ART & CULTURE

Trò chuyện Art Republik: Tạ Duy – “Với thủy mặc, tôn sùng cổ học, sáng tạo cái mới là kim chỉ nam”

Mar 18, 2021 | By Trang Ps

So với tranh sơn dầu và tranh lụa, rõ ràng, hội họa thủy mặc không phổ biến tại Việt Nam. Dù cộng đồng vẽ và chơi tranh thủy mặc là rất ít, song thị trường đã hình thành những nghệ sĩ trẻ “hoài cổ” đang tạo nên tiếng nói đầy cá tính và mới mẻ cho dòng tranh này, điển hình trong đó có Tạ Duy.

MƯA THU. Mực và màu trên giấy. 69 – 137 cm.

Tranh thủy mặc dùng chất liệu đơn giản, đó là mực trên giấy hoặc trên lụa. Ngay từ những buổi đầu, tranh thủy mặc đã đi sâu được vào tinh thần của vạn vật. Một bức tranh thủy mặc về phong cảnh không đơn thuần mô tả phong cảnh mà mượn phong cảnh để lột tả nội tâm tác giả hay tâm cảnh. Người thưởng tranh thường yêu thích tranh thủy mặc ở tính ung dung tự tại, tao nhã, bất tận mà dung dị đời thường, có vẻ gì ấy là trầm tư mặc tưởng, thật đồng điệu với những người mà bên trong họ đã có trạng huống ẩn dật.

Sau này, tranh thủy mặc đã được “đương đại hóa”. Chẳng hạn, nếu hồi xưa, người ta gần như tả thực thiên nhiên thì bây giờ nó có thể là tranh thiên nhiên theo khuynh hướng trừu tượng… Thế nhưng, các họa sĩ đương đại vẫn phát triển tranh thủy mặc dựa trên tinh thần của cha ông, đồng thời thổi thêm nguồn sức sống mới tượng trưng cho sự sáng tạo mang tính thời đại.

Tại Việt Nam, có lẽ, Tạ Duy là một trong những họa sĩ trẻ hiếm hoi theo đuổi dòng tranh này mà đã đạt được những dấu ấn đáng kể trên con đường sáng tác. Art Republik/LUXUO đã thực hiện cuộc trò chuyện thân mật với anh để hiểu hơn về phong cách sáng tác thủy mặc họa nói riêng hay Trung Quốc họa nói chung của anh.

Được biết, trước khi bén duyên với dòng tranh thủy mặc, Tạ Duy đã kinh qua nhiều trường phái phong cách khác nhau. Có vẻ như anh đã thử đủ để hiểu bản thân mình gần nhất với thể loại nào!

Tính từ 2012 đến giờ, mới chưa đầy chục năm mà tôi đã trải qua bao trường phái và phong cách, mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm lại chịu ảnh hưởng từ những bậc thầy khác nhau. Với cá nhân tôi, ảnh hưởng chính là phương pháp học tập hiệu quả nhất. Dường như trong môi trường học viện, mọi sinh viên đều chỉ tha thiết với việc theo đuổi các bậc thầy, và việc mang bóng dáng của các bậc đại sư sẽ khiến họ cảm thấy tự hào và hy vọng. Những bậc thầy được tạo nên từ những bậc thầy, nếu không có Nhiệm Bá Niên thì sẽ không có Ngô Xương Thạc, nếu không có Ngô Xương Thạc thì sẽ không có Tề Bạch Thạch và cả nền thủy mặc Trung Hoa hiện đại huy hoàng như hiện nay.

Có thể nói, trong tất cả các bước ngoặt sáng tác thì bước ngoặt lớn nhất của tôi là việc chuyển hẳn sang chất liệu thủy mặc, hay nói chính xác hơn là Trung Quốc họa. Hồi đại học, tôi vẽ sơn dầu, sơn mài, lụa, màu nước, acrylic, nhưng khi sang Trung Quốc, tôi bỏ tất cả và chỉ chuyên tâm nghiên cứu Trung Quốc họa mà thôi. Phải nói, khi đến với thể loại này, tôi mới thực sự trở về đất diễn của chính mình. Bởi thế, năng lượng mà tôi dành cho nó cũng mạnh mẽ và tự nhiên hơn cả. So sánh một cách đời thường là giống như chú vịt được thả xuống nước vậy, dù sống trên cạn khá tốt nhưng môi trường nước mới thật sự là địa bàn của nó.

Tôi sẽ tiếp tục bước đi trên con đường đó, mặc dù sẽ không thể biết mình còn được ảnh hưởng các bậc thầy đến lúc nào, nhưng mỗi lần ảnh hưởng là mỗi lần tôi nhận ra chính mình rõ hơn và tiến gần hơn đến cái đích của sự nghiệp.

Yêu và chuyên tâm vẽ tranh thủy mặc như thế nhưng có khi nào Tạ Duy cũng cảm thấy “chán”? (cười) Và trong trạng huống chưa thỏa mãn ấy, biết đâu nghệ sĩ lại tìm tòi ra cái mới?

(Cười). Thú thực cho đến giờ, thủy mặc vẫn chưa phải ngôn ngữ khiến tôi thỏa mãn hoàn toàn. Và thế, tôi lại chuyển sang vẽ lụa nhưng với bút pháp của Trung Quốc họa. Điều mà tôi học được ở xứ người là Trung Quốc họa chứ không riêng gì thủy mặc. Thủy mặc họa chỉ là một nhánh của hội họa Trung Hoa truyền thống. Biết đâu trong tương lai, tôi lại áp dụng thủ pháp Trung Quốc họa cho cả acrylic, hay thậm chí cả sơn dầu không chừng.

Về sự khác biệt giữa tiêu mặc họa và thủy mặc họa, anh có thể chia sẻ rõ hơn và liệu anh đang thiên về bên nào?

Tiêu mặc họa 焦墨畫 là tên một thể loại của Trung Quốc họa truyền thống. Về bản chất, tiêu mặc họa không giống thủy mặc họa. Nếu như thủy mặc họa là sự kết hợp giữa mực và nước tạo nên các hiệu quả sắc độ phong phú thì với tiêu mặc họa, họa gia chỉ dùng mực mà rất ít dùng đến nước. Trong tiêu mặc họa, bút pháp đóng vai trò chủ chốt tạo nên ngôn ngữ cho tác phẩm thay vì có sự tương hỗ của sắc độ như trong thủy mặc họa.

Tôi bắt đầu thử nghiệm thể loại tiêu mặc họa trong một vài sáng tác từ năm 2018, đến 2019 thì cho ra nhiều tác phẩm ở thể loại này. Vì ngôn ngữ của tiêu mặc họa cực kỳ khiêm tốn và thậm chí “nghèo nàn”, bởi nó không có sự trợ giúp của sắc độ và màu sắc – hai nhân tố quyết định rất lớn trong việc cấu thành  vẻ đẹp cho một tác phẩm hội họa, nên việc sáng tác bằng tiêu mặc là một lựa chọn “tự dắt mình vào chỗ bí”. Nhưng dù sao, đây cũng là một hướng đi với nhiều trải nghiệm thú vị, tôi hy vọng nó có thể đem lại nhiều diện mạo mới cho các sáng tác trong tương lai của mình.

SEN TÀN. Mực trên giấy. 50,5 – 137,5 cm.

Người ta thường nói “thơ là hồn của họa, thư pháp là cốt của họa”. Có lẽ đó là lý do vì sao trong các bức tranh thủy mặc của anh thường có yếu tố thư pháp?

Từ bé tôi đã thấy bố mình luyện chữ Hán bằng bút lông, nhưng tôi vẫn khoái vẽ hơn. Nhưng khi qua Trung Quốc học tập, tôi ngày càng có thiện cảm với thư pháp. Như bạn nói, thư pháp là môn học bổ trợ bắt buộc cho Trung Quốc họa nên chúng tôi phải luyện viết hàng ngày. Vì việc dụng bút trong thư pháp khá tương đồng với Trung Quốc họa nên hai thứ bổ trợ cho nhau.

Luyện thư pháp nhiều giúp bút ý và bút lực thêm sâu sắc. Nhưng như thế không có nghĩa tôi là một nhà thư pháp, giống như các cầu thủ bóng đá thường xuyên phải luyện chạy bền, nhưng không có nghĩa họ là những vận động viên điền kinh.

CHIM BÓI CÁ VÀ HOA SEN. Mực trên giấy. 52,5 – 140 cm.

Cảm tưởng như những người theo hội họa thủy mặc thì bên trong họ dường như tiềm ẩn tính Zen sẵn có. Ý anh thế nào?

Chẳng phải đâu! Nhiều người nghĩ thế nhưng cá nhân tôi không hoàn toàn thấy vậy. Mặc dù tôi thích Thiền tông và Thiền họa Nhật Bản nhưng chúng không ảnh hưởng mạnh mẽ đến nghệ thuật của tôi.

Nhiều người nhìn tranh tiêu mặc của tôi thường nghĩ rằng tôi được ảnh hưởng bởi Thiền họa. Điều đó cũng có phần đúng nếu chỉ xét vẻ bề ngoài nhưng nếu xét về tâm thế khi sáng tác lại khác nhau hoàn toàn. Tôi chưa đạt tới cảnh giới “vô tâm đối vật” nên có lẽ sẽ còn lâu nữa mới đạt đến cái gọi là Zen, có chăng thì chỉ phảng phất chút phong vị thôi.

THÔNG VÀ XÉN TÓC. Mực trên giấy. 69 – 86 cm.

Theo anh, trải nghiệm quan trọng nào giúp ích cho việc thực hành vẽ tranh thủy mặc?

Theo tôi, người vẽ thủy mặc (nên) là người hoài cổ, yêu thích những thứ thuộc về quá khứ, từ âm nhạc, văn học cho tới hội họa,… Nhưng đã là nghệ thuật thì luôn đòi hỏi nghệ sĩ phải tạo ra cái mới, có điều với thủy mặc, cái mới nhất thiết phải bắt nguồn từ cái cũ, tư duy “sùng cổ sáng tân” (tôn sùng cổ học, sáng tạo cái mới) luôn được tôi và đa số các họa gia Trung Quốc họa khác coi là kim chỉ nam cho sự nghiệp.

Chúng tôi như những cái cây hút chất dinh dưỡng từ quá khứ sau đó đâm cành trổ lá cho tương lai vậy.

Theo như anh chia sẻ thì anh hẳn nhiên đã được ảnh hưởng bởi những họa gia vẽ tranh thủy mặc? Họ là ai?

Đúng là tôi được ảnh hưởng từ rất nhiều người, mỗi thời đại lại có những họa gia khiến tôi ngưỡng mộ và học hỏi, chẳng hạn như Pháp Thường, Lương Khải thời Tống, Trần Thuần, Từ Vị thời Minh, Dương châu bát quái thời Thanh, cận đại thì có Nhiệm Bá Niên, Ngô Xương Thạc, hiện đại thì có Tề Bạch Thạch, Ngô Quán Trung,… Đó là chưa kể các họa gia Nhật Bản.

Với nhiều họa sĩ, việc ảnh hưởng ai đó là một điều nên tránh, thậm chí là đáng xấu hổ, nếu có cũng phải giấu kín, bởi họ luôn muốn người khác thấy nghệ thuật của họ là duy nhất, thế mới độc đáo và cao giá. Nhưng với những họa sĩ học truyền thống như tôi, đó lại là một điều đáng tự hào. Bất cứ sinh viên họa viện nào cũng vậy, việc ảnh hưởng một bậc thầy nào đó là một nguyên tắc bắt buộc.

Truyền thống này đã ngự trị suốt chiều dài lịch sử của Trung Quốc họa, ngay cả khi nó được các quốc gia lân bang như Nhật Bản hay Hàn Quốc tiếp thu, việc học hỏi và ảnh hưởng từ những bậc thầy quá khứ luôn là điều kiện tiên quyết để trở thành một họa sĩ thực thụ.

BÍ ĐAO. Mực trên giấy. 56 – 140 cm.

Một triết lý nào mà anh yêu thích và nuôi giữ như kim chỉ nam khi theo đuổi dòng tranh này?

Gần đây có một câu nói của họa gia Ngô Lịch thời Thanh mà tôi rất tâm đắc, đó là: “Bút mực chi đạo, phi hữu đạo giả bất năng”, tạm hiểu là cái “đạo” của bút mực nếu không phải người có “đạo” thì không thể đạt được. Cái “đạo” ở đây có thể tùy cách hiểu mỗi người, nhưng theo tôi đó là đạo lý, là nhân phẩm, và câu nói trên của Ngô Lịch được tôi diễn giải đơn giản thành: “Muốn làm họa sĩ thì phải sống có đạo lý”. Tôi cho rằng điều này đúng cho cả hội họa phương đông lẫn phương tây, cả ngày xưa và ngày nay.

Quan điểm cá nhân anh về thị trường tranh thủy mặc Việt Nam và quốc tế? 

Riêng quốc tế ắt khỏi bàn cãi, bất cứ nơi nào có cộng đồng người Hoa và những nơi từng ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa đều có cộng đồng họa sĩ thủy mặc và người chơi tranh thủy mặc khá đông đảo. Riêng tại Việt Nam, cộng đồng này có vẻ nhỏ bé hơn, trước đây họ tập trung chủ yếu tại Sài Gòn, nơi có nhiều người gốc Hoa sinh sống, nhưng bây giờ đã lan dần ra cả miền Bắc và miền Trung, nhưng nhìn chung vẫn rất nhỏ bé so với nhiều quốc gia khác.

MƯỚP VÀ HOA PHÙ DUNG. Mực và màu trên giấy. 46 – 116 cm.

Năm 2018 đánh dấu triển lãm tranh thủy mặc đầu tiên của anh ở Hà Nội, như một bước khởi đầu, như vậy trong 3 năm vừa qua, hẳn anh đã sáng tác để ấp ủ cho dự án triển lãm mới?

Đúng thế! Tôi vừa có một triển lãm cá nhân tại không gian nghệ thuật TITA Art hồi cuối tháng 5/2020, với các tác phẩm dành riêng cho chất liệu lụa. Nếu không vì đại dịch Covid thì có lẽ đã có một triển lãm nữa dành riêng cho thể loại tiêu mặc. Nhưng quả đúng là “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, người tính không bằng trời tính, mọi kế hoạch của tôi đa phần đều đổ vỡ, thường những gì không định trước thì lại làm được, vậy nên càng ngày tôi càng tin vào hai chữ “tùy duyên”. Vả lại như thế cũng ăn nhập với tính cách của tôi, một người ghét bị ràng buộc và luôn hành động tùy theo cảm hứng.

Cảm ơn họa sĩ Tạ Duy đã dành thời gian trò chuyện và đưa ra những chia sẻ thú vị nhé!

Ảnh chân dung: Giang Lê


 
Back to top