Sống / Ecoxury

ECOXURY: Thiên nhiên luôn vỗ về bất cứ ai thật sự yêu thương nó

Oct 23, 2020 | By Trang Ps

Trong vẻ đẹp thanh bình bất tận của thiên nhiên, có những khoảnh khắc mọi lo lắng và mất mát lắng xuống. Cũng chính thời điểm ấy, ta biết rằng, ta yêu một bông hoa nhiều như khi ta yêu cả khu rừng rộng lớn.

Có một chi tiết vô cùng thú vị về cuộc đời của Đức Phật. Người sinh ra dưới một gốc cây. Người chứng ngộ dưới một gốc cây, khi ngồi tĩnh lặng dưới cội Bồ Đề Và Người nhật diệt cũng dưới một gốc cây. Những chi tiết này là lối ẩn dụ rằng: cuộc đời con người gắn liền với thiên nhiên, từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, và chứng ngộ là nhận ra nguồn cội của mình không tách rời với nguồn cội của vạn vật trong thiên nhiên.

Quốc tế rừng 2020: Thiên nhiên luôn vỗ về bất cứ ai thật sự yêu thương nó

Khi nói đến thiên nhiên trong cuộc đời mỗi thiên tài, chúng ta lại bắt gặp những câu chuyện thật sự thú vị. Nhà toán học Newton thừa nhận học thuyết của mình bắt nguồn từ việc nhìn thấy quả táo rơi xuống đất khi đang sống tại Woolsthorpe.

Cây táo ở trang viên Woolsthorpe đã sống một cuộc đời độc đáo, nó được trồng từ những năm 1650 rồi gãy một phần vào năm 1816, nhưng sức sống của nó thì bất diệt khi được nhân giống ở nhiều nơi. Hậu duệ của nó đã ghé thăm những trường đại học, đài thiên văn, vườn bách thảo và các trung tâm nghiên cứu, như một lối ẩn dụ rằng: sáng tạo khởi phát từ thiên nhiên, đó là khi con người học cách tĩnh lặng dưới cội cây và hòa mình vào nhịp sống của vũ trụ như Newton đã từng.

Sinh thời, nhà văn, nhà thơ và nhà triết học Henry David Thoreau, tác giả đứng sau cuốn sách “Walden – Một mình sống trong rừng”, bị quyến rũ bởi cây cối và ông nhấn mạnh rằng chúng đóng vai trò thiết yếu trong sự sáng tạo nghệ thuật, tư tưởng triết học và thậm chí đời sống nội tâm của ông.

“Bản chất của con người bị bẻ cong, nhưng cây cối thì luôn ngay thẳng và đạo đức.”

Là nhà văn, Thoreau nhận ra thiên nhiên yêu muôn loài và đó là tình yêu vũ trụ (universe love) thiêng thiêng mà con người đã gần như quên lãng. Ông đáp lại tình cảm với cây cối nhưng cũng hiểu chúng theo lý luận của một nhà tự nhiên học. Có lần, Thoreau cảm nhận và nhìn thấy nhựa cây chảy tràn bên dưới lớp vỏ của nó, và ông đã viết trong The Maine Woods rằng nhà thơ yêu cây thông như cái bóng của chính mình trong không khí. Sự hoang dã của thiên nhiên đã mời gọi bản năng nguồn cội của con người nhưng chỉ khi họ có đủ sự tĩnh lặng trong tâm trí. Như Thoreau đã nói: “Bản chất của con người bị bẻ cong, nhưng cây cối thì luôn ngay thẳng và đạo đức.”

Trong suốt cuộc đời của Thoreau, New England rơi vào tình cảnh đốn phá và hủy hoại những khu rừng. Nhà văn chán ghét những mất mát quen thuộc đó đến nỗi thốt lên “Trời ơi! Chúa còn chưa bao giờ đốn ngã những đám mây!” Nỗi tức giận của ông cuộn trào hơn ai hết, vì ông hiểu giá trị sinh thái và tâm lý của cây cối. Một thị trấn được cứu, ông nhấn mạnh, không phải bởi những người đàn ông chân chính sinh ra ở đó, mà bởi những khu rừng và đầm lầy xung quanh đó.

Ngày nay, những khu rừng là lá phổi xanh của trái đất, ai ai cũng biết về giá trị của chúng, thế mà, con người lại bị huyễn hoặc trong sự giàu sang vật chất và tiện nghi nhất thời. Thoreau đã đi trước thời đại về góc nhìn cây cối. Ông gọi những cây thông là những cô y tá trẻ. Ông không sử dụng khái niệm hay định nghĩa sinh học, nhưng ông nhận thấy mỗi cây xanh đều chứa đựng linh hồn.

Tại sao những tòa nhà 100 tuổi được xếp vào hàng “di sản” cần được bảo tồn, trong khi những thân cây 100 tuổi lại bị đốn hạ mỗi ngày?

Tác giả cuốn sách “Biết Chính Mình” một lần nào đó đã đưa ra câu hỏi tu từ khiến loài người hôm nay cần suy ngẫm: “Tại sao những tòa nhà 100 tuổi được xếp vào hàng “di sản” cần được bảo tồn, trong khi những thân cây 100 tuổi lại bị đốn hạ mỗi ngày? Phá hoại thành quả của đất trời cũng chính là phá hoại cái nôi sự sống của chính mình, điều gì khiến con người trở nên tàn nhẫn và ngu ngốc đến vậy?”

Thiên nhiên đang đáp trả lại hành động của con người bằng tất cả những gì mà họ đã gây ra

Image result for amazon cháy rừng luxuo

74000 vụ cháy rừng Amazon trong năm 2019

Trong một dịp phỏng vấn vị họa sĩ sinh ra ở vùng đất Đắk Lắk từ những năm đầu của thập niên 80, anh kể lúc ấy, những khu rừng xanh bạt ngàn, tiếng chim hót véo von, dòng suối chảy róc rách cạnh bên đồng cỏ xanh mơn mởn. Khung cảnh thiên nhiên hoang dã khiến con người cảm thấy bình yên và được vỗ về, thế nhưng, khi dân di cư đến, họ phá rừng làm rẫy và bẫy thú làm thức ăn bày linh đình ngoài chợ.

Chỉ sau một thời gian ngắn, thiên nhiên tan hoang, chim chóc và thú vật chạy tán loạn. Vừa qua, cả nước ta ghi nhận thêm 2 vụ phá rừng quy mô lớn tại địa bàn xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo, hàng trăm cây lớn bị đốn ngã ngổn ngang, trong đó nhiều cây có đường kính rất lờn từ khoảng 40 – 60 cm. Khi nạn phá rừng diễn ra, thiên nhiên cuồng nộ, nhiều địa phương ở Lâm Đồng, Đắk Lắk oằn mình trước những cơn đại hồng thủy. Lượng mưa từ 100 mm trở lên và kéo dài khiến những vùng cao tưởng chừng an toàn lại rơi vào cảnh tay trắng, cuộc sống thường ngày đảo lộn.

Image result for burning forests indonesia

Ở Indonesia, các đám cháy rừng trên đảo Sumatra và Borneo kéo dài nhiều tuần ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nước này và khu vực Đông Nam Á.

Thiên nhiên đang đáp trả lại hành động của con người bằng tất cả những gì mà họ đã gây ra. Từ Amazon đến Bắc Cực, các khu rừng khắp hành tinh đang cháy dữ dội như thái độ cuồng nộ và bất mãn trước hành vi tham lam của loài người. Chỉ riêng năm 2019, hơn 74.000 đám cháy nhân tạo thảm khốc hoành hành rừng Amazon, lá phổi xanh của trái đất – nơi sản sinh 1/5 lượng khí Oxi cho toàn thế giới. Đây là nhà của 3 triệu loài thực vật, động vật và là nơi lưu trú lâu đời của người dân bản địa. Amazon là nguồn sống của thế giới khi nơi đây sở hữu đa dạng sinh học nhất với ước tính khoảng 390 tỷ cây riêng lẻ được chia thành 16.000 loài, đặc biệt hơn nữa, nó cũng đóng vai trò như như nơi đào thải lượng carbon và làm chậm tiến độ nóng lên của toàn cầu. Có diện tích tương đương một nửa nước Mỹ, đây là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới.

Ở Indonesia, các đám cháy rừng trên đảo Sumatra và Borneo kéo dài nhiều tuần ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nước này và khu vực Đông Nam Á. UNICEF ước tính khoảng 10 triệu trẻ em ở Indonesia đối mặt nguy hiểm do ô nhiễm không khí từ khói bụi cháy rừng gây ra. Thậm chí nhiều trường học ở Malaysia phải đóng cửa vì ô nhiễm không khí do cháy rừng từ đảo Sumatra và Borneo lan sang. Đầu năm nay, nước Úc phải chống chọi với nạn chá rừng diện rộng và kéo dài, đây là vụ cháy nghiêm trọng hơn hẳn so với những năm khác. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên đã thực sự bắt đầu!

Theo quan niệm Phật giáo, cây là nguồn cung cấp và nuôi dưỡng tất cả sự sống. Nó tượng trưng cho sự trường thọ, sức khỏe, sắc đẹp và thậm chí là lòng trắc ẩn.

Quốc vương Bhutan đã cho trồng 108.000 cây non trên khắp đất nước Bhutan nhân dịp mừng hoàng hậu Jetsun Pema hạ sinh hoàng tử

Dẫu vậy, thiên nhiên sẽ luôn vỗ về bất cứ ai thật sự yêu nó, như quốc gia Phật giáo Bhutan chẳng hạn. Đây là quốc gia hiếm hoi nhất thế giới âm carbon. Quốc vương Bhutan đã cho trồng 108.000 cây non trên khắp đất nước Bhutan nhân dịp mừng hoàng hậu Jetsun Pema hạ sinh hoàng tử. Hiến pháp của Bhutan còn quy định ít nhất 60% đất nước được bao phủ bởi rừng. Theo quan niệm Phật giáo, cây là nguồn cung cấp và nuôi dưỡng tất cả sự sống. Nó tượng trưng cho sự trường thọ, sức khỏe, sắc đẹp và thậm chí là lòng trắc ẩn.

Đây không phải là lần đầu tiên Bhutan đưa ra quyết định phiên trồng cây hoành tráng. Vào năm 2015, quốc gia này đã lập kỷ lục Guinness thế giới bằng cách trồng gần 50.000 cây chỉ trong một giờ. Đó là bằng chứng cho việc Bhutan có thể là đất nước khiêm tốn về quy mô, nhưng đã tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn cầu.


 
Back to top