Vùng sáng tác của Đỗ Thanh Lãng: Ngoài lề những áp đặt
Ở Đỗ Thanh Lãng có một sự tò mò thơ trẻ và sự hóm hỉnh đặc trưng, hai ấn tượng này phản chiếu rất rõ nét trong những tác phẩm của anh, cũng như cách anh tiếp cận nghệ thuật.
Sinh năm 1986 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đỗ Thanh Lãng học chuyên ngành Hội họa tại Đại học Mỹ thuật Hồ Chí Minh. Tác phẩm của anh đã được trưng bày ở nhiều triển lãm nhóm tại Việt Nam, như “Dăm kết Mặt trăng” tại Galerie Quỳnh; “Bồi Tích”, Galerie Quỳnh… “Muối Rừng”, triển lãm Việt Nam–Hàn Quốc, tại Seoul, Hàn Quốc; “Ngoài Lề Bảo Tàng” của Sao La tại Chung, PongDang Gallery; “Chị Tôi” tại Sàn Art, “Spot Art Singapore 2014” tại ARTrium@ MCI, Singapore; hay gần đây là triển lãm cá nhân “mù dạ quang” tại Galerie Quỳnh.
Triển lãm cá nhân đầu tiên “mù dạ quang” gây ấn tượng với người xem bởi hành trình khám phá những trạng thái đối nghịch của mộng và thực, tiềm thức và ý thức, đây dường như cũng là trăn trở rất “đương đại” và cũng rất hiện sinh, nhưng Lãng thừa nhận anh không đặt bất cứ định kiến nào trong vùng sáng tác của mình. Thay vào đó, anh muốn là một kẻ khách quan và trung tính đến tối đa.
“Nhiều người nghĩ tôi áp đặt trong tranh của mình, nhưng có một sự thật là tôi muốn nó trung tính nhất có thể và không muốn đặt những hoang mang, chất vấn vào các tác phẩm của mình, đó cũng là lý do các tác phẩm của tôi trong triển lãm cá nhân đầu tiên đều không có tên”. Có lẽ chính vì sự trung tính ấy, người xem có cảm giác dễ tiếp nhận từ hệ soi chiếu của từng cá thể, bản thân có gì, như thế nào, thì cách họ nhìn nhận tác phẩm của Đỗ Thanh Lãng cũng như vậy. Thế nên người vui thấy hỉ, người buồn thấy nộ, người có óc hài hước thì thấy ố…
Được biết ba anh (họa sỹ Đỗ Hoàng Tường) cũng là một họa sỹ, điều này có phải yếu tố nền tảng thúc đẩy anh theo đuổi con đường thực hành nghệ thuật?
Đúng vậy. Nhờ nghề nghiệp của ba nên tôi có cơ hội tiếp xúc với hội họa từ nhỏ, đó cũng là lợi thế. Bạn biết đấy, khi mình theo dõi người lớn làm việc, khi nhìn thấy điều gì đó trẻ nhỏ thường hay thắc mắc. Sự thắc mắc đó thúc đẩy tôi suy nghĩ và nhận định về các vấn đề, cụ thể với hội họa. Thú thực lúc đó tôi cũng không nghĩ nhiều về hội họa như một nghề. Ở giai đoạn ban đầu khi mới thực hành nghệ thuật, tôi thấy phong cách của mình cũng khá giống với ba, tôi cũng rất thần tượng ba của mình.
Trong quá trình thực hành nghệ thuật, anh chịu ảnh hưởng từ những yếu tố, phong cách nghệ thuật nào?
Khi theo học ngành Mỹ thuật tại Đại học Mỹ thuật Hồ Chí Minh. Từ chỗ thần tượng những tác phẩm của ba, tôi có dịp tiếp xúc nhiều tên tuổi nghệ thuật lớn như Francis Bacon, Kitaj hay Egon Schiele chẳng hạn, ở thời điểm đó, tôi thích ai thì tranh vẽ của tôi sẽ chịu ảnh hưởng từ người đó.
Con đường tìm kiếm để định hình phong cách cá nhân của tôi cũng khá khó khăn. Từ việc thực hành nhiều hơn và trao đổi với nhiều người họa sỹ cùng thời, cũng như tham gia các triển lãm, tôi càng tìm thấy tiếng nói riêng của bản thân. Đến giờ, tôi vẫn thích Francis Bacon hay Kitaj, nhưng cách vẽ của tôi cũng đã khác, ảnh hưởng tới tôi giờ không phải nét vẽ hay tạo hình mà là ảnh hưởng về mặt tinh thần từ Sao La Collective và Cù Rú rất nhiều. Ánh sáng, không gian, không khí và con người, sự tự do, tính giải trí… môi trường nghệ thuật ở đó thế nào thì tranh của tôi có lẽ cũng phản chiếu những điều đó.
“Đến giờ, nghệ thuật đương đại nên được hiểu là nghệ thuật đương thời, và vì thế nó sẽ cứ tiếp diễn và thay đổi liên tục”
Quá trình sáng tác nghệ thuật của anh có những cột mốc quan trọng nào?
Cho đến khi rủ Việt (họa sỹ Hoàng Nam Việt) và Đạt (nghệ sỹ Nguyễn Đức Đạt) cùng mở một studio ở Nguyễn Công Trứ, tôi khá băn khoăn với thực hành lúc bấy giờ. Được làm việc cùng Đạt và Việt, sau đó là Tố Lan, từ đó dẫn đến sự xuất hiện của Sao La (giờ là Sao La Collective, gồm một nhóm họa sỹ hoạt động với nhau, tổ chức triển lãm hay sự kiện), các hoạt động và sự kiện tiếp diễn, tôi nghĩ chúng đã tác động rất lớn đến sự thay đổi và hình thành cách thực hành như hiện tại của tôi.
Theo tôi nghĩ, thực hành nghệ thuật không chỉ đơn thuần là làm việc. Khi làm việc nhóm, mình có cơ hội quan sát, thảo luận, vui chơi giải trí, những việc đó giúp mình trau dồi thêm kiến thức và cách nhìn nhận vấn đề. Tuyệt vời nhất là tôi đã chọn đúng người để cùng làm việc.
Anh có thể chia sẻ thêm về quá trình nảy sinh ý tưởng và thực hiện các tác phẩm trong triển lãm solo “Mù dạ quang”?
Cách thực hành, kiểu vẽ các tác phẩm trong triển lãm này được tôi áp dụng từ năm 2012 đến nay. Tất cả các tác phẩm trong triển lãm hoàn toàn là tranh vẽ, bao gồm cả tác phẩm cũ và mới, thời gian tôi thực hiện tác phẩm mới là khoảng 4-5 tháng. Những nhân vật, hình thể, cấu trúc, phong cảnh được tôi sưu tầm ngẫu nhiên từ mạng xã hội, báo mạng, google, ảnh chụp từ điện thoại và laptop. Sau đó, tôi tái hiện trên mặt phẳng hai chiều.
Các tác phẩm này có sự tương đồng dễ nhận thấy nhất là chiều sâu thị giác đã bị loại bỏ hoàn toàn thông qua việc làm phẳng không gian và xáo trộn điểm nhìn, anh có thể chia sẻ thêm về dụng ý này của mình?
Nói ngắn gọn là tôi muốn tạo ra một không gian mới cho các hình hài được đưa vào tác phẩm… Những nhân vật này cũng có câu chuyện rất… kì cục, tôi tìm những người như tội phạm, hay người nghiện… họ có những hành vi và tạo hình rất đặc biệt, thường không dễ thấy hàng ngày. Chỉ khi lâm vào những hoàn cảnh trớ trêu nhất, người ta mới bộc lộ những cử chỉ kì quặc đến mức mình không tưởng tượng được. Những không gian này được tôi tạo ra để hợp lý hóa những hình ảnh được vẽ lại từ hình ảnh thật. Không gian phía sau được tái tạo, hoàn toàn không liên quan đến nhân vật.
Các tác phẩm trong triển lãm này sử dụng nhiều chất liệu như sơn dầu, acrylic, in vải canvas (vải bố), nhựa resin… sự đa dạng này được anh thể nghiệm và ứng dụng thế nào? Có mục đích cụ thể gì cho mỗi chất liệu anh sử dụng không?
Nó đến từ sự tình cờ. Tôi bắt đầu nhận ra khi vẽ trên mặt sau tờ giấy có keo thì sẽ có cảm giác trơn trượt, tạo hiệu ứng khiến tôi rất thích, từ đó tôi tìm kiếm những bề mặt mà mình không nắm bắt được kết quả của nó và tạo ra sự không kiểm soát của các nét vẽ. Các ‘’tai nạn‘’ đó luôn gây cho tôi cảm giác bất ngờ thích thú. Trấn an được cảm giác ‘’quen tay‘’ mà mình luôn cố tránh (cũng có thể sẽ tạo ra một loại ‘’quen tay‘’ mới!). Bắt đầu là tấm nhựa bọc lên canvas rồi đến giấy pp, sau là nhựa epoxy. Đa phần là từ nhựa, chúng cũng có độ trong suốt nhất định.
Các tác phẩm của anh gây ấn tượng bởi những gam màu tươi sáng chủ đạo, chúng đóng vai trò như thế nào trong quá trình thực hành nghệ thuật nói chung và các tác phẩm của triển lãm này nói riêng?
Việc dùng màu từ ban đầu như là một thử nghiệm, trải nghiệm, lâu dần hình thành thói quen. Tôi nghĩ màu sắc góp phần quan trọng cho danh tính, nhận dạng của họa sỹ.
Anh thường tìm thấy cảm hứng sáng tác ở những điều gì?
Như đã nói ở trên, từ những hình ảnh, bối cảnh mà những nhân vật, sự vật, không gian đã tạo sự bất ngờ, thú vị, hài hước. Tôi dùng nó để phân mảnh và tái cấu trúc lại trên canvas. Khi làm việc với những hình ảnh như vậy, tôi thấy rất vui.
Tham gia rất nhiều triển lãm cả trong và ngoài nước, anh nghĩ triển lãm nào đã giúp cái tên Đỗ Thanh Lãng được biết đến trong cộng đồng nghệ thuật Việt Nam?
Triển lãm đầu tiên của tôi với nhóm Sao La vào năm 2004 có thể là triển lãm như vậy, vì đó cũng là lúc phong cách của tôi được định hình, và theo đuổi suốt đến giờ.
“Ánh sáng, không gian, không khí và con người, sự tự do, tính giải trí… môi trường nghệ thuật ở đó thế nào thì tranh của tôi có lẽ cũng phản chiếu những điều đó”
Cảm nhận của cá nhân anh về bối cảnh nghệ thuật đương đại Việt Nam hiện nay?
Thực ra nghệ thuật đương đại là tập hợp con của nghệ thuật hậu hiện đại, và từ quan sát của tôi, nghệ sỹ có sự tự do với cách thực hành nghệ thuật của họ, từ phương tiện cho đến chất liệu. Về bối cảnh nghệ thuật đương đại nói chung, tôi thấy ngày càng có nhiều nhà sưu tầm trong nước, người làm nghệ thuật vì thế cũng thấy hưng phấn để sáng tác hơn. Cũng có nhiều nghệ sỹ từ nước ngoài trở về làm việc, cũng như nhiều giải và quỹ hỗ trợ cho các nhóm nghệ sỹ.
Thuộc thế hệ họa sỹ đương đại trẻ, anh có những quan sát nào về sự khác biệt về phong cách, tư tưởng hay cách thể hiện của thế hệ mình so với thế hệ họa sỹ đương đại trước?
Ai cũng tuyệt vời! Môi trường học tập khi ấy đa phần là hội họa hiện đại. Đến năm thứ 3, tôi biết đến các nhóm nghệ sỹ việt kiều và nước ngoài như Sàn Art, Saigon Open City và được tiếp xúc cụm từ ‘’nghệ thuật đương đại’’. Sau Đổi Mới, hầu hết những nghệ sỹ hậu hiện đại chủ yếu vẽ tranh và tạc tượng, còn ở ngoài Bắc có nhóm Nhà Sàn thiên về thể nghiệm nhiều hơn, ví dụ với nghệ thuật sắp đặt hay nghệ thuật trình diễn… Đến giờ, nghệ thuật đương đại nên được hiểu là nghệ thuật đương thời, và vì thế nó sẽ cứ tiếp diễn và thay đổi liên tục. Trên thực tế, tôi không thấy thế hệ trước khác thế hệ sau mấy, chỉ có điều cùng với sự phát triển của công nghệ hay sự thay đổi về văn hóa, nghệ sỹ thay đổi ở khía cạnh đó… nhưng cũng rất chậm thôi.
Giai đoạn đại dịch trong gần hai năm trở lại đây có ảnh hưởng nhiều đến quá trình hoạt động nghệ thuật của anh?
Cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Vì thông thường quá trình sáng tác của tôi cũng phụ thuộc nhiều vào cảm hứng, và cần phải có thời gian để tập trung. Trước mỗi triển lãm, tôi sẽ vẽ nhiều hơn. Tôi nghĩ đại dịch ảnh hưởng đến nghệ sỹ chủ yếu ở góc độ không thể tổ chức triển lãm cho người xem, và một số người bạn nghệ sỹ của tôi cũng khó đi lại để nghiên cứu cho đề tài của họ. Còn tôi hầu như không làm nhiều về concept, nên cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Anh có thể chia sẻ thêm về những dự án nghệ thuật sắp tới?
Tôi chưa có kế hoạch nào cụ thể.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị và chân thành!
Bài: Vân Anh
Ảnh: Galerie Quynh và Ta Minh Duc