LIFE

Didier Pittet – Người đàn ông đứng sau phát minh nước rửa tay đang cứu sống hàng tỷ người trên thế giới

Mar 25, 2020 | By Stephanie Nguyen

Trong thời buổi khủng hoảng, sẽ có hai loại người xuất hiện. Một là Matt Colvin, một người bán hàng trên Amazon đã cùng em trai tích trữ 17.700 chai nước rửa tay với hy vọng trục lợi sự tuyệt vọng của người tiêu dùng, và…Didier Pittet.

Sinh ngày 20 tháng 3 năm 1957 tại Geneva, Thụy Sĩ, Giáo sư – Tiến sĩ Didier Pittet đã tiến hành nhiều nghiên cứu về vệ sinh bàn tay và là người đứng sau giải pháp rửa tay thiết yếu của ngành y tế. Điều quan trọng là ông không nhận một đồng nào từ phát minh của mình.

Trong suốt thế kỷ thứ XIX, ở Châu Âu và Mỹ, 25% bà mẹ sinh con tại bệnh viện đã tử vong do sốt hậu sản. Năm 1846, bác sĩ Ignaz Semmelweis của Bệnh viện đa khoa Viên (Áo) nghiên cứu và cho rằng nguyên nhân gây sốt hậu sản là do bàn tay chứa tác nhân gây bệnh vì không rửa tay của các bác sĩ giữa những lần tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, nhiều người phản đối khuyến cáo rửa tay của Semmelweis, thậm chí Semmelweis còn bị sa thải và coi như kẻ thù của bệnh viện.

Sau đó, bác sĩ Louis Pasteur đã lật lại nghiên cứu của Semmelweis và tuyên bố: “Nguyên nhân gây ra cái chết hậu sản cho các bà mẹ chính là những đôi bàn tay không được rửa đúng cách sau khi thăm khám từ các bà mẹ bệnh sang các bà mẹ mạnh khoẻ”. 

Tuy nhiên, những năm sau đó, khuyến cáo rửa tay tại các bệnh viện vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều lý do như thiếu phương tiện rửa tay, thiếu nước, vi khuẩn gia tăng đề kháng kháng sinh và sự thiếu kiến thức về vệ sinh bệnh viện của các nhân viên y tế. Năm 1992, một báo cáo khoa học của New England về rửa tay tại khoa hồi sức cấp cứu cho thấy, mặc dù đã áp dụng những biện pháp giáo dục và giám sát đặc biệt, nhưng tỷ lệ tuân thủ rửa tay ở cán bộ y tế chỉ xấp xỉ 30% và tỷ lệ cao nhất chỉ đạt 48%. Cùng năm, CDC (Mỹ) cho biết tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện dao động từ 5-15%, dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn mắc phải cao đối với nhân viên y tế. 

Giáo sư Didier Pittet vốn nổi tiếng với tinh thần cống hiến không biết mệt mỏi cho ngành y tế toàn cầu. Với bằng Cao đẳng về Y học Nhiệt đới và Sức khỏe Cộng đồng, bằng Thạc sĩ về Dịch tễ học và Sức khỏe Cộng đồng cùng vô số giải thưởng khác trong tay, ông đã cùng đồng nghiệp tiến hành nhiều nghiên cứu về vệ sinh bàn tay. Ông cũng là tác giả bức tranh nổi tiếng vẽ hình những con vi khuẩn với hàng chữ nhảy múa để cổ động cho chiến dịch rửa tay, được sử dụng trong nhiều tài liệu vệ sinh bàn tay của WHO và nhiều quốc gia. 

Giáo sư đã tìm ra một chất thay thế hiệu quả cho các dung dịch vệ sinh thông thường thời bấy giờ là nước và xà phòng. Cụ thể, ông chứng minh rằng alcohol có khả năng loại bỏ vi khuẩn giống như xà phòng, kết hợp cùng với glycerol giúp làm mềm da và H2O2 giúp khử trùng, tạo nên công thức cho nước rửa tay tiện lợi như hiện tại.

“Nhờ vào hỗn hợp mới này, chúng tôi bắt đầu cuộc cách mạng trong ngành chăm sóc sức khỏe, thay thế phương pháp truyền thống không hiệu quả là sử dụng nước và xà phòng. Trong suốt quá trình, tôi nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ các đồng sự và WHO”, Giáo sư Didier Pittet.

Với khả năng tiêu diệt tới 99,99% vi khuẩn trên tay trong vòng dưới 30 giây, nước rửa tay đã nhanh chóng trở nên phổ biến. Những chiến dịch toàn cầu ra đời và được tổ chức hàng năm như “SAVE LIFE: Clean Your Hands” hay “Clean Care is Safer Care” đã nhận được sự quan tâm và đăng ký tham gia của hơn 15.000 bệnh viện tại hơn 150 quốc gia. Các nhân viên chăm sóc y tế được khuyến khích và truyền cảm hứng làm sạch tay “đúng lúc, đúng cách” để tăng sự bảo vệ và giảm mức độ nhiễm trùng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân. 

Hệ quả đi kèm của phát minh này là thị trường béo bở cho những tay buôn trục lợi, đặc biệt tại các quốc gia thế giới thứ ba như Kenya, nơi nước rửa tay trở nên quý như vàng và được bán với giá cắt cổ.

Do đó, Giáo sư Pittet đã chuyển giao bằng sáng chế cho WHO. Vào năm 2005, WHO chia sẻ công thức của ông ra toàn thế giới để đảm bảo tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận nước rửa tay giá rẻ. Tần suất và mức độ nghiêm trọng của các ca nhiễm trùng tại bệnh viện giảm đi trông thấy. 

Giáo sư bộc bạch: “Tôi không chế tạo công thức để lấy tiền. Tôi tạo ra chúng để chia sẻ với mọi người và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Tôi chỉ đơn giản kết hợp glycerin với alcohol rồi đưa ý tưởng cho WHO để sản xuất rộng rãi.”

Ước tính hàng năm có hơn 8 triệu người được cứu nhờ vào phát minh của Giáo sư, Tiến sĩ Didier Pittet. Năm 1999, Didier Pittet nhận Giải thưởng nghiên cứu Ignaz Philipp Semmelweis đầu tiên cho các nghiên cứu tiên phong về phòng chống nhiễm khuẩn trong công tác hàng ngày của nhân viên y tế. Năm 2007, ông được nhận huân chương danh giá nhất nước Anh CBE cho những đóng góp trong việc ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng cho quốc gia.


 
Back to top