DINING LIBRARY / Dining Culture & Art

Cách thưởng thức rượu vang đi trước thời đại của Alexander Đại Đế

May 24, 2024 | By Stephanie Nguyen

Alexander Đại đế (356 – 323 TCN) được người đời ca ngợi như một thiên tài quân sự và cũng có phong cách rất độc đáo khi nói đến rượu vang. Ông luôn tiếp sức cho quân lính của mình bằng rượu vang và chỉ chọn thưởng thức loại vang ngon nhất đến từ đất nước Hy Lạp.

Tranh minh họa Alexander Đại Đế

Sở thích rượu vang của vị quân vương

Lên ngôi hoàng đế của vương quốc Macedonia ở tuổi 20, Alexander Đại đế (356 – 323 TCN) được người đời ca ngợi như một thiên tài quân sự. Trong suốt sự nghiệp cầm binh, ông chưa từng nếm mùi thất bại. Vị vua vĩ đại của Macedonia chinh phục được nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn, bao gồm cả Hy Lạp, Ba Tư. Chính vì vậy, hàng chục thành phố do Alexander Đại đế sáng lập được đặt theo tên nhà cầm quân bách chiến bách thắng. Và cũng giống như bất kỳ người chỉ huy khác, Alexander đã tiếp sức cho quân lính của mình bằng rượu vang. Người Macedonia ngày xưa được ví những tên bợm rượu hạng nặng so với số những người cùng thời với họ. Họ uống rượu không pha loãng với nước, một thói quen mà những người hàng xóm Athen của họ coi là thô lỗ. Vào thời điểm đó, Hy Lạp sản xuất ra loại rượu vang ngon nhất thế giới nên Alexander đã luôn lựa chọn thưởng thức loại rượu vang đó.

Để thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với người dân đất nước Ba Tư đã bị ông chinh phục, Alexander đã tổ chức một cuộc thi uống rượu giữa binh lính của mình và dân địa phương. Tuy nhiên, trong số 40 thí sinh, có 35 người chết trong khi thi đấu (có thể là do ngộ độc rượu). Promachus, một trong những vị tướng trung thành của Vua Alexander, được tuyên bố là người chiến thắng sau khi hạ gục bốn gallon rượu. Anh ta cũng qua đời ngay sau đó.

Các học giả đều đồng lòng cho rằng bởi vì nghiện rượu, nên tuổi đời của Alexander đã bị rút ngắn ở tuổi 32. Do uống quá chén với những vị đô đốc của mình, vị Vua cao quý đã bị sốt, nhưng thay vì uống nước để làm dịu cơn khát khi bị ốm, thì Alexander lại nhất quyết uống rượu. Để ngày hôm sau ra đi trong sự tiếc thương của thần dân bá tánh.

Tượng điêu khắc chân dung Alexander Đại Đế

Lịch sử rượu vang ở thời Hy Lạp cổ đại

Vậy liệu rượu vang Hy Lạp cổ đại có gì mà khiến người dân thời đó nghiện đến vậy? Văn hóa uống rượu vang sớm đã được yêu thích khắp Địa Trung Hải, vào những năm khoảng 335-30 TCN. Đặc biệt, giữa hai thời đại của Alexander Đại đế và Cleopatra VII, Hy Lạp đã chứng kiến ​​sự mở rộng quan hệ thương mại lớn mạnh thông qua các tuyến đường hàng hóa từ Tây Bắc Âu, Trung Đông, Ả Rập , Ấn Độ và Trung Á đã đến Địa Trung Hải. Lần đầu tiên trong lịch sử, sản phẩm từ Trung Quốc đã đến được Địa Trung Hải, nơi đặt nền móng cho Con đường Tơ lụa. Từ hàng hóa xa xỉ đến thực phẩm nông nghiệp như vàng, bạc, lúa gạo, thảo mộc, gia vị, lụa là, gấm vóc và rượu vang đều được trao đổi tích cực.

Người Hy Lạp cổ đại thường uống rượu pha loãng với nước vì rượu của họ được ép dưới dạng siro đặc. Người dân nơi đây thậm chí còn coi việc tiêu thụ rượu không pha loãng là một hành vi man rợ và thiếu văn minh. Nhiều loại rượu vang, chủ yếu là rượu ngọt và thơm, nhưng cũng có những loại rượu khô hơn được sản xuất trên đất liền Hy Lạp. Một loại rượu vang phổ biến của Hy Lạp, được xuất khẩu với số lượng lớn sang vùng Biển Đen, là loại rượu vang từ Mende trên Chalcidice. Loại rượu vang trắng Mandaean được xem là có cả chức năng trị liệu và nhuận tràng. 

Trong thời kỳ thuộc địa của Hy Lạp ở phía bắc Địa Trung Hải và Biển Đen, người Phoenicia đã định cư ở phía nam và phía tây Địa Trung Hải, và do đó cuối cùng chia sẻ văn hóa rượu vang của họ với người Libya, người Iberia, người Ý, v.v. Từ vùng trung tâm Phoenician (Lebanon), rượu vang trắng thơm và hảo hạng được buôn bán từ Byblos (Jibaly ngày nay) đến các đảo Síp, Crete, Sicily và Sardinia, cũng như bờ biển Bắc Phi và Bán đảo Iberia. Loại rượu này được tẩm nhựa thông hoặc nhựa hồ trăn (terebinth), vì những thành phần này sẽ mang lại hương vị mềm mại cho đồ uống. Trong thời kỳ Hy Lạp hóa, loại rượu này được đánh giá có chất lượng tương đương với loại rượu Muscat ngọt ngon nhất từ ​​​​Lesbos. Nho làm rượu vang Phoenician cũng được trồng ở Sicily và Thrace. Từ thung lũng Bagradas (ở Tunisia), người Carthage đã xuất khẩu Passum tới các thuộc địa của Punic ở Sicily, Sardinia, Quần đảo Balearic và Tây Ban Nha. Loại rượu Carthage đó, được làm từ nho khô, mặc dù được sản xuất bởi đối thủ quân sự của Rome, tuy nhiên cũng đã trở nên phổ biến ở Ý.

Truyền thống uống hoặc rót rượu từ rhyta (uống sừng) của người Ba Tư cổ đại đã được áp dụng rộng rãi ở Hy Lạp cổ điển – bất chấp sự thù địch chính trị lớn giữa Hy Lạp và Ba Tư.

Từ hàng xa xỉ đến hàng hóa thông thường

Ở Hy Lạp, rượu vang không chỉ được uống từ những chiếc bình kim loại quý duyên dáng mà còn được uống từ thủy tinh hoặc đồ đất nung, và thậm chí cả những chiếc cốc bằng gỗ. Thật khó để tưởng tượng – do sự phổ biến của thủy tinh trong thời hiện đại – trước Đế chế La Mã, các đồ tạo tác bằng thủy tinh (cho dù là thạch anh hay đá hắc thạch) thuộc về những mặt hàng xa xỉ nhất có thể. Nguồn gốc của việc sản xuất thủy tinh có thể có từ thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên ở Lưỡng Hà, Syria và Ai Cập và dường như đã dừng lại vào cuối thời đại đồ đồng. Mãi cho đến đầu thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên, vào thời triều đại Ptolemaic ở Alexandria, các kỹ thuật sản xuất thủy tinh được cải tiến với ở quy mô lớn hơn đáng kể. 

Chiếc cốc đựng rượu bằng thủy tinh màu hổ phách là một minh họa ban đầu về sản phẩm thủy tinh đúc từ người Levant

Cùng với rượu vang, người Hy Lạp đã xuất khẩu lối sống của họ, bao gồm trồng nho, làm rượu vang và thưởng thức rượu vang đến hầu  hết các cảng ở lưu vực Địa Trung Hải. Triết gia Socrates ca ngợi rượu vang trong câu trích dẫn sau: “Rượu làm ẩm và xoa dịu tinh thần, ru ngủ những lo lắng của tâm trí. Nó làm sống lại niềm vui của chúng ta và là dầu thắp sáng ngọn lửa cuộc đời đang lụi tàn.”

Người Hy Lạp cổ đại thậm chí còn tôn thờ một vị thần rượu vang là Dionysus – thần của mùa vụ, làm rượu vang, khả năng sinh sản, vườn cây ăn trái, trái cây, thảm thực vật. Nhìn chung, Dionysus chính là hiện thân của cuộc sống sôi động, đầy màu sắc của Hy Lạp cổ đại.

Bài: Tô Thư


 
Back to top