Nghệ thuật phúng dụ: 5 họa phẩm nổi tiếng mang ý nghĩa tiềm ẩn đang chờ đợi khám phá
Xuyên suốt lịch sử, loài người có đặc tính thích kể chuyện. Từ thơ ca, văn học, âm nhạc đến nghệ thuật, chúng ta kể chuyện thông qua nhiều phương tiện khác nhau. Một trong những công cụ hiệu quả nhất từ trước đến nay là phúng dụ. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ chữ Latin “allegoria”.
Trong hội họa, người nghệ sĩ thường dùng phúng dụ để truyền đạt những ý tưởng tinh tế như tình yêu, cuộc sống, cái chết, đức hạnh và công lý – thông qua các biểu tượng và phép ẩn dụ trực quan. Một phúng dụ cũng như một ẩn ý, luôn nằm đó đợi chờ người thụ hưởng khám phá, đào sâu. Một họa phẩm phúng dụ có thể bao gồm các hình ảnh nhân cách hóa cảm xúc khác nhau như ghen tỵ hay tình yêu. Các biểu tượng tôn giáo cũng thường được miêu tả thông qua chim bồ câu, bông hoa hay tia sáng.
Trong nghệ thuật hình thể (figurative art), các chủ đề phúng dụ được vẽ từ thời Phục Hưng cho đến giữa những năm 1800. Nhiều người vẫn cảm thấy khó khăn khi nắm bắt thể loại này vì không phải ai cũng có thể giải mã ý nghĩa đằng sau họa phẩm kia. Hơn nữa, cũng vì chúng mang tính chủ quan mà gợi lên những cách lý giải vô cùng tận.
Dưới đây, chúng tôi liệt kê một số bức tranh nổi tiếng mang tính phúng dụ để độc giả thấy rằng hội họa sâu xa, bí ẩn hơn chứ không chỉ đơn thuần mang tính thẩm mỹ.
Primavera của Sandro Botticelli
Nằm trong phòng trưng bày Uffizi của Florence, bức họa Primavera của Sandro Botticelli tiếp tục thu hút người xem bởi tính mê hoặc thông qua biểu tượng cổ điển cùng bố cục công phu. Khung cảnh mùa xuân ở khu rừng thần thoại với khoảng 500 loài thực vật, trong đó có gần 200 loài hoa. Những bông hoa cam là biểu tượng của hôn nhân, nhưng bức tranh dường như còn ẩn chứa một số chủ đề tượng hình phúng dụ khác.
Ở giữa bố cục, thần Vệ Nữ (biểu tượng của tình yêu) mặc trang phụ điển hình của Florence từ thế kỷ 15. Phía trên sao Kim, thần Cupid, con trai cô, nhắm cung tên về phía ba nàng tiên, tượng trưng cho sự vui vẻ, trinh trắng và sắc đẹp.
Ở bên trái ba nàng tiên, Mercury – vị thần may mắn của La Mã, sử dụng quyền trượng của mình để đẩy đi một đám mây. Ở phía bên phải, Zephyr, thần gió Hy Lạp nắm lấy tiên nữ Chloris. Trong thần thoại, cô ấy biến thành Flora, nữ thần của mùa xuân, người phụ nữ được thể hiện ở bên trái cặp đôi trong chiếc váy họa tiết. Vì lý do này, một số học giả tin rằng Primavera tượng trưng cho mùa xuân trường tồn.
Leda and the Swan của Jean – Léon Gérôme
Nghệ sĩ Jean–Léon Gérôme đã mô tả câu chuyện thần thoại về Leda và Thiên nga vô cùng ấn tượng trong tác phẩm này. Khi câu chuyện diễn ra, Leda bị thần Zeus của Hy Lạp mê hoặc, người đã cải trang thành một con thiên nga. Dù câu chuyện mang tính bạo lực nhưng danh họa đã mô tả nó như một khoảnh khắc chào đón, thân mật giữa những người yêu nhau. Leda khỏa thân dang vòng tay rộng mở, trong khi chú thiên nga thanh lịch bơi về phía cô dưới sự dẫn dắt của những vị thần tình yêu. Cả hai hình tượng này được tin là đại diện cho nhục dục và ham muốn.
The Alchemist của Pieter Brueghel The Younger
Trong kiệt tác The Alchemist (Nhà giả kim) này, Pieter Brueghel The Younger cảnh báo người xem về tính điên rồ và sự tham lam. Bức tranh mô tả nhà giả kim đang làm việc điên cuồng để tạo ra vàng. Vợ ông đang ở bên cạnh, tỏ ra tuyệt vọng khi tìm xu trong ví. Ngoài ra, một kẻ ngốc đang ở gần và gắng làm cháy ngọn lửa.
Ở góc trên bên phải của bức tranh, gia đình nhà giả kim được miêu tả ăn xin tiền xu. Điều này cho thấy hậu quả cuối cùng của những nỗ lực ngu ngốc của họ trong việc tạo ra vàng mà không kiếm tiền được. Vào thời điểm bức tranh ra đời (thế kỷ 17), thực hành thuật giả kim đã hoàn toàn bị mất uy tín. Tác phẩm là thông điệp rõ ràng cho người xem vào thời điểm đó rằng hãy đề phòng trước những cám dỗ của gian dối và lòng tham.
Venus, Cupid and Envy của Angelo Bronzino
Venus, Cupid and Envy là một biến thể của tác phẩm trước mang tên Venus, Cupid, Folly and Time của Bronzino. Cả hai bức họa đều có Venus, nữ thần tình yêu, cũng như thần Cupid. Trong bức này, Venus được mô tả là tước vũ khí của thần tình yêu bằng cách lấy lấy một trong những chiếc cung. Mặt nạ bi hài đặt để dưới chân Venus.
Envy là sinh vật có sừng hay con quỷ phía sau thần tình yêu. Khi quan sát kỹ hơn, bạn sẽ thấy con rắn xuất hiện cuộn tròn, đại diện cho sự ghen tỵ. Còn những bông hồng bên phải tượng trưng cho vẻ đẹp, niềm đam mê và tình yêu.
The Education of Achilles của Auguste – Clément Chrétien
Đây là một kiệt tác trong hội họa tân cổ điển nước Pháp. The Education of Achilles của Auguste-Clément Chrétien thể hiện câu chuyện về cuộc đời của Achilles trong thần thoại Hy Lạp, ghi lại hình ảnh người chiến binh khi còn nhỏ với Chiron the Centaur, gia sư huyền thoại của các vị thần.
Chiron đang điều chỉnh lại cách cầm cung tên của cậu học trò nhỏ. Bức tranh thể hiện khái niệm dạy học như một quá trình “ra lệnh” nhưng ân cần.