ART & LIFE

Từ vụ Plus By Bảo Nam đạo nhái ý tưởng đến việc hiểu đúng về nghệ thuật đương đại

Apr 16, 2021 | By Trang Ps

Ngày 13/04, triển lãm Plus By Bảo Nam bị nghệ sĩ người Nga Baina phát hiện có 2 tác phẩm đạo ý tưởng của nghệ sĩ Jamie North và Matsuri Yamana. Ngỡ tưởng vụ việc sẽ ổn thỏa sau đáp trả của tác giả, nhưng cộng đồng nghệ thuật lại trở nên dậy sóng khi phát hiện ra hầu hết mọi tác phẩm xuất hiện tại triển lãm đều sao chép, cùng lúc ấy, phản hồi của Bảo Nam không thuyết phục thậm chí đi ngược lại với những gì được phát biểu trong thông cáo báo chí. 

Bài báo này của LUXUO Vietnam và Art Republik nhằm đưa ra sự thật về vụ việc, phản ứng của cộng đồng, lối suy nghĩ sai lầm về tác phẩm nghệ thuật chỉ là đồ trang trí, từ đó chúng tôi mong muốn khán giả hiểu đúng về nghệ thuật đương đại và lên tiếng nghiêm túc về việc đạo ý tưởng này nói riêng và những hành vi ăn cắp ý tưởng sáng tạo nói chung.

Điểm qua những tác phẩm đạo ý tưởng khác

Hôm 13/04, LUXUO Vietnam đã thực hiện bài viết “Một số tác phẩm trong triển lãm Plus by Bảo Nam bị nghi vấn sao chép ý tưởng từ nghệ sỹ quốc tế”, trong đó đưa ra hai tác phẩm đạo The Cloud của nghệ sĩ Matsuri Yamana sáng tác vào năm 2010 và Terraforms 2014 của Jamie North.

Tiếp một ngày sau đó, một số nghệ sĩ và giám tuyển nghệ thuật lần lượt phát hiện hầu hết các tác phẩm xuất hiện trong triển lãm này đều đạo ý tưởng từ các tác phẩm trên thế giới.

Chẳng hạn, tác phẩm ống dẫn này đạo từ một tác phẩm của cửa hàng Chanel ở Hawaii. Bạn đọc có thể theo link này để tìm hiểu thêm về tác phẩm gốc đã xuất hiện từ năm 2017.

Điêu khắc dưới đây đạo từ tác phẩm của nghệ sĩ Sonja Vordermaier sáng tác và trưng bày vào năm 2018.

Ảnh: Facebook

Tác phẩm sắp đặt này dù đã được biến tấu nhưng giới chuyên gia nhìn vào có thể phát hiện ra ngay đó là tác phẩm của nghệ sĩ Premysl Hytych vào năm 2018.

Ảnh: Facebook.

Vào ngày 14/04, thông tin từ kenh14 cho biết một trong số những tác phẩm nghệ thuật đang trưng bày tại Plus By Bảo Nam được cho là rất giống đồ mua ở Taobao.

Bên trái là tác phẩm được trưng bày tại triển lãm Plus by Bảo Nam còn bên phải là món đồ dân mạng tìm thấy trên Taobao. Ảnh: kenh 14

Nhà giám tuyển Ace Lê – một người bạn của Jamie North (người có tác phẩm bị đạo trong triển lãm) đã giúp chúng tôi cập nhật những tác phẩm đạo ý tưởng này trên mạng xã hội Facebook. Ghi chép của anh đã được cộng đồng “Mê Tranh”, một nhóm chuyên về nghệ thuật với gần 40.000 thành viên phản ứng dữ dội.

Một người dùng là Ngoc Thai chia sẻ: “Thái độ của hành xử của tác giả như cái tát mạnh vào ‘sở hữu trí tuệ’ và những người nghệ sĩ thực thụ.”

Sau khi vụ việc được giới báo chí lên tiếng, động thái của Bảo Nam lại thiếu sự thuyết phục.

Thông cáo báo chí một đằng, phản hồi công chúng sau vụ việc một nẻo

Một bài viết của Bảo Nam trên Facebook nói về triển lãm.

Vào ngày 13/04, sau khi Baina chia sẻ về sự việc, nhà giám tuyển Ace Lê lên tiếng: “Đáng chia sẻ và không nên dung túng. Nghệ sĩ nên lên tiếng công khai và giải thích. Nếu quả thật là sao chép thì phải có bản lĩnh tự nhận sai. Khi sự vụ đã vượt biên giới, thì bạn không chỉ đại diện cho mình bạn mà còn cho cộng đồng nghệ thuật Việt Nam nữa.” Trong tình huống hiện tại, dự đoán này quả thực đã chạm vào sự thật vụ việc.

Cũng trong ngày 13/04, Bảo Nam chia sẻ với Kênh 14 rằng: “Chuyện kế thừa và phát triển ý tưởng trùng nhau trong nghệ thuật là điều không hề hiếm gặp. Hơn nữa, triển lãm của anh là triển lãm hoa chứ không phải triển lãm nghệ thuật sắp đặt thông thường, vì thế nó mang thông điệp hoàn toàn khác…  Nếu ai cũng chăm chăm bắt bẻ thì sẽ rất khó cho người làm nghệ thuật. Bản thân tác giả đã nổi tiếng trong nghề hoa, anh làm triển lãm không vì muốn nổi tiếng hơn hay có thêm tiền mà chỉ muốn chia sẻ câu chuyện của mình thông qua hoa mà thôi.

Chụp từ kênh14.

Tuy nhiên trong thông cáo báo chí mà chúng tôi nhận được, thì anh lại nói rằng: “Đây là sự kết hợp của contemporary art và thời trang, hoa, nội thất, tranh và home décor…. Nghệ thuật đương đại, Nghệ thuật điêu khắc cơ thể, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật sáng tạo mùi hương sẽ được “bàn tay phù thủy” của Bảo Nam sắp đặt trọn vẹn vào không gian nội thất, để mỗi mảng màu, mỗi góc của triển lãm đều toát lên cái hồn nghệ thuật.”

Như vậy, sự không thẳng thắn và dứt khoát trong cách phát ngôn của anh đã tạo nên sự bất bình và giận dữ trong dư luận, đặc biệt là những người nghệ sĩ đương đại, những nhân vật đang sáng tạo nghệ thuật một cách nghiêm túc và “dị ứng” với đạo nhái.

Sự việc dưới góc nhìn của nghệ sĩ Việt Nam

Nghệ sĩ Jamie North cũng đã phản hồi về việc bị đạo ý tưởng.

Thay vì bê nguyên lý thuyết nghệ thuật đương đại, chúng tôi quan sát những nghệ sĩ ở Việt Nam đã lên tiếng và định nghĩa nghệ thuật đương đại theo cách riêng của họ trước vụ việc căng thẳng này.

Đầu tiên, nghệ sĩ đa phương tiện Lê Hào – người từng có tác phẩm “My temple” tại triển lãm Reflection diễn ra ở Nhật Bản, chia sẻ: “Tác phẩm nghệ thuật đương đại thường không có hàng nhái, hàng loại hai, loại ba hay sao chép vì đơn thuần chúng được thực hiện từ nguồn kinh phí phi lợi nhuận hay tự bỏ tiền túi ra thực hành. Trong tác phẩm đương đại mang dấu ấn vùng miền văn hóa  rõ ràng. Chính vì tính đặc thù ấy mà hấp dẫn khuyến dụ nghệ sĩ tìm kiếm chính mình ẩn hiện trong tác phẩm, nơi mình sinh sống,… Mỗi nơi có một câu chuyện riêng biệt mà hình thành tác phẩm đầy tính riêng tư.”

Họa sĩ cũng nhấn mạnh thêm rằng nhìn vào tác phẩm đương đại thì dễ nhận biết tác phẩm ấy đến từ đâu, châu lục nào,… không thể lẫn lộn vì nghệ sĩ nào cũng muốn tôn vinh và xây dựng văn hóa nơi họ sống, và trưng bày ra thế giới như một gọi mời thế giới hướng về. Cái hay của tác phẩm đương đại không phải là đẹp hay xấu, mà thú vị là chúng không giống nhau.

Thế nên, việc sao chép của Bảo Nam là thiếu trách nhiệm mời gọi thế giới bên ngoài quay trục nhìn nền nghệ thuật Việt Nam, thậm chí là đang tạo ra phản ứng ngược.

Cư dân mạng tạo meme về Plus By Bảo Nam về “hàng nhái”.

Nghệ sĩ Nhat Q.Vo đang làm việc tại Sàn Art, người có quan tâm sâu sắc đến vụ việc này, chia sẻ: “Đối với Bảo Nam, việc tổ chức triển lãm là việc bao đồng. Tuy nhiên, anh không biết anh đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cộng đồng nghệ sĩ đương đại Việt Nam.”

Nghệ sĩ đa phương tiện thành danh Đỉnh Q. Lê, người có nhiều tác phẩm được trưng bày khắp nơi trên thế giới, cũng mỉa mai với câu nói: “Bây giờ nhiều người tự xưng là nghệ sĩ đương đại. Hôm nay mình mạo muội tự xưng là nghệ sĩ cắm hoa.” Điều đó cho thấy việc thực hành nghệ thuật đương đại nói riêng và nghệ thuật nói chung đòi hỏi sự nghiêm túc và tôn trọng nguyên bản.

Nghệ sĩ Chinh Ba, nhà sáng lập CAB Hoian, cũng là người Việt đầu tiên công bố nghi vấn sao chép ý tưởng thông qua cuộc trò chuyện với Baina, chia sẻ với chúng tôi: “Vụ việc lần này đánh vào cách nghĩ sai lầm rằng tác phẩm nghệ thuật chỉ là đồ trang trí. Chúng ta thấy không ít khách sạn, nhà hàng toàn in tranh, chép tranh treo phục vụ khách. Giới sáng tạo sau khi giới thiệu cho khách hàng bằng pinterest thì bị khác hàng ép lấy ý tưởng y chang như vậy. Như vậy câu chuyện không dừng lại ở người tạo ra cái sai mà là nhận thức của người thường sử dụng cái sai ấy.”

Cũng theo đó, ta thấy lần này, sự sao chép của Plus By Bảo Nam là cực kỳ rõ ràng, không cần giới chuyên môn mới có thể nhận định mà tác động của các bên liên quan với sai trái cũng rõ ràng, điều này đang đánh vào giới làm sáng tạo mà chuyên sử dụng pinterest. Chưa kể, triển lãm có nhiều trẻ em đi xem và thích thú với triển lãm. Chinh Ba sợ rằng các em sẹ bị ghim vào đầu tư tưởng rằng bạn có thể làm sai để làm đẹp.

Sự việc cũng phản ánh vấn đề sở hữu trí tuệ được “quản lý” một cách lỏng lẻo tại Việt Nam song song đó là nền giáo dục nghệ thuật đương đại chưa phổ cập tại một nền giáo dục còn rất non trẻ.

Nghệ sĩ Jamie North cũng đã phản hồi tờ báo Ngaynay về việc bị đạo ý tưởng như sau: “Tôi không biết Bảo Nam cho đến khi những người bạn của tôi ở Việt Nam gửi thông tin hình ảnh về triển lãm, trong đó có tác phẩm sử dụng ý tưởng của tôi. Công bằng mà nói, tôi không biết liệu anh ấy có phải là một nghệ sĩ hay không? Bởi lẽ, anh ta không hiểu biết gì về thế giới nghệ thuật và cách thức hoạt động của nghệ thuật cả. Đạo nhái, xâm phạm bản quyền xảy ra ở khắp mọi nơi, tuy vậy không phải bao giờ cũng được cộng đồng phát hiện và lên tiếng bảo vệ. Thật lòng, tôi rất biết ơn bạn bè, những người làm công việc sáng tạo nghệ thuật của tôi ở Việt Nam đã hết lòng lên tiếng cho sự thật.”

Hiện tại, LUXUO Vietnam và Art Republik vẫn tiếp tục quan sát sự việc này nhằm mang đến cho bạn đọc một góc nhìn đúng đắn nhất!


 
Back to top