ART & LIFE

MONSTER: Sự đa chiều qua hiệu ứng Rashomon

Aug 06, 2023 | By Nguyen Huu Hon

Thế giới vô tư và trong sáng của những đứa trẻ hóa tối tăm và u ám. Sự đáng kính và trưởng thành của người lớn bị nhuốm màu nhếch nhác. Vùng quê thanh bình, nên thơ trở nên ngột ngạt với những biến cố đau thương. Cùng trong một diễn biến sự việc, nhưng mỗi người nhìn nhận nó theo chiều hướng nào và ai mới là quái vật thực sự trong cuộc sống tưởng chừng đơn giản mà lại phức tạp đến khó thở này?

Không truyền thông rầm rộ, “Monster” (Quái vật), bộ phim của đạo diễn – biên kịch Hirokazu Kore-eda “âm thầm” công chiếu tại Việt Nam với khung giờ vừa ít vừa trái ngang. Tuy nhiên, nếu ai đã ra rạp xem thì nhất định sẽ không lãng phí hơn 120 phút khi đắm chìm bản thân trong sự đời đa chiều được kể khéo léo bằng hiệu ứng Roshomon. Có thể nói rằng, chính hiệu ứng này là một yếu tố then chốt, quyết định sự thành công của “Monster”.

Hiệu ứng Roshomon dùng để chỉ một sự kiện được mô tả và nhìn nhận bằng nhiều góc nhìn khác nhau từ nhiều người. Toàn bộ câu chuyện của Monster thay đổi liên tục qua cách nhìn nhận và phán đoán của các nhân vật. Những sự việc rời rạc nhưng được bóc tách một cách cẩn thận và chặt chẽ để đi tìm đáp án cho câu hỏi: Ai là quái vật?

Rashomon – chiếc gương phản chiếu cuộc sống phức tạp

Câu chuyện bắt đầu khi Saori nhìn thấy những hành động kỳ lạ, những vết thương trên cơ thể của cậu con trai Minato và biết rằng thầy Hori là người gây nên điều đó. Ngay lập tức, bản năng người mẹ đã cho cô sự dũng cảm lên tiếng một cách quyết liệt, đòi lại công bằng cho con trai, và thứ cô nhận được hóa ra là lời xin lỗi máy móc, ánh mắt vô cảm và thái độ phớt lờ.

Để sự việc sớm chìm xuống, nhà trường đã sa thải thầy giáo Hori. Nhưng theo những gì thầy Hori từng chứng kiến, Minato mới là người chuyên đi bắt nạt bạn học hiền lành Yori. Mất việc, mất danh tiếng, mất cả tình yêu, Hori bị đẩy vào đường cùng đến mức định kết thúc cuộc đời.

Còn Minato và Yori, rốt cuộc ai là đứa trẻ xấu xa thích bắt nạt người khác? Minato nổi loạn che giấu tính cách yếu đuối bên trong, Yori luôn tích cực dù hoàn cảnh khốn khó. Vì tính nữ của mình mà Yori đã bị các bạn nam khác kì thị và ghét bỏ. Chính lúc ấy, Minato trở thành “chiếc ô” nhỏ, lén lút chơi với Yori trong căn hầm bí mật. Một thứ tình cảm xấu hổ, bỡ ngỡ và sợ hãi đã chớm nở giữa hai cậu bé.

Từ câu chuyện đứa trẻ bị bắt nạt, muôn vàn màu sắc trong thế giới nội tâm của những người xung quanh hé mở ra. Bao nhiêu nhân vật là bấy nhiêu góc nhìn: đầy mâu thuẫn, rất lẫn lộn và vô cùng phức tạp. Saori cho là mình đúng khi cố gắng làm ầm lên để bảo vệ con trai khỏi người thầy đáng khinh. Còn thầy Hori tin bản thân là nạn nhân và Minato mới là kẻ bắt nạt. Trong khi Minato – đứa trẻ đầy thương tích và tổn thương lại nói dối.

Sự thật cuối cùng sẽ trở nên méo mó như thế nào phụ thuộc vào niềm tin và lợi ích của mỗi người. Không ai chịu nghe ai, từ trẻ con đến người lớn đều hành động theo những gì bản thân cho là đúng; nhưng có một điểm chung, tất cả đang cùng vẽ lên bức tranh về cuộc sống đầy phức tạp và bi kịch. Dù là người lớn hay trẻ con, thế giới đó đều không hề đơn giản.

Cũng là Rashomon… công cụ phá vỡ bí mật

“Monster” cho người xem thấy rằng không cần phải sống trong những trận chiến máu lửa hay thế giới viễn tưởng kì lạ, quái vật tồn tại trong đời sống thực, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là quái vật. Quái vật trong “Monster” không xuất hiện ngay từ đầu, nó được bao bọc bởi vô số lớp vỏ của sự dối trá, bí mật và hiểu lầm. Chỉ khi đi qua góc nhìn của mỗi người rồi bóc tách từng lớp, ta mới chạm đến sự thật, vỡ òa cảm xúc và tìm thấy hy vọng.

Hóa ra, Saori – người mẹ bị cho là “phụ huynh quái vật” khi bao bọc con cái thái quá thực ra cũng chỉ là một người mẹ yêu thương con vô bờ.

Hóa ra, Hori – người thầy vô cảm cũng rất áp lực và nhạy cảm vì những khốn khó lần lượt ập đến.

Hóa ra, Minato ngỗ nghịch lại đang loay hoay trong những tổn thương vì tình yêu đồng giới bị kì thị và bạo hành.

Hóa ra, tại vùng quê thanh bình, nhịp sống chậm rãi ấy, con người lại đang đối diện với những bi ai, đau thương không ai thấu.

Hóa ra, những gì chúng ta thấy chưa chắc đã là sự thật…

Mỗi nhân vật trong “Monster” đều có “đất” để thể hiện suy nghĩ, tâm tư, cái tôi của bản thân trong mớ hỗn độn của cuộc sống. Từ đây có thể thấy, nếu như không sử dụng nghệ thuật Rashomon mà chỉ đơn thuần tái hiện câu chuyện theo diễn biến tuyến tính, người xem đã không thể nhìn thấy vô vàn lớp cắt tồi tàn được che giấu tại vùng quê thành bình và nên thơ.

Vẫn là Rashomon, chìa khóa mở bài học nhân tính trong từng “lớp” phim

Như đã đề cập ngay từ đầu, thành công của “Monster” là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó nghệ thuật kể chuyện bằng hiệu ứng Rashomon đóng góp một phần rất lớn. Hiệu ứng này bắt đầu từ một bộ phim Nhật Bản có tên là “Rashomon” của đạo diễn Akira Kurosawa, công chiếu năm 1950. Tác phẩm đã đánh dấu cột mốc mới trong điện ảnh Nhật Bản, đưa nghệ thuật kể chuyện “tình tiết lồng tình tiết” lên ngôi, truyền cảm hứng cho các nhà làm phim Hollywood và nước khác. Phim “Rashomon” xoay quanh một vụ án mà diễn biến sự việc do ba người trong cuộc kể lại khác nhau và mâu thuẫn hoàn toàn.

Sau này, nhiều bộ phim khác cũng áp dụng cấu trúc này như “The Usual Suspects 1995” (Kẻ chủ mưu) – bộ phim đi tìm sự thật sau cuộc thảm sát ở một hải cảng; “Hero 2002 (Anh hùng)” – tác phẩm kể về âm mưu ám sát Tần Vương; “Gone Girl 2014” (Cô gái mất tích) – hành trình tìm kiếm chân tướng về sự mất tích của người vợ,…

Những tác động của hiệu ứng Rashomon không chỉ mở ra một không gian đa chiều, nơi tổng hợp và kết nối ý kiến của mọi người để tra cứu tận cùng ai là hung thủ, ai là anh hùng hay ai là quái vật,… Mà hơn hết, thông qua sự kiện, ta thấy được diễn biến tâm lý những người trong cuộc, giữa cái thiện và cái ác, thành thật và gian dối, bất lợi và có lợi, chúng ta sẽ lựa chọn cái nào. Điều này phụ thuộc vào góc nhìn và nhân sinh quan cá nhân. Bởi lẽ, đó cũng là lý do mà Monster không kết thúc bằng một dấu chấm hết rõ ràng và dứt khoát, vì ở đâu đó, mọi thứ vẫn tiếp tục diễn ra, có thể trong sự suy ngẫm, cảm nhận hoặc trí tưởng tượng của mỗi người xem…

Sau cùng, từ hiệu ứng Rashomon trong phim ảnh, ta nhìn thấy gì ở cuộc sống thực tại? Truyền thông bùng nổ, thông tin vô hạn, đó chính xác là những gì đang bao quanh ta mỗi ngày. Vì vậy, việc tiếp nhận thông tin đa nguồn với một cái đầu lạnh có lẽ là kinh nghiệm đã, đang và luôn luôn phải tích lũy trong thời đại mà bất cứ ai có thể trở thành quái vật, mọi lúc và mọi nơi.

Ảnh: Tổng hợp

 


 
Back to top