“We the Youth” – Mọi người từ mọi nguồn gốc và mọi nơi khác nhau
“We the Youth” đã được vẽ để kỷ niệm 200 năm Hiến pháp Mỹ và cái tên dựa theo cụm từ “We the People” ở phần mở đầu của Hiến pháp.
Trong 3 ngày đầu tiên của tháng 9 năm 1987, Keith Haring cùng một nhóm thanh thiếu niên New York và Philadelphia đã tạo ra một biểu tượng – “We the Youth”. Đây là một bức tranh tường bao phủ mặt phía tây của một dãy nhà ở khu phố Point Breeze của Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ.
“We the Youth” là tác phẩm hợp tác giữa Keith Haring với 14 học sinh trung học đến từ nhóm CityKids của New York và Brandywine Workshop ở Philadelphia, cùng sự hỗ trợ của các nghệ sỹ Clarence Wood, Gilberto Wilson, và Jose Seabourne.
Phần chân tường bên trái có dòng chữ “We the Youth City Kids of Phila + NYC”. Tên viết tắt của Keith Haring và ngày tháng nằm ở góc bên phải dưới cùng của bức tường. Đây là bức tranh tường hợp tác duy nhất của Keith Haring và vẫn được giữ nguyên tại vị trí ban đầu.
“We the Youth” đã được vẽ để kỷ niệm 200 năm Hiến pháp Mỹ và cái tên dựa theo cụm từ “We the People” ở phần mở đầu của Hiến pháp. Nội dung bức tranh không thực sự liên quan đến nội dung Hiến pháp Mỹ, nhưng tương đồng về ý tưởng – một điều gì đó thống nhất – mọi người từ mọi nguồn gốc và mọi nơi khác nhau, cùng nhau thực hiện bức tranh tường này.
“We the Youth” mang lại cảm giác tràn đầy năng lượng và vui vẻ, mô tả những nhân vật đang nhảy múa bằng những màu sắc tươi sáng.
Nghệ sỹ Pop Art người Mỹ, Keith Haring, nổi tiếng với những bức vẽ nhân vật cách điệu, ngộ nghĩnh và cũng đầy màu sắc. Sự nghiệp nghệ thuật của Keith song hành với các cuộc chiến chống lại nghịch cảnh, ma tuý và AIDS. Keith Haring được chẩn đoán dương tính với HIV vào năm 1988, và qua đời vào một ngày giữa tháng 2 năm 1990.
Haring là một trong những nghệ sỹ, nhạc sỹ trẻ nhạy cảm với văn hoá đường phố đô thị của thập niên 80. Khi đến thành phố New York vào năm 19 tuổi để đăng ký vào Trường Nghệ thuật Thị giác (School of Visual Arts), Haring đã tìm thấy một thế giới nghệ thuật đang phát triển mạnh mẽ bên ngoài hệ thống phòng trưng bày và bảo tàng, trên các đường phố trung tâm, ở khu vực tàu điện ngầm và các club.
Được truyền cảm hứng từ các bức graffiti độc đáo ở các ga tàu điện ngầm của thành phố, Haring bắt đầu vẽ bằng phấn trắng trên những tấm giấy đen, vốn dùng để che phủ các bảng quảng cáo bỏ trống ở các ga tàu. Phong cách nghệ thuật của Haring không chỉ nhanh chóng tiếp cận một lượng lớn khán giả đa dạng, mà sau đó, tàu điện ngầm còn trở thành một “phòng thí nghiệm” để thực hiện các ý tưởng của ông.
Từ năm 1982, tác phẩm của Keith Haring bắt đầu triển lãm tại các phòng trưng bày và bảo tàng trên khắp thế giới, nhưng ông vẫn tiếp tục tham gia vào các dự án công cộng, bao gồm các chiến dịch xoá mù chữ và các sáng kiến ngăn ngừa bệnh AIDS.
Sự nghiệp nghệ thuật của Keith Haring rất ngắn ngủi, nhưng các tác phẩm của ông đã trở thành một loại ngôn ngữ hình ảnh, truyền tải thông điệp tích cực và phổ biến rộng rãi vào cuối thế kỷ XX.
Năm 2000, tổ chức Mural Arts Philadelphia lần đầu tiên cố gắng khôi phục bức tranh tường, mặc dù kết quả “chỉ là một bức tranh sơn sửa nhẹ và nhanh chóng bị phai màu”.
Mùa hè năm 2012, ngôi nhà bao gồm bức tranh tưởng “We the Youth” thuộc về một chủ sở hữu mới – Lucas Bryant và vợ là Erica. Quỹ Keith Haring – một tổ chức do Haring thành lập vào năm 1989, chuyên tài trợ cho các tổ chức từ thiện và giáo dục phi lợi nhuận – đã gửi đến gia đình Bryant một email. Dựa trên nhưng thông tin mà Quỹ Keith Haring cung cấp, Lucas Bryant đã đưa ra quyết định: “Chúng tôi muốn bảo tồn nghệ thuật này cho cộng đồng”.
Một cuộc khôi phục toàn vẹn đã được tiến hành vào năm 2013 thông qua Chương trình Khôi phục Nghệ thuật Tranh tường (Mural Arts Restoration Program). Quỹ Keith Haring đã đóng góp 3/4 chi phí khôi phục bức tranh. Từ khoản tài trợ này, Mural Art đã làm việc với Kim Alsbrooks và một nhóm nghệ sỹ để khôi phục tác phẩm bằng những loại sơn bền nhất có thể.
Với tổng chí phí 40.000 USD, chương trình khôi phục bao gồm: làm sạch bề mặt bức tranh tường, lấp lại các chỗ bị mất màu sơn, làm sáng màu, trám các vết loang lổ, sửa chữa những cấu trúc bị hư hỏng và phủ một lớp sơn bóng chống tia cực tím. Các kỹ thuật được áp dụng dự kiến sẽ giữ gìn bức tranh ổn định trong vòng 30 năm (đến năm 2043). Khu vườn phía trước bức tranh tường đã được kiến trúc sư cảnh quan Michael LoFurno, phối hợp với tổ chức Neighborhood Gardens Trust, tái tạo cảnh quan hiện đại với hàng rào mới, nhưng chiếc ghế dài và các loại cây cỏ phù hợp.
Nguồn: southphillyreview.com, muralarts.org, inquirer.com