STYLE

Ecoxury: Mỹ phẩm thuần chay và những điều cần biết

Nov 30, 2019 | By Hai Yen

2019 thực sự là kỷ nguyên của mỹ phẩm thuần chay –  Xu hướng làm đẹp đang có những chuyển biến tích cực mà bạn không nên thờ ơ!

Bạn có biết vốn dĩ thỏi mascara được làm từ vảy cá, hay thỏi son bạn dùng hằng ngày là từ hàng nghìn con bọ cánh cứng bị nghiền nát? Thỏi son dưỡng môi yêu thích của bạn có thể được làm từ một loại chất béo chiết xuất từ len cừu. Hơn thế nữa, việc thử nghiệm trên động vật còn là một vấn đề đáng quan ngại. Nói đến đây, bạn có thấy bức rức và thốt lên “Eo ơi!” không? Việc sử dụng sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc từ động vật đã xuất hiện từ thời Cleopatra, tuy nhiên gần đây đang nổi lên xu hướng để thay đổi điều này. Và, cuộc cách mạng của mỹ phẩm “thuần chay” (vegan make-up) đang diễn ngay trước mắt bạn.

Theo một báo cáo từ tháng 8, tính đến năm 2025, đây sẽ là một ngành công nghiệp có giá trị lên đến 20,8 tỷ USD! Và bạn biết không, xu hướng làm đẹp nổi bật nhất năm 2019 này thực ra đã bắt đầu từ khoảng 3 năm trước. Lấy dẫn chứng từ năm 2016, Kat Von D Beauty đã tuyên bố sẽ cải tổ tất cả sản phẩm mỹ phẩm thành mỹ phẩm thuần chay. Sau đó, tháng 3 năm 2018, Makeup Makeup – thương hiệu mỹ phẩm yêu thích của nhiều cô gái đã có vài điều chỉnh cho sản phẩm của họ để từ đó, họ có thể tự tin nói rằng thương hiệu của họ hoàn toàn không có thành phần từ động vật, chẳng hạn như sáp ong và carmine.

Bên cạnh đó, Dove đến từ Uniliver cũng được PETA công nhận là thuần chay vào năm nay. Đến năm 2020, bang California, Mỹ sẽ không chấp nhận các sản phẩm thử nghiệm trên động vật vì đó bị xem là hành vi là bất hợp pháp. Hourglass Comestics – thương hiệu làm đẹp nổi tiếng cũng sẽ hoàn toàn thuần chay. Không thể không kể đến sự kiện xảy ra vào tháng 11 vừa rồi, Goliath Covergirl tuyên bố rằng họ đã được con dấu chứng nhận Leaping Bunny, và hiện là thương hiệu mỹ phẩm lớn nhất đạt được chứng nhận này.

Tuy nhiên, định nghĩa về “trang điểm thuần chay” vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Đầu tiên, thuần chay chưa chắc đã 100% thiên nhiên, hữu cơ hoặc không chứa hoá chất (thực tế, sản phẩm thuần chay đôi khi còn được xử lý nhiều chất hoá học hơn). Một thỏi son có thể không chứa thành phần có nguồn gốc động vật nhưng vẫn được thử nghiệm trên động vật trong quá trình sản xuất. Hoặc, thỏi son đó thuần chay nhưng được sản xuất bởi một tập đoàn lớn vốn thử nghiệm trên động vật.

Đối với những thị trường béo bở như Trung Quốc và Brazil, để được xuất khẩu mỹ phẩm sang bán, chính phủ yêu cầu các mỹ phẩm của những tập đoàn này phải có chứng nhận thử nghiệm trên động vật dù họ muốn hay không. Ngoài ra, những người ăn chay còn cam kết họ sẽ không chạm vào bất kỳ mỹ phẩm vegan nào và từ chối mua sắm tại các cửa hàng nổi tiếng vì có công ty mẹ vốn dĩ có thử nghiệm trên động vật. Một số người khác lại không quá khắt khe với điều này, họ chỉ đơn giản mong muốn một lối sống “ít sát sinh”, còn việc chi tiêu và quyết định mua một món hàng là của cá nhân họ.

Đến đây, hẳn bạn đã có khái niệm và cách nhìn nhận khách quan hơn về xu hướng trang điểm thuần chay rồi, vậy chúng ta cùng bàn về chất lượng của các sản phẩm nhân đạo này nhé! Chất lượng của các loại kẻ mắt thuần chay thực chất cũng không khác biệt với loại không thuần chay lắm, kể cả son môi cũng lâu trôi, phấn mắt cũng sẽ có độ nhũ lấp lánh mà không cần dùng đến nguồn gốc động vật.

Ngoài ra, tập thói quen đọc thành phần sản phẩm cũng là cách để bạn biết được sản phẩm mình đang xài có thuần chay hay không. Bạn sẽ hoàn toàn yên tâm khi đọc được thành phần của lọ mỹ phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên hay hữu cơ. Mặt khác, những thứ như sáp ong, lanolin hay carmine, squalene, axit oleic, glycerine và collagen đều là những thành phần có gốc động vật mà bạn nên lưu ý.

Đón đầu xu hướng thuần chay không thể không nhắc đến cái tên Kat Von D. Năm ngoái, Kat Von D công bố rằng các sản phẩm sẽ được thay đổi và trở thành hoàn toàn thuần chay. Đây là một quá trình gian nan, đầy vất vả, bên cạnh chiến dịch trên webiste với tên gọi #VeganAlert đi kèm là thông tin đầy đủ về các sản phẩm không chứa bất kỳ thành phần nào từ động vật và cũng không hề thử nghiệm trên động vật.

Một cái tên cũng khá đình đám khác là ELF Cosmetics.  Thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng với các sản phẩm vừa túi tiền, cũng đã chính thức tuyên bố với các beauty blogger và nghệ sĩ trang điểm rằng sản phẩm của họ không hề gây hại một chút nào đến động vật trong quá trình sản xuất.

Điều đáng lưu ý là bạn không nhất thiết phải là người ăn chay thì mới xài mỹ phẩm vegan. Thiết nghĩ, các thương hiệu làm đẹp đang nỗ lực để mang lại lợi ích và công bằng cho động vật nên được tuyên dương và tán thưởng. Bộ ảnh trên do Harper’s Bazaar thực hiện chính là để tôn vinh điều đó, với Vanessa Hong – người có sức ảnh hưởng lớn trong giới làm đẹp khoác trên mình các món đồ thời trang vegan. Bộ ảnh được thực hiện với các bạn diễn là mèo và cún con được nhận nuôi, và tất nhiên là cô nàng chỉ sử dụng sản phẩm trang điểm vegan!

Tổng hợp: Noah


 
Back to top