to Soul Mountain” để giới thiệu bộ sưu tập 100 bức ảnh mà Cao chụp ở Trung Quốc cũng như 40 bức tranh mà ông đã vẽ từ năm 1979 đến năm 2015.


 
Back to top