ART & LIFE

Phan Hải Bằng & hành trình đưa “ánh sáng mới, góc nhìn mới và đời sống mới” vào tác phẩm Trúc chỉ

Sep 07, 2020 | By Trang Ps

“Nghệ thuật Trúc chỉ” mang đến cho giấy” thêm một “đời sống” mới: thoát khỏi thân phận làm nền (cho các thao tác sáng tạo khác) để trở thành một tác phẩm tự thân, độc lập”. Những lời chia sẻ chắc nịch và tràn đầy cảm hứng của họa sĩ Phan Hải Bằng ở sự kiện mở xưởng/ workshop thuộc tuần lễ Nổ Cái Bùm đã thôi thúc tôi thực hiện một cuộc trò chuyện riêng với anh.

Và thế, chỉ sau đó một ngày, tôi đã có mặt tại Vườn Trúc Chỉ, số 5 Thạch Hãn, Tp. Huế. Ấn tượng ban đầu có lẽ là cách bài trí các tác phẩm Trúc chỉ ở một ngôi nhà đậm chất kiến trúc cố đô với khuôn viên xanh tươi và cổ kính. Phảng phất nguồn năng lượng tĩnh tại và đôi phần trang nghiêm, Trúc Chỉ Garden là điểm đến phản ánh rõ nhất tinh thần của môn nghệ thuật mới mẻ và công phu này. Gian giữa không chỉ là phòng trà dành cho việc tiếp khách mà còn gợi lên trong lòng người ghé thăm sự tò mò với biểu tượng chiếc đòn gánh và những bức chân dung nhân vật kế bên. Hai gian trái – phải trưng bày các tác phẩm, nghệ phẩm theo những cách riêng biệt, thể hiện dụng ý tinh tế của chủ nhân.

Họa sĩ Phan Hải Bằng, với tinh thần khảng khái và bộc trực, mời tôi ngồi xuống thưởng thức ấm trà nóng vừa pha và bắt đầu chia sẻ câu chuyện lan tỏa tinh thần Trúc chỉ trong gần một thập niên của anh và đội ngũ cộng sự.

Câu chuyện hôm qua mà họa sĩ chia sẻ trong sự kiện mở xưởng/ workshop Trúc chỉ khiến tôi nghĩ anh vô cùng chú trọng vào giá trị tinh thần của môn nghệ thuật này.

Thông thường, người ta làm điều gì thì sẽ chỉ chú trọng vào đúng chỉ điều đó. Còn tôi, tôi còn muốn “làm cái ngoài nó”. Chẳng hạn bây giờ, người ta nghĩ chúng tôi chỉ tập trung sáng tạo các tác phẩm Trúc chỉ và nghệ phẩm Trúc chỉ khác, nhưng thực chất, chúng tôi còn làm nhiều hơn thế. Bởi, mục đích cuối cùng của chúng tôi là xây dựng một giá trị chứ không phải chỉ củng cố chất liệu hay loại hình.

Bởi, mục đích cuối cùng là xây dựng giá trị chứ không phải chỉ củng cố chất liệu hay loại hình.

Ngẫu liên- Hội tụ #4 _ Lotus in Spontaneity- Asemblage #4. 105x105cm-woodcut- trucchigraphy- ink

Một giá trị thông thường bao gồm 4 thành tố cơ bản: ngôn ngữ (quan điểm, quan niệm, ý niệm, khái niệm); lịch sử hình thành và phát triển; yếu tố quy trình, kỹ thuật và chất liệu; và cuối cùng là thành tựu, khả năng đáp ứng nhu cầu sáng tạo và nhu cầu xã hội. Ngoài những thành tố đó; với định hướng xây dựng một giá trị, Trúc chỉ còn xác định: Thẩm mỹ, Giáo dục và Xã hội. Với hiệu ứng xã hội, việc giá trị mà Trúc chỉ đem lại cho xã hội hay việc xã hội tiếp nhận Trúc chỉ đều xoay quanh giá trị đầu tiên là tính Thẩm mỹ. Nhưng để xã hội tiếp nhận Trúc chỉ một cách chính xác và hiểu được hệ thẩm mỹ của Trúc chỉ thì phải thông qua Giáo dục. Giáo dục ở đây bao gồm: giáo dục tự thân và giáo dục cộng đồng.

Giá trị đó được tạo dựng thông qua những câu chuyện. Làm nghệ-thuật-giấy đã khó, xây dựng giá trị mới thực sự khó hơn và đầy thử thách. Trong đó, giáo dục luôn là điều phải được thực hiện liên tục. Chúng tôi luôn tâm niệm: “Ánh sáng mới, góc nhìn mới và đời sống mới.” Có nghĩa rằng với những gì bình thường nhất, khi được soi rọi bằng ánh sáng nghệ thuật và sáng tạo, sẽ có giá trị và một “đời sống” mới, khác biệt. Một trong những nỗ lực của Trúc chỉ từ trước đến nay là đưa câu chuyện của Giấy trở thành một nghệ thuật, vượt thắng được những định kiến đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người. Như việc cho rằng đây chỉ là một loại hình mỹ nghệ; người ta đã làm từ lâu rồi; ai chả làm được… đây chính là hai thứ làm cho những kẻ mang nghiệp sáng tạo dễ tổn thương nhất: dửng dưng và dè bỉu.

Chúng tôi luôn tâm niệm: “Ánh sáng mới, góc nhìn mới và đời sống mới.” Có nghĩa rằng với những gì bình thường nhất, khi được soi rọi bằng ánh sáng nghệ thuật và sáng tạo, sẽ có giá trị và một “đời sống” mới, khác biệt.

Xin họa sĩ nói rõ hơn về sự dè bỉu và dửng dưng?

Sự dửng dưng ở đây được hiểu gần như một sự bàng quan cả vô tình lẫn hữu ý, hoặc giữ định kiến trước những gì mới, khác, ngoài sự biết của mình, kiểu như: ô! Chỉ là giấy thôi mà, có cái gì đâu, biết rồi…

Sự dè bỉu có sự quan tâm hơn, nhưng với một sự thiếu thiện chí, thiếu sự am hiểu, kiểu như: ô! Cái này người ta đã làm từ bao lâu nay rồi; cái này là bắt chước, thậm chí là ăn cắp ở đâu đó… cái này là một thứ nửa tàu nửa tây quái dị,…

Thái độ ấy thuộc về tâm trí chung của con người, vô hình chung, hạ thấp những giá trị đã có cũng như đang được xây dựng.

Không gian tinh thần Trúc Chỉ tại Vườn Trúc Chỉ – Huế

Từ đó dẫn tới những cách hiểu, nhìn nhận và hành xử không đúng mực. Với Trúc chỉ, chúng tôi đã gặp rất nhiều những tình huống như thế. Với tâm thức giấy chỉ là giấy nên người quan tâm thường hỏi về nguyên liệu, độ bền, dai, thấm hút, loang…trong khi Trúc chỉ đã đẩy câu chuyện giấy đi xa hơn rất nhiều. Thái độ ấy cũng ngăn trở nhận thức và phân biệt các khái niệm: “trúc chỉ”: giấy tre (theo cách word by word) với “Trúc chỉ”: giấy-nghệ-thuật, nghệ- thuật-giấy mới của Việt nam. Đây cũng là điều mà phần lớn những người chưa tiếp xúc trực tiếp hoặc chưa trải nghiệm với Trúc chỉ thường bị nhầm lẫn, nhất là câu chuyện nguyên liệu. Từ tên gọi Trúc chỉ, nhiều người mặc định nguyên liệu chỉ là tre trúc, trong khi đó nguồn nguyên liệu mà chúng tôi sử dụng là hầu hết các loại xơ sợi sẵn có tại các địa phương: rơm, tre, mía, chuối, sen, bèo, lá, cỏ…các loại nguyên liệu với những biểu hiện phong phú sẽ được sử dụng cho các yêu cầu sáng tạo cụ thể.

Bên cạnh những sự thông hiểu và hỗ trợ, việc nhận thức không chính xác về khái niệm Trúc chỉ như một nghệ thuật Giấy mới của Việt nam đã gây ra những hệ lụy về sự tiếp nhận, và thái độ ứng xử với giá trị mới mẻ này theo kiểu dửng dưng, dè bỉu và cả trục lợi. Mặt khác, thái độ dè bỉu còn thể hiện ở việc phân biệt mỹ nghệ và nghệ thuật. Điều này tồn tại không chỉ trong công chúng, giới thưởng ngoạn mà ngay cả trong giới nghệ sỹ, những người sáng tạo.

Trước đây, sơn mài cũng được coi đơn thuần là một ngành mỹ nghệ. Nhưng nhờ sự ra đời của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ bắt đầu dùng sơn mài như một chất liệu cho sáng tạo nghệ thuật. Với những nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo của các họa sỹ Việt nam và nước ngoài; từ đó đến nay, sơn mài đã trở thành một trong những “đặc sản” mỹ thuật của Việt Nam.

Từ chỗ chỉ được coi là một môn mỹ nghệ; nỗ lực của chúng tôi đã làm cho Trúc chỉ trở thành một nghệ thuật, Trúc chỉ giờ đây không đơn thuần là chất liệu hỗ trợ mà đã là tác phẩm nghệ thuật độc lập. Với những thành tựu trong triển lãm, giải thưởng và hiệu ứng xã hội, được công nhận trong đời sống xã hội cũng như đời sống nghệ thuật Việt nam.

Bàn thờ Tinh Thần Trúc Chỉ tại tất cả không gian

Biểu tượng đòn gánh chính giữa và những bức tranh chân dung bằng trúc chỉ mà họa sĩ treo kế bên hẳn có dụng ý riêng?

Nỗi trăn trở lớn nhất: ai sẽ là người tiếp tục nắm giữ và phát huy tinh thần của Trúc chỉ.  Làm ra tác phẩm Trúc chỉ đã khó, điều quan trọng hơn là tinh thần này, giá trị này sẽ được gìn giữ ra sao. Vì thế mới sinh ra “bàn thờ” và biểu tượng đòn gánh.

Bạn đang ngồi trong ngôi nhà Huế, ngạch cửa cao lên, mái thấp xuống. Khi bước vào, bạn phải nhấc chân lên và cúi đầu xuống (mặc định sự tôn kính), và khi ngẩng mặt thì lập tức thấy “bàn thờ” trước mặt. Cấu trúc ngôi nhà khiến chúng ta phải thành kính như vậy. Trong ngôi nhà ở Vườn Trúc chỉ, gian phòng giữa mô phỏng “bàn thờ” nhưng thực tế là không gian linh thiêng, tôn vinh. Hình ảnh chiếc đòn gánh là biểu tượng tính nữ với năng lực riêng biệt; là hình mẫu của người mẹ. Người mẹ tạo ra sự sống (sinh nở), tức là tạo ra sự mới mẻ, đây cũng chính là một thuộc tính của sáng tạo. Linh vật chiếc đòn gánh thực chất là biểu tượng của sự Sáng tạo, của người Mẹ. Sáng tạo luôn là điểm mấu chốt của tinh thần Trúc chỉ.

Khu vực chân dung bên cạnh chính là khu vực “Năng lượng Trúc chỉ”, là những “Người khổng lồ”; những người đã nâng chúng tôi – Trúc chỉ – trên đôi vai vai của họ.

Người đầu tiên là đức Nguyễn Hoằng Tông Khải Định, vị Vua thành lập bảo tàng đầu tiên của Việt Nam, Musee’ de Khai-Dinh năm 1923 (nay là Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, số 3 Lê Trực- Huế). Trong chỉ dụ thành lập bảo tàng, ông từng nói: “…Đặc trưng của một dân tộc được biểu thị qua các sác phẩm nghệ thuật. Đó là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, nghi lễ chính trị và hình ảnh tâm hồn của dân tộc đó…” Vì đó, chúng tôi coi Ngài là người lập chí cho mình.

Tiếp theo là Nhà văn – Dịch giả Bửu Ý, người đã định danh“Trúc Chỉ”, với ý niệm hình ảnh cây tre như biểu tượng của văn hóa và tinh thần Việt, theo đó Trúc Chỉ là danh từ để chỉ một loại giấy-nghệ- thuật, nghệ- thuật- giấy mới của người Việt. Ông chính là người lập danh cho Trúc chỉ.

Tiếp nữa là sư thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Thầy cũng là nghệ sĩ, thi nhân, viết thư pháp và  là người am hiểu về mỹ thuật. Thầy đã từng cho phép chúng tôi được thỏa chí sáng tạo bằng nghệ thuật Trúc chỉ tại chùa Huyền Không Sơn Thượng. Thầy đã tặng cho Trúc chỉ câu thơ: “ ruột không tiết thẳng đứng trời hạo nhiên…” nói lên tinh thần cương trực, chánh đạo thông qua hình tượng cây tre, như một lời nhắn nhủ cho Trúc chỉ. Với hai chữ “Hạo nhiên”, Thầy đã là người lập ngôn cho Trúc chỉ.

Sắp đặt trong triển lãm Trúc Chỉ – Lời của sông – Phiên Bản 2017 tại Bảo tàng Mỹ Thuật Đà Nẵng

Người tiếp theo là Thầy Nguyễn Hữu Thông, nguyên Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa miền Trung (VICAS). Dười thời của ông, có hơn 30 đầu sách viết về văn hóa Huế. Những sự đồng cảm và chia sẻ về tri thức và văn hóa, đặc biệt là văn hóa Huế…đã làm cho ông trở nên Người lập trí cho Trúc chỉ.

Kế tiếp là người lập Thương; người có công rất lớn với Trúc chỉ; người đã đồng cảm, đồng hành từ những ngày đầu tiên của Trúc chỉ; đỡ đầu, bày vẽ cho chúng tôi rất nhiều về kinh doanh, làm giá trị, khái niệm, kết nối… Ông cũng là người giúp đồng cảm với chúng tôi với tư duy chuyển hóa một ngành nghề mỹ nghệ thành một nghệ thuật. Ông là Võ văn Quân, người sáng lập XQ Việt nam.

Tiếp nữa là Họa sỹ Phan Thanh Bình, nguyên hiệu trưởng Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế. Ông là người đã từng cho phép chúng tôi một góc nhỏ trong khuôn viên trường để dựng xưởng giấy thực nghiệm đầu tiên, tiền thân của Trúc chỉ sau này. Với Trúc chỉ, ông là người lập địa.

Và còn nhiều nữa những con người (mà chúng tôi chưa kịp thực hiện chân dung) đã không tiếc công sức, tinh thần cho việc xây dựng nên Trúc chỉ, như một giá trị mới với tinh thần dân tộc đậm nét. Họ là những người mang đến năng lượng tích cực cho Trúc chỉ, cả về vật chất, tinh thần, trí lực… từ những ngày đầu tiên cho tới tận bây giờ.

Vừa rồi, anh chia sẻ nỗi trăn trở của mình rằng “ai mới là người giữ năng lượng Trúc chỉ mới quan trọng”. Vậy yếu tố nào mà anh đặt lên hàng đầu trong việc bảo tồn giá trị ấy?

Chuyển giao là yếu tố được tôi đặt lên hàng đầu. Tinh thần Trúc chỉ mới là thứ cốt yếu để chuyển giao. Tinh thần đó gói gọn trong ba tiêu chí:  Thẩm mỹ, Giáo dục và Xã hội. Khi Thẩm mỹ và Giáo dục đạt được những thành tựu đầy đủ, hiệu ứng Xã hội sẽ là một giá trị thực. Ngược lại khi thiếu hụt một trong hai, hoặc cả hai tiêu chí trên, kết quả sẽ là một phiên bản lỗi. Rất tiếc đã có những phiên bản lỗi hình thành. Chúng tôi coi đây là lỗi của mình, vì đã không thể thực hiện tiêu chí Thẩm mỹ và Giáo dục một cách triệt để trong một số trường hợp. Bởi thế, chúng tôi phải nâng tầm thẩm mỹ và giáo dục lên nữa. Việc nghiên cứu và sáng tạo mới được chúng tôi rất chú trọng, nhất là việc tiếp tục học tập và sáng tác. Các thành viên họa sỹ của Trúc chỉ vẫn luôn duy trì các lớp học, thường xuyên tham gia các triển lãm cũng như đạt được các giải thưởng Mỹ thuật…

Tác phẩm _Bản Ngã Xếp Lớp _., kỹ thuật đồ họa Trúc chỉ – tác giả _ hsy Ngô đình bảo Châu – kt 580x 3000cm .

Vì thực chất, việc dựng một mô hình, bao gồm định hướng, quy trình, chất liệu và kỹ thuật… là cái khó ban đầu. Điều khó khăn hơn tiếp theo là làm sao giữ gìn, duy trì và phát huy mô hình đó. Giáo dục và Thẩm mỹ phải luôn luôn phải được nâng cao để tạo ra sự bền vững. Nhiều workshop đã được chúng tôi tiến hành cho nghệ sỹ, sinh viên, đặc biệt là các nghệ sỹ trẻ ở Hà nội, Huế, Đà nẵng, TP. HCM…nhiều người trong số đó đã sáng tác và giành nhiều giải thưởng Mỹ thuật và Thiết kế cả trong và ngoài nước.

Chuyển giao là yếu tố được tôi đặt lên hàng đầu. Tinh thần Trúc chỉ mới là thứ cốt yếu để chuyển giao.

Năm 2013, có một nhà báo hỏi: “Anh đã thông thạo sơn mài, sơn dầu, đồ họa… rồi thì còn làm Trúc chỉ để làm gì?” Tôi trả lời: “Tôi muốn 10 hay 15 năm nữa, khi đến Huế, ngoài chùa Thiên Mụ, lăng Tự Đức, bánh nậm, bánh bèo, cơm hến, hoa giấy Thanh tiên, tranh làng Sình… thì mọi người sẽ còn biết đến Trúc Chỉ, khi đến Việt nam; ngoài giấy Dó đã rất nổi tiếng sẽ còn biêt thêm Trúc chỉ. Tức việc xây dựng Trúc chỉ trở thành một giá trị có tính chất đặc trưng đã được hình dung từ thời kỳ đầu.

Hiện tại, Trúc Chỉ đã có rất nhiều triển lãm, dự án và giải thưởng trong nước và quốc tế, đã dần khẳng định sự hòa nhập vào dòng chảy nghệ thuật tạo hình Việt nam. Nhưng mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tính phổ quát. Một lúc nào đó, bằng nỗ lực lớn nhất của đội ngũ, quy trình Trúc chỉ tiệm cận sự hoàn hảo, các nghệ sĩ sẽ có thể sử dụng phương pháp này để sáng tác, như đã từng với các phương tiện khác như sơn dầu, sơn mài, màu nước…đó có thể là một dấu ấn Việt góp thêm vào kho tàng phong phú của thế giới nghệ thuật.

Được biết, anh cũng đã đưa Trúc Chỉ sang nước ngoài, tham gia các triển lãm quốc tế khác nhau. Cộng đồng nghệ thuật thế giới đón nhận tác phẩm này ra sao, thưa anh?

Trong dự án OVERSEAS, tại Bảo tàng Confluences, Lyon, Pháp và Trung tâm văn hóa quốc tế UFA ở Berlin Đức, “Wow” là biểu hiện thường thấy nhất của công chúng yêu nghệ thuật khi chiêm ngưỡng tác phẩm và không gian Trúc chỉ. Chúng tôi thường được hỏi han và diễn giải cặn kẽ cho họ về giá trị, concept, quy trình…thường thì sau khi đã hiểu, người ta lại quay ra ngắm lại lần nữa. Đó cũng là một trong những điều khiến chúng tôi cảm thấy tự hào.

Tranh Trúc Chỉ trên sân khấu OVERSEA

Ở một số nước khác, đặc biệt là phương Tây, từ lâu người ta đã coi giấy là loại hình nghệ thuật. Họ đã có nền tảng về nghệ thuật xơ sợi và giấy. Bạn cũng sẽ thấy ở đây những tác phẩm được tạo tác từ xơ sợi, bột giấy…khai thác các hiệu ứng thị giác từ xơ sợi, kết cấu…phần lớn chúng gần với nghệ thuật Trừu tượng. Tại Chiangmai Thái lan, nơi tôi thực hiện chuyến điền dã của học bổng Châu Á học (ASIAN Scholarship Foundation) năm 2007-2008, người ta vẫn duy trì các xưởng giấy lớn ở Huyện Sankampheng. Hơn nửa năm trời ở đó, tôi được tiếp cận và nắm bắt hầu hết các phương thức, quy trình, kỹ thuật tạo tác giấy. Họ có thể tạo ra những tấm giấy với những biểu hiện và cá tính rất đặc biệt.

Sau này ở Đống cao Bắc ninh cũng thế, người ta có thể làm những tấm giấy Dó tuyệt hảo. Nhưng điểm chung là các thành phẩm đó đều chỉ là những nền, phương tiện phục vụ cho những mục đích khác nhau: vẽ, viết, in, thiết kế… Một trong những kỹ thuật đó là sử dụng áp lực nước, làm thay đổi cấu trúc giấy, tạo nên sự dày mỏng. Gần như ngay lập tức, tôi liên tưởng đến kỹ thuật chế bản etching (in khắc kim loại) và in xuyên (silk screen). Đây chính là điểm khởi phát cho Trúc chỉ cũng như thuật ngữ Đồ họa Trúc chỉ/ trucchigraphy bây giờ. Đó là sự phối hợp đầy hứng khởi của quy trình làm giấy, kỹ thuật tạo áp lực nước và các nguyên lý chế bản của nghệ thuật Đồ họa (etching, silkscreen…). Quy trình kỹ thuật đồ họa Trúc chỉ/ trucchigraphy này là kết quả của ý niệm tạo nên một tác phẩm giấy- nghệ- thuật tự thân, đồng thời tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của Trúc chỉ là hệ thống sắc độ kỳ ảo và biểu hiện của xơ sợi khi Trúc chỉ tương tác với ánh sáng, cả với ánh sáng thuận lẫn nghịch.

Vào năm 2017, khi Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu qua thăm Việt nam và Huế, món quà của Tỉnh thừa thiên Huế tặng cho Ngài là một tác phẩm Trúc Chỉ. Chúng ta đều biết Nhật bản với nghề giấy thủ công, washi là một thành tựu rất rực rỡ. Việc được lựa chọn để làm quà tặng cho Quốc khách là một vinh dự to lớn cho Trúc chỉ; đồng thời cũng là một trách nhiệm nặng nề cho công việc nghiên cứu, sáng tạo tiếp theo.

Một lúc nào đó, bằng nỗ lực lớn nhất của đội ngũ, quy trình Trúc chỉ tiệm cận sự hoàn hảo, các nghệ sĩ đều có thể sử dụng phương pháp này để sáng tác…

Tranh Bình phong Trúc Chỉ

Hẳn là anh đang nghiên cứu và thực hiện những sáng tạo Trúc Chỉ mới?

Nghiên cứu, sáng tạo vẫn luôn là điều cốt lõi của Trúc chỉ, và không chỉ với Trúc chỉ. Những thành tựu đã đạt được mới chỉ là những điểm son cho sự khởi đầu một hành trình xây dựng một giá trị. Hiện Trúc chỉ vẫn đang tiến hành song song cả hai mảng: Nghệ thuật tạo hình/ thị giác và nghệ thuật ứng dụng, với hai đội ngũ họa sỹ, thiết kế song hành và tương hỗ lẫn nhau.

Về nghệ thuật ứng dụng, các thử nghiệm về design: sản phẩm, nội ngoại thất, thiết kế đồ họa, trang phục thậm chí trang sức vẫn đang được dần hình thành và khẳng định những dòng sản phẩm, thiết kế hoàn thiện…trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua.

Về nghệ thuật tạo hình/ thị giác, ngoài sự xuất hiện và được công nhận của thuật ngữ: đồ họa Trúc chỉ/ trucchigraphy; những dự án, triển lãm trong và ngoài nước, những giải thưởng…chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và sáng tạo từ nguyên liệu, phương thức biểu hiện, các hiệu ứng thị giác…và trên hết là hệ thống các tác phẩm có tính chất đặc trưng Trúc chỉ cũng như sự kết hợp, phối hợp với các loại hình nghệ thuật khác…để đạt đến điểm mấu chốt của giá trị nghệ thuật: tính thẩm mỹ, văn hóa, truyền thống, tình yêu và lòng trắc ẩn.

Hy vọng sẽ sớm được “trình làng” những sáng tạo mới của Trúc chỉ trong thời gian ngắn nhất với công chúng.

Cám ơn anh vì những chia sẻ thú vị!


Triển lãm sắp tới gần nhất: “ĐỒ HỌA và Đồ họa Trúc chỉ” – giới thiệu một khả năng nữa của Trúc chỉ: đối thoại với những thành tố của Nghệ thuật Đồ họa – dự kiến tổ chức từ 9/9/2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà nẵng.


 
Back to top