Giờ trái đất: Lối sống bền vững là lựa chọn của hạnh phúc
Phong trào hạnh phúc là sự tiến triển tự nhiên của phong trào bền vững. Bằng cách tập trung vào hạnh phúc của chính mình, hạnh phúc của người khác và sức khỏe của trái đất, chúng ta đang cập bến đến một tương lai bền vững, nơi mọi người không chỉ được đáp ứng nhu cầu mà còn cùng nhau tiến bộ và phát triển.
Làn sóng bền vững đang được thúc đẩy trên toàn cầu trong nhiều năm qua, nhưng mọi người chắc chắn sẽ không khỏi thắc mắc: “Tại sao các sản phẩm thân thiện với môi trường thường đắt hơn, và liệu lối sống bền vững chỉ dành cho người giàu?”
Sản phẩm bền vững đắt đỏ do đâu?
Đầu tiên, các sản phẩm thân thiện với môi trường có chi phí đắt đỏ hơn các sản phẩm truyền thống vì một vài lý do: nhu cầu đối với các sản phẩm bền vững không nhiều như các sản phẩm truyền thống; ngành công nghiệp bền vững đề cao lao động công bằng và thực hành đạo đức nên chi phí tốn kém hơn. Đó là chưa kể đến quy trình từ mua sắm nguyên liệu thô đến vận chuyển sản phẩm cuối cùng, gần như tất cả các bước sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường đều có giá thành cao hơn các sản phẩm truyền thống vì cần tuân theo chuẩn mực gắt gao.
Nhưng rõ ràng, một sản phẩm dù đắt đỏ hay không đều tuân thủ nguyên tắc kinh tế cơ bản của thị trường. Khi giá cả hàng hóa tăng, nhu cầu giảm và ngược lại. Điều này đúng với tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ, kể cả những sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhu cầu tăng sẽ làm giảm giá thành sản phẩm. Càng nhiều người mua sản phẩm bền vững, giá cả của chúng càng giảm xuống.
Việc mua hàng của bạn sẽ cho nhà sản xuất (dù lớn hay nhỏ) tin rằng bạn đang hỗ trợ làn sóng này, và nếu đủ người ủng hộ, họ sẽ tăng sản lượng và đến lượt người tiêu dùng là bạn sẽ được hưởng quyền lợi giảm giá. Đồng thời, khi nhu cầu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường tăng và đối với các sản phẩm độc hại truyền thống giảm, nguồn cung của hai loại sản phẩm này sẽ có xu hướng tương ứng. Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho các sản phẩm xanh trên kệ hàng hóa.
Bằng cách mua sản phẩm xanh, bạn đang nói với nhà sản xuất rằng “đây là thứ tôi muốn mua, hãy tạo ra nhiều hơn nữa”
Lối sống bền vững chỉ dành cho người giàu?
Cách đây một vài năm, trang Eco Warrior Princess (EWP) thực hiện một khảo sát về thương hiệu đồ lót thân thiện với môi trường có giá cả phải chăng chỉ ngang tầm 29 USD. Có 500 người tham gia khảo sát này và 67% trong đó nói rằng họ không thể chi trả mức giá cao hơn 29 USD.
Gần đây trên Facebook, EWP tình cờ nhìn thấy một sản phẩm kem đánh răng không nhựa, thân thiện với môi trường với giá 12 USD/chai. Hầu hết mọi người đều không sẵn sàng chi trả. Mối quan tâm về khả năng chi trả trong chủ nghĩa tiêu dùng đạo mức một lần nữa khiến chúng ta phải đặt một dấu chấm hỏi lớn.
Thế nhưng, Bhutan lại là câu chuyện khác. Có chỉ số GDP đứng thứ 169/196 quốc gia toàn cầu vào năm 2018, song đây lại là đất nước hạnh phúc có chỉ số bền vững hàng đầu thế giới với màu xanh tươi đẹp bao trùm. Điều này có được nhờ vào việc Quốc vương Jigme Singye Wangchuck đã phát triển chỉ số hạnh phúc của dân tộc dựa trên bốn trụ cột: phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa và quản trị tốt.
“Vương quốc trên mây” không chỉ có chỉ số carbon trung tính mà còn là carbon âm.
Là điểm đến du lịch lừng danh, Bhutan kẹp giữa hai nước làng giềng với nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ là Trung Quốc và Ấn Độ. Thế nhưng, họ không hề bị đồng hóa bởi tham vọng xây dựng một cường quốc bất chấp ô nhiễm không khí đến nỗi thủ đô Bắc Kinh thường xuyên rơi vào tình trạng khí bụi độc hại lẫn vào sương trùm toàn bộ thành phố.
Các Quốc vương của Bhutan giác ngộ việc cân bằng giữa tăng trường kinh tế và phát triển xã hội, bền vững môi trường và bảo tồn văn hóa, tất cả nằm trong khuôn khổ quản trị tốt. Trên thực tế, hiến pháp Bhutan quy định rằng 60% diện tích đất của quốc gia phải được duy trì và bảo vệ.
Ngoài thị thực 40 USD, khách du lịch muốn ghé thăm Bhutan phải trả thêm từ 200 đến 250 USD, bao gồm chỗ ở khách sạn 3 sao, các bữa ăn, hướng dẫn viên du lịch được cấp phép, thiết bị cắm trại và leo núi, thuế và phí khác… nhằm duy trì sự bền vững của quốc gia. Số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo cùng việc xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng tăng cao. Ngoài những khu rừng được bảo vệ, Bhutan còn đạt kỷ lục thế giới về việc trồng nhiều cây xanh nhất mỗi giờ. Chưa kể, thủ đô Bhutan là thủ đô duy nhất tại châu Á không có đèn giao thông.
Vậy, sự bền vững đâu nhất thiết phải đắt tiền?
Chính vì thế, cuộc sống bền vững không nằm đơn thuần ở chỗ phải tiêu thụ sản phẩm có ý thức sinh thái để giành sự chấp thuận và ngưỡng mộ của mọi người trong cộng đồng, mà là việc giảm thiểu dấu chân carbon trong môi trường, bảo vệ thiên nhiên đi kèm thực hành lối sống tối giản.
Vì thế, trong khi có những sản phẩm và lựa chọn lối sống bền vững mà chỉ những người giàu mới có thể với tới như nhãn hiệu quần áo đạo đức và xa xỉ, hệ thống năng lượng mặt trời, xe hơi điện, thực phẩm hữu cơ đắt đỏ… vẫn còn rất nhiều lựa chọn có sẵn cho những người có khung thu nhập thấp hơn.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên công nghệ. Mọi người lướt web nhiều hơn, tham gia các cộng đồng mạng nhiều hơn, và ở đó, họ nhìn thấy những sản phẩm tiếp thị với những hình ảnh đẹp đẽ, video quảng cáo thú vị, họ quyết định mua sản phẩm dựa trên cảm xúc. Mức tiêu thụ từ đó mà tăng cao. Một trong những niềm tin cốt lõi của sự bền vững là rút khỏi chủ nghĩa tiêu dùng – mua ít hơn, tiết kiệm nhiều hơn, tự trồng thực phẩm, sửa chữa thay vì thay thế… Đây có lẽ là những giải pháp tốt nhất trong thời điểm hiện tại.
Lối sống bền vững gia tăng niềm hạnh phúc
Cách đây 2360 năm, Aristotle từng nói: “Happiness is the meaning and purpose of life, the whole aim and end of human existence (tạm dịch: hạnh phúc là ý nghĩa và mục đích của cuộc đời, mục tiêu và điểm đến cuối cùng trong sự tồn tại của nhân loại). Khái niệm hạnh phúc cũng được đề cao trong Tuyên ngôn độc lập của nhiều quốc gia. Riêng Bhutan định nghĩa hạnh phúc là Eudaimonia (eu là tốt, daimon là tâm hồn hay tinh thần).
Giữa khái niệm hạnh phúc và bền vững có mối liên hệ mật thiết. Năm 1987, Ủy ban Brundtland từng có bài báo cáo về phong trào phát triển bền vững “Our Common Future”, trong đó nhấn mạnh mối quan hệ khăng khít giữa bền vững và hạnh phúc, đồng thời khẳng định sự hưng thịnh của con người phụ thuộc vào hệ thống tự nhiên, xã hội, kinh tế và cá nhân.
Giấc mơ tiềm tàng của mỗi con người là hướng đến một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng khi theo đuổi lối sống xanh, ta lại nghĩ rằng nó tương đương với việc hy sinh cá nhân. Trên thực tế, môi trường bền vững tỷ lệ thuận với sự bền vững trong cảm xúc của chúng ta. Phong cảnh đẹp đẽ và bầu không khí yên bình chữa lành và làm dịu tâm trí. Chúng nâng đỡ giác quan, từ đó khiến tâm trạng và đời sống tinh thần của ta trở nên an yên, bình lặng.
Trong cuộc phỏng vấn các tình nguyện viên trong chương trình Tự nhiên học thạc sĩ ở bang Minnesota, các nhà nghiên cứu Margaret Guiney và Karran Oberhaus cho biết hầu hết tình nguyện viên đều trải nghiệm cảm giác hài lòng và hạnh phúc khi nỗ lực làm việc cho các hoạt động bảo tồn hay làm việc ngoài trời.
Nhà tâm lý học – Giáo sư Tim Kasser tại Đại học Knox ghi chú trong bài viết: “Suy thoái môi trường ảnh hưởng xấu đến nhu cầu cơ bản của con người. Trong khi đó, môi trường bền vững thúc đẩy sự thỏa mãn của những nhu cầu căn bản này và từ đó gia tăng niềm hạnh phúc”.
Chính vì thế, có thể nói rằng phong trào hạnh phúc là sự tiến hóa tự nhiên của phong trào bền vững. Bằng cách tập trung vào hạnh phúc của chính chúng ta, hạnh phúc của người khác và sức khỏe của trái đất, chúng ta đang cập bến đến một tương lai bền vững, nơi tất cả mọi người không chỉ được đáp ứng các nhu cầu mà còn cùng nhau tiến bộ và phát triển.
Tại Việt Nam, bạn đọc có thể theo dõi về dự án Ecoxury – chương trình LUXUO.VN và nhiều thương hiệu xa xỉ khởi xướng, nhằm thực hiện hành trình xê dịch và lan toả tinh thần sống xanh thông qua các không gian điểm đến. Dự án được khởi động vào tháng 8.2019