Xuôi dọc ba miền thưởng thức bánh bèo Việt Nam
Bánh bèo, đúng như cái tên giản dị của nó, bắt nguồn từ hình dáng của bánh hao hao giống lá bèo xanh. Bánh bèo làm những người con xa quê nhớ về đồng ruộng, về thuở thiếu thời được theo mẹ đi cất cá, tôm, đùa nghịch với đám bèo trên những làn ao lấp lánh nắng.
Xưa kia, người ta thường nói những ai quen biết nhau bất ngờ trên đường là bèo nước gặp nhau. Ngày nay, món bánh bèo cũng đã trở thành sợi dây liên kết những tâm hồn ưa ăn uống ở khắp mọi nơi tao ngộ về một chốn – ấy là những quán bánh bèo.
Một tên gọi, muôn vàn hình thức chế biến
Ở miền Bắc, bánh bèo còn được gọi là bánh bột lọc sở dĩ là vì vỏ bánh làm bằng bột lọc hay bột sắn tàu. Thay vì được rót vào chén thì bột được rót lên lớp lá chuối khum khum như chiếc thuyền, những viên bánh to tròn có nhân bên trong là thịt nạc băm, được xào lẫn với nấm mèo thái lát nhỏ.
Cách làm bánh bèo của người Bắc khá gần gũi với một món Bắc khác: bánh giò. Nguyên liệu làm bánh đều từ bột tẻ, nhưng bánh giò được làm từ nhiều bột năng hơn. Nguyên liệu làm nhân cũng tương tự bao gồm thịt heo, tôm tươi băm nhỏ, nấm mèo thái chỉ và hành tươi được xxaof đều và đặt vào giữa chiếc bánh hình tháp.
Thế nhưng, nếu bánh giò được gói bằng lá chuối thường, có màu từ xanh tươi đến xanh cốm ngả vàng, bột bánh trong vắt, không nhìn thấy được nhân và không dùng nước chấm, thì bánh bèo miền Bắc lại có phần bột dẻo và dai hơn bánh giò, được ăn cùng với nước chấm. Nước chấm chính là điểm nhấn của món ăn này, được kết hợp giữa nước mắm và nước ninh xương. Thực khách sẽ tùy ý rắc thêm chút hành, tiêu xay và ớt tươi. Mỗi miếng bánh mềm dẻo, đậm vị hòa cùng chút beo béo của chả, kết hợp với vị mằn mặn, cay nồng của nước chấm nóng đúng là cảm giác vừa lạ, vừa khó quên.
Tới xứ Nghệ quanh quanh, món bánh bèo lại được chế biến theo cách khác. Bánh ở đây như phiên bản nhỏ xinh của bánh bột lọc. Vỏ bánh hình bán nguyệt, trong suốt, bên trong là nhân đỏ của tôm, rắc kèm thêm chút mỡ hành và thưởng thức cùng nước mắm chua ngọt. Khi ăn từng miếng bánh, thực khách sẽ cảm nhận được sự dai dai, dẻo dẻo của vỏ bánh, nhân tôm thịt ngọt, đậm đà, tất cả hòa quyện trong khoang miệng mà không bị ngấy.
Nếu có dịp đến Thừa Thiên Huế, thực khách cũng sẽ thấy bánh bèo khác hẳn mọi nơi. Bánh bèo ở đây cũng tựa như bánh bèo chén ở Nam Bộ với hình dáng của lục bình trôi nổi trên sông. Sau khi được múc vào từng chén nhỏ xíu để đem hấp, người nấu sẽ cho thêm tôm nhuyễn, mỡ hành, thịt băm, tóp mỡ lên trên bề mặt bánh rồi thưởng thức cùng nước mắm chua cay xứ Huế. Ngày xưa, trong các bữa cơm từ cung đình đến thường dân, bánh bèo là món ăn không thể thiếu. Vậy mới thấy sức hấp dẫn kỳ lạ của loại bánh dân dã này ở nơi có núi Ngự Bình hùng vĩ và dòng sông Hương chảy qua này.
Trái ngược với bánh bèo Huế như để ăn chơi, bánh bèo Quảng Nam là ăn để no, với kích thước to, lớp bánh cũng dày hơn nhiều nơi khác. Bột bánh ở Quảng Nam thơm thoảng mùi lá dứa rất dễ chịu. Bánh chín khéo là bánh có xoáy ở giữa để đổ sốt tôm lên trên. Phần tôm không được xào khô mà làm thành sốt đặc với bột năng, bỏ thêm chút hành lá xắt nhỏ. Khi ăn, thực khách chan thêm nước mắm pha mặn ngọt, cảm nhận được tổng thể sánh mịn và nhuyễn nhừ vị bùi béo ngọt. Món ăn này cũng là dấu nhấn đáng nhớ trong nền ẩm thực xứ Quảng.
Xuôi dòng Cửu Long giang, ghé thăm miền Tây, món bánh bèo lại thu hút thực khách muôn phương với vỏ bánh mềm dẻo, thơm mùi lá dứa và nước dừa, đặc biệt có vị ngọt đặc trưng, phù hợp với khẩu vị người miền Tây. Bánh thường có nhân là đậu xanh hoặc không có nhân, khi ăn chan nước cốt dứa và rắc mè rang lên bánh. Ngoài ra, bánh có thể ăn trực tiếp, chấm muối mè.
Có thể thấy, dù có vô vàn phương pháp chế biến, hình dáng và hương vị có khác nhau song người ta vẫn thấy có một điểm chung đó là sức hấp dẫn kỳ lạ của món ăn giản dị, dễ làm. Và chỉ cần đĩa bánh bèo được phục vụ thôi cũng đủ làm nên một buổi chiều đậm đà hương vị.
Bài: Tô Thư