Covid-19: Asics ra mắt giày sneakers bằng công nghệ VR
Thông thường, để ra mắt sản phẩm, các hãng sẽ chuẩn bị thật tỉ mỉ từ địa điểm, truyền thông, hoạt động thú vị… Nhưng khi toàn thế giới rơi vào cảnh cách ly nhằm đối phó đại dịch Covid-19, các buổi ra mắt đã chuyển sang VR (thực tế ảo).
Trước đó, công ty giày dép Nhật Bản Asics mong muốn thực hiện một chương trình giới thiệu sneakers mới ra toàn thế giới. Nhưng với tình hình hiện tại, đơn vị này đã linh hoạt sử dụng công nghệ để thể hiện tối đa hình ảnh sản phẩm mới. Họ thực hiện bài thuyết trình trong công nghệ thực tế ảo VR và chuyển tai nghe Oculus Quest cho giới truyền thông “tham dự sự kiện” vào dịp cuối tuần.
Tai nghe được thiết lập với Asics Virtual Innovation Lab được cài đặt trên hệ thống. Những gì bạn cần làm là sạc, cho cặp Duracells vào bộ điều khiển và đứng trên sàn nhà. Sau đó, bạn chỉ cần khởi động ứng dụng và xem thuyết trình bao nhiêu lần tùy thích.
Bạn sẽ thấy mình đang ở trong một căn phòng trắng giống như tàu vũ trụ ngoài hành tinh, cùng đó là các bức tường trắng tinh và ô cửa vòm. Tiếc thay, bạn sẽ không thể đi bộ xung quanh không gian này và kiểm tra kiểm tra hộp kính đầy giày thể thao ở đàng xa. Trước mặt bạn sẽ là màn hình video 2D lơ lửng trên một chiếc núm tròn, qua đó, bạn thấy lịch sử của công ty.
Tiếp đó, bạn sẽ thấy ba đôi giày sneaker mới mà Asics đang trưng bày: Metaracer, Metasprint và Metarise. Đầu tiên là giày chạy đường dài của Asics với đĩa carbon ở đế nhằm gia tăng tính ổn định và đế giữa bằng bọt để cải thiện khả năng phản ứng. Metarise là đôi giày bóng chuyền với phần đế “fancy” hứa hẹn đạt độ nhảy cao hơn khoảng 3 cm. Cuối cùng là Metasprint, đôi giày chạy nước rút sử dụng đế tổ ong sợi carbon nhằm tăng cường lực kéo và sức mạnh.
Asics có thể khiến bạn hiểu hơn về mỗi đôi giày bằng cách thực hiện một hoạt động trong VR, từ đó khám phá phần khác biệt của các mẫu giày này. Chẳng hạn như Metasprint, bạn phải cúi mình – như thể sắp chạy – và từ đó có thể xem sàn nhà biến thành một tổ ong.
Thi thoảng bạn sẽ có cảm giác muốn những thứ này là thật để bạn có thể khám phá xung quanh. Nhược điểm dễ thấy của các bản demo VR là bạn không thể dùng sản phẩm và ít có cơ hội xem xét kỹ lưỡng. Bạn cũng không thể nói chuyện với đại diện công ty. Và VR vẫn còn khá mới đối với nhiều người.
Một lý do khác dễ hiểu là có lẽ Asics thiếu thời gian, tài chính hoặc đối mặt với các áp lực khác nên bản demo còn nhiều giới hạn, và chỉ dành cho các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, đây vẫn là bước dạo đầu khá thành công, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng này, khi các doanh nghiệp đang ra sức tìm cách tiếp cận các khách hàng “ngồi tại nhà” trong một thời gian chưa thể xác định được.