LIFESTYLE / Nội thất

The Olympic Paris 2024 Issue: Mathieu Lehanneur – Cha đẻ của ngọn đuốc và đài lửa Olympics 2024

Jul 25, 2024 | By Luxuo Vietnam

Là nhà thiết kế được chiêu mộ để thiết kế ngọn đuốc và đài lửa cho Thế vận hội Paris 2024, Mathieu Lehanneur tin rằng thiết kế là một lĩnh vực ẩn chứa vô vàn cơ hội.

Để trang trải học phí đại học, nhà thiết kế người Pháp – Mathieu Lehanneur đã từng là tình nguyện viên thử nghiệm thuốc trong thời gian ngắn tại các phòng thí nghiệm dược phẩm. Trải nghiệm này phù hợp với bản tính tò mò của Lehanneur và niềm đam mê trong việc thiết kế các sản phẩm kết hợp giữa khoa học và công nghệ. Đối với dự án tốt nghiệp tại ENSCI – Les Ateliers (Viện Nghiên cứu Quốc gia Pháp về Thiết kế Công nghiệp Cao cấp), anh đã sáng tạo ra 10 thiết bị thú vị hỗ trợ cung cấp liều lượng thuốc một cách chính xác và khuyến khích bệnh nhân tham gia vào quá trình điều trị, khiến họ chủ động hơn trong việc hồi phục sức khỏe. Năm năm sau, bộ dụng cụ này đã được đưa vào bộ sưu tập thường trực của MoMA New York.

Ông chia sẻ: “Đó là một cách thức mới để điều chế và thiết kế các loại thuốc. Tôi yêu khoa học vì nó giúp nhân loại hiểu rõ hơn về sự phức tạp sâu sắc của chính chúng ta. Tôi thích cách cơ thể con người biến đổi trạng thái tâm lý và sức ảnh hưởng của tinh thần đối với trạng thái thể chất. Dù là vật lý, thiên văn, sinh học hay y học thì khoa học chắc chắn là nguồn kiến thức vĩ đại nhất, đồng thời là nguồn cảm hứng thường trực cho công việc của tôi.”

Nhà thiết kế người Pháp – Mathieu Lehanneur

Ấp ủ mong muốn khai phá mối tương quan giữa con người và thế giới xung quanh, Mathieu Lehanneur đã ra mắt máy lọc không khí Andrea. Được xem là một “bộ lọc sống” độc đáo, Andrea ứng dụng thuộc tính tự nhiên của thực vật để hấp thụ các hợp chất độc hại trong không khí, mang lại bầu không khí trong lành cho không gian sống. Với sự hợp tác của David Edwards – Giáo sư kỹ thuật y sinh tại Harvard, công trình này được thực hiện dựa trên mối quan tâm của Lehanneur đối với điều kiện sống không lành mạnh của các phi hành gia trong vũ trụ. Tận dụng thế mạnh của tự nhiên để tái tạo bầu không khí trong nhà, phát minh này được đánh giá là “sự kết hợp hoàn hảo giữa khoa học, thiên nhiên và thiết kế”.

Ý tưởng về ngọn đuốc của Lehanneur xoay quanh 3 yếu tố chính: bình đẳng, hòa bình và nước. Hình dáng ngọn đuốc đối xứng một cách hoàn hảo, phản ánh sự bình đẳng tuyệt đối giữa các vận động viên nam và nữ. Bề mặt đuốc làm từ thép được đánh bóng mịn, tạo hiệu ứng gợn sóng và phản chiếu như thể lỏng, gợi nhớ đến dòng sông Seine – trái tim của Paris và của Olympic. Những đường cong tinh tế trên thân đuốc tượng trưng cho ngọn lửa, gửi gắm thông điệp về hòa bình.

Ông giải thích: “Dù Olympics là một cuộc thi đấu – nơi những đỉnh cao thể thao tranh tài, Ngọn lửa vẫn là biểu tượng của tinh thần lan tỏa đam mê và hiện thân của hòa bình. Theo nghĩa đó, Olympic đại diện cho ý chí và tham vọng mà thể thao phải theo đuổi, bất kể sự tình bất ổn nào đang tồn tại trên thế giới.”

Đài lửa chỉ được trưng bày trong lễ khai mạc khi được thắp sáng để đánh dấu màn khởi đầu của Olympic. Lehanneur đã úp mở rằng “đuốc là chìa khóa và đài lửa là cánh cửa. Dù mang thiết kế hoàn toàn khác biệt nhưng chúng là một thể thống nhất.”

Cuộc trò chuyện sau đây sẽ gợi mở về quá trình thành hình của các thiết kế và hành trình sáng tạo của nhà thiết kế người Pháp.

Căn hộ tại New York do Mathieu Lehanneur thiết kế

Vốn học về mỹ thuật, ông đã chuyển sang thiết kế như thế nào?

Đúng là tôi đã từng học tại trường mỹ thuật Beaux-Arts de Paris nhưng sau một năm, tôi quyết định ngừng việc học. Tôi chưa bao giờ hình dung cảnh tượng mình phải làm việc đơn độc trong xưởng. Từ ban đầu, tôi đã nhận ra rằng mình cần các yếu tố về bối cảnh và sự tương tác để sáng tạo. Tôi khao khát trở thành trung tâm của một hệ sinh thái được thiết lập bởi những yêu cầu, ý tưởng và thành tựu. Thành thật mà nói, thời điểm đó, tôi chẳng biết gì về thiết kế, hay thậm chí là một số tên tuổi của những nhà thiết kế nổi bật. Trong buổi phỏng vấn tuyển sinh tại ENSCI-Les Atelier ở Paris, tôi nhớ rằng ban giám khảo đã đặt câu hỏi về nhà thiết kế mà tôi yêu thích là ai. Im lặng một lúc lâu, tôi đã trả lời: “Người đã thiết kế ra chiếc thang cuốn đầu tiên”. Rõ ràng cả tôi và BGK đều không biết người đó là ai nhưng câu trả lời này đã giúp tôi bộc lộ niềm say mê đối với vật thể mang tính siêu thực và kỳ diệu này – phát minh khiến một chiếc thang chuyển động. Đến bây giờ, tôi vẫn yêu thích ý tưởng đó!

Mathieu Lehanneur lên ý tưởng cho thiết kế đuốc của Olympic 2024

Niềm đam mê khoa học của ông xuất phát từ đâu?

Mối quan tâm về khoa học của tôi bắt đầu nhen nhóm trong thời gian thực hiện đồ án tốt nghiệp tại trường thiết kế. Lúc đó, để trang trải chi phí học tập, tôi đã tham gia thử nghiệm thuốc cho các phòng thí nghiệm dược phẩm. Công việc của tôi là “chuột bạch” – người tình nguyện dùng thuốc để kiểm tra các tác dụng phụ tiềm ẩn từ những liều thuốc hoặc phương pháp điều trị mới trước khi chúng được đưa ra thị trường. Chính trải nghiệm này đã mở ra cho tôi một vũ trụ mới – nơi cơ thể và tâm trí gắn kết mật thiết với nhau. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng cho dự án “Therapeutic Objects” của tôi – lột tả một góc nhìn mới về ứng dụng trong thiết kế và điều chế thuốc. Tôi trân trọng những nỗ lực và tâm huyết của khoa học trên hành trình giải mã sự phức tạp của nhân loại. Sự ảnh hưởng qua lại giữa cơ thể và trạng thái tâm lý, hay những tác động mà tâm trí con người gây ra với sức khỏe thể chất – đều là những phạm trù lôi cuốn đối với tôi. Khoa học, dù là thiên văn vật lý, sinh học hay y học, chính là nguồn tri thức dồi dào nhất và là nguồn cảm hứng bất tận cho công việc của tôi.

Với tư cách là một nhà thiết kế, ông mô tả thế nào về bản thân? Trước khi kết thúc một ngày, ông hy vọng mình gặt hái được điều gì?

Tôi là một nhà thiết kế vẫn loay hoay để hiểu “thiết kế” thật sự là gì. Chính xác hơn, tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời cho câu hỏi: ranh giới của thiết kế nằm ở đâu? Nó bắt đầu và kết thúc như thế nào? Đối với tôi, thiết kế như một vùng xám, một lãnh địa không tồn tại biên giới cố định. Điều này thật sự tuyệt vời khi công việc của tôi là một sân chơi với muôn vàn cơ hội. Nguồn cảm hứng của tôi đến từ những hình học phức tạp từ tự nhiên và hiện tượng duy lý và phi lý. Tôi muốn các tác phẩm của mình trở thành những sinh vật sống; chúng trông như đang hít thở, cảm nhận và không ngừng phát triển. Tôi muốn chúng là những tác phẩm nghệ thuật khơi gợi sự chiêm nghiệm hay suy tưởng.

Một góc tổ ấm do Mathieu Lehanneur thiết kế

Dự án Olympic và Paralympic Paris 2024 của ông diễn ra như thế nào?

Tôi cực kỳ ghét các cuộc thi. Bạn không chọn bạn bè qua các cuộc thi đấu; bạn kết bạn với họ vì con người họ hoặc có thể vì những điều họ đã làm, nhưng trước khi kết bạn, không bao giờ bạn hỏi họ về những lợi ích bạn sẽ nhận được. Tại Olympic, tôi không lựa chọn vì tôi thực sự muốn trở thành một “người bạn” của giải đấu!

Thiết kế và chủ đề của ngọn đuốc được phát triển dựa trên 3 phạm trù chính: bình đẳng, hòa bình và nước. Các yếu tố này gây ấn tượng với tôi ngay lần đầu tiên vì xứng đáng là những hiện thân xuất sắc nhất của giải đấu Paris. Không chỉ vì giá trị riêng lẻ của từng thành tố mà còn vì sự tương xứng trong bối cảnh. Bình đẳng thể hiện rõ ràng bởi sự ngang bằng tuyệt đối giữa các VĐV nam và nữ, cũng như giữa hai kỳ thi Olympic và Paralympic thông qua cấu trúc đối xứng hoàn hảo của ngọn đuốc. Lần đầu tiên trong lịch sử, ngọn đuốc Olympic thể hiện sự song hành và tính cân bằng. Độ mềm mại trong các chuyển động uốn lượn của ngọn sóng quanh đuốc thể hiện yếu tố hòa bình. Dù Olympic là một cuộc thi – nơi các tài năng thể thao cạnh tranh và thi đấu, ngọn lửa vẫn là vật thể truyền tải tinh thần hòa bình. Vậy nên, Olympic chính là khoảnh khắc ngưng đọng để thể thao được theo đuổi sự nhiệt huyết và tham vọng bất kể sự việc hay tình hình bất ổn nào đang diễn ra trên thế giới. Cuối cùng là nước – trụ cột thứ ba của giải đấu. Ngoài các di tích lịch sử, Paris còn hiện diện như một thức nghệ thuật gắn liền với con sông. Sông Seine là sợi dây liên kết và là trái tim của thành phố – nơi diễn ra  lễ khai mạc và một số địa điểm khác thuộc Olympic. 

Ngọn đuốc được lấy cảm hứng từ những yếu tố trên và hoàn thiện thông qua việc ứng dụng họa tiết lượn sóng và sự phản chiếu của chất kim loại được đánh bóng, tạo cảm giác như một dòng nước bao quanh thân đuốc. Thông thường, đài lửa sẽ được trưng bày tại lễ khai mạc Olympic. Tuy nhiên, Paris 2024 mong muốn làm mọi thứ trở nên khác biệt, hãy cùng chờ đón những hoạt động kế tiếp! Có thể ví đuốc như là chìa khóa, còn đài lửa là cánh cửa. Mặc dù mang thiết kế hoàn toàn khác biệt, nhưng chúng thuộc về nhau.

Dự án nào ông từng thực hiện là thử thách lớn nhất đối với ông?

Thách thức lớn nhất mà tôi từng gặp phải có thể là dự án “Ngày mai là một ngày khác” (Tomorrow Is Another Day). Đây là một dự án dành cho khoa chăm sóc giảm nhẹ tại một bệnh viện lớn ở Paris. “Ngày mai là một ngày khác” là loạt các cửa sổ kỹ thuật số được bổ sung ở mỗi phòng bệnh nhằm hiển thị hình ảnh bầu trời. Công trình mang đến một tầm nhìn chân thực, có thể thay đổi từ bầu trời xanh trong với vài đám mây trắng sang thời tiết mưa nặng hạt. Một chiếc cửa sổ mở ra bầu trời của ngày mai. Một “cú vọt” không chỉ về thời gian, mà còn thay đổi cả không gian vì bệnh nhân có thể quyết định “bầu trời” của họ. Đó có thể là bầu trời của khu vực họ đang sống, hoặc bầu trời của một địa điểm mơ ước hay một địa điểm đã không còn tồn tại. Hoặc bầu trời nơi con cái và người thân của họ đang sinh sống.

Về mặt kỹ thuật, đây là một chương trình lấy dữ liệu từ dự báo thời tiết cập nhật theo thời gian thực và hiển thị bằng hình ảnh động. Chương trình được thiết kế dựa trên một số thông số: thời gian trong ngày, màu sắc của bầu trời, vận tốc và độ đục của mây, độ ẩm. Chương trình cần tái tạo vô số biến thể của màu sắc, hình dạng đám mây vầ cường độ ánh sáng. Điều nghịch lý là yêu cầu tinh vi này chỉ đạt được khi bệnh nhân được thư giãn tâm trí, và tưởng tượng như họ đang thật sự nằm dài trên cánh đồng và ngắm nhìn bầu trời. Yêu cầu tạo ra khung cảnh cuối cùng mà mọi người có thể nhìn thấy trong cuộc đời thật sự mang tính thách thức.

Những dự án nào ông đang thực hiện ở thời điểm hiện tại?

Tôi đang thực hiện một dự án đèn chùm lấy cảm hứng từ sự phức tạp của hình học và vẻ đẹp của những loài hoa. Tôi chọn một bông diên vĩ, sau đó quét 3D, rồi chỉnh sửa và điêu khắc kỹ thuật số để tạo ra bông hoa đẹp và gây ấn tượng nhất có thể. Chiếc đèn sẽ được làm từ chất liệu sứ.

Bài: Ánh Ngọc | Ảnh: Felipe Ribon


 
Back to top