Nghệ thuật

07 câu hỏi cho Nổ Cái Bùm: Một phương cách tiếp cận nghệ thuật tươi mới và thoải mái hơn đã ra đời!

Jul 02, 2020 | By Trang Ps

Trước thềm tuần lễ nghệ thuật Nổ Cái Bùm diễn ra tại cố đô Huế (4/7 – 9/7), Art Republik và Luxuo Vietnam có cuộc trò chuyện với Lê Thiên Bảo, người sáng lập dự án Symbioses, đồng tổ chức chương trình Nổ Cái Bùm, để hiểu hơn về tầm nhìn, mục tiêu và vai trò của một “đại triển lãm” với sự tham gia của 56 nghệ sĩ từ Nam ra Bắc.  

Poster Nổ Cái Bùm. Thiết kế của: Uyên Minh (aka Mốc)

1/ Tuần lễ nghệ thuật Nổ Cái Bùm do những ai khởi xướng? Và tại sao lại là Huế mà không phải là các thành phố phát triển hơn như Hà Nội hay Sài Gòn?

Nổ Cái Bùm là Tuần lễ Nghệ thuật Đương đại tại Huế, diễn ra từ ngày 4 đến 9 tháng 7 năm 2020. Chương trình do NEST Studio, Mơ Đơ Art Space và dự án Symbioses đồng khởi xướng và tổ chức, với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân và cộng đồng nghệ thuật cả nước. Trong một tuần, tác phẩm của 56 nghệ sỹ cả nước từ Nam ra Bắc sẽ quy tụ về miền Trung Việt Nam, được trưng bày ở 6 không gian: Bảo tàng Mỹ thuật Huế (Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị), Mơ Đơ, NEST studio, Then cafe, Năm Mùa và Đại học Nghệ thuật Huế.

Chúng tôi chọn Huế, thứ nhất là vì nơi đây quy tụ nhiều tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể. Vùng đất này từng được chọn làm kinh đô trong suốt chiều dài cai trị của nhà Nguyễn (1802-1945). Tuy nhiên, Huế của hôm nay không chỉ có di sản gắn liền với hoàng gia triều Nguyễn, mà còn nổi bật với cuộc sống phong phú của người dân địa phương, vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được truyền thống.

Thứ hai là vì địa thế trung tâm của Huế, thuận tiện cho nghệ sỹ từ Hà Nội và Sài Gòn cùng di chuyển đến. Thứ ba là vì diện tích thành phố Huế nhỏ, vừa vặn để làm chương trình nghệ thuật rải rác khắp thành phố vì người dân có thể dễ dàng đi bộ, xe đạp, xe điện, thân thiện với môi trường. Hơn nữa, Huế cũng hiếm khi xảy ra kẹt xe. Bản thân thành phố Huế đã có rất nhiều tiềm năng và đầy sức hấp dẫn, sự kiện Nổ Cái Bùm chỉ như một cầu nối giữa đương đại và truyền thống, nhằm khơi dậy nhiều khía cạnh chưa được khám phá hết của Huế mà thôi.

Nổ Cái Bùm ban đầu được khởi xướng chỉ nhằm làm một triển lãm nhóm nho nhỏ với nhóm nghệ sĩ bạn bè, nhưng sau đó mọi người hưởng ứng mạnh mẽ đến nỗi dự án “phình” lên bất ngờ.

Không gian Nest Studio trong một buổi chiếu phim nghệ thuật năm 2019. Ảnh: Nest Studio

2/ Công tác chuẩn bị cho sự kiện diễn ra trong bao lâu? Ban tổ chức đã gặp khó khăn như thế nào trong điều kiện đại dịch như thế này, khi mà khách quốc tế vẫn chưa thể đến Việt Nam, và nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi?

Công tác chuẩn bị diễn ra từ cuối năm ngoái, dự kiến là đến tháng 4 năm 2020 sẽ khai mạc. Tuy nhiên, vì đại dịch Covid-19 nên cuối cùng, Nổ Cái Bùm phải dời lại đến tháng 7 năm 2020. Đây là một thời gian không dài so với quy mô và số lượng nghệ sĩ trong triển lãm. Nổ Cái Bùm ban đầu được khởi xướng chỉ nhằm làm một triển lãm nhóm nho nhỏ với nhóm nghệ sĩ bạn bè, nhưng sau đó mọi người hưởng ứng mạnh mẽ đến nỗi dự án “phình” lên bất ngờ. Về tài chính, thông thường các “đại triển lãm” tốn rất nhiều kinh phí và được hỗ trợ bởi chính phủ nước đó, các quỹ văn hóa nghệ thuật hoặc các nhà tài phiệt đứng sau. Nổ Cái Bùm chủ yếu vận động tài chính từ bạn bè, người thân và các doanh nghiệp địa phương vừa và nhỏ. Chúng tôi khó khăn hơn về mặt tài chính nhưng vì thế mà chúng tôi tự do hơn vì không bị chi phối về mặt nội dung bởi bất kỳ một xu thế chính trị nào.

Khó khăn với chúng tôi không phải là việc không có khách quốc tế, vì ưu tiên số 1 của Nổ Cái Bùm là nghệ sĩ trong nước, tiếp đến là công chúng trong nước. Mục đích của dự án không phải để làm vừa lòng khách du lịch. Tuy nhiên, nếu mô hình Tuần lễ Nghệ thuật Đương đại phát triển và được hỗ trợ, chắc chắn sẽ thu hút khách du lịch. Khi đó, điều chúng tôi quan tâm là làm sao để cộng đồng địa phương vẫn được hưởng lợi từ các hoạt động nghệ thuật của mình chứ không bị ảnh hưởng bởi làn sóng “du lịch hóa” như rất nhiều thành phố trên thế giới và thậm chí Việt Nam đã từng bị.

Nhật Tôn, Bức tường, 2020, chất liệu tổng hợp. Ảnh: Nhật Tôn.

3/ Ngược lại với khó khăn, cơ hội mà nghệ sĩ nắm bắt trong một sân chơi mở như thế này là gì?

Cơ hội được “khởi động” lại sau một vài tháng chùng xuống của cả thế giới sau đại dịch Covid-19. Chúng ta khá may mắn vì tình hình bệnh dịch được kiểm soát tốt ở Việt Nam. Nổ Cái Bùm chỉ mong muốn vực dậy khí thế cho các nghệ sĩ, để họ gặp gỡ cộng đồng nghệ thuật, bạn bè trong một “đại tiệc nghệ thuật” và khiến không khí rạo rực hơn.

Cá nhân tôi nghĩ đây là cơ hội tốt cho các nghệ sĩ trẻ được giao lưu gặp gỡ các bạn đồng lứa, và cả những anh/chị nghệ sĩ đi trước, trong một bối cảnh chuyên nghiệp hơn đó là cùng tham gia triển lãm, cùng thảo luận, đương nhiên là có cả những cuộc bia rượu sau đó nữa. Thảo luận cởi mở là thứ vô cùng bổ ích cho các bạn trẻ. Nổ Cái Bùm chỉ đang xây dựng một “bầu không khí” để các bạn có cơ hội làm việc đó.

Nguyễn An, Fragrant-1, 2019, sơn dầu trên giấy carton và hộp nhựa. Ảnh: Nguyễn An

4/ Thông thường, các triển lãm quy mô đều có giám tuyển với chủ đề rõ . Nổ Cái Bùm có đi theo mô hình này?

Thông thường, một “đại triển lãm” thường mất khoảng 18-24 tháng chuẩn bị, lên kế hoạch, mời giám tuyển, chọn chủ đề và mời nghệ sĩ. Hầu hết các triển lãm kiểu này đều tốn rất nhiều chi phí và được giám tuyển kỹ lưỡng về nội dung. Nghệ sĩ được mời tham dự chứ không thể chủ động nộp đơn. Với Nổ Cái Bùm, chúng tôi không có giám tuyển, mà tất cả các tác phẩm đều do nghệ sĩ tự kêu gọi nhau, tự nộp đơn ứng tuyển và tự quyết định nhóm để bày cùng nhau. Đây là trường hợp ít gặp với mô hình “đại triển lãm” có quy mô trên diện thành phố và với số lượng nghệ sĩ đông đảo như vậy.

Nổ Cái Bùm tiếp cận mô hình “đại triển lãm” một cách tươi mới và thoải mái hơn cho nghệ sĩ.

Hầu hết các tác phẩm tham gia triển lãm đều là những tác phẩm có sẵn trong xưởng nghệ sỹ, hoặc được sáng tác mới nhưng không phải theo đơn đặt hàng của nhà tổ chức. Nghệ sỹ cũng hoàn toàn làm chủ nội dung và cách trình bày tác phẩm của mình, cùng trao đổi và thỏa hiệp với các đồng nghiệp khác trong chương trình. Đây cũng là một dịp để các nghệ sỹ và người làm nghệ thuật thuộc nhiều thế hệ khác nhau, trưởng thành ở các bối cảnh xã hội khác nhau cùng giao lưu và chia sẻ. Ví dụ, lứa nghệ sỹ sinh ra ở những năm 1970 như: Nguyễn Trinh Thi, Nguyễn Trần Nam, Nguyễn Thúy Hằng, Đỗ Kỳ Huy, Le Brothers, giám tuyển Nguyễn Như Huy, v.v; và lứa nghệ sỹ/giám tuyển trẻ nhất sinh ra vào những năm 1990: Xuân Hạ, Đặng Thùy Anh,…

Diễn viên đang tập vở múa Project X do biên đạo Ngô Thanh Phương dàn dựng. Ảnh: Lâm Thuận Hiếu

5/ Nhà sưu tầm nghệ thuật Việt Nam có thể mong đợi gì qua tuần lễ nghệ thuật Nổ Cái Bùm?

Nổ Cái Bùm chỉ tập trung vào tác phẩm đương đại của nghệ sĩ sinh trong giai đoạn 1970-1993. Nhìn danh sách nghệ sĩ thì chắc nhà sưu tầm có thể đưa ra dự định riêng cho mình. Những sự kiện nghệ thuật như thế này đều mang lại nhiều bất ngờ cho cả người xem lẫn người sưu tầm. Phải ghé đến mới biết được!

Chúng tôi để nghệ sĩ tự bán tác phẩm, nghệ sĩ đóng góp lại một phần nhỏ để Nổ Cái Bùm có kinh phí thực hiện sự kiện đợt sau. Đây không phải là hội chợ nghệ thuật với những “file pdf” đẹp đẽ được gửi trước hàng tuần lễ để các nhà sưu tầm quyết định. Nổ Cái Bùm lần thứ nhất chỉ là một “vụ nổ” đột ngột và ngẫu hứng mà thôi!

Gaby Miller, still from “Luis Walking”, video art. Ảnh: Gabby Miller

6/ Nổ Cái Bùm có kế hoạch tổ chức mỗi năm một lần hay ở các tỉnh/thành khác?

Nếu có kinh phí thì mỗi năm chúng tôi sẽ tổ chức một lần. Hiện tại, chúng tôi cũng chưa có ý định thực hiện ở các tỉnh/thành khác, do tính thiết yếu của việc xây dựng kết nối với cộng đồng, chính quyền, cư dân ở đó sau mỗi lần tổ chức.

Việc tour một “đại triển lãm” không dễ dàng như di chuyển một gánh xiếc.

Banner quảng bá Art Tour Xe Điện do Nổ Cái Bùm tự vẽ tay. Ảnh: Nổ Cái Bùm

7/ Chị có đánh giá vai trò/ảnh hưởng của Nổ Cái Bùm trong bối cảnh thị trường nghệ thuật Việt Nam hiện nay như thế nào?

Đây là một sự kích thích và chúng ta cần nhiều sự kích thích như thế trong rất nhiều năm, cộng với một chính sách hỗ trợ tốt từ phía chính quyền thì thị trường nghệ thuật mới phát triển. Ảnh hưởng của Nổ Cái Bùm là một cú hích, thế thôi.

Nghệ thuật được sinh ra từ xưởng nghệ sĩ, mà xưởng nghệ sĩ lại thường bừa bộn, nhiều ý tưởng, nhiều thử nghiệm. Nổ Cái Bùm là đường dẫn cho người xem đến với những trải nghiệm thoải mái, tự nhiên nhất, do nghệ sĩ tự chọn lựa để bày ra với bạn bè và công chúng.

Lan Anh Lê, trích đoạn tác phẩm “Âm”, 2019, video art. Ảnh: Lan Anh Lê.

Với nguồn lực và bối cảnh như ở Việt Nam, chúng ta chưa sẵn sàng để làm những sự kiện chuyên nghiệp và quy mô như Hội chợ Nghệ thuật Art Basel, hay những Triển lãm Lưỡng niên (Biennale) tại Singapore hay Thái Lan. Nếu cố gắng làm cho “hợp mốt” thì chỉ có tiếng chứ không có chất lượng. Nhìn bề mặt thì thấy vậy chứ bên trong vẫn còn nhiều thiếu sót và góc khuất. Cái chúng ta cần là một cộng đồng sẵn sàng đón nhận những thứ đó và một chính sách cởi mở để chấp nhận sự khác biệt. Cộng đồng nhỏ thì mình làm nhỏ, cộng đồng trưởng thành thì mình làm lớn. Cứ phát triển một cách thuận tự nhiên thôi.

Cám ơn chị vì những chia sẻ chân thành!


Bạn đọc có thể theo dõi lịch trình diễn ra sự kiện tại link


 
Back to top