Lược khảo về nghệ thuật đương đại Việt Nam qua chân dung của hơn 20 gương mặt nữ tiêu biểu (Phần 1)
Chênh lệch giới và bất bình đẳng giới không còn là những vấn đề xa lạ nhưng chưa bao giờ hạ nhiệt trong xã hội đương đại, nhất là trong bối cảnh nghệ thuật toàn cầu.
Dựa trên dữ liệu từ năm 2008 đến năm tháng đầu năm 2019 được cung cấp bởi các nhà đấu giá quốc tế, các phòng trưng bày hàng đầu và hội chợ nghệ thuật Art Basel, một báo cáo được hợp tác thực hiện bởi In Other Words và artnet News đã chỉ ra rằng: trong tổng số 196,6 tỷ USD được chi trả cho nghệ thuật trên sàn đấu giá, tác phẩm của các nữ nghệ sỹ (tổng cộng gần 6.000 người trong tập dữ liệu) chỉ chiếm 4 tỷ USD, tức 2%, thậm chí còn thấp hơn tổng giá trị tác phẩm của một nam nghệ sỹ là Pablo Picasso trong cùng thời kỳ (4,8 tỷ USD). Để phần nào lý giải cho điều này, tôi tìm đến một phân tích chuyên sâu của nhà xã hội học Taylor Whitten Brown mang tên “Why Is Work by Female Artists Still Valued Less Than Work by Male Artists?” (tạm dịch: Vì sao tác phẩm của các nữ nghệ sỹ vẫn bị đánh giá thấp hơn tác phẩm của các nam nghệ sỹ?).
Ngoài việc chỉ ra rằng phụ nữ từng bị cấm thực hành lẫn tiếp cận đào tạo nghệ thuật cho đến những năm 1870 và đến tận một thế kỷ sau, sự góp mặt của họ vào thị trường lao động nói chung mới bắt đầu tăng, Taylor bóc tách vấn đề bất bình đẳng giới trong nghệ thuật dưới các lý thuyết ở khía cạnh lịch sử và xã hội, như những chuẩn mực văn hóa (như việc cho rằng dệt may là một đặc tính thực hành của các nữ nghệ sỹ), hay sự kỳ thị và thành kiến đối với phụ nữ từ những “người gác cổng” và “người định vị thị hiếu” của giới nghệ thuật như nhà phê bình, giám tuyển và nhà môi giới.
Trong bối cảnh nghệ thuật đặc thù tại Việt Nam hiện nay – nơi phụ nữ vẫn còn mang gánh nặng về những kỳ vọng xã hội nói chung, và việc nhận hỗ trợ từ chính phủ cho thực hành-nghiên cứu nghệ thuật đương đại còn gặp nhiều khó khăn – vấn đề giới được tiếp cận như thế nào? Nhằm cung cấp cái nhìn sâu sắc từ chính đối tượng của cuộc bàn luận, tôi liên hệ với hai nghệ sỹ đương đại và một giám tuyển để tham vấn ý kiến của họ về vấn đề này.
“Việc giáo dục nghệ thuật trong bối cảnh Việt Nam tương đối bình đẳng cho cả nam và nữ, bản thân tôi chưa từng gặp trở ngại về giới nào trong quá trình học tập của mình. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, số lượng sinh viên nữ tốt nghiệp tiếp tục theo đuổi nghệ thuật (đặc biệt là nghệ thuật đương đại), là khá hiếm hoi, do áp lực của gia đình, xã hội, do tâm lý người nữ muốn hy sinh để xây dựng gia đình, hoặc tìm một công việc ổn định. Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, và cả thế giới, những gương mặt nữ chiếm một số lượng rất nhỏ, nhưng điều này đang dần thay đổi theo hướng tích cực hơn”, nghệ sỹ Phan Thảo Nguyên chia sẻ.
Thật vậy, những thay đổi đầy hứa hẹn đang diễn ra ngày một rõ nét tại nước ta. Theo chia sẻ của giám tuyển Lê Thiên Bảo, cô cho rằng, “thuận lợi lớn nhất” của cô “có lẽ là việc được hoạt động ở Việt Nam, trong một bối cảnh nghệ thuật ít nhất đến 70% người đang hoạt động trong các lĩnh vực quản lý nghệ thuật, phòng tranh thương mại, giám tuyển, cây viết về nghệ thuật… là nữ giới. Theo như nhiều đồng nghiệp ở các nước bạn chia sẻ, đó là một tỷ lệ ít gặp ở các bối cảnh nghệ thuật khác”.
Về việc tài trợ của chính phủ cho nghệ thuật đương đại, nghệ sỹ Ngọc Nâu tìm thấy “cái may” trong tình cảnh khá trắc trở hiện nay. “Giống như việc sinh ra trong một gia đình mà không có bố mẹ ủng hộ, rồi phải tự ra ngoài tìm kiếm những hỗ trợ từ người khác vậy. Nhưng chị lại thấy trong đó có cái may mắn, vì thế phải học cách giao tiếp với ‘thế giới bên ngoài’. Cho nên network với cộng đồng nghệ thuật trở nên rộng mở hơn, và từ đó mình lại nhận được nhiều cơ hội hơn cho công việc của mình.”
Bất chấp những trở ngại ấy, các nữ nghệ sỹ và chuyên gia nghệ thuật vẫn luôn thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật đương đại tại Việt Nam trong những thập niên qua. Tuy nhiên, nỗ lực của họ không mấy được công chúng lẫn báo giới truyền thông chú ý đến. Hay nói đúng hơn, cho đến thời điểm hiện tại, có rất ít bài báo hay công trình nghiên cứu dành riêng cho những thành tựu và cống hiến của họ cho nền nghệ thuật đương đại nước nhà, nếu có cũng chỉ dừng lại ở những chủ thể đơn lẻ và đa số tập trung vào phân khúc nghệ sỹ.
Vì thế, trong nỗ lực nghiên cứu thứ cấp và vốn hiểu biết cá nhân, bài viết này là một lược khảo về quá trình phát triển đa chiều của nghệ thuật đương đại Việt Nam, từ những năm cuối thế kỷ 20 đến đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 21. Bằng cách giới thiệu cái nhìn tổng thể về các tác phẩm và công trình nghiên cứu của nhiều lao động nữ, mục đích của tôi là nâng cao nhận thức của công chúng về những cống hiến của họ, đồng thời cung cấp một nguồn tham khảo mang tính khái quát cho nhiều độc giả yêu thích nghệ thuật.
Hơn 20 gương mặt nữ tiêu biểu được giới thiệu thuộc 5 phạm trù thực hành khác nhau: Đa phương tiện; Nhiếp ảnh – Phim; Sân khấu – Múa – Âm nhạc và Âm thanh; Giám tuyển – Nhà nghiên cứu; Quản lý Nghệ thuật – Nhà sưu tầm.
Lưu ý: Đây là một danh sách mang tính chủ quan, với thứ tự xuất hiện của các chủ thể không dựa trên tầm ảnh hưởng của các thế hệ (tức là càng nhiều thành tựu và càng gạo cội thì nên xếp trước). Thay vào đó, bài viết này được tôi thực hiện từ những cuộc đối thoại liền mạch giữa các nhân vật, dựa trên những chuyên đề khác nhau.
ĐA PHƯƠNG TIỆN
Mở đầu danh sách là một nghệ sỹ trẻ hoạt động rất tích cực trong thời gian gần đây và đang dần khẳng định dấu ấn của mình trên bản đồ nghệ thuật địa phương lẫn quốc tế. Thực hành của cô được đánh giá cao bởi tính nhất quán và chiều sâu trong từng tác phẩm khai thác chủ đề lịch sử Việt Nam, đặc biệt là bối cảnh nông nghiệp, xã hội và chính trị tại các vùng nông thôn. Sự thi vị mang tính tường thuật về những tiểu tiết dị thường trong một tổng thể đời thường là sợi chỉ đỏ xuyên suốt những sáng tác của nữ nghệ sỹ này, từ tranh lụa đến video-trình chiếu, và nổi trội hơn cả là các tác phẩm màu nước trên sách, nơi căn tính bản địa quen thuộc được đan cài vào những không gian mộng mị của ký ức bị lãng quên.
1. Phan Thảo Nguyên (sn. 1987, TP.HCM)
Thông qua văn học, triết học và cuộc sống thường nhật, Phan Thảo Nguyên quan sát những điều mơ hồ về các quy ước xã hội, lịch sử và truyền thống. Cô tốt nghiệp Thạc sĩ Mỹ thuật chuyên ngành Hội họa tại Chicago (Mỹ), nơi cô bắt đầu thực hành video. Là một họa sỹ được đào tạo bài bản, và hiện thực hành video, hội họa và sắp đặt, Thảo Nguyên đang mở rộng thực hành các “miền sân khấu” của mình, bao gồm những gì cô gọi là cử chỉ trình diễn (performance gesture) và hình ảnh chuyển động. Dù ở độ tuổi khá trẻ của sự nghiệp nghệ thuật, cô đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể: có tên trong danh sách đề cử chung cuộc cho giải thưởng Hugo Boss Asia Art Award 2019; giành chiến thắng tại Han Nefkens Foundation – Loop Barcelona Video Art Award 2018; giải nhất Signature Art Prize 2018 (với sắp đặt video hai kênh “Tropical Siesta” – ”Giấc trưa Nhiệt đới”); ứng cử viên Rolex Protégée 2016-2017 (được cố vấn bởi nữ nghệ sỹ trình diễn và video nổi tiếng Joan Jonas). Ngoài thực hành nghệ thuật, cô còn hợp tác cùng nghệ sỹ Trương Công Tùng và giám tuyển Arlette Quỳnh-Anh Trần để thành lập nhóm Lao động Nghệ thuật (Art Labor Collective).
Nếu thực hành của Thảo Nguyên, một nghệ sỹ sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, thi vị hóa những gì thuộc về ký ức tập thể và lịch sử nơi đây dưới góc nhìn bản địa, thì lối tiếp cận nghệ thuật của Tiffany Chung, một nghệ sỹ gạo cội người Mỹ gốc Việt nổi tiếng với hình ảnh các địa đồ, là một chuỗi những nỗ lực nghiên cứu liên ngành nhằm tái diễn giải những địa hình của nhiều nơi chốn trên thế giới, bao gồm Việt Nam, Tây Tạng, Nhật Bản, Đức, Syria, Lebanon, Iraq, Dubai, Singapore… Những tác phẩm của Tiffany mang điểm nhìn toàn cầu và kích thích đối thoại về những vấn đề xuyên văn hóa như di cư cưỡng ép và hậu quả lâu dài của nó đối với nhân loại. Có thể nói, thực hành của cô có giá trị vượt biên (giới) và là một nguồn tham khảo quan trọng trong tiến trình nghệ thuật đương đại Việt Nam.
2. Tiffany Chung (sn. 1969, Đà Nẵng)
Tiffany Chung được biết đến với các bức vẽ bản đồ, điêu khắc, video, nhiếp ảnh và các trình diễn khảo sát những vấn đề xung đột, di cư, chuyển vị, phát triển và chuyển hóa đô thị liên quan đến lịch sử và ký ức văn hóa. Thuộc cộng đồng người Việt tại hải ngoại, cô di cư sang Mỹ cùng gia đình sau Chiến tranh Việt Nam. Cô hoàn thành chương trình Cử nhân và Thạc sĩ Mỹ thuật lần lượt tại Đại học bang California-Long Beach và Đại học California-Santa Barbara. Năm 2007, cô đồng sáng lập không gian nghệ thuật độc lập phi lợi nhuận lâu đời tại TP.HCM – Sàn Art – cùng với Lê Quang Đỉnh và hai thành viên của nhóm The Propeller Group: Tuấn Andrew Nguyễn và Phù Nam Thúc Hà. Một số thành tựu của Tiffany Chung bao gồm: Jane Lombard Fellow (2018); Asian Cultural Council Grant (2015); Sharjah Biennial Prize (2013).
Nhắc đến các vấn đề về căn tính “gạch nối” đầy phức tạp của những cộng đồng di cư và tị nạn, một nghệ sỹ khác cũng thuộc cộng đồng người Việt xa xứ – Hương Ngô (Ngô Ngọc Hương) – khai thác ngôn ngữ, cấu trúc quyền lực và ý thức hệ trong thực hành của mình. Trong tác phẩm hỗn hợp (mixed media) “The Opposite of Looking is Not Invisibility. The Opposite of Yellow is Not Gold” (2016), Hương hợp tác với Hồng-Ân Trương để tái cấu trúc nhiếp ảnh thường nhật gia đình thông qua những trải nghiệm của chính các nghệ sỹ – hai người phụ nữ gốc Việt lớn lên tại Mỹ.
Tương tự, Nguyễn Thị Thanh Mai chất vấn các chủ đề thuộc phạm trù căn tính như sự thuộc về, xuất xứ và sự biến vị. Gần đây, thực hành của cô đã chuyển sang khai thác những trải nghiệm và quyền lợi của người di cư. Dự án “Day by Day” của Mai, được thực hiện vào năm 2014 trong thời gian lưu trú tại Sa Sa Art Projects (Campuchia), đòi hỏi cô hòa nhập cùng đời sống sinh hoạt của các gia đình người Việt di cư để bóc tách thực trạng đáng lo ngại về một cộng đồng không có quyền pháp lý hay tư cách pháp nhân tại Campuchia.
Nghệ sỹ tiêu biểu tiếp theo trong danh sách, người cũng có mối quan tâm đến vấn đề di-nhập cư với tác phẩm điêu khắc trên tinh thần nghệ thuật công cộng “Thuyền Nhà Thuyền” (2017-vẫn tiếp diễn), là Ly Hoàng Ly. Trong ấn phẩm “12 Nghệ sỹ Mỹ thuật Đương đại Việt Nam” (Đào Mai Trang chủ biên), Nguyễn Phương Linh có chia sẻ: “Tôi luôn ngưỡng mộ Ly Hoàng Ly vì nghệ sỹ làm nghệ thuật thử nghiệm mới lúc bấy giờ đã ít, phụ nữ làm nghệ thuật thể nghiệm còn ít hơn, chỉ đếm được trên đầu ngón tay của một bàn tay. Chị tâm sự, đến như cha mẹ mình còn không hiểu […] Phụ nữ lớn lên thì phải cưới chồng, đẻ con, chăm nom gia đình… việc dành nhiều thời gian cho sáng tác dường như là một chuyện quá xa xỉ và vô lí. Nếu không có tình yêu, lòng dũng cảm và ham muốn sáng tạo từ bên trong thì chị đã không làm được điều mình mong muốn, đã không bền bỉ làm nghệ thuật đến tận bây giờ và sau này”. Đó cũng chính là bối cảnh xã hội mà lực lượng lao động nghệ thuật nữ nói chung đã và đang phải trải qua và thích ứng.
3. Ly Hoàng Ly (sn. 1975, Hà Nội)
Ly Hoàng Ly là nữ nghệ sỹ thị giác đầu tiên tại Việt Nam thực hành nghệ thuật trình diễn và trình diễn thơ. Cô tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM, và nhận bằng Thạc sĩ Mỹ thuật tại Chicago năm 2013 với học bổng Fulbright của chính phủ Mỹ. Ly Hoàng Ly thực hành với đa dạng chất liệu, từ hội họa, thi ca, video, tới trình diễn, sắp đặt và nghệ thuật công cộng. Qua lăng kính của cô, nghệ thuật khoác lên mình một tiếng nói nhân văn, và phản ảnh các hiện tượng và chủ đề mang tính toàn cầu: về sự dịch chuyển và những khoảng hổng trong căn tính và tâm lý, về tính thích ứng và khả năng chấp nhận, về sự chia rẽ và tính đoàn kết, và trên hết, về những gì khiến ta là-con-người. Năm 2016, Ly có mặt trong hai triển lãm quan trọng diễn ra tại Hà Nội: “Mở cửa – Mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới (1986-2016)” và “Vietnam Eye: Nghệ thuật đương đại Việt Nam”. Ly Hoàng Ly có cuộc triển lãm cá nhân lớn nhất của mình, “0395A.ĐC”, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory (TP. HCM) vào năm 2017.
Cùng với Ly Hoàng Ly, Đinh Thị Thắm Poong và Lý Trần Quỳnh Giang thuộc nhóm những nghệ sỹ đương đại Việt Nam thời kỳ đầu có hoạt động đột phá. Nổi tiếng với những bức tranh siêu thực về dân tộc thiểu số trên giấy dó, thực hành của Thắm Poong mở rộng sang sơn dầu trên canvas, các sắp đặt gốm phân mảnh và giỏ tre tự nhiên trong triển lãm cá nhân gần đây của cô, “Điểm cuối của cái nhìn xiên” (Art Vietnam Gallery, Hà Nội). Trái ngược với phong cách rực rỡ và dễ chịu của Thắm Poong, tác phẩm khắc gỗ, tranh sơn dầu và điêu khắc của Lý Trần Quỳnh Giang mang đến cảm giác u sầu, tăm tối, chứa đầy nỗi buồn và khắc khoải. Triển lãm gần đây của cô “When They Return To” (CUC Gallery, Hà Nội) khai thác những tầng nghĩa xúc cảm vượt ngoài nội tại khép kín, và lần đầu tiên trưng bày một sắp đặt thân mật của Giang.Đối lập với thực hành thuần thị giác của Thắm Poong và Quỳnh Giang, các tác phẩm của Nguyễn Thúy Hằng và Cam Xanh kết hợp các yếu tố tương tác của nghệ thuật trình diễn và ngôn ngữ trực quan, cùng ngôn từ ở dạng thức văn học, thơ ca và văn bản. Bên cạnh thực hành thị giác với triển lãm cá nhân gần đây “Khi Sương mờ, lúc Khí tan: Điêu Khắc Ta Thán” (Vin Gallery, TP. HCM), Nguyễn Thúy Hằng là cây bút nổi tiếng trong nền văn học đương đại Việt Nam. Cô vừa thành lập nhà xuất bản độc lập Bar De Force Press vào mùa hè 2019, một sân chơi dành cho ngôn từ và các loại hình nghệ thuật khác.
Một tác phẩm của Cam Xanh – sắp đặt tương tác dựa trên văn bản nổi tiếng cùng tên, “Lời xin lỗi của Socrates” (2018-2019, TP. HCM) – bóc tách ngữ nghĩa và ngữ cảnh ra khỏi các đơn vị từ, sau đó biến chúng thành các tác phẩm điêu khắc kích thước nhỏ mang hình dáng kén tằm.
Cả hai nữ nghệ sỹ đều có những đóng góp tiên phong cho nghệ thuật đương đại nước nhà. Nhưng mấy ai biết rằng, Cam Xanh là “mẹ đẻ” cũng như người “đỡ đầu” cho nhiều không gian độc lập và tổ chức nghệ thuật quan trọng tại Việt Nam.
4. Cam Xanh (sn. 1977, Việt Nam)
Cam Xanh là bút danh của nghệ sỹ khái niệm Trần Thanh Hà. Các tác phẩm của cô thường dựa trên văn bản và thơ ca, hoặc được phát triển từ các buổi trình diễn trước đó của cô. Thực hành của Cam Xanh bao gồm nhiều phương tiện, với các yếu tố chỉ được kích hoạt khi có sự tham gia của người xem. Năm 2004, với Olivier Mourgue d’Algue và Daniel Howald, cô đồng sáng lập Bộ sưu tập Post Vidai (thành lập lần đầu tiên vào năm 1994) – bộ sưu tập đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho nghệ thuật đương đại Việt Nam. Năm 2015, cô đồng sáng lập không gian nghệ thuật độc lập MoT+++ tại TP.HCM (trước đây là Địa Projects), nơi cô tiếp tục điều hành với một nhóm nhỏ và các thành viên khác trong nhóm MoT+++ collective. Năm 2018, quỹ tài trợ-bộ sưu tập nghệ thuật Nguyễn Art Foundation được thành lập dưới sự cố vấn của cô và cô đồng sáng lập không gian lưu trú nghệ thuật quốc tế A. Farm (quận 12, TP. HCM).
Cũng thực hành nghệ thuật khái niệm, Nguyễn Kim Tố Lan là một nhà hoạt động nghệ thuật với các dự án cộng đồng đáng chú ý như Sao La, Cù Rú Bar và Dự Án Màu Hồng. Vì thực tế, tài trợ của chính phủ cho nghệ thuật đương đại gần như bằng không, các nghệ sỹ như Cam Xanh và Tố Lan đã có những nỗ lực đáng kể trong việc thiết lập các không gian độc lập, thúc đẩy đối thoại và sáng tạo trong cộng đồng nghệ thuật địa phương từ trước đến nay.
Tương tự, nghệ sỹ Tia-Thủy Nguyễn thành lập Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory vào năm 2017, một điểm thu hút nổi tiếng đối với những người đam mê nghệ thuật ở Sài Gòn. Cô được Forbes Việt Nam bình chọn là một trong số 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam năm 2019. Dẫu ít được biết đến bởi công chúng ngoài lĩnh vực thời trang, thực hành nghệ thuật đương đại của Tia-Thủy Nguyễn mang nội lực bền bỉ đầy nữ tính, thách thức những rào cản mà bối cảnh xã hội đặt lên thân phận phụ nữ.
5. Tia-Thủy Nguyễn (sn. 1981, Hà Nội)
Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2006), Tia-Thủy Nguyễn nhận được học bổng tại Học viện Nghệ thuật và Kiến trúc Quốc gia Kiev, Ukraine, nơi cô tiếp tục theo học Thạc sĩ và lấy bằng Tiến sĩ về nghệ thuật. Cô có thâm niên gần 20 năm thực hành hội họa trên đa dạng chất liệu. Các tác phẩm của Tia thường tập trung phóng chiếu những quan sát của cô với thế giới xung quanh, thể hiện những cảm xúc hỗn độn nhưng đầy màu sắc của người phụ nữ trong thế giới hiện đại. Ý thức về những khó khăn của nền nghệ thuật đương đại nước nhà, năm 2016, Tia thành lập Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, không gian đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng dành riêng cho nghệ thuật đương đại, nhằm kết nối cộng đồng và tạo dựng một nền tảng mang tính giáo dục, phản biện. Nghệ sỹ Tia thách thức những định nghĩa cổ hủ về vai trò của người phụ nữ, bằng chính những thành tựu của mình trong nhiều lĩnh vực: làm mẹ, nhà thiết kế thời trang và nghệ sỹ thị giác. Gần đây nhất, tạp chí Forbes vinh danh cô là một trong “50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019”. Vào giai đoạn cuối năm 2020, một triển lãm cá nhân đặc biệt mang tên “Mộng Bình Thường” của Tia-Thủy Nguyễn sẽ được tổ chức tại The Factory, giám tuyển bởi Dolla S. Merrillees.
Giờ đây, Việt Nam tự hào vì có sự phát triển nhanh chóng của các hội nhóm và không gian nghệ thuật trên cả nước. Nhưng vào những năm 1990 khi các nghệ sỹ tiên phong như Trương Tân, Trần Lương, Đào Anh Khánh hay Vũ Dân Tân bắt đầu thực hành đương đại, có rất ít không gian cho các hoạt động thử nghiệm, nếu có thì đa số tại gia và khép kín.
Được thành lập bởi nghệ sĩ-giám tuyển Trần Lương và nghệ sỹ Nguyễn Mạnh Đức vào năm 1998, Nhà Sàn Studio là cái nôi đầu tiên của nghệ thuật đương đại tại Hà Nội, và trở thành nơi sản sinh nhiều thế hệ nghệ sỹ Việt Nam tài năng sau này. Sinh ra và lớn lên trong chính không gian năng động ấy, một nhân vật luôn tham gia tích cực với cộng đồng nghệ thuật địa phương với tư cách một nghệ sỹ và nhà tổ chức nghệ thuật. Cô ấy là Nguyễn Phương Linh.
6. Nguyễn Phương Linh (sn. 1985, Việt Nam)
Sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Nguyễn Phương Linh thực hành sắp đặt, điêu khắc và video với các chất liệu nổi bật như muối, bụi và cao su. Những nghiên cứu của cô khai thác các chủ đề như chuyển đổi cảnh quan địa-chính trị, hành động thao túng thiên nhiên của con người và các góc nhìn lịch sử ngoại biên về Việt Nam hiện đại. Năm 2009, cô trưng bày triển lãm cá nhân đầu tiên, “Muối”, tại Galerie Quỳnh (TP. HCM) với các sắp đặt tối giản được làm từ muối thô thu thập được. Các sản phẩm nghệ thuật ấn tượng khác của cô bao gồm: Dự án “Bụi” (2011-2012), Dự án “Nhà” (2012), và “Mây hóa thánh” (2012-2015). Cô thành lập và tổ chức IN:ACT, một lễ hội nghệ thuật trình diễn quốc tế thường niên tại Hà Nội. Năm 2012, Phương Linh tổ chức “Những Chân trời có Người bay”, một trong những hoạt động nghệ thuật đương đại tham vọng nhất tại Việt Nam trong thập kỷ qua. Năm 2013, cô đồng sáng lập và đang điều hành Nhà Sàn Collective, nhằm phản ứng với việc Nhà Sàn Studio bị cưỡng chế đóng cửa trước đó. Năm 2018, triển lãm cá nhân “Trùng Mù” của cô được tổ chức tại BACC Bangkok với tư cách là người chiến thắng giải thưởng Hans Nefkens BACC. Gần đây, Phương Linh tham gia trình chiếu nhóm “Endless, Sightless: Nhà Sàn Collective” tại KINGS Artist-Run (2019, Melbourne) với tác phẩm video “Memory of the Blind elephant” (2014-2016).
Hai nghệ sỹ đa phương tiện cuối cùng trong danh sách, Ngọc Nâu và Oanh Phi Phi, có cách tiếp cận nghệ thuật khá khác nhau. Ngọc Nâu thường khai thác tính ứng dụng của công nghệ như ảnh toàn ký (hologram) hay thực tế tăng cường (augmented reality) làm phương thức truyền tải cho các tác phẩm của mình. Còn Oanh Phi Phi sử dụng chất liệu truyền thống sơn mài Việt Nam làm cốt lõi cho tác phẩm của cô. Cả hai đã và đang tìm tòi những sáng kiến rất riêng trong thực hành của mỗi nghệ sỹ.
7. Ngọc Nâu (sn. 1989, Thái Nguyên)
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam với bằng cử nhân Lịch sử Nghệ thuật và Phê bình, Nguyễn Hồng Ngọc – hay còn được biết đến với tên gọi “Ngọc Nâu” – quyết định theo đuổi con đường thực hành nghệ thuật độc lập. Từ năm 2013, cô quan tâm đến ánh sáng và nghiên cứu về nó trong các lĩnh vực như triết học, vật lý, tôn giáo và tâm lý học. Các tác phẩm nghệ thuật của cô mang đậm tính thử nghiệm với các hình thức và chất liệu khác nhau, từ hình ảnh chuyển động đến video, ảnh toàn ký, thực tế tăng cường và nghệ thuật cắt ghép ảnh.
Năm 2015, “Miền Năng Lượng” là triển lãm cá nhân đầu tiên của cô, diễn ra tại CUC Gallery (Hà Nội). Năm 2019, cô là một trong hai nghệ sỹ đại diện Việt Nam triển lãm tại Singapore Biennale với tác phẩm thể nghiệm công nghệ toàn ký và thực tế tăng cường pha trộn với văn hóa Việt Nam đương đại “Deep in the Forest, a Night Song”. Mới đây, Ngọc Nâu được lựa chọn tham gia chương trình Lưu trú trao đổi “All the Way South” (hợp tác thực hiện giữa Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory và Bảo tàng Times Quảng Đông) tại Quảng Châu vào cuối năm 2020.
8. Oanh Phi Phi (sn. 1979, Houston)
Sinh ra tại Mỹ, Oanh Phi Phi nhận bằng Cử nhân Nghệ thuật tại Parsons School of Design (2002) và bằng Thạc sĩ Nghiên cứu Nghệ thuật tại Đại học Complutense Madrid (2012). Năm 2004, cô nhận học bổng Fulbright, nghiên cứu về hội họa sơn mài tại Hà Nội, và kể từ đó, sơn mài Việt Nam trở thành yếu tố cốt lõi trong thực hành của cô. Oanh Phi Phi quan tâm tới khả năng của sơn mài như một chất liệu nghệ thuật để truyền tải ký ức và phản tư; để nghiên cứu và truy vấn những lý thuyết về hình ảnh; và để mở rộng những thử nghiệm cả về kích thước lẫn phương pháp sản xuất tác phẩm. Các triển lãm gần đây của Oanh Phi Phi bao gồm: “Trees of Life: Knowledge in Material” (Cây đời: Kiến thức qua Chất liệu), Trung tâm Nghệ thuật đương đại NTU, Singapore, 2018; “Radiant Material, Pro Se” (Ngôn ngữ Rạng rỡ), National Gallery Singapore, 2017; “Toả”, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom, Hà Nội, 2017; “Ranh giới Vô định”, Heritage Space, Hà Nội, 2017. Năm 2019, “Giao Diện” là triển lãm cá nhân đầu tiên của cô tại TP. HCM (The Factory) với sắp đặt hoành tráng “Specula” và trình chiếu ánh sáng “Palimpsest”. Oanh Phi Phi hiện sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng.
Trong khuôn khổ có hạn của bài viết, tôi xin giới thiệu sơ lược đến bạn đọc các nghệ sỹ đa phương tiện khác cũng tích cực hoạt động trong thập kỷ qua: Võ Trân Châu, với triển lãm cá nhân “Nhặt Lá Rừng Xưa” (2020, The Factory, TP. HCM); Lêna Bùi, với các tác phẩm truy xét sự phát triển chóng mặt của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên cùng môi trường xung quanh, đã có một triển lãm đặc trưng về vấn đề tiêu thụ thực phẩm, “Nắng Bằng Phẳng” (2016, The Factory, TP.HCM); Lê Thúy, một tài năng hội họa lụa, người gần đây đã hoạt động nghệ thuật trở lại sau khi sinh con, với triển lãm cá nhân của cô “Sự Sống Bình Thường” (2020, Craig Thomas Gallery, TP. HCM); Nguyễn Thị Châu Giang, với các tác phẩm lụa tinh tế trong triển lãm cá nhân “Bên Trong Tôi” (2018, Vin Gallery, TP. HCM) gây ấn tượng mạnh mẽ về nữ quyền; và Lê Hoàng Bích Phượng, một trong những họa sỹ lụa triển vọng nhất Việt Nam, với triển lãm cá nhân nổi bật “Bên kia những ngọn đồi” (2017, Manzi, Hà Nội).
NHIẾP ẢNH – PHIM
Đối lập với thực hành mơ mộng và khai thác tính dục của các nghệ sỹ trẻ như Ao Kim Ngân (Yatender) và Thy Trần (Thymcqueen), Maika Elan đã tạo dựng tên tuổi của mình với nhiếp ảnh tài liệu từ khi ra mắt dự án ảnh “Yêu là Yêu” (The Pink Choice), dự án nổi tiếng quốc tế miêu tả cuộc sống thường nhật của các cặp đồng tính nam và nữ tại Việt Nam.
9. Maika Elan (sn. 1986, Hà Nội)
Maika Elan (Nguyễn Thanh Hải) hiện là nhiếp ảnh gia tự do làm việc tại TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp ngành Xã hội học tại Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân Văn (Hà Nội), cô bắt đầu sử dụng máy ảnh từ năm 2008 để ghi lại những khoảnh khắc trong đời sống cá nhân. Sau đó, cô trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, chủ yếu cộng tác với khách hàng và công ty thời trang khắp cả nước. Năm 2010, Maika chuyển sang hướng nhiếp ảnh tư liệu. “The Pink Choice – Yêu là Yêu”—dự án ảnh đầu tiên của cô, tập trung khai thác những góc nhìn riêng tư về cuộc sống của các cặp đôi đồng tính tại Việt Nam – đã được trưng bày rộng rãi tại các triển lãm quốc tế và xuất bản trong nhiều tạp chí. Năm 2013, dự án đã mang về cho cô giải nhất hạng mục “Các vấn đề đương đại” tại giải thưởng World Press Photo, và giải nhất hạng mục “Câu chuyện tư liệu” tại giải thưởng Pride Photo Award. Triển lãm cá nhân đầu tiên của cô được tổ chức tại Viện Goethe Hà Nội, năm 2012. Dự án nhiếp ảnh gần đây nhất của Maika khắc họa đời sống của nhóm người “Hikikomori” khép kín tại Nhật Bản.
Ngoài ra, chúng ta còn có An-My Le hay Lê Mỹ An, một nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt nổi tiếng và là giáo sư khoa nhiếp ảnh trường Đại học Bard (New York). Cô được biết đến với nhiều bức ảnh về chủ đề chiến tranh và hoạt động quân sự, xóa nhòa ranh giới giữa thực và hư. Năm 2012, An-My Le là một trong những người nhận giải MacArthur Fellowship tại Mỹ.
Hứa Như Xuân (Nhu Xuan Hua) là một nữ nhiếp ảnh gia người Pháp gốc Việt ấn tượng trong thời gian gần đây với ngôn ngữ thị giác siêu thực-mờ ảo, và là người chụp nhóm nhạc K-Pop đình đám BTS trên bìa tạp chí TIME. Một bài phỏng vấn thú vị với nghệ sỹ này mà bạn đọc có thể xem, “Như Xuân Hứa Và Những Đối Thoại Về Căn Tính Việt”, thực hiện bởi nữ nhiếp ảnh gia trẻ và cây viết Hà Đào, được đăng tải trên tạp chí kiêm không gian nhiếp ảnh Matca (Hà Nội).
Và cuối cùng, một ấn phẩm song ngữ “tươi mới” cho làng nhiếp ảnh Việt Nam vừa được ra mắt vào cuối năm 2019—”Makét 01: Có Một Làng Nghề Nhiếp Ảnh” của tác giả Hà Trang (sản xuất bởi Matca liên kết xuất bản cùng NXB Lao Động). “Là cuộc đối thoại giữa chất liệu lịch sử và thiết kế phi truyền thống qua cách dàn trang mang tính tương tác cao”, cuốn sách này là một công trình thú vị, tái dựng lịch sử truyền thống nhiếp ảnh studio tại Việt Nam qua ký ức của làng nhiếp ảnh Lai Xá, với cách tiếp cận đương đại và gần gũi với độc giả trẻ.
Đối với lĩnh vực phim ảnh, nước ta tự hào có đội ngũ các nữ nghệ sỹ và đạo diễn nổi bật ở nhiều thế hệ như Nguyễn Hoàng Điệp với “Đập cánh giữa không trung” (2014, đạo diễn và đồng sản xuất), Síu Phạm với những bộ phim tài liệu tiên phong “Homostratus” (2013) và “Con đường trên núi” (2017) – nguồn cảm hứng dồi dào cho nghệ sỹ-giám tuyển Trương Quế Chi. Ngoài ra, nữ diễn viên-nghệ sỹ Trần Nữ Yên Khê đã và đang nỗ lực hỗ trợ hết mình cho nhiều thế hệ nhà làm phim tại Việt Nam.
Để kết thúc hạng mục này trong danh sách, tôi xin giới thiệu nghệ sỹ-nhà làm phim Nguyễn Trinh Thi. Thực hành của cô và không gian Hà Nội DOCLAB do cô sáng lập hiện đang dẫn đầu lĩnh vực phim thể nghiệm ở thủ đô Hà Nội.
10. Nguyễn Trinh Thi (sn. 1973, Việt Nam)
Nguyễn Trinh Thi là một nhà làm phim độc lập và nghệ sỹ video-media tại Hà Nội. Thực hành đa dạng của cô điều tra vai trò của ký ức trong việc vén màn các lịch sử ẩn khuất, bị thay thế hoặc diễn giải sai, và khảo sát vị trí của các nghệ sỹ trong xã hội Việt Nam. Thi học về báo chí, nhiếp ảnh, quan hệ quốc tế và phim ảnh dân tộc học ở Hoa Kỳ.
Các bộ phim và tác phẩm video của cô đã được trình chiếu tại các liên hoan và triển lãm nghệ thuật bao gồm Asia Pacific Triennial of Contemporary Art lần thứ 9 (2018-2019, Brisbane); Sydney Biennale 2018; Jeu de Paume, Paris; CAPC musée d’art contemporain de Bordeaux; Lyon Biennale 2015; Asian Art Biennial 2015, Đài Loan. Nguyễn Trinh Thi là người sáng lập và giám đốc của Hà Nội DOCLAB, một trung tâm độc lập dành cho phim thể nghiệm và hình ảnh chuyển động tại Hà Nội từ năm 2009. Vừa kết thúc vào ngày 1 tháng 3 năm nay, bộ phim tiểu luận “Fifth Cinema” (2018) của Nguyễn Trinh Thi đã được trình chiếu tại triển lãm cá nhân trong bảo tàng đầu tiên của cô tại Mỹ ở Học viện Nghệ thuật Minneapolis (Minnesota).
Bài: ĐỒNG HÀ NHUẬN
Bài viết là một phần trong ấn phẩm nghệ thuật song ngữ Art Republik Vietnam #1. Mời bạn đọc đặt mua ấn phẩm tại link: bit.ly/35bgI6N