CITY GUIDE

2021 – Một năm chưa từng có trong lịch sử tỷ phú thế giới

Jan 21, 2022 | By Ton Binh

Sẽ không ai có thể quên được con số 2021 – năm của những biến động không ngờ đến. Danh sách các tỷ phú giàu nhất hành tinh cũng không nằm ngoại lệ khi chứng kiến hoàng loạt những cuộc soán ngôi “thần tốc”, khối tài sản một cá nhân vượt qua cả GDP một nửa châu lục và bằng tổng hai người từng giàu nhất thế giới, cho tới sự sụp đổ đế chế làm lung chuyển toàn cầu.

Bức tranh toàn cảnh

Bloomberg nhận định không có thời cơ nào tốt hơn để trở thành tỷ phú như năm 2021. Đại dịch bao trùm cả thế giới, tác động tiêu cực lên hầu hết các lĩnh vực nhưng các thị trường chứng khoán lại tăng vọt kéo mọi thứ đi lên cùng chiều, từ tiền điện tử, dinh thự cho tới các loại hàng hóa. Cục diện này đã thúc đẩy tổng tài sản của 500 người giàu nhất thế giới lên tới con số hơn 1000 tỷ USD. Trong đó, kỷ lục hiện có 10 tài sản vượt quá 100 tỷ USD và hơn 200 tài sản trên 10 tỷ USD.

Tính riêng ở Mỹ lần đầu tiên trong vòng ba thập kỷ, tổng tài sản của nhóm 1% giàu nhất đã tăng lên mức 27%, vượt qua cả toàn bộ khối tài sản của nhóm tầng lớp trung lưu nước này hiện đang nắm giữ ở mức 26.6%.

Cường quốc số 1 thế giới cũng phải lần đầu chứng kiến “Quả táo lớn” (The Big Apple) của mình – thành phố New York – “nhường ngôi vị” thành phố có nhiều tỷ phú nhất thế giới cho thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc khi mà nước này tiến công tới công nghệ lớn và thúc đẩy “sự thịnh vượng chung”.

Tỷ phú giàu nhất lịch sử

Năm 2004, khi Elon Musk đặt bút ký vào hợp đồng đầu tư cho Tesla, một công ty nhỏ vẫn bị cười cợt vì “những chiếc xe điện không khác gì đồ chơi của trẻ em”, ai có thể nghĩ rằng 17 năm sau nó lại đưa người đàn ông dị biệt này trở thành tỷ phú giàu nhất trong lịch sử nhân loại.

Trong năm 2021, cổ phiếu của Tesla đã tăng 60%, vốn hóa công ty vượt 1000 tỷ USD và nâng tổng giá trị tài sản ròng của ông hoàng công nghệ Elon Musk lên hơn 300 tỷ USD. Trong lịch sử, ông trùm dầu mỏ Rockefeller cán mốc 418 tỷ USD, và khi trừ đi lạm phát thì Elon Musk đã vượt qua Rockefeller.

Bất chấp việc đã bán đi số cổ phiếu tương đương 12 tỷ USD để trả thuế, ông chủ Tesla vẫn là tỷ phú giàu nhất, tài sản ròng lớn hơn GDP nửa châu Phi và bằng tổng khối tài sản của Bill Gates và Warren Buffett cộng lại.

Cuộc đua bay vào không gian của các tỷ phú

“Mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại” là lời tuyên bố chung của cả Richard Branson và Jeff Bezos – hai tỷ phú trong cuộc đua đưa con người du lịch ngoài trái đất.

Khi cả thế giới (và cả chính Jeff Bezos) đều nắm chắc khả năng nhà sáng lập Amazon sẽ là tỷ phú đầu tiên bay vào không gian thì bất ngờ tỷ phú Richard Branson thay đổi cục diện khi bay trước đó… tám ngày. Cuộc đua vũ trụ chưa từng có đã đưa giá cổ phiếu của hai công ty Virgin Group của Richard Branson và Blue Orgin của Jeff Bezos tăng ấn tượng. Và đương nhiên, khối tài sản ròng của hai ông lớn công nghệ vũ trụ cũng tăng trong năm 2021.

Thương vụ sát nhập lớn nhất lịch sử của ông trùm đế chế xa xỉ

Khủng hoảng bởi đại dịch tưởng chừng sẽ kìm kẹp khao khát xa xỉ của người tiêu dùng và khiến các tập đoàn tạm dừng bước trước những thương vụ tỷ đô, nhưng thực tế trong năm 2021 lại cho thấy một khung cảnh hoàn toàn trái ngược.

Bernard Arnault – tỷ phú giàu nhất châu Âu đã chính thức mang thương hiệu kim hoàn hàng đầu là Tiffany & Co. về đế chế xa xỉ phẩm LVMH của mình. Được đánh giá là cuộc mua lại lớn nhất trong lịch sử các thương hiệu xa xỉ với giá trị thương vụ lên tới 16.2 tỷ USD, cổ phiếu LVHM được đà tăng liên tục. Thêm vào đó, doanh thu tăng đột biến của các thương hiệu thuộc tập đoàn LVMH như Louis Vuitton và Dior đã đưa Bernard Arnault lên vị trí dẫn đầu các tỷ phú (tháng 8/2021).

Kết thúc năm 2021, ông trùm đế chế xa xỉ sở hữu 176 tỷ USD, tăng thêm 61 tỷ USD vào giá trị tài sản ròng so với năm 2020.

Sự sụp đổ của Evergrande – Khoản nợ khổng lồ chưa từng có

Sự trỗi dậy của các tỷ phú mới ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục trong năm 2021 đã thay đổi cục diện quốc tế. Tuy nhiên, 2021 cũng chứng kiến sự kiện làm chao đảo không chỉ riêng quốc gia tỷ dân này mà còn ảnh hưởng toàn cầu: tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc – Evergrande phá sản.

Từng là một phần của Global 500 – một trong những doanh nghiệp lớn nhất thế giới tính theo doanh thu – Evergrande đã đưa tỷ phú Hứa Gia Ấn nắm giữ vị trí giàu nhất châu Á với khối tài sản ròng 45.3 tỷ USD. Sự hưng thịnh của một “vương quốc” cũng đến bờ sụp đổ khi Evergrande vỡ nợ, gánh khoản nợ lớn nhất trong lịch sử ở mức hơn 300 tỷ USD.

Tài sản của tỷ phú Hứa Gia Ấn cũng trượt dốc không phanh xuống dưới mức 10 tỷ USD. Theo các chuyên gia nhận định, ông Hứa khả năng cao nghiêng về kêu gọi đầu tư hơn là bán đi một lượng lớn cổ phần đang nắm giữ nhằm đảm bảo việc kiểm soát Evergrande.

Bài: Mai Hương


 
Back to top