BUSINESS OF LUXURY

Covid-19: Thất thu nặng nề, giới kinh doanh xa xỉ Việt vẫn hành động vì cộng đồng

Mar 23, 2020 | By Nguyen Huu Hon

Tối 20/3, IPP trở thành tập đoàn kinh doanh xa xỉ đầu tiên tại Việt Nam công khai con số 30 tỷ ủng hộ đẩy lùi Covid-19 và hạn mặn. Rõ ràng, chủ nghĩa “tỷ phú làm từ thiện” do Andrew Carnegie khởi xướng từ những năm 1800 đang được thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Đóng cửa và khuyến cáo giữ sức khoẻ có trách nhiệm 

Omega Việt Nam là một trong những thương hiệu đồng hồ cao cấp đầu tiên chia sẻ hình ảnh khuyến cáo việc rửa tay, bảo vệ sức khỏe và yêu cầu nhân viên phải đeo khẩu trang khi tiếp khách. Trên trang instagram của thương hiệu, việc chia sẻ thông điệp về sức khỏe này được cộng đồng mạng khá yêu thích. Lẽ ra, đây là thời điểm Omega thực hiện truyền thông cho sự kiện James Bond và mẫu đồng hồ trong bộ phim No Time to Die, nhưng Covid-19 đã làm thay đổi tất cả.

https://www.instagram.com/p/B9lPvxjnUJD/

Trước đó, cứa hàng Hublot và Patek Philippe cũng thông báo về việc đóng cửa 01 ngày khi nhận được thông tin có ca nhiễm tại Metropole Hà Nội – nơi hai ông lớn đặt cửa hàng – để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Vài ngày sau, Tam Son (tập đoàn phân phối hàng hiệu Hermès, Bottega Veneta, Patek Philippe) truyền tải thông điệp về việc đặt lịch hẹn riêng hoặc tư vấn mua sắm qua các kênh thông tin chính thức của tập đoàn trong thời kì Covid-19.

https://www.instagram.com/p/B96ogS7pS2r/

Ước tính, COVID-19 sẽ khiến doanh số của giới kinh doanh xa xỉ Việt giảm sút đáng kể, khi lưu lượng khách mua sắm giảm và hàng hóa thông quan không về kịp. Khó khăn càng chồng chất khó khăn khi nền tảng thương mại điện tử hàng xa xỉ tại thị trường Việt Nam gần như vẫn là con số 0. Đặc biệt sau khi Leflair đóng cửa, việc bán hàng xa xỉ trên mạng lại càng hiếm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, báo cáo cho thấy cổng Wechat cho mặt hàng xa xỉ vẫn duy trì một số lượng bán ra nhất định, nhất là tại các thành phố ít chịu ảnh hưởng của Covid-19.

Hủy sự kiện thượng lưu, cắt giảm quảng cáo 

https://www.instagram.com/p/B9rJEl_p59T/

Tuần qua, thông tin gây chấn động nhất có lẽ là việc chặng đua tại Việt Nam của Giải đua công thức 1 bị hoãn lại. Dù đã có thông tin rò rỉ trước đó, nhưng việc chấp nhận thông tin là không mấy dễ dàng với đơn vị tổ chức và cả người hâm mộ. Công tác tổ chức giải, theo một nguồn thông tin riêng, được dự báo sẽ có sự góp mặt của nhiều thương hiệu lớn cùng việc ra mắt các siêu phẩm trong thời gian tham dự: Ferrari, Bell & Ross và nhiều hãng khác.

Việc F1 dừng tại Việt Nam chỉ là bề nổi của tảng băng, khi vẫn còn đó rất nhiều sự kiện từ các thương hiệu xa xỉ dự kiến được tổ chức trong quý 1 và quý 2 đều bị hủy. Chia sẻ cùng Luxuo.vn, nhiều hãng tàu đã dời lễ ra mắt và nhận du thuyền mới của khác vì “sự an toàn của người tiêu dùng trong thời kì này”.

“Chúng tôi đã hủy lễ ra mắt du thuyền của mình vì sự an toàn của người tiêu dùng trong thời kì này”.

Điều này cũng kéo theo việc cắt hoặc dời ngân sách quảng cáo trên tất cả các ấn phẩm thượng thượng lưu từ tạp chí điện tử, kênh video, KOLS đến báo in. Điều này đặc biệt diễn ra ở một thị trường vốn được cho là độc quyền: tạp chí trên máy bay. Tình hình càng trở nên căng thẳng  hơn khi các hãng bay cắt chuyến, không có khách di chuyển và đặc biệt vào tối đêm qua, 0g ngày 22.2.2020, Việt Nam chính thức không đón khách nước ngoài đến Việt Nam.

Những gia đình kinh doanh xa xỉ vận động và quyên góp đẩy lùi dịch 

Cửa hàng Patek Philippe tại Hà Nội

Tuy nhiên, đây chính là lúc chủ nghĩa “tỷ phú làm từ thiện” do ông trùm thép Andrew Carnegie khởi xướng từ những năm 1800 được thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Người giàu có thể dẫn đầu hoặc trở thành hình mẫu trong việc tiên phong hỗ trợ chính phủ chống dịch bệnh.

IPP – Tập đoàn Liên Á Thái Bình Dương, hoạt động với đa ngành hàng từ thời trang cao cấp đến cửa hàng miễn thuế và dịch vụ sân bay, đã hành động nhanh chóng với việc góp gần 30 tỷ trong việc đẩy lùi dịch  bệnh và hạn mặn. Khẳng định rằng đây lầ lúc cần sự đoàn kết, chung sức chung lòng của tất cả mọi người, Chủ tịch Tập đoàn IPP Jonathan Hạnh Nguyễn còn chia sẻ và kêu gọi kiều bào cùng giới doanh nhân chung sức hỗ trợ.

“Tiền đóng góp của tôi hôm nay không mang giá trị về mặt con số, cũng không phải chỉ là hưởng ứng lời kêu gọi mà tôi cùng gia đình đã âm thầm thực hiện việc đóng góp từ tuần trước, bởi hơn lúc nào hết tôi hiểu rằng chỉ khi đối diện với những khó khăn vất vả, những thử thách do dịch bệnh, thiên tai gây ra thì sự chia sẻ dù ít hay nhiều mới là đáng quý, đáng trân trọng”

– Johnathan Hạnh Nguyễn

FLC – tập đoàn quản lý hãng hàng không Bamboo Airway và hàng loạt bất động sản nghỉ dưỡng cũng có hành động tiên phong khi công bố góp 5 tỷ đồng hỗ trợ cho các hoạt động đẩy lùi Covid-19 của bộ Y tế. Cùng thời điểm, hãng xe Nhật Toyota cũng đóng góp và hỗ trợ 1,1 tỷ VND cho tỉnh Vĩnh Phúc chống dịch trong thời kì đầu tiên Covid ảnh hưởng tại Việt Nam.

Nhìn ra thế giới, những đóng góp của các tập đoàn xa xỉ diễn ra rất công khai và nhanh chóng. LVMH (tập đoàn quản lý Louis Vuitton, Dior, Hublot)… chi 2,3 triệu USD, Giorgio Armani và đế chế 2 tỷ USD quyên góp 1,25 triệu euro, Bulgari quyên góp kính hiển vi 3D cho các nghiên cứu chống lại dịch bệnh và ngân sách sau đó. Kering, tập đoàn đứng sau LVMH cũng công bố góp hơn 2 triệu USD. L’Oreal cũng không nằm ngoài thời cuộc khi góp 720.000 USD cho Trung Quốc trong cuộc chiến chống đại dịch.

“Chết trong sự giàu có là một cái chết nhục nhã”, tỷ phú Carnegie từng chia sẻ. Những đóng góp của giới kinh doanh hàng xa xỉ, không chỉ là vấn đề về tuyên bố hay ký những cam kết, mà đòi hỏi những hành động cụ thể trong tình huống khó khăn. Tất cả đều đáng được trân trọng và ủng hộ.

 


 
Back to top