Báu vật từ Christie’s: Chuyện chưa kể về tuyệt phẩm “Sunflower” của Yves Saint Laurent vừa đạt kỷ lục đấu giá
Nhà thiết kế huyền thoại Yves Saint Laurent đã sáng tạo chiếc áo khoác jacket “Hoa hướng dương” để bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với hội họa, trong đó có danh họa Van Gogh trong BST Xuân-Hè 1988. Chuyên gia Camille de Foresta giải thích lý do tác phẩm này có thể tạo nên con số kỉ lục khi nó được bán tại nhà đấu giá Christie’s vừa qua.
Theo ông de Foresta, chiếc áo khoác được thêu tinh xảo, vô cùng lộng lẫy này được Yves Saint Laurent lấy ý tưởng từ bức “Hoa hướng hương” được vẽ bởi Van Gogh, trở thành một trong những tuyệt tác Haute couture đắt giá nhất từng được tạo ra.
Bộ trang phục với tông màu chủ đạo là vàng và cam sáng, được lót bởi lớp vải satin và lụa vàng óng ánh, trên nền organza, được thêu đính toàn bộ với pha lê, sequin, ruy băng và cả ngọc trai, dần thành hình dưới bàn tay của các nghệ nhân của nhà thêu lớn nhất thế giới Maison Lesage xứ Paris với hơn 600 giờ thủ công.
“Đây là một trong những kiệt tác để đời của François Lesage” ông Foresta nói thêm. “Kỹ thuật đính kết của các nghệ nhân tạo nên nó đã đạt đến mức thượng thừa trong thế giới haute couture.”
Cùng với các tuyệt tác khác xuất hiện trong BST Xuân-Hè năm 1988 của Yves Saint Laurent, chiếc jacket “Hoa hướng dương” là cách ông tỏ lòng tôn kính đến các bậc danh họa như Matisse, Braque, Picasso và Van Gogh.
Nhà thiết kế Yves Saint Laurent từng nói: “Tôi luôn bị cuốn hút bởi các tác phẩm hội họa” khi ông sáng tạo nên chiếc đầm Mondrian, tác phẩm đã trở thành thiết kế mang tính biểu tượng trong sự nghiệp của ông. “Và như lẽ thường tình, nguồn cảm hứng ấy chảy vào tác phẩm tôi một cách vô cùng tự nhiên.” Được trình diễn bởi một trong những siêu mẫu đáng ngưỡng vọng nhất Naomi Campell, trên sàn catwalk năm ấy, giờ đây tác phẩm được trưng bày tại bảo tàng YSL tại thủ đô Paris cùng chiếc váy xanh ngọc tao nhã.
Phiên bản được bán tại nhà đấu giá Christie’s vào tháng 11 là 1 trong 4 phiên bản từng được tạo ra, được ủy quyền bởi nhà sưu tập giấu tên. “Hiện tại các bông hoa hướng dương của cả Yves Saint Laurent lẫn Van Gogh đều trở thành tâm điểm” – Vị chuyên gia cho biết thêm.
Thời gian trước khi show diễn của Yves Saint Laurent tại Paris, bức tranh tĩnh vật “Bình 15 hoa hướng dương” (1889) của Van Gogh, tuyệt tác cuối cùng trong chuỗi 7 bức hướng dương được tung ra thị trường, với cú gõ búa 29 triệu bảng Anh tại Christie’s ở London, trở thành tác phẩm hội họa đắt giá nhất từ trước đến nay.
“Thương vụ ấy ngập tràn các mặt báo,” ông de Foresta hồi tưởng. “Đó không chỉ là một sự ra mắt công chúng, mà còn là thứ truyền cảm hứng cho Yves Saint Laurent để sáng tạo nên tuyệt tác haute couture này.”
Trong BST Xuân-Hè năm 1988 còn có sự xuất hiện của chiếc áo khoác được thêu đính, màu xanh, tím lấy cảm hứng từ tác phẩm “Diên vĩ”. 1 trong 4 phiên bản của chiếc áo này đã được diễn viên người Pháp Catherine Deneuve khoác lên người trong buổi chụp hình cho tạp chí ELLE Pháp tại Marrakech.
“Những chiếc áo jacket này đã trở thành biểu tượng trong lịch sử thời trang.” Vị chuyên gia giải thích. “Đó là những tác phẩm tuyệt vời đối với các viện bảo tàng lẫn người sưu tập cá nhân.”
Sự khao khát dành cho tác phẩm haute couture này được đẩy đến tột độ. Vào tháng 1 năm nay, Nhà Christie’s tại Paris bày bán tủ quần áo biểu tượng của Catherine Deneuve với hàng loạt thiết kế YSL Haute Couture mà ông đã dành cho cô trong hơn 40 năm. Từng bộ đều được bán sạch, thu về con số 900.625 euro (tầm 1.025.581 đô la)
Tại nơi khác, một phiên bản của chiếc áo “Diên vĩ” nằm trong BST của doanh nhân người Li-băng Mouna Ayoub được sang tay với mức giá 175.000 euro, cao gấp 4 lần giá trị ước tính.
Chuyên gia cũng nhớ lại thương vụ kỷ lục bày bán BST nghệ thuật tuyệt vời của Yves Saint Laurent – được thu thập bởi Pierre Bergé – tại Grand Palais ở Paris năm 2009. Trong ba ngày, giá trị thu được là 373.935.500 euro (tầm 332.802.595 bảng Anh), lập kỷ lục thế giới về BST tư nhân có giá trị nhất từng được bán đấu giá.
“Yves Saint Laurent là NTK thời trang nổi bậc nhất trong buổi đấu giá ở thời điểm hiện tại”, vị chuyên gia nói thêm. “Những người trẻ tuổi ngưỡng mộ ông vì đã tôn vinh phụ nữ và là nguồn cảm hứng của các NTK trẻ. Ông chắc chắn là người cuối cùng trong số những Haute Couturier vĩ đại nhất từng xuất hiện.”