LIFESTYLE / Du lịch

Trần Tuấn Việt: “Sẽ đi cho đến khi không thể đi được nữa, dành cả cuộc đời cho Việt Nam là không đủ”

Apr 07, 2021 | By admin

Trần Tuấn Việt, vị nhiếp ảnh gia luôn cố gắng mang cái nhìn đa chiều về Việt Nam ra toàn thế giới. Đối với anh, nhiếp ảnh là đam mê chứ không phải công việc.

Năm năm trở lại đây, cái tên Trần Tuấn Việt đã quá quen thuộc trong giới nhiếp ảnh Việt và trong cả cộng đồng những người yêu mến bộ môn nghệ thuật này. Trở thành nghệ sĩ cộng tác với Google trong dự án ảnh “Kỳ quan Việt Nam” cho nền tảng Google Arts & Culture, Trần Tuấn Việt một lần nữa chứng minh được khả năng và tầm ảnh hưởng của mình trên đấu trường quốc tế. Không chỉ vậy, anh còn là nhiếp ảnh gia người Việt giữ kỷ lục với hơn 138 bức ảnh đăng tải trên các nền tảng của National Geographic. Vinh dự trở thành nhiếp ảnh gia khách mời của đại hội nhiếp ảnh Xposure, nơi tôn vinh các nhiếp ảnh gia và phóng viên ảnh nổi tiếng thế giới. Bên cạnh đó anh còn làm giám khảo của nhiều cuộc thi nghệ thuật và nhiếp ảnh của Việt Nam và thế giới.

Sở hữu những thành tựu đáng nể nhưng người nhiếp ảnh gia của chúng ta chia sẻ rằng tất cả chỉ bắt đầu với mong muốn đơn giản duy nhất là truyền tải cảnh sắc và nét văn hóa tuyệt vời của con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Trần Tuấn Việt đã ghi dấu ấn sâu đậm với những tác phẩm của mình. Đồng nghĩa, vị nhiếp anh gia nổi tiếng này sẽ khá vất vả trong việc liệt kê các giải thưởng của mình. Nổi trội nhất thì chắc chắn là: Giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc quốc gia; Huy chương vàng cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế; Giải thưởng cuộc thi nhiếp ảnh thường niên của Smithsonian;…

Điều này không chỉ là thành công của cá nhân Trần Tuấn Việt mà còn là niềm tự hào của nhiếp ảnh Việt Nam trên bản đồ nhiếp ảnh thế giới.Nhờ vậy mà anh được ghi nhận Bằng khen của Bộ ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam & Sở du lịch tỉnh Quảng Bình. Tài khoản instagram @vietsui của anh được Tổng cục Du lịch khuyến nghị đầu tiên trong danh sách “Top tài khoản Instagram người Việt nên theo dõi”

Luxuo: Xin chào Trần Tuấn Việt, câu chuyện xuất phát điểm của niềm đam mê, của sự nghiệp đối với bạn có gì đáng nhớ?

Việt bắt đầu chụp ảnh gần như từ năm cấp ba, bằng một chiếc máy phim. Tính về thời gian sở hữu máy ảnh và bắt đầu tìm hiểu về nhiếp ảnh là từ 2007, đến giờ đã hơn 14 năm. Nhưng trong khoảng 5 năm trở lại đây là thời gian Việt đi sâu hơn về nhiếp ảnh, coi đó là đam mê duy nhất của mình. Xuất phát điểm cũng chỉ mong chụp những bức ảnh đẹp, chia sẻ với bạn bè như tất cả mọi người cầm máy khác. Rồi đến khi có cơ hội tham gia cộng đồng nhiếp ảnh của National Geographic, vốn là cộng đồng nhiếp ảnh lớn nhất thế giới vào 2015, Việt mới thật sự tìm thấy phương hướng, định hình được phong cách và dần được ghi nhận.

Phật tử cầu nguyện – Top 70 ảnh đẹp nhất năm 2018 của cộng đồng nhiếp ảnh National Geographic. Ảnh in trong sách “Niên giám 2020” của National Geographic.

Để chọn một sự kiện “mãi không thể quên” trong cuộc đời cầm máy, theo Việt đó là kỷ niệm nào?

Có lẽ đó là chiếc email “định mệnh” từ biên tập viên của tạp chí National Geographic vào ngày 25/1/2017, gửi đề xuất về việc mua bức ảnh của Việt để đăng trong tạp chí, có nội dung: “Tạp chí National Geographic muốn đăng hình ảnh này trong chuyên trang “Visions of Earth” (những góc nhìn về thế giới) trong ấn phẩm sắp tới. “Visions” là danh mục ở đầu tạp chí, nơi tìm kiếm các bức ảnh độc đáo nhất, siêu thực nhất, kinh ngạc nhất”. Đây thực sự là dấu mốc vỡ oà nhất, gắn bó với tác phẩm “Làm hương” khiến cho cái tên Trần Tuấn Việt được mọi người biết đến nhiều hơn.

Làm hương – Ảnh in trong mục Visions of Earth (những góc nhìn về Trái Đất), ấn bản tháng 6/2017 của tạp chí National Geographic; Ảnh xuất bản trong sách ảnh “Spectacle” của National Geographic.

Bạn quan niệm về “được và mất” trong theo đuổi đam mê như thế nào?

Khi bạn đam mê và tập trung mọi năng lực, cảm xúc và trí tuệ cho đam mê của mình, có lẽ bạn sẽ được nhiều hơn mất. Trong cuộc đời mỗi người, có thể sẽ có nhiều sở thích, nhưng để sở thích lớn thành đam mê, và đam mê đó là duy nhất đến mức bạn coi nó là lẽ sống thì chắc cũng hiếm.

Đối với mỗi một đề tài bạn thường mất bao lâu để thực hiện?

Mỗi đề tài Việt thường không xác định rõ thời gian được. Có những bức ảnh để chụp được rất nhanh, nhưng có những bức ảnh Việt phải mất nhiều thời gian và công sức mới đạt được.

“Sewing Net – Đan lưới” ghi lại hình ảnh nhóm công nhân nữ may những mảnh nhỏ thành một tấm lưới lớn màu xanh tại một xưởng may ở tỉnh Bạc Liêu, miền Nam Việt Nam.⁠ National Geographic Espana – 12 tháng 10, 2019

Trước khi bấm máy anh có tư duy hình ảnh như thế nào? Với anh, ý nghĩa của khoảnh khắc là?

Thường khi định tạo ra một bức ảnh, tư duy của Việt sẽ hướng đến một từ khoá. Ví dụ bức ảnh “Làm hương”, Việt nghĩ đến từ “kết nối”. Hương là thứ kết nối đời sống thực tế và đời sống tâm linh, và Việt lựa chọn sự kết nối trong nội dung bức ảnh khi chụp nó.

Một nhiếp ảnh gia giỏi là nhiếp ảnh gia nắm bắt được khoảnh khắc tốt nhất. “The Decisive Moment” hay Khoảnh khắc Quyết định là một lý thuyết của nhiếp ảnh gia huyền thoại Henri Cartier-Bresson, vốn nhấn mạnh ý niệm về sức mạnh của khoảnh khắc bấm máy.

THE FISHERMAN – Một ngư dân làm việc với “Rớ” – một cách đánh bắt truyền thống của Việt Nam ở biển Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Công việc này diễn ra trong mùa khô, từ tháng Giêng đến tháng Tám. National Geographic Your Shot – Ngày 9 tháng 5 năm 2020

Đối với anh, yếu tố tạo nên một bức ảnh xuất sắc?

Nội dung truyền tải của bức ảnh. Với nhiếp ảnh gia thực hành story-telling như Việt, nội dung câu chuyện từ ảnh mình chụp là quan trọng nhất.

Để gắn bó với nghề nhiếp ảnh cần nhiều hơn ở sự cố gắng, kỹ năng hay là cái “duyên”?

Cả ba. Không chỉ nhiếp ảnh mà bất kỳ nghề nghiệp hay đam mê nào cũng đều cần các điều kiện cần này để thành công và gắn bó với nó lâu dài. Nhưng cái quan trọng nhất là “duyên”, dù hơi duy tâm một chút.

Những người công nhân treo mình bắt đèn LED ngoài một tòa nhà cao tầng ở Hà Nội là Ảnh của ngày (Photo of the Day) ngày 6.1.2019 tại National Geographic.

Anh vừa chia sẻ bộ ảnh tại hang Sơn Đoòng – một địa điểm thám hiểm cấp 6. Đây cũng không phải là lần đầu tiên anh tác nghiệp tại đây, cảm xúc lần này có khác nhiều so với lần trước?

Lần đầu vào Sơn Đoòng cảm xúc khác lắm, sự ngỡ ngàng pha lẫn các trải nghiệm tâm lý, thời tiết… Mọi thứ đều chưa thuận lợi để có bộ ảnh ưng ý.

Đến lần hai, khi đã hiểu rõ rồi Việt mới tận hưởng được hành trình và có nhiều cảm xúc để chụp ảnh hơn, bộ ảnh cũng ưng ý hơn một chút. Còn để thật sự hài lòng với bộ ảnh Sơn Đoòng, có lẽ cần thêm nhiều lần nữa.

Từng gặp vấn đề về sức khoẻ khi tác nghiệp, trong khoảng thời gian đó anh có từng nghĩ mình sẽ dừng lại?

Việt chưa từng nghĩ đến việc dừng lại. Khi thấy có vấn đề về tâm lý và gặp khó khăn, Việt đều tìm đọc lại các lời động viên của mọi người. Đó có thể là những bình luận tích cực về tác phẩm của mình, những tin nhắn khen ngợi và cảm ơn vì cảm hứng có được của mọi người sau khi xem những bức ảnh mình chụp, đến những tin nhắn của các nhiếp ảnh gia gạo cội và nổi tiếng của thế giới (ví dụ Steve McCurry) dành cho mình. Những điều đó giúp Việt thấy được sự ghi nhận và trân trọng của mọi người cho cả quá trình bản thân đã cống hiến, từ đó tạo nên động lực tiếp tục hành trình nhiếp ảnh đã định.

Đã đi gần hết các con đường từ Nam ra Bắc, có bao giờ anh sợ mình sẽ cạn đề tài sáng tác nhiếp ảnh ở Việt Nam?

Có lẽ dành cả cuộc đời mình, Việt cũng chẳng thể chụp hết đề tài ở Việt Nam. Mình sẽ còn đi, còn rong ruổi và bôn ba khắp mọi nơi trên Tổ quốc, cho đến khi không còn đi được nữa.

Nhóm thợ điện đu dây trên không để lắp khung định vị, giữ khoảng cách cố định cho đường dây điện ở Bắc Ninh, Việt Nam. Bức ảnh này Trần Tuấn Việt chia sẻ là một khoảnh khắc bắt gặp sau sáu lần đi du lịch tổng số hơn 700 km (435 dặm)

Đại dịch COVID-19 mang đến khủng hoảng cho nhiều ngành nghề, đối với anh Việt, nó có tác động gì lớn không?

Đại dịch làm mình bớt đi một chút thôi. Vì coi nhiếp ảnh là đam mê chứ không phải nghề nghiệp, nên Việt thấy không có tác động gì ghê gớm cả.

Trần Tuấn Việt là nhiếp ảnh gia Việt duy nhất cộng tác cùng National Geographic, Google Arts & Culture. Nhiều người coi đây là sứ mệnh, bên cạnh đó anh có thấy áp lực?

Lần đầu một tờ báo gọi mình là “người mang Việt Nam ra thế giới” là vào đầu năm 2018. Thực sự khi thấy những dòng chữ đó, Việt rất xúc động. Đó thực sự là sự ghi nhận của mọi người với những gì mình làm. Vinh dự và tự hào, khi những bức ảnh mình chụp Tổ quốc mình không chỉ được bạn bè quốc tế đón nhận, mà còn nhận được sự trân trọng từ đồng bào của mình. Điều đó tạo nên động lực rất rất lớn cho những hành trình dọc ngang khắp đất nước những thời gian sau này của Việt và nó chưa bao giờ là gánh nặng.

Bà Quý, 91 tuổi và con trai, ông Giáp, 66 tuổi, sống trong một ngôi nhà nhỏ ở làng cổ Đường Lâm, Hà Nội, Việt Nam. Giáp bị câm điếc bẩm sinh, chưa từng kết hôn và sống bằng nghề lao động chân tay cho bà con hàng xóm. Họ đã sống và quan tâm nhau hàng chục năm. Bức ảnh này được chụp vào một buổi chiều cách đây một năm. Bà Quý lúc này rất yếu. Không biết Giáp sẽ sống ra sao khi Quý đi xa. National Geographic Your Shot – Ngày 16 tháng 1 năm 2020

Anh có suy nghĩ gì về cộng đồng nhiếp ảnh trẻ hiện nay của Việt Nam?

Sự bùng nổ của internet và mạng xã hội làm mọi người tiếp cận và phát triển dễ hơn ở nhiếp ảnh. Thế hệ trẻ bây giờ sáng tạo và nhanh nhạy hơn ở nhiếp ảnh, dù rằng vẫn còn tính chất phong trào ở đâu đó. Tương lai nhiếp ảnh Việt Nam sẽ rất phát triển. Việt cũng nghĩ đến lúc nào đó tích luỹ đủ kiến thức và trải nghiệm, sẽ chia sẻ lại với những thế hệ kế tiếp mình.

Ảnh khinh khí cầu lễ hội du lịch của Việt Nam nhận được giải thưởng hạng mục “Độc giả bình chọn” trong Cuộc thi ảnh quốc tế thường niên lần thứ 18 của tạp chí Smithsonian, Hoa Kỳ

Anh có thể chia sẻ một chút về dự định sau này của mình?

Việt từng có suy nghĩ làm sách ảnh, triển lãm cá nhân như những tiền bối của mình. Nhưng có lẽ con đường của Việt vốn khác và dự định sẽ khác hơn. Việt đang nỗ lực phấn đấu và cống hiến thật nhiều, để một ngày nào đó sẽ là một đại sứ du lịch của Việt Nam.

Một du khách đứng trên mỏm đá được mệnh danh là “wedding cake”, điểm chụp ảnh lưu niệm nổi tiếng nhất tại hố sụt 1 trong Hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới, tỉnh Quảng Bình, miền Trung Việt Nam. Hố sụt có độ sâu 449m với những giọt nước chảy xuống từ miệng núi.

Cảm ơn vì những chia sẻ đầy chân thành và ấn tượng vừa rồi, chúc anh sẽ có tiếp tục có nhiềutác phẩm xuất sắc hơn nữa để không phụ mối “duyên” với nhiếp ảnh.

Bài: Hằng Nga 

 

 


 
Back to top