Triển lãm “Chân dung nệm” của Hoàng Thanh Vĩnh Phong: “Mọi thứ xảy đến đều tốt đẹp!”
Khi vợ của Trang Tử qua đời, hoàng đế đến viếng và nghĩ ra bao lời lẽ tốt đẹp để an ủi nhưng khoảnh khắc trông thấy bậc hiền triết ngồi hát hạnh phúc dưới gốc cây, ngài tỏ ra vô cùng khó chịu. Lòng hoàng đế thốt lên: “Trời ơi, vợ ông ta vừa mới qua đời sáng nay, vậy mà ông ta xem như chẳng có chuyện gì xảy ra?” Hoàng đế tỏ ý trách móc nhưng Trang Tử thản nhiên đáp: “Tại sao thần phải khóc! Thần biết vợ mình đã chết. Nhưng không có nghĩa là thần phải khóc thương đau đớn. Cô ấy chết nghĩa là cô ấy chết. Người ta chỉ khóc khi người ta kỳ vọng. Còn thần luôn ở trong tâm thế sẵn sàng cho cái chết của chính mình và người thân. Sáng nay, cái chết đã xảy ra với vợ thần. Nếu không thể hát trước cái chết, thần cũng chẳng thể hát khi còn sống, vì cuộc sống là hành trình đi tới cái chết.”[1]
Cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Hoàng Thanh Vĩnh Phong về triển lãm “Chân dung nệm” của anh (diễn ra từ 2/12 – 17/12/2020 tại Vicas Art Studio, 32 Hào Nam, Hà Nội) khiến tôi bỗng nhớ đến câu chuyện thú vị trên, khi mà vấn đề sinh tử xuất hiện hầu khắp mọi tác phẩm mà anh trưng bày. Người ta sợ nói về cái chết, bởi theo quan niệm của con người hiện đại, nhắc đến cái chết thật xui rủi biết bao. Ai lại đi bàn về cái chết khi còn sống bao giờ. Và thế, cả cuộc đời, chúng ta thường sợ hãi cái chết hơn bất cứ điều gì khác. Vì ta ngỡ tưởng, chết là hết. Thế nhưng, sự sống và cái chết chưa bao giờ là hai khía cạnh tách rời. Khoảnh khắc một đứa trẻ sinh ra, cái chết đã gắn liền với nó. Chúng là một.
Bởi vậy, khi đăm chiêu thưởng thức loạt tranh “Chân dung nệm” của nam nghệ sĩ, người ta nếm được nỗi buồn, niềm vui, cái đẹp, cái tàn lụi, sự sống, cái chết,… trong từng tác phẩm nhưng cuối cùng nhẹ lòng bất giác nhận ra: “Mọi thứ xảy đến đều tốt đẹp!”
Mọi thứ xảy ra đều vô thường và là phần tất yếu của cuộc sống
J. Krishnamurti từng có một tuyên bố nổi tiếng: “Người quan sát là người bị quan sát.” Thoạt tiên, nếu lắng nghe một cách nông cạn, đó là câu nói ngớ ngẩn và vô lý, nhưng ngẫm kỹ, đấy lại là lời giảng trí huệ và cốt lõi nhất trong con đường minh triết của ông. Tương tự như vậy, khi Hoàng Thanh Vĩnh Phong chọn hình ảnh nệm và gọi nó là “chân dung nệm”, có lẽ, nghệ sĩ muốn nhấn mạnh vai trò của nệm như một nhân chứng, một kẻ quan sát bao buồn vui, hạnh phúc, đau khổ, sinh tử,… diễn ra xuyên suốt cuộc đời của cá thể nệm ấy, như một cá thể người. Bởi thế, 17 tác phẩm xuất hiện tại triển lãm khắc họa những cung bậc nội tại mang tính nhị nguyên nhưng toàn bộ đều thật sống động và tốt đẹp.
Tác giả đã khôn ngoan khi lựa chọn nệm như “một kẻ quan sát”, và nệm quan sát chính mình, nhờ đó mà nó có thể soi sáng nội tâm một cách triệt để nhất. Con người cũng vậy, khi lựa chọn là người quan sát chính mình, nhận thức của họ trở nên tỉnh táo hơn với những gì diễn ra bên trong: không đánh giá, không phán xét, không định kiến, không trách móc. Chỉ đơn thuần đứng đó quan sát, và họ sẽ thấy mọi thứ xảy ra đều vô thường và là một phần tất yếu của cuộc sống, vì thế mà không sinh kỳ vọng hay chìm đắm trong vô minh.
Bắt đầu sáng tác “chân dung nệm” đầu tiên vào năm 2014, đến năm 2017, nghệ sĩ chọn 3 bức trưng bày trong triển lãm “Thiên đường đã mất” tại The Factory Contemporary Arts Centre. Kể từ đó, Vĩnh Phong nghĩ nhiều đến series này và mong muốn phát triển thành dự án “1000 chân dung nệm”. Anh coi nệm là một cá thể người, để trên tấm nệm đó, người họa sĩ có thể phát triển những suy nghĩ xúc cảm của bản thân và dần dần nới rộng ra xã hội.
Dành 3 năm chuẩn bị cho một triển lãm, thời gian không dài không ngắn, nhưng hẳn đủ để thay đổi nhận thức của một con người. Vợ Vĩnh Phong học Phật, còn anh lại được truyền cảm hứng bởi cô ấy mà ngày một sáng dạ. Anh cho rằng luân hồi, tái sinh và nhân quả là điều gì đó rất thật. Trong tác phẩm “Tái sinh/Reborn” khắc họa chiếc giường và ảnh siêu âm đứa con của vợ chồng anh, như một minh chứng về luân hồi, tái sinh và nhân duyên. Chính đứa con lựa chọn ai là người làm cha, làm mẹ nó, chứ không phải ngược lại. Đối nghịch với tác phẩm này có lẽ là tác phẩm “Chết/Death” và “Chân dung nệm số 30/Vụ đốt xe”, dù mô tả cái chết nhưng ta cảm nhận rõ niềm đồng cảm của tác giả. Chính nệm là một hình ảnh ẩn dụ cho sự êm ái, nhẹ nhàng và xoa dịu, để những mất mát và úa tàn trông cũng thật đẹp, thật đời, và thật hiển nhiên. Như thi hào Rumi từng có bài thơ “When I Die” (Khi tôi chết) thật đồng điệu với tư tưởng “kết thúc vốn dĩ là sự khởi đầu” của Vĩnh Phong trong triển lãm này:
“…Khi rời bỏ tôi
Ở ngôi mộ
Đừng cất lời tạm biệt
Mà nhớ rằng ngôi mộ
Chỉ là một tấm rèm
Có thiên đường phía sau
Người sẽ chỉ thấy tôi
Nằm trong ngôi mộ
Giờ nhìn tôi hiện lên
Làm sao đây là kết thúc
Khi mặt trời lặn xuống
Hay mặt trăng lui về…”
Cái đẹp trong từng khoảnh khắc
Xét về ngôn ngữ nghệ thuật, Vĩnh Phong lựa chọn nệm xuất phát từ mong muốn kết hợp giữa điêu khắc và hội họa. Anh tạo tác cốt nệm bằng gỗ ghép ván, chạm vẽ lên đó như điêu khắc nhưng khi khoác vào tấm nệm thì bỗng trở thành hội họa. Khi đưa lên tường, từ sự vật có thể sử dụng, nệm bỗng trở thành vô dụng trong sử dụng. Trong thân phận là tác phẩm nghệ thuật, nệm có tác dụng thị giác và chuyên chở thông điệp đến người thụ hưởng.
Ba Phong từ một thầy giáo rất yêu nghề nhưng vì thời cuộc đã trở thành thợ mộc tài hoa, còn mẹ là người đàn bà gồng gánh mưu sinh nuôi 6 đứa con bằng nghề may vá. Bởi thế, tính điêu khắc và chi tiết hội họa của nghệ sĩ trong series này được ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hai con người ấy. “Chân dung nệm” của anh nổi bật với những họa tiết vải vóc, mà chủ yếu đến từ các tiệm vải ở Hội An, nơi anh đang sinh sống. Những họa tiết thực ấy tượng trưng cho tiếng nói của thời đại hôm nay, lồng ghép những suy tư và cảm xúc của anh để trở thành đứa con tinh thần khác biệt. Xuất hiện giữa những họa tiết ấy là thân phận con người trong gia đình anh và nới rộng ra là xã hội, với bao sự kiện mang tính thời sự, chớp nhoáng nhưng tất cả dội vào suy tư người nghệ sĩ về tính vô thường.
Trong tác phẩm “Chân dung nệm số 35/Hướng dương tàn”, họa tiết lấy từ tấm vải có dòng chữa “Just for love” được viết lộn xộn và sai chính tả. Phong ghi lại những họa tiết thật sự đó thay vì tự tạo ra. Những họa tiết này bổ túc hoặc tương phản lẫn nhau, nếu ai đó khám phá được một ý nghĩa, tác phẩm sẽ chịu đời sống riêng ấy, còn không, nó dừng lại ở vấn đề thị giác. Bông hoa hướng dương tàn úa và bông hoa hướng dương tràn đầy sức sống lần lượt xuất hiện, nhưng không nhằm tiếc thương hay buồn bã trước sự chảy trôi lạnh lùng của thời gian, mà khám phá cái đẹp riêng trong từng khoảnh khắc của sự sống, chứ không phải cái đẹp của sự trường tồn hay vĩnh cửu.
Như Vĩnh Phong chia sẻ, trong giai đoạn nghệ sĩ suy nghĩ về tác phẩm thì mọi thứ thật thú vị và sâu sắc, nhưng khi thực hành thì không như vậy. Kỳ vọng sẽ dẫn đến thất vọng. Có những mảnh đời, anh ngẫm nghĩ đào sâu và kỳ vọng, nhưng lại tác dụng ngược. Tuy nhiên, khi đơn giản và bình thường hóa thì mọi thứ lại trở nên thu hút. Có lẽ, khi anh để cho tâm thức thả lỏng tự nhiên, anh nhận ra “dễ mới đúng, bởi khó khăn là thứ hấp dẫn với cái tôi, và cái tôi thì không đúng”[2]. Chẳng hạn, thoạt đầu, Vĩnh Phong muốn vẽ một cái nệm trắng tinh khôi để ám chỉ về điều gì đó thật “sạch sẽ” và đẹp đẽ, nhưng trong quá trình vẽ lại xảy ra vấn đề hư hại màu sắc và bong tróc. Thay vì tiếc nuối, nghệ sĩ mài lại, tự nhiên, ý tưởng được lái sang một hướng khác, và kết quả đạt được rất ấn tượng. Bởi thế, nếu cứ bám chấp và vật lộn sáng tác theo mô thức rập khuôn, bạn sẽ thấy mọi thứ thật nặng nề. Nhưng nếu thả lỏng và cho phép tâm trí vượt ra ngoài phạm vi hạn hẹp, bạn sẽ có cơ hội chào đón nhân duyên và cái đẹp bất ngờ.
Có lẽ, khi anh để cho tâm thức thả lỏng tự nhiên, anh nhận ra dễ mới đúng, bởi khó khăn là thứ hấp dẫn với cái tôi, và cái tôi thì không đúng.
Cái đẹp luôn sống động. Và đó là sự sống nhiệm màu. Vĩnh Phong từng cùng cha mình đi đặt bia mộ cho dòng tộc, anh nhìn thấy những hình ảnh khắc lên đó thật vô hồn. Anh quyết định ra Hà Nội học in men sứ, biến cái chết khô khan ấy trở nên sống động hơn. Tác phẩm “Tư họa” thể hiện lối sáng tác này của nam nghệ sĩ, ở đó, chúng ta đơn giản nhìn thấy linh hồn cái đẹp được thể hiện theo cách thật riêng và đầy ám ảnh.
Bên cạnh những thông điệp sâu sắc ấy, “Chân dung nệm” là cuộc trưng bày với thực đơn chất liệu đa dạng, mang đến trải nghiệm thụ hưởng thú vị cho người xem. Những chất liệu này đối chọi và đối thoại với nhau nhấn mạnh ý đồ sáng tác đa phương tiện về lâu dài của tác giả.
Bài: Trang Ps
[1]: Diễn giải lại dựa trên tác phẩm “Trò chuyện với vĩ nhân” của Osho.
[2] Trang Tử từng nói: “dễ mới đúng, bởi khó khăn là thứ hấp dẫn với cái tôi, và cái tôi thì không đúng”