ART & CULTURE

Triển lãm “Bước xuống cầu thang & tìm”: Hành trình của Bùi Chát

Apr 24, 2023 | By Trang Ps

Sau triển lãm cá nhân đầu tiên không được cấp phép vào năm ngoái, Bùi Chát vẫn liên tục trở lại thị trường nghệ thuật một cách mạnh dạn hơn, điển hình là hai triển lãm được cấp phép gần đây. Riêng cuộc trưng bày “Bước xuống cầu thang & tìm” bao gồm sắp đặt và tranh hiện diễn ra tại May Artspace đến 29/4 này.

Nói như giám tuyển Ace Lê trong một cuộc phỏng vấn mới nhất của anh trên báo Nhân Dân, rằng “phải bắt đầu từ tuân thủ luật pháp và đạo đức nghề nghiệp”, thì việc nỗ lực và chủ động xin giấy phép triển lãm của Bùi Chát thể hiện cách tiếp cận nghệ thuật vừa đúng đắn và công khai. Như vậy, đây là lần thứ 4 đánh dấu sự kiện trưng bày cá nhân của Bùi Chát trong vỏn vẹn chưa đầy 1 năm. Tất nhiên, số tranh mà anh vẽ thì đã tồn tại từ rất nhiều năm qua.

Một người học nhanh

Từng xem tranh của Bùi Chát từ triển lãm đầu tiên, tôi cho rằng anh là một người học rất nhanh và sức vẽ dồi dào. Là chủ của một thương hiệu sách, anh có đủ mọi điều kiện để tiếp cận kiến thức nghệ thuật và triết học Đông-Tây thường xuyên. Độ am hiểu của Chát về các trường phái nghệ thuật là không thể chối cãi. Vì thế, hội họa của anh là sự tương giao của tất cả những gì mà anh đã đọc và đã xem. Tất nhiên, trong đó vẫn có sự biến tấu của lý trí, tình cảm cá nhân.

Ngay từ những tháng đầu tiên khi Chát mở triển lãm, công khai những bức tranh mà mình từng vẽ, nổi lên trên “diễn đàn” nghệ thuật bao cuộc bình luận. Có người chê tranh Chát vẽ xấu, có người khen Chát ứng biến nhạy, có người cho rằng Chát có khả năng vẽ nhưng hơi vội vàng. Về sau, khi Bùi Chát liên tục trưng bày tranh, dần dần đám đông cũng trở nên đón nhận anh hơn, ít ra thì không còn xem đó là một trò đùa, hay thú vui nhất thời của một nhà thơ. Về phần mình, tôi thấy Chát học nhanh, và việc chậm hơn về mặt nội tại là một điều thiết yếu đối với anh ngay lúc này.

Tranh của Bùi Chát không mới. Trừu tượng của anh là sự dung hòa tính cách của nhiều danh họa mà chúng ta đã từng chiêm ngưỡng. Nhưng cái hay của Chát là sự ứng xử trong bút cọ, để tạo ra cái gọi là tác phẩm. Có lẽ, vì thế mà anh gọi đó là “hội họa tình huống”.

Về sau, một số bức của Bùi Chát thể hiện được sự cân bằng giữa lý trí và cảm xúc. Nói điều đó có nghĩa là nhiều bức của anh nghiêng về lý trí nhiều hơn. Khi hội họa nghiêng về lý trí nhiều hơn, nó sẽ thiếu đi đôi phần uyển chuyển và mềm mại – một yếu tố thuộc về tính nữ. Trong khi đó, tính nam của Chát lại khá mạnh, đôi khi áp đảo đi tính nữ – thuộc về một dòng chảy không suy nghĩ và suy tư. Có lẽ, suy tư của Chát ở giai đoạn đầu vẫn mạnh hơn sự rung động vượt lên tâm trí.

Nhưng có lẽ đó lại là một thực hành tất yếu của Chát để anh dần buông mọi kiến thức và hình ảnh mà anh từng đọc và xem. Nên đó là lý do, tôi cho rằng sự chậm lại về mặt nội tâm quan trọng với anh. Còn về bút pháp và năng lực vẽ, Chát hoàn toàn có đủ mọi tố chất. Nếu anh vượt qua phần lý trí, chắc chắn hội họa của anh sẽ gây ra nhiều bất ngờ và thú vị.

Không còn sự tìm kiếm

Rất nhiều họa sĩ mà tôi từng phỏng vấn cho rằng sự tìm kiếm là điều thiết yếu trong sáng tạo. Nhưng đôi khi, vì mắc kẹt vào sự tìm kiếm mà người ta trở nên tù túng, chật chội và bí ý tưởng. Có lúc, khi nhìn tranh Chát, tôi cảm nhận một số bức của anh buông được sự tìm kiếm một cách vô thức đó. Những bức này đơn giản về ý tứ, nhưng lại giàu xúc cảm.

Có thể, khi không còn ý tìm mình nữa thì anh lại đi được vào chiều sâu nội tại và thể hiện vẻ đẹp không vướng bận sự tìm kiếm đó trên tranh. Như một họa sĩ mà tôi từng phỏng vấn cho rằng năng lượng uyển chuyển của tác phẩm là khi vẽ chỉ còn là vẽ. Lúc đó, sẽ không còn lặp lại chính mình. Hàm ý không còn bám theo kho thông tin cũ trong tâm trí.

Cạnh bên những bức tranh trong triển lãm lần này, Chát trưng bày sắp đặt mang tên “Bước xuống cầu thang” được tạo nên từ 1.500 cuốn sách, từ cửa thư viện cũ trên lầu (hiện là văn phòng của một công ty kiến trúc), chạy dài đổ xuống cầu thang rồi chảy ra hai hướng là ngoài đường và phòng triển lãm. Tôi hình dung về một người trí thức thường gắn liền với sách và sách đóng vai trò kho báu đối với họ. Nhưng đọc sách và tự do khỏi kiến thức lại là một câu chuyện dài. Tác phẩm phần nào kích hoạt cho chúng ta chiêm nghiệm thêm về cách đọc sách như thế nào là đúng đắn. Và cách đọc ra sao thì khiến chúng ta có thêm khoảng không gian tâm hồn thay vì là sự chật chội tri kiến.

Triển lãm “Bước xuống cầu thang & tìm” của Bùi Chát diễn ra từ 21/4 đến 29/4/2023 tại May Artspace, 36/70 Nguyễn Gia Trí, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM


 
Back to top