ART & CULTURE

Nhà môi giới nghệ thuật Perrotin và Mennour: Hai vị vua thành Paris

Jul 01, 2021 | By Trang Ps

Ai trong chúng ta cũng đều có cho riêng mình những biểu tượng về thành công trong những ngành nghề nhất định. Nhưng có lẽ công việc được gọi là môi giới nghệ thuật rất mơ hồ ở Việt Nam, nếu hiểu đơn giản chỉ có thể nôm na là “bán tranh ăn tiền”.

Từ trái qua: Kamel Mennour và Emmanuel Perrotin

Ở những quốc gia phát triển lâu đời, nhà môi giới nghệ thuật có thể quyết định nhiều hơn việc chỉ “kiếm tiền trên sự ngu ngốc của người giàu”. Nước Pháp trong vòng 20 năm trở lại đây mới bắt đầu quay trở lại thị trường nghệ thuật với con số 4,9% thị phần theo báo cáo tổng kết của ngân hàng UBS vào năm ngoái.

Kinh đô ánh sáng chưa bao giờ mất đi sự hào nhoáng vốn có, tuy nhiên, nếu bạn sành sỏi nghệ thuật ở đất nước hình lục lăng, hai cái tên Emmanuel Perrotin và Kamel Mennour đang góp phần thúc đẩy nước Pháp quay trở lại thị trường từ thời hậu thế chiến. Cả hai đều có những điểm chung và xuất phát điểm giống nhau, đóng góp của cả hai đều mang lại những thành tựu to lớn cho nền nghệ thuật cũng như niềm tự hào của nước Pháp.

Ngày nay, chúng ta có hàng tá câu chuyện thành công, những doanh nhân thành đạt làm giàu từ hai bàn tay trắng. Nhưng với tôi, đây chính là hai hình mẫu đi lên từ con số không đáng ngưỡng mộ nhất, đặc biệt hơn, họ còn là những kẻ ngoại đạo đến với nghệ thuật bằng chính đam mê của mình.

Emmanuel Perrotin: Bỏ học cấp 3 và làm chủ phòng trưng bày cá nhân năm 21 tuổi

Hẳn các bạn vẫn còn nhớ đến tác phẩm trái chuối được dán lên tường? Đây chính là một trong những tác phẩm tên tuổi nhất của nghệ sĩ Maurizio Cattelan. Nhưng đứng đằng sau thành công ấy có một Emmanuel Perrotin thông thái đã hỗ trợ Cattelan trong suốt 30 năm qua. Cattelan cũng đã tham gia vào những ngày đầu thành lập phòng trưng bày Perrotin ở Paris.

Perrotin khác biệt so với các bạn đồng trang lứa. Từ năm 17 tuổi, ông chấp nhận bỏ học và muốn kiếm cho mình một con đường riêng trong khoảng thời gian rong ruổi ở các hộp đêm, ông gặp người con gái mà về sau đã dẫn ông tới con đường nghệ thuật, ông bắt đầu làm công việc trợ lý cho phòng tranh của bố cô bạn gái này, Gilbert Brownstone. Sau 4 năm cộng tác tại phòng trưng bày Charles Cartwright, ông mở phòng trưng bày cá nhân ở đường Turbigo, gần bảo tàng Pompidou.

Maurizio Cattelan, ERROTIN, LE VRAI LAPIN (A, B, C), 1995 Cibachrome (photograph by Lionel Foumeaux), plexiglass 183 x 122 cm | 6.0 ft x 48 inch (x3) Edition of 3+1AP

Tại đây, căn hộ kiêm phòng trưng bày của chàng trai trẻ là nơi ra đời những lần cộng tác với các tên tuổi như Sophie Calle, Maurizio, Takashi Murakami , JR và thậm chí Damien Hirst trong một thời gian ngắn.

“Ở tuổi 25, tôi đã mạo hiểm tham gia các hội chợ quốc tế, và chỉ đem các tác phẩm của các nghệ sỹ trong chiếc vali của mình. Tôi là một người mạo hiểm, tôi không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ gia đình hay sự giúp đỡ nào từ bên ngoài “, Emmanuel Perrotin chia sẻ đầy phấn khích với tờ Connaissances des Arts.

Tuy vậy, có hai người đã trở thành đôi cánh của Perrotin trong buổi đầu lập nghiệp: nhà biên kịch người Mỹ – Colin de Land, người cố vấn thực hiện Hội chợ nghệ thuật quốc tế Gramercy đầu tiên ở New York năm 1994 (được đổi tên thành Armory Show năm 1999), và chủ sở hữu phòng trưng bày ở Paris, Marie-Hélène Montenay, người đã hỗ một khoản tiền lớn cho chàng trai trẻ.

“Chúng tôi không tạo ra một phòng trưng bày chỉ vì lợi nhuận. Tham gia vào lịch sử nghệ thuật là một niềm vui lớn.”

Hans HARTUNG, triển lãm “A constant storm”, Perrotin New York

Phương châm làm việc của Perrotin rất đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Ông hỗ trợ nghệ sỹ hết mức có thể để giúp họ thoải mái tập trung vào sản xuất ý tưởng. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng điên rồ và khả năng “đánh hơi” luôn khiến ông có thể tìm ra được cơ hội tốt nhất cho phòng trưng bày của mình. Những yếu tố này luôn khiến các nhà sưu tầm và nghệ sỹ đều cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với ông. Mỗi sự kiện hay cuộc mở màn triển lãm ở Perrotin đều là một ngày hội.

Kamel Mennour: 20 năm và vị trí đáng được nể trọng trong kinh doanh nghệ thuật

Ông xuất phát trễ hơn Perrotin nhưng có điểm chung là tay ngang và bắt đầu từ con số 0. Là một chàng trai trẻ gốc Algeria tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế, nhưng điều đó không thể ngăn Mennour đến với nghệ thuật. “Tôi chán ngấy việc học hành nhưng tôi yêu nghệ thuật và toàn tâm dốc hết sức lực để trở thành một chủ phòng trưng bày”, ông nói với Artnet.

Kamel Mennour cùng nghệ sĩ Anish Kapoor vào ngày mở màn cho màn trình diễn solo của nghệ sĩ gốc Ấn.

Sau khi tốt nghiệp, ông đã phải mất hơn một thập kỷ trước khi mở không gian tranh đầu tiên của mình, một phòng trưng bày nhỏ trên Rue Mazarine vào năm 1999. Ông đã có một khoảng thời gian khó khăn để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật khép kín ở Paris khi không có người cố vấn nào mở cánh cửa cơ hội cho mình. “Tôi đã từng là một kẻ vô danh”, ông nhớ lại, “thậm chí còn không đủ may mắn để dọn dẹp hay mang cà phê đến những người chủ phòng tranh của thế hệ cũ.”

Nobuyoshi Araki tại Kamel Mennour

Hai thập kỷ sau, ông trở thành đại diện cho những nghệ sỹ như Alicja Kwade, Daniel Buren, Anish Kapoor, và di sản của Alberto Giacometti. Jeff Koons cũng nằm trong danh sách của ông. Để trở thành một người môi giới thành công, bạn cũng cần phải chuẩn bị để xắn tay áo lên. Có một lần, ông nói với tôi, khi những người quản lý nghệ thuật từ một công ty hàng đầu đang bối rối, không biết làm cách nào để di chuyển một cặp chuông nặng 1.500 pound của Latifa Echakhch vào phòng trưng bày, một nhóm nhân viên từ khách sạn bên cạnh đã bước vào và ra tay giúp đỡ. “Đó chính là bản chất công việc của một chủ phòng trưng bày”, ông nói.

“Bạn cần phải tìm ra giải pháp. Khi có một khoảnh khắc, bạn cần phải nắm lấy nó. Bởi vì nó là khoảnh khắc và các nghệ sỹ sẽ không chờ đợi.”

Tatiana Trouvé tại Kamel Mennour

Năm 2019, ông cũng vừa tổ chức một sự kiện đình đám khi mượn được tác phẩm tìm thấy trên mái nhà của Caravaggio được đặt cạnh một tác phẩm khác của Daniel Buren. Triển lãm thu hút đông đảo người đến tham quan và là phòng trưng bày tư nhân duy nhất được phép trưng bày tác phẩm đầy bí ẩn này

Người đàn ông này đi lên bằng cả sự chỉn chu và chuyên nghiệp trong mỗi lần xuất hiện. Sơ-mi và cà-vạt, mỗi lần có dịp gặp mặt Mennour, chúng ta có thể cảm thấy đằng sau người đàn ông giản dị mộc mạc này là tâm huyết và sự tập trung cao độ dành cho nghệ thuật.

Show Caravaggio, Judith and Holofernes, Daniel Buren, Pyramidal, haut-relief – A5, travail situé tại Kamel Mennour, Paris

Làm thế nào để hai nhà môi giới cùng giúp nước Pháp tuyệt vời trở lại?

Mỗi nghệ sỹ lớn đều có riêng những nhà sưu tầm lớn, nhưng nhà môi giới kết nối và nâng tầm được cả hai bên có vai trò quan trọng không thể chối cãi. Thậm chí, những nhà môi giới giỏi còn quy tụ được những nghệ sỹ giỏi làm việc chung dưới một mái nhà của mình. Nếu đặt lên bàn cân lực lượng nghệ sỹ của cả hai nhà, Perrotin và Mennour đều không hề thua kém nhau, đa dạng về quốc gia và loại hình nghệ thuật, tức họ không ngại những yếu tố gọi là tinh thần dân tộc mặc dù nghệ sỹ Pháp vẫn chiếm đa số trong danh sách nghệ sỹ của mỗi phòng trưng bày.

Điểm khác biệt ở đây là đường lối chiến lược và phong cách của các nghệ sỹ. Perrotin thiên về phong cách hào nhoáng tụ họp các nghệ sỹ siêu sao và dễ nhận dạng, đại chúng hơn thậm chí có phần nhỉnh hơn về các thành phần nghệ sỹ đời trước, từ Takashi Murakami, Daniel Arsham cho đến Hans Hartung và Julio Le Parc. Ngoài ra, việc kết nối các nhà sưu tầm tầm cỡ với nhau đang được thực hiện rất tốt, Francois Pinault, Pharrell Williams là những tên tuổi lớn trong danh sách nhà sưu tầm của Perrotin. Ông cũng không ngần ngại ghép những nghệ sỹ cũ và nghệ sỹ mới trong cùng một không gian.

Daniel Arsham, New York 3018, Perrotin New York

Ngược lại, Mennour có phần trầm tính và có khuynh hướng chọn những nghệ sỹ được giới phê bình đánh giá cao hay nghệ sỹ mới nổi. Ông cũng đặc biệt tạo cơ hội và hỗ trợ các nghệ sỹ đến từ vùng các quốc gia Ả Rập nói tiếng pháp như Algerie, Maroc, Hicham Berrada, Neil Beloufa,… bên cạnh các Lee Ufan, Anish Kapoor, Bertrand Lavier hay Nobuyoshi Araki đã quá nổi tiếng. Mennour cũng làm việc rất chăm chỉ với các chuyên gia nghệ thuật, giám tuyển tuyên biểu như Germano Celant, nhà nghiên cứu nghệ thuật đã đặt tên phong trào “Arte Povera” (Nghệ thuật nghèo) của Ý.

Mặc dù thua kém Perrotin gần 10 năm hành nghề nhưng Kamel Mennour vẫn để lại những dấu ấn riêng của mình trên thị trường nghệ thuật bằng cách làm việc chăm chỉ. Cả hai góp phần đưa nước Pháp tái hòa nhập vào thị trường nghệ thuật. Perrotin điều hành 6 phòng trưng bày ở khắp nơi trên thế giới trong khi Mennour khiêm tốn hơn với chỉ 3 phòng trưng bày. Họ đều đặn tham gia các hội chợ lớn và tích cực tìm cách để đưa nghệ sỹ của mình đến những lễ hội nghệ thuật uy tín nhất rồi sau đó là đi khắp các cơ sở nghệ thuật lớn trên thế giới.

Hicham Berrada, “Présage” (2019)

Hai hình tượng trên xứng đáng là những tấm gương và tạo niềm cảm hứng cho những ai đang muốn bước vào ngành kinh doanh nghệ thuật chuyên nghiệp. Ở Việt Nam, với số lượng phòng trưng bày hoạt động bài bản còn thấp, chưa tạo được tính cạnh tranh nhất định và nhu cầu vẫn chưa cao, hy vọng rằng bài viết sẽ dẫn nhập những nhà sưu tầm và những nhà làm nghệ thuật hiểu thêm về vai trò của nhà môi giới nghệ thuật ngoài nghĩa đơn thuần là “những kẻ ăn tiền”. Khi làm việc chuyên nghiệp trong ngành kinh doanh nghệ thuật, bạn phải trở nên khéo léo hơn, kiên nhẫn hơn, có gout thẩm mỹ và tầm nhìn dài hạn. Chính những nhà môi giới như Perrotin và Mennour là những đại diện thân cận nhất hỗ trợ nghệ sỹ để họ có thể tập trung hết mình vào việc sáng tạo và cũng chính họ dẫn dắt những nhà sưu tầm cùng nhau gây dựng một nền nghệ thuật tốt đẹp hơn.

Bài: TAM TAM

Bài viết là một phần trong ấn phẩm nghệ thuật song ngữ Art Republik Vietnam #1. Mời bạn đọc đặt mua ấn phẩm tại link: bit.ly/35bgI6N


 
Back to top