Xu hướng hội họa 2021: Sự hồi sinh của bút chì màu
Covid-19 đã làm gián đoạn các hoạt động thông thường của nghệ sĩ. Với biện pháp ngăn cách xã hội, nhiều người đã không thể tiếp cận studio hay không gian làm việc chung an toàn. Một số thậm chí còn bị mắc kẹt ở nước ngoài do điều kiện đi lại hạn chế. Để tiếp tục sáng tác, họ đã nỗ lực bằng tất cả những gì có trong tay. Có vẻ, bút chì màu là công cụ linh hoạt hàng đầu, với đặc tính dễ tiếp cận và vận chuyển.
Nếu bút sáp màu (colored wax crayon) đã xuất hiện từ những năm 500 trước Công nguyên thì bút chì màu mà chúng ta biết đến ngày nay được phát minh ở thế kỷ 19, với mục đích tiện dụng là đánh dấu và kiểm tra bản viết. Nhiều thập kỷ sau, vật liệu này được sử dụng trong sáng tạo nghệ thuật, với những công ty như Faber-Castell đã sản xuất bộ bút chì 60 màu cho nghệ sĩ. Mặc dù là phương tiện khá truyền thống nhưng bút chì màu vẫn nằm trong kho nghệ sĩ bởi khả năng đồ họa phong phú cùng tính thực tế.
Nguồn từ Artsy, 10 nghệ sĩ đương đại dưới đây đang tạo ra các tác phẩm làm hồi sinh phương tiện bút chì màu.
Zipora Fried (Sinh năm 1963 ở Haifa, Israel. Sống và làm việc ở New York)
Những tác phẩm bằng bút chì màu đầy tinh tế của Zipora Fried tận dụng tối đa sắc thái của vật liệu, “chơi đùa” với tính mờ rộng trong các sọc màu độc đáo. Với từng nét riêng biệt được khớp nối, tác phẩm của Fried có hiệu ứng như bức tranh tường màu đã được tái cấu trúc, gợi nhớ đến những sáng tác bậc thầy của cố nữ họa sĩ Agnes Martin. Vào năm 2019, Sikkema Jenkins & Co. đã trưng bày triển lãm cá nhân đầu tiên cho Fried với bộ các bức vẽ mà cô thực hiện trong thời gian dài lưu trú ở Đảo Lamu thuộc quần đảo Lamu của Kenya. Lấy cảm hứng từ hệ động thực vật rực rỡ trên đảo, những họa phẩm tỏa ra bảng màu sống động thu hút thị giác.
Được phòng trưng bày mô tả như “tượng đài”, nhiều bức vẽ bằng bút chì màu của Fried mất vài tháng để hoàn thành. Quá trình bền bỉ và tốn nhiều công sức là dấu ấn trong việc thực hành nghệ thuật của Fried. Ngoài các bức vẽ, cô còn thực hành điêu khắc và nhiếp ảnh.
Skye Volmar (Sinh năm 1997, New Jersey. Sống và làm việc ở Los Angeles)
Trong các bức chân dung và hoa của Skype Volmar, bút chì màu được sử dụng để minh họa nhiều mảng, với các góc nhìn và cử chỉ khác nhau, nhấp nhô trong và ngoài tiêu điểm của một khung hình duy nhất. Những tác phẩm gây ảo giác này khiến ta có cảm tưởng như chúng đang chuyển động liên tục.
Gần đây, các tác phẩm của Volmar được đưa vào triển lãm nhõm tại Phòng trưng bày Kohn với tựa đề “Myselves”, do Joshua Friedman giám tuyển, khám phá những cách mà danh tính được cấu trúc hay bịa đặt. Những nghệ sĩ nổi bật khác bao gồm Romare Bearden, Amoako Boafo, Rafa Esparza, Emily Mae Smith và Salman Toor.
Sarah Ann Weber (Sinh năm 1988, Chicago. Sống và làm việc tại Los Angeles)
Bùng nổ với màu sắc và hình dạng người ngoài hành tinh, các tác phẩm đa phương tiện của Sarah Ann Weber có sử dụng bút chì màu, và đôi khi là màu nước để tạo ra khung cảnh có mật độ cư dân đông đúc với các loài thực vật siêu thực hay hình vẽ ma quái.
Được tạo hình từ những “đường bay” venus màu hồng và tím, những cây dương xỉ khổng lồ và cánh đồng xương rồng đủ màu, các bức vẽ của Weber khám phá sự phát triển và gợi nhớ phong cảnh miền Nam California.
Sắp tới trong năm 2021, Weber có triển lãm cá nhân tại phòng trưng bày Anat Ebgi ở Los Angeles và University Club của Chicago.
Lucile Gauvain (Sống và làm việc tại Paris)
Lucile Gauvain là nhà thiết kế đồ họa và vẽ tranh minh họa. Cô chỉ mới bắt đầu công việc sáng tác cá nhân trong thời gian gần đây. Lấy cảm hứng từ quãng thời gian làm việc trong phim ảnh và được bao quanh bởi các bối cảnh thế giới khác nhau, các bức vẽ của Gauvain dấy lên ranh giới giữa tưởng tượng và thực tế, mô tả những con người làm công việc bình thường trong bối cảnh phi thường, thường là siêu thực. Nhờ ứng dụng màu sắc phong phú và chú tâm đến các chi tiết phức tạp mà các bức vẽ của Gauvain nâng tầm cô lên như một họa sĩ thực thụ.
Gần đây, cô là nhà thiết kế đồ họa cho bộ phim sắp tới mang tên The French Dispatch của Wes Anderson.
Jorge Méndez Blake (Sinh năm 1974, Guadalajara. Sống và làm việc ở Guadalajara)
Jorge Méndez Blake đặt cơ sở thực hành khái niệm cá nhân vào việc giải cấu trúc văn học, liên kết thế giới chữ viết và nghệ thuật thị giác thông qua các bản vẽ, thu thập và điêu khắc. Được đào tạo như một kiến trúc sư, Blake đã thực hiện nhiều bản vẽ phi thường bằng bút chì màu.
Igor Moritz (Sinh năm 1996, Lublin, Ba Lan. Sống và làm việc ở London)
Bằng bút chì màu, Moritz đã thực hiện những bức chân dung vui tươi, như thể nghệ sĩ đang hoàn thành một cuốn sách tô màu. Về mặt bố cục, hội họa của anh gợi nhớ đến chủ nghĩa hiện đại của Matisse và Picasso. Nhờ ứng dụng màu sắc táo bạo và bất ngờn mà anh đã đưa những tác phẩm này lên phong cách hiện đại.
Là họa sĩ tự học, Moritz đã nhanh chóng trở thành nghệ sĩ nổi bật kể từ khi tốt nghiệp chương trình thiết kế công nghiệp ở Đại học Bournemouth vào năm 2019. Trong vài năm qua, anh đã tổ chức các triển lãm cá nhân ở Paris và Montreal cùng các tác phẩm trưng bày tại hội chợ nghệ thuật bao gồm London Art Fair, Pulse Art Fair Miami, và Seattle Art Fair.
Eric Yahnker (Sinh năm 1976, Torrance, California. Sống và làm việc ở Los Angeles)
Sử dụng bút chì màu và than, Eric Yahnker cập nhật các thể loại lịch sử nghệ thuật cổ điển, có thể là tác phẩm tĩnh vật Hà Lan hay tác phẩm điêu khắc thời Phục Hưng, với các tài liệu tham khảo đương đại. Những ẩn dụ trong tác phẩm của Yahnker phản ánh những bình luận dí dỏm về văn hóa và chính trị.
Elijah Burgher (Sinh năm 1978, Kingston, New York. Sống và làm việc ở Berlin)
Chứa đựng những biểu tượng và tài liệu tham khảo huyền bí, các tác phẩm của Elijah Burgher khám phá và tôn vinh tình dục và văn hóa queer, kết hợp hình tượng tôn giáo và tìm hiểu chiêu sâu của trừu tượng queer. Trong mỗi tác phẩm, Burgher thể hiện mong muốn và ý định bằng cách sử dụng các dấu hiệu đứng riêng lẻ hay bao quanh những bức chân dung thân mật, dịu dàng của bạn bè. Bút chì màu được sử dụng, gây ấn tượng thị giác với những nét vẽ mềm mại, nhẹ hàng, để đạt chất lượng ánh sáng.
Những tác phẩm mang tính tâm linh sâu sắc này đã được trưng bày vào mùa thu vừa qua tại Western Exhibitions ở Chicago, trong một chương trình solo với tựa đề “Until the beasts and all the mountain are wild with divinity.”
Elena Damiani (Sinh năm 1979, Lima. Sống và làm việc ở Lima và Copenhagen)
Vẽ về địa chất, khảo cổ học và bản đồ, Elena Damiani đã tạo ra các tác phẩm khám phá và tái diễn giải lịch sử vật lý của trái đất. Thực hành khao học của cô bao gồm các sơ đồ, bản đồ, ảnh, tác phẩm điêu khắc phức tạp. Năm 2020, Damiani bắt đầu loạt công việc mới với các sơ đồ thiền, vũ trụ học tưởng tượng bằng bút chì màu.
Cui Jie (Sinh năm 1983, Thượng Hải. Sống và làm việc ở Thượng Hải)
Cui Lie vẽ về các tòa nhà văn phòng và đồ nội thất trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng ở Trung Quốc. Bắt chước độ chính xác và kiểu dáng đẹp của kết cấu công nghiệp, các bản vẽ của Cui có hình những chú cá heo màu hồng, xanh lá cây, lao ra khỏi tòa tháp và kiến trúc hiện đại.
Cui cũng dựa trên nhiều mô hình của các địa danh văn hóa Trung Hoa những năm 1980 và 1990 đã bị phá bỏ. Hình dạng siêu thực bao quanh các cấu trúc này lấ cảm hứng từ cách tiếp cận của Wassily Kandinsky, trong đó hình thức thị giác bị ảnh hưởng bởi âm thanh và ngược lại.