Phong cách / Làm đẹp

Cái giá thật sự của thời trang: Liệu những người làm thời trang bền vững có thua cuộc?

Jul 13, 2020 | By Nguyen Huu Hon

“Về lý thuyết, hệ thống sản xuất minh bạch, bền vững không có khả năng khắc phục biến đổi khí hậu hay chuỗi cung ứng mờ ám của ngành thời trang”. Trong cuộc đua này, liệu họ – những người đang chật vật với thời trang bền vững – có phải là người thua cuộc?

Dệt vải, làm rập, lên mẫu, cắt, may, hoàn thiện sản phẩm, kiểm tra, đóng gói, vận chuyển, bảo quản – Đây là quy trình chưa đầy đủ cho tất cả những gì mà bạn cần phải trả khi bỏ tiền mua một chiếc áo thun mới. Đó là chưa kể giá trị thương hiệu, thuế hoặc chi phí vận hành cửa hàng mà bạn đến để mua.

Nghe thì có vẻ hơi phi lý trong khi một chiếc áo thun chỉ đáng hơn 5 USD phải không? Nhiều phần trong số đó là chi phí cố định, giá nguyên liệu có thể thương lượng, nhưng còn chi phí nhân công thì sao? Họ được trả bao nhiêu cho một chiếc áo mình may?

Chọn lợi nhuận hay nhân quyền?

Maria Stanley, nhà thiết kế độc lập theo hướng thời trang bền vững có trụ sở tại Minneapolis, Mỹ nhớ lại trải nghiệm của chính mình khi làm việc cho một nhãn hàng thời trang nhanh cách đây một thập kỷ ở Los Angeles: “Các nhà quản lý yêu cầu chúng tôi phải mang về 1.000 món với giá 21 USD/món. Nhưng nhà máy bảo rằng họ cần thương hiệu trả 40 USD/món. Tuy nhiên, cuối cùng họ đã giảm xuống 21 USD.” Làm sao họ có thể đạt được mong muốn đó? Vậy ai là người thua cuộc? Vải là thứ không thể xuống giá, do đó, phần giảm ấy sẽ trừ vào tiền của nhân công.

Khi nhắc đến thời trang, người ta thường nghĩ về những sàn diễn hào nhoáng, những giá trị thủ công của các tuyệt tác haute couture; nhưng ngành công nghiệp thật sự lớn chính là thời trang nhanh. Đó là một chuỗi sản xuất và cung ứng khổng lồ với nhiều tranh cãi xung quanh. Chúng ta đã nghe quá nhiều về những công nhân bị ngược đãi hoặc tác động của thời trang ăn liền đến môi trường, nhưng còn một ảnh hưởng mà không mấy ai nghĩ đến, đó là tác động đến nhận thức của người tiêu dùng. Trong cuộc đua giá cả giữa các ông lớn, thời trang đã thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về giá của một món đồ (món ăn hay bất kỳ thứ gì khác), liệu chúng ta có thật sự biết được giá trị của chiếc áo là bao nhiêu không? Một cái áo thun 5 USD thì quá rẻ nhưng 500 USD thì quá mắc. Nó khiến người mua cảm thấy bối rối khi suy nghĩ về những khoản mà nhà sản xuất cần chi trả cho sản phẩm.

Để có thể hiểu về con số trên tag giá đòi hỏi bạn phải kiểm tra từng bước một từ sản xuất vải, gia công, vận chuyển, đóng gói vải và tiền lời. Giả như một nhà thiết kế cần vật liệu chất lượng và trả lương cho nhân công của mình ở mức lương trên trung bình; vậy thì vật liệu và nhân công và chi phí cao nhất. Theo tiêu chuẩn của ngành, mức lợi nhuận nằm trong khoảng từ 2 – 2,5 lần, nghĩa là một cái váy có giá 100 USD sẽ được bán cho shop/nhà bán lẻ với giá 200 USD. Và nhà bán lẻ sẽ bán chúng với giá 484 USD. Và người mua hàng thì ít khi biết về những điều này, có thể bạn nghĩ rằng giá cả là tùy thương hiệu đưa ra để tối ưu hóa lợi nhuận của mình. Người mua cũng không rõ nhãn hàng sẽ làm gì với lợi nhuận, họ sẽ trả tiền quảng cáo, tiền thuê mặt bằng, nhân viên, pháp lý, thuế và tái đầu tư vào các bộ sưu tập sau.

Các chương trình khuyến mãi, giảm giá khiến ta nghi ngờ về giá trị của một sản phẩm, bất kể nó là một chiếc váy 2.000 USD hay chiếc áo 200 USD.

Thời trang vốn dĩ không minh bạch trong quá khứ, đặc biệt là khi nói đến tiền và lợi nhuận. Các chương trình khuyến mãi, giảm giá khiến ta nghi ngờ về giá trị của một sản phẩm, bất kể nó là một chiếc váy 2.000 USD hay chiếc áo 200 USD. Ngày càng có nhiều người trong chúng ta chờ đợi vài tuần, có khi là vài tháng để mua món đồ mà mình thích khi nó giảm giá; chúng ta biết chắc nó sẽ giảm. Và nếu thương hiệu dễ dàng hạ giá nó như vậy thì phải chăng con số ban đầu là quá cao? Không một chủ cửa hàng nào lại kém thông minh đến mức giảm giá món đồ thấp hơn cái giá họ lấy từ nhà sản xuất. Do đó, một số nhà bán lẻ phải tỷ suất lợi nhuận lên cao để bù lỗ cho 30-40% sản phẩm đến cuối mùa vẫn không bán hết, có khi giá của món đồ được đẩy lên cao gấp 4 lần, có nghĩa một chiếc áo khoác mà họ nhận từ xưởng sản xuất có giá 1.000 USD sẽ được niêm yết giá ban đầu là 4.000 USD trong cửa hàng.

Có những vấn đề bất cập đã ít nhiều gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, thương hiệu nhỏ. Nhiều nhà thiết kế/chủ thương hiệu đang cố gắng đi theo thời trang bền vững, tạo ra những sản phẩm đề cao đạo đức; nhưng làm sao bạn có thể thuyết phục khách hàng mua một sản phẩm như thế với cái giá cao hơn mức mà họ thường bỏ ra?

Mức giá sản phẩm của Stanley (đã giới thiệu ở trên) thường giao động trong khoảng 350 USD, nhưng khách hàng của cô ấy thường hỏi tại sao cô không thể hạ giá xuống thấp hơn. Mặc dù cô đã cố gắng nhưng bản thân vẫn cảm thấy áp lực khi đưa ra mức giảm giá, đó là cách duy nhất khiến khách hàng mua nhiều hơn. Một nhà thiết kế có thể sử dụng chất liệu rẻ hơn (tất nhiên là kém chất lượng hơn) hoặc lao động rẻ hơn để giảm chi phí, nhưng Stanley đã cam kết với các nhà máy mà cô điều hành tại Delhi, Ấn Độ và thỏa thuận được giá hợp lý với nhà cung cấp vải hữu cơ chất lượng cao. Cách duy nhất cô có thể hạ giá là lấy ít lợi nhuận hơn hoặc trực tiếp bán sản phẩm thay vì thông qua nhà bán lẻ trung gian.

Điều tốt nhất cô có thể làm là chia sẻ với khách hàng của mình về giá trị và lý do vì sao một chiếc áo bằng cotton hữu cơ thêu tay thủ công mới tinh của cô có giá 550 USD. Cô đã chia sẻ cụ thể về từng khoảng giá một: 24 USD cho bông hữu cơ và thuốc nhuộm; các công đoạn thủ công là 48 USD, bởi phải mất một thợ lành nghề thuê cả ngày cho chiếc váy; gia công bao gồm may, lên mẫu, hoàn thiện và đóng gói là 48 USD nữa; đồ trang trí, bao gồm nhãn, thẻ treo và túi chống bụi là 5 USD; phí vận chuyển là 8 USD và các phụ phí khác là 24 USD. Tổng chi phí cô cần trả là 157 USD, và để giữ mức giá rẻ nhất có thể, cô chỉ lấy lời 1,59 lần và bán sản phẩm cho nhà bán lẻ với giá 250 USD. Điều này có nghĩa là Stanley chỉ kiếm được 93 USD lợi nhuận. Với mức gắn giá trung bình là 2,2 lần, khách hàng phải trả 550 USD để mua được chiếc váy ấy.

“Tôi cố gắng biến điều này thành câu chuyện thương hiệu của mình, nhưng thật khó mà nói với khách hàng rằng ‘Đây là những chi phí tôi cần phải chi, kia là tiền tôi kiếm được từ tác phẩm của mình, đó là lý do tại sao bạn cần hỗ trợ thương hiệu của tôi và những người tạo ra nó’, Stanley bộc bạch. “Tôi cũng thích đến các cửa hàng, bạn tôi cũng có một vài boutique, họ làm việc rất chăm chỉ. Và họ xứng đáng có lợi nhuận từ công việc của mình, nhưng việc định giá cho sản phẩm thật sự là lý do tại sao quần áo trở nên đắt đỏ. Những bất cập này khiến ta trở nên khó xử.”

Vì vậy hãy “mua ít hơn nhưng chất lượng hơn”! Rất nhiều khách hàng của Stanley quan tâm và đầu tư nhiều vào các sản phẩm bền vững hay những cam kết của Stanley. Nhưng cũng có nhiều người tin rằng món đồ sẽ giảm giá trị nếu như họ mua nó với giá rẻ hơn. Lucette Romy, người sáng lập The Wylde, một nhãn hiệu hữu cơ được làm thủ công ở Bali, đã có những chia sẻ với khách hàng của mình về giá bông hữu cơ, thuốc nhuộm thực vật và tiền nhân công xứng đáng. “Nhưng bao nhiêu đó vẫn chưa đủ để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng.” Cô nói. Vì thế, Lucette Romy đã diễn giải điều này theo một cách khác: Mọi mặt hàng trên website của cô đều niêm yết “giá cho mỗi lần mặc”. Cụ thể là một chiếc váy cotton hữu cơ có giá 178 USD, nhưng nếu bạn mặc nó 10 lần thì nó chỉ còn 18 USD cho mỗi lần mặc. Từ lúc bạn mặc nó 50 lần, giá chỉ còn dưới 4 USD. Và nếu bạn có ý định giữ và diện nó trong nhiều năm, giá của nó chỉ còn vài xu.

Chất lượng và sự bền đẹp cũng chính là những gì Ryan Roche hướng đến. Cô đang là chủ một thương hiệu sản xuất áo len cashmere thủ công ở Nepal. “Chúng tôi luôn cố gắng kể câu chuyện về thương hiệu, ngay từ ban đầu, điều luôn trên cửa miệng chúng tôi là về nguyên liệu, nơi sản xuất và ai đã tham gia vào quá trình ấy,” cô nói. “Khi bạn mua một chiếc áo len của chúng tôi, thương hiệu thật sự muốn bạn giữ gìn nó mãi mãi. Giá của sản phẩm sẽ không giống với một số nơi khác, bởi nó thật sự bền và có thể giữ rất lâu. Điều quan trọng hơn cả là nó cho thấy một thông điệp, lý do vì sao bạn nên bỏ ra 800 USD để mua nó thay vì chiếc áo len bình thường 89 USD.”

“Chúng tôi luôn cố gắng kể câu chuyện về thương hiệu, ngay từ ban đầu, điều luôn trên cửa miệng chúng tôi là về nguyên liệu, nơi sản xuất và ai đã tham gia vào quá trình ấy,” – Ryan Roche

Roche chia sẻ rằng các cộng sự của cô tại nhà máy ở Nepal giống như một gia đình của nhau vậy. Cô cố gắng tìm kiếm những người thợ có tay nghề và tỉ mỉ. Nhưng một bộ phận khách hàng không nhận ra điều đó, rằng, những sản phẩm được sản xuất tại Nepal cũng có đạo đức như được sản xuất tại Ý. Xu hướng phương Tây coi trọng sản xuất của châu u và Mỹ hơn là Trung Quốc hoặc Nam Á là một định kiến đã lâu, và Roche đến để phủ nhận suy nghĩ này. “Có lẽ nhiều người không biết rằng ở Nepal những người thợ đan vẫn phải sử dụng máy dệt cầm tay, và theo nghĩa đen, mỗi hàng áo len của chúng tôi đều được làm bằng tay,” cô nói thêm. “Từng sản phẩm ra đời rất đặc biệt.”

Mô hình kinh doanh của cô rất phù hợp với tiêu chuẩn thời trang bền vững mà ngành công nghiệp này “rao giảng”: quy mô nhỏ, thiết kế cổ điển, ít bộ sưu tập, vật liệu chất lượng và lao động được trả lương công bằng. Điều này có phần trái ngược với đa số các thương hiệu khác đang gồng mình chạy theo xu hướng và sản xuất hàng loạt. Hiện tại, Roche không có ý định sản xuất những sản phẩm giúp tăng tính nhận dạng thương hiệu, cô muốn quần áo được khách hàng đối xử đúng với chức năng của nó.

Quy mô thương hiệu có quyết định giá tiền của sản phẩm?

Những khách hàng này cũng hiểu rõ tầm quan trọng của việc hỗ trợ các doanh nghiệp khiêm tốn thay vì các tập đoàn lớn, họ chấp nhận bỏ ra nhiều tiền hơn để mua sản phẩm. Đặt các doanh nghiệp nhỏ bên cạnh tập đoàn lớn là cách chúng ta nhìn lại vấn đề về quy mô thương hiệu. Thông thường, bạn càng có nhiều cơ sở sản xuất thì giá mỗi đơn vị càng thấp. Bên cạnh đó, với một công ty càng lớn, họ lại càng khó theo dõi chuỗi cung ứng của mình. Tất cả chúng ta đều nhớ về việc một số thương hiệu nổi tiếng vẫn không thể biết rằng quần áo của họ được sản xuất trong nhà máy Rana Plaza bị sập tại Ấn Độ.

Hiểu về quy mô cũng giải thích tại sao một mức giá cao hơn không phải lúc nào cũng tương đương với vải tốt hơn và lương lao động công bằng. Một chiếc váy polyester có thể bán lẻ với giá 400 USD vì nhãn hiệu này đã sản xuất nó với số lượng nhỏ và trả lương cân xứng cho công nhân của nó, nhưng nó vẫn là polyester và bạn không nên bỏ ra số tiền lớn để mua thứ gây hại cho môi trường như vậy. Và cũng có thương hiệu nào đó sản xuất chiếc váy này với với số lượng lớn và sử dụng lao động giá rẻ, nhưng đã tăng giá để thuyết phục bạn rằng nó là một sản phẩm đạo đức. Luôn có sự nhầm lẫn về giá trị thật sự của món đồ, trừ phi bạn đào sâu hơn và đòi hỏi sự minh bạch từ các thương hiệu bạn chọn mua, bạn mới có thể biết được sự thật.

Chúng ta càng nhận thức trách nhiệm của mình đối với môi trường và cộng đồng càng sớm chừng nào, chúng ta càng có cơ hội sửa chữa quá khứ chừng ấy.

Ở phân khúc xa xỉ, các nhà thiết kế và nhà bán lẻ đang tích cực và cởi mở hơn để chia sẻ một cách trung thực về giá cả và chất lượng sản phẩm. Họ đã giải thích về nguồn gốc của vải, cách sản xuất quần áo và ai làm ra chúng, hy vọng khách hàng sẽ mua hàng và tạo động lực để kể câu chuyện thương hiệu, chứ không chỉ nằm ở mặt thẩm mỹ và xu hướng. Về lý thuyết, hệ thống sản xuất minh bạch, bền vững không có khả năng khắc phục biến đổi khí hậu hay chuỗi cung ứng mờ ám của ngành thời trang, nhưng nó là cách tốt nhất để chúng ta bắt đầu tạo ra sự khác biệt. Bởi thật lòng mà nói, nó chỉ dành cho người có nhiều tiền và đủ khả năng chi trả. Nhưng còn với những người hạn hẹp về kinh tế thì sao? Tại sao họ không thể mua một chiếc váy với giá rẻ và và vứt nó khi không thích nữa?

Những người lạc quan cho rằng đại dịch đang bắt đầu định hình lại những gì mà chúng ta ưu tiên. Các cuộc họp vẫn đang diễn ra, những thử nghiệm mới dần được thực hiện đã thay đổi cách chúng ta suy nghĩ, chấp nhận lấy ít hơn để trao tặng nhiều hơn. Thời trang không thể thay đổi một sớm một chiều, nhưng nếu chúng ta càng nhận thức trách nhiệm của mình đối với môi trường và cộng đồng càng sớm chừng nào, chúng ta càng có cơ hội sửa chữa quá khứ chừng ấy.

Lược dịch: Hiếu Lê
Theo: What Is the Right Price for Fashion? – Emily Farra
đăng trên Vogue


 
Back to top