Nghệ thuật

08 sự thật về Van Gogh: Những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời danh họa

Mar 12, 2020 | By Trang Ps

Sau cái chết đột ngột và bí ẩn của đại danh họa Van Gogh vào năm 1890, những câu chuyện về ông vẫn không thôi ly kỳ và dường như chẳng bao giờ có hồi kết.

Tác phẩm “Cánh đồng lúa mì quạ bay”, sáng tác năm 1890.

Khi còn sống, họa sĩ Van Gogh là chiếc bóng vô hình giữa lòng xã hội ngổn ngang. Người ta gán cho ông bao thứ mác như “kẻ điên” và “thất bại”, đủ để khiến một con người phải chôn mình hay chẳng thể ngóc đầu dậy. Nhưng, huyền thoại hội họa người Hà Lan vẫn miệt mài sáng tác trong 10 năm cuối đời, mặc cho khủng hoảng tinh thần và đau đớn tột cùng vì bệnh tật.

8 sự thật về Van Gogh dưới đây khắc họa những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của danh họa người Hà Lan, người hiện lên trong trí tưởng tượng công chúng như một thiên tài vĩ đại bị hiểu lầm, là “nơi mà các bài tranh luận điên cuồng và sáng tạo giao nhau”.

Luôn ác cảm với thị trường nghệ thuật

Tác phẩm Peasant Woman Binding Sheaves, sáng tác năm 1889.

Vincent Van Gogh có ác cảm suốt đời với những nguyên tắc cứng nhắc đằng sau thị trường nghệ thuật. Khi còn trẻ, chàng thanh niên ấy từng làm việc trong một phòng trưng bày do Goupil & Cie điều hành, đầu tiên ở Hague, sau đó, Van Gogh được phái đi công tác tại London và Paris.

Ông lập tức bị sa thải sau khi đặt một câu hỏi công khai về việc những tác phẩm nghệ thuật có được xem như hàng hóa. Sau đó, Van Gogh chuyển đến Arles vào năm 1888, thành lập nên Atelier du Midi tại ngôi nhà Yellow House nổi tiếng ở Place Lamartine. Suốt năm đó, ông chỉ vẽ, đồng thời xây dựng một cộng đồng nghệ sĩ nghiên cứu và thử nghiệm.

Van Gogh tự đặt mình ra khỏi rìa của thị trường nghệ thuật truyền thống.

Từng cố gắng trở thành mục sư

Sau khi bị đuổi việc khỏi phòng tranh của Goupil & Cie, Van Gogh quay về nước Anh và bắt đầu gắn mình với quá trình trải nghiệm tâm linh nghiêm túc.

Đầu tiên, ông trở thành giáo sư ở trường nội trú trong một thời gian ngắn, sau đó đăng ký làm việc ở nhà thờ Methodist ở vị trí thư ký. Giữa năm 1877 và 1878, ông theo bộ môn thần học tại Amsterdam và Brussels, nhưng việc trượt kỳ thi đã khiến ông không trở thành nhà truyền đạo.

Thất bại ấy khiến Van Gogh chán nản vô cùng nhưng thật may, vì bước ngoặt này mà ông quyết định chọn theo hội họa suốt cuộc đời mình.

Sử dụng tự họa như một cách thể nghiệm

Bức tranh tự họa năm 1887.

Từ năm 1886 đến năm 1889, Van Gogh vẽ 20 bức tự họa trên các tấm voan nhỏ. Hầu hết các bức tranh được hiện thực hóa trong chuyến đi 2 năm tới thành phố Paris.

Chỉ bằng cách vẽ gương mặt của mình, Van Gogh đã thể nghiệm  nhiều phong cách và kỹ thuật khác nhau. Sự biến hóa ấy được thể hiện rất rõ trong suốt 37 tác phẩm tự họa của ông.

Ngày nay, các bức tự họa của ông nằm rải rác ở những bộ sưu tập tư nhân và Bảo tàng Van Gogh tại Amsterdam, Musée d’Orsay ở Paris và Metropolitian Museum of Arts ở New York.

Van Gogh chỉ bán duy nhất một bức tranh khi còn sống

Bức tranh La Vigne rouge, sáng tác năm 1888.

Théo Van Gogh, người em trai của Van Gogh đã bán bức La vigne rouge (Vườn nho đỏ) vào năm 1890 với giá 400 francs (tương tương 400USD). Đó cũng là bức tranh duy nhất được bán đi khi hai anh em còn sống.

Vài năm sau đó, khi cả hai anh em qua đời, góa phụ của Théo (cũng là người kế thừa tất cả mọi bức tranh) và Père Tanguy (một trong những nhà sưu tập và thương nhân đầu tiên của dòng tranh theo trường phái ấn tượng) bắt đầu rao bán những bức tranh của Van Gogh.

Edgar Degas là một trong những người đầu tiên mua tranh Van Gogh. Và một trong những tác phẩm hội họa đắt nhất trong lịch sử chính là bức L’Autoportrait au visage glabre (sáng tác vào năm 1889) của Van Gogh, được bán với giá 71.5 triệu USD vào năm 1998.

Có một năm ở trại tị nạn tại Saint-Rémy-de-Provence

Bức tranh Irises, sáng tác năm 1889.

Năm 1889, Van Gogh trải qua một cơn trầm cảm mãn tính khác. Ông được chấp nhận cho vào trại tị nạn Saint-Paul-de-Mausole, nhưng sau đó người em trai khuyên ông nên chuyển tới Auvers-sur-Oise.

Từ phòng mình, Van Gogh ngắm nhìn cánh đồng lúa mì trong sự say mê. Chúng lập tức trở thành sức sống và cảm hứng mới trong hàng loạt bức tranh của ông.

Bệnh tật càng khiến Van Gogh phải làm việc để quên hết nỗi đau quằn quại của chính mình.

Mặc dù đây là quãng thời gian rất khó khăn, Van Gogh vẫn sáng tác hăng say như chưa từng bị bệnh. Irises và Lilas là hai bức tranh nổi bật được ông vẽ trong thời gian này, khi danh họa hãy còn trong khuôn viên của bệnh viện.

Tự cắt tai trái sau cãi vã với Paul Gauguin

Bức tự họa vào năm 1889 sau khi ông cắt bỏ tai trái.

Câu chuyện bắt đầu từ việc quyết tâm hợp nhất một cộng đồng nghệ sĩ tại Yellow House dựa trên những giá trị nghệ thuật đã chia sẻ của Van Gogh. Ông cố gắng thuyết phục người bạn Paul Gauguin của mình cùng tham gia, và hai họa sĩ đã tạo ra những series tác phẩm lấy cảm hứng từ nghĩa trang Alyscamps.

Tuy nhiên, Van Gogh và Gauguin thường xuyên cãi vã nhau. Vào ngày 23 tháng 12 năm 1888, người ta tìm thấy Van Gogh nằm trên giường với chiếc tai trái đã bị cắt. Giả thuyết phổ biến nhất cho rằng đây là hành động tự làm hại bản thân của họa sĩ. Nhưng, một câu chuyện khác được kể trong cuốn sách của Han Kaufmann và Zrita Wildegans lại cho rằng Gauguin đã chém đứt tai của Van Gogh bằng một thanh kiếm.

Biến cố này khiến Van Gogh liên tục chịu đựng các cơn suy nhược thần kinh đầy đau đớn. Sau này, hai tác phẩm tự họa nổi bật của Van Gogh sau khi tai trái ông mất đi trở nên nổi tiếng trong triển lãm tranh ở Arles vào năm 1988.

Đam mê viết thư

Thư của Van Gogh với nhiều hình minh họa khác nhau.

Van Gogh đã viết khoảng 800 bức thư trong suốt cuộc đời mình, hầu hết trong số đó được gửi tới người quan trọng nhất trong cuộc đời ông là em trai Théo. Tất cả các bức thư được tập hợp lại sau cái chết của Van Gogh vào năm 1890.

Số lá thư còn sót lại được chuyển tới những chuyên gia, trao cho họ đặc quyền được cảm nhận tâm hồn người nghệ sĩ đau khổ, chán nản sâu sắc cũng như cơ hội để phân tích toàn bộ các bức tranh của Van Gogh.

Tác phẩm hoạt hình đầu tiên được vẽ bằng tranh sơn dầu “Loving Vincent” được lấy manh mối từ hơn 800 bức thư do chính Van Gogh viết, ẩn chứa nhiều chi tiết, manh mối tới những người có liên quan cũng như nhiều sự kiện diễn ra trước cái chết đầy bất ngờ và bí ẩn của ông.

Ảnh hưởng sâu sắc bởi nghệ thuật Nhật Bản

Tác phẩm Japonaiserie: Un pont sous la pluie, sáng tác năm 1887.

Vào nửa sau thế kỉ 18, văn hóa Nhật Bản bắt đầu du nhập vào châu Âu. Van Gogh lập tức bị cuốn hút bởi những bản in mang màu sắc truyền thống của đất nước hoa anh đào, và đó chính là tiền đề cho các sáng tác của ông sau này như bức tranh L’amandier en fleurs (được vẽ trong năm Van Gogh qua đời).

Nguồn cảm hứng lớn của đại danh họa lấy từ dòng tranh khắc gỗ Ukiyo-e. Ông cảm thấy thích thú tác phẩm này từ những ngày ông còn ở Antwerp, nơi ông sử dụng tranh Ukiyo-e để trang trí cho studio của mình. Dòng tranh này sở hữu nét viền cứng, chắc chắn, ánh sáng trải đều, nhấn mạnh vào hoa văn trang trí.

Cuộc triển lãm “Van Gogh & Japan” trưng bày những bức họa khắc gỗ đầy màu sắc được vẽ trên nền hội họa du nhập từ Nhật Bản vào châu Âu trong thế kỉ 19. Đại danh họa đã thồi hồn vào chúng theo phong cách của riêng ông.

Cuối cùng ánh sáng công lý đã thuộc về Van Gogh. Sau khi ông chết, dù muộn màng nhưng các tác phẩm và cuộc đời ông đã trở thành nguồn cảm hứng bất diệt.

Trang PS | Vogue 


 
Back to top