Nghệ thuật / Nghệ sĩ

“Vườn tâm tưởng” của họa sĩ Trần Văn Binh

Jul 07, 2022 | By Trang Ps

Ngắm tranh của Trần Văn Binh, khiến tôi chợt ngẫm, những “nhát cứa” ngang dọc vào cuộc đời ta, rèn giũa nên con người ta. Từng tác phẩm khiến chúng ta vô thức nhìn lại những thăng trầm in hằn đa dạng trong trái tim, có những hoài niệm đã lành lặn, có những ký ức hãy còn âm ỉ khôn nguôi. 

Nếu nhìn thoáng qua tranh Trần Văn Binh, hẳn có người sẽ nghĩ ông dùng sơn dầu hay thậm chí sơn mài. Nghĩ sơn dầu vì thấy tính ngông táo bạo. Nghĩ sơn mài vì thấy tính sâu. Và khó nghĩ ngay acrylic đầu tiên. Ông đã đẩy chất liệu ra khỏi tất cả mọi tính toán có thể của chúng ta, và khôn ngoan khi kết hợp acrylic trên giấy dó, để hồn tranh thêm “già dặn” và đầy tính “chiêm nghiệm” nội tâm.

Vì thế, khi nhìn tranh của Trần Văn Binh, ta thấy đó là một cuốn phim của đời người, hàm ý nó không nghiêng về một cực nào như chỉ hạnh phúc, hay chỉ khổ đau, chỉ hoài niệm hay chỉ hướng đến tương lai,.. mà cuốn phim đó khiến người ta phải nhìn ra được hết thảy mọi cung bậc trong họ. Màu giấy dó xưa cũ kết hợp chất liệu màu nước với cách dụng sắc nóng tối đa điểm xuyết sắc lạnh đậm nhạt gây ấn tượng quyến rũ tức khắc nhưng dư âm kéo dài,.. tất cả đã tạo nên một tổng thể hoàn hảo với thật nhiều lớp tâm trạng đối nghịch.

Âm ỉ và thúc giục bùng nổ

Trước khi đi qua những lớp nội tâm thú vị khác, không thể không bàn tới năng lượng âm ỉ quẫy đạp, thôi thúc bùng phát trong tranh Trần Văn Binh. Thao tác quẹt cọ ngang dọc một cách vô thức hay ý thức, trong gam màu nóng đậm đến rất đậm, thể hiện tính lửa ngông và mạnh mẽ của họa sĩ. Một điều thú vị là những “nhát cứa” này nổi hay hướng lên trên, thay vì chìm xuống dưới, thể hiện sự thôi thúc bủng nổ rất quyết liệt từ bên trong.

Rất thường xuyên, chúng ta thấy thao tác này dụng lực vừa mạnh vừa như mất “kiểm soát”, để tạo ra sự hỗn loạn tự nhiên, hay một trật tự không bị khiên cưỡng. Nhìn chung, điều này rất khoa học nếu liên tưởng với nội tâm con người. Đó là một sự vận hành vừa vi tế vừa thuận theo nguyên lý bất di bất dịch.

Trừu tượng của Trần Văn Binh độc đáo ở chỗ, các lớp màu nóng thể hiện bề nông, lớp màu lạnh thể hiện chiều sâu, đó là về khía cạnh hình ảnh vật lý, và trong khía cạnh tâm thức, nông của màu nóng thể hiện cho phần sôi nổi mạnh bạo ở ý thức, nhưng trong vô thức, ta vẫn thấy phần tĩnh (được thể hiện qua lớp màu lạnh) của tác giả. Điều đó nhằm cân bằng cho tính âm ỉ của hồn tranh, để nó không bị quá day dứt hay ám ảnh, mà vẫn gợi được khoảng lặng chân thực.

Nếu nói về sự hoài niệm, thì sự hoài niệm này rất dữ dội vì “nhát cọ ngang dọc” được lặp lại như một tuyên ngôn, nhưng không gây nhàm chán vì việc thể hiện hình tượng ở các chiều nông – sâu và màu lạnh – nóng của Trần Văn Binh là thú vị.

Mượn tự nhiên bao la để lột tả tâm tưởng đa đoan

Tự nhiên như gân lá, hoa, cành cây, ánh trăng, viên sỏi đá,… được tâm tưởng của ông ghi chép và phóng chiếu ra thành những hình ảnh hết sức sinh động, và đôi khi giàu tính con trẻ. Thậm chí, đôi khi những nhát cọ ngang dọc lại vô tình tạo ra hình tượng tự nhiên như bóng dáng chân dung ai đó mơ hồ, hay một cây xanh tươi tốt đầy những lá cành. Qua đó, ta cũng thấy được sự nặng lòng của ông với hồn quê, về những gì đã mất mát, đang hiện hữu và một chấm hỏi nghiễm nhiên mà mơ hồ về tương lai (?).

Thi thoảng, ta cũng thấy những khuôn mặt người, những thân phận chồng chéo, ngang dọc với nhau; hay những cuộc đối thoại không lời, khiến hồn tranh như thêm phần bí ẩn. “Nín bặt” hay kêu gào, thì rốt cuộc, dường như tất cả đều đang rất cần, rất đòi hỏi, rất khẩn thiết sự lắng nghe, bao dung và thấu hiểu. Và đó có lẽ là điều đúc kết khi lặng lại trước bộ tranh của Trần Văn Binh.


Triển lãm “Vườn tâm tưởng” của Trần Văn Binh khai mạc lúc 18h ngày 8/7 tại Huyen Art House (8A Đặng Tất, Q.1, TP.HCM).

Họa sĩ Trần Văn Binh.


 
Back to top