Nghệ sĩ Thế Sơn: Cần cởi trói cho nghệ thuật công cộng phát triển
Với vai trò giám tuyển hay thực hiện nhiều dự án street art nói riêng hay public art nói chung ở trong nước và quốc tế, nghệ sĩ Thế Sơn có một góc nhìn vừa đa chiều vừa thực tế về lĩnh vực này tại Việt Nam. Art Republik/LUXUO đã có cuộc trò chuyện sâu sắc với anh để đào sâu thêm về tình hình cũng như phương hướng phát triển public art tại nước nhà.
Với vai trò là giám tuyển và triển khai một số dự án street art nói riêng hay nghệ thuật công cộng nói chung ở trong nước như Phúc Tân và nước ngoài, anh Thế Sơn đánh giá lĩnh vực này ở Việt Nam đang gặp những khó khăn và thuận lợi nào?
Phải nói rằng nghệ thuật công cộng nói chung hay nghệ thuật đường phố (street art) nói riêng còn rất mới và chưa phát triển ở Việt Nam. Khái niệm “street” (đường phố) chính là một thuộc tính rất căn bản của một đô thị hay một thành phố. Mặc dù kinh tế-xã hội ở Việt Nam nhiều thập kỷ gần đây không xa lạ gì với khái niệm “nền kinh tế vỉa hè – lòng đường”, nhưng ý thức xây dựng về văn hoá đô thị của người Việt là rất mới, chỉ mới manh nha hồi đầu thế kỷ 20, khi người Pháp quy hoạch thiết kế, nhưng ngay sau đó đã bị đứt gãy khi đô thị bị rơi vào tình trạng “nông thôn hoá thành thị” trong nhiều thập kỷ, suốt thời kỳ chiến tranh và bao cấp kéo dài từ Bắc chí Nam.
Chỉ mới vài chục năm trở lại đây sau khi mở cửa nền kinh tế theo định hướng thị trường, các đô thị mới được cởi trói, nhưng ngay sau đó, những không gian chung, không gian công cộng trên đường phố lập tức bị ưu tiên cho những mục đích phát triển kinh tế bằng những biển quảng cáo tấm lớn tràn lan khắp mặt tiền đô thị hay phong trào xây tượng đài tuyên truyền chính trị cùng với pano áp phích khắp nơi.
Những năm gần đây lại phổ biến khái niệm “xã hội hoá” công tác “trang trí cảnh quan” đường phố của các ngân hàng và các tập đoàn tạo nên các phong trào “chăng đèn led kết hoa điện tử” khắp phố phường và các ngã tư, ngã năm, quảng trường khắp các thành phố. Hầu như không hề có một chính sách chính thống nào của nhà nước về việc quan tâm hay thực hiện những dự án nghệ thuật đường phố (street art) nghệ thuật công cộng (public art) cho đến tận ngày hôm nay. Tức là khái niệm không gian chung, không gian công cộng luôn nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền và không hề có chính sách cụ thể nào từ các bộ chủ quản, các sở ban ngành hay từ chính quyền thành phố nào ưu tiên phát triển xây dựng hình ảnh về đô thị thông qua các công trình hay dự án nghệ thuật công cộng.
Chỉ mới vài năm rất gần đây trong nỗ lực tìm đầu ra và đa dạng hoá nguồn lực phát triển kinh tế du lịch, một vài địa phương trong đó mở đầu có Tam Thanh thuộc thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam nổ phát súng đầu tiên trong phong trào đưa “nghệ thuật công cộng” vào thúc đẩy kinh tế du lịch địa phương, sau đó là Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đã cố gắng triển khai thực hiện hai dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng và Phúc Tân trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế du lịch khu vực Phố Cổ Hà Nội cùng với sáng kiến phố đi bộ Bờ Hồ vào cuối tuần.
Những nỗ lực này hoàn toàn chỉ là hiện tượng đơn lẻ và cá biệt trong tình thế “xé rào” vận dụng “cơ chế” của chính quyền địa phương và nhóm nghệ sỹ tình nguyện, chứ hoàn toàn chưa hề có sự hỗ trợ mang tính pháp lý hay nguồn lực tài chính từ các cấp cao hơn.
Những khó khăn hiện hữu thực tế vẫn chồng chất từ cơ chế kiểm duyệt đầy bất cập cho đến thiếu vắng hoàn toàn nguồn lực hỗ trợ cho các nhóm sáng tạo muốn đóng góp cho thành phố. Do vận hành quá lâu trong cơ chế “xin cho” cũng như “tư duy một chiều” từ trên xuống của các hoạt động mang tính văn hoá nghệ thuật quần chúng của nhà nước, nên hầu như những nghệ sỹ, những nhóm sáng tạo cũng không mấy hào hứng và nếu có cũng không có khả năng tiếp cận những điều kiện cần thiết để có thể đóng góp cho các không gian công cộng.
Có thể nói sự nhận thức ở mức độ cao nhất của thành phố về chiến lược sử dụng các dự án nghệ thuật công cộng, các tác phẩm nghệ thuật ngoài trời để nâng cao vị thế nâng cao sức thu hút của thành phố là chưa rõ ràng với những chính sách cụ thể. Chính vì thế cũng không thu hút được nhiều sự đóng góp từ các nghệ sỹ và các tổ chức chuyên nghiệp. Chưa kể đến ý thức tiếp cận với nghệ thuật nói chung và nghệ thuật công cộng nói riêng của công chúng còn khá thấp. Sự quan tâm coi trọng hay ý thức bảo vệ tác phẩm nghệ thuật công cộng của người dân vẫn còn rất hạn chế do hậu quả của sự thiếu hụt giáo dục nghệ thuật trong hệ thống giáo dục quốc dân kéo dài nhiều thập kỷ.
Nếu nói về thuận lợi, có lẽ điều đầu tiên phải nói đến là cấu trúc đa lớp lịch sử và văn hoá của những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn cộng với hệ cây xanh mặt nước các công trình kiến trúc có yếu tố lịch sử phong phú, nhiều cấu trúc cộng đồng truyền thống kết nối cũng là những thuận lợi mang tính tiềm năng để các dự án nghệ thuật công cộng, nghệ thuật đường phố có thể khai thác yếu tố văn hoá, lịch sử cộng đồng bản địa.
Được biết anh Thế Sơn cũng đã đi nhiều nơi trên thế giới quan sát. Anh có thể đưa ra góc nhìn so sánh cụ thể và bài học cho street art tại Việt Nam?
Trong nhiều năm gần đây, tôi cũng có dịp được mời đi giảng dạy cũng như tham gia các chương trình nghệ sỹ lưu trú ở một số thành phố thuộc các nước châu Âu và Mỹ. Đặc biệt, tôi cũng đã có dịp trực tiếp tham gia vào một số dự án nghệ thuật công cộng (public art), nghệ thuật đường phố (street art). Cụ thể như năm 2018, trong chương trình lưu trú tại bảo tàng nghệ thuật Worcester, bang Massachusetts ở Mỹ, tôi có tham gia tương tác với dự án nghệ thuật công cộng POWWOW rất nổi tiếng và sự kiện nghệ thuật đường phố “StART on the Street” rất lớn tại thành phố Worcester. Hay năm 2019, trong chương trình nghệ sỹ lưu trú tại học viện Nghệ thuật Minerva Academy ở Hà Lan, tôi cũng có tham gia thực hiện một tác phẩm nghệ thuật công cộng trong Festival Nghệ thuật đường phố tại Groningen. Năm 2017 tôi cũng có dịp tìm hiểu nhiều về nghệ thuật công cộng và nghệ thuật đường phố tại Seoul, Hàn Quốc trong dịp lưu trú tại đây.
Một đặc điểm chung có thể nhận thấy rất rõ bằng trải nghiệp thực tế cá nhân là các thành phố đó đều hết sức coi trọng và có những chiến lược bài bản trong việc nhận diện thương hiệu, cũng như nâng cao sức hút thông qua việc tổ chức các dự án nghệ thuật đường phố, nghệ thuật công cộng, gắn kết cộng đồng địa phương với du khách thập phương. Họ luôn lấy các dự án và các hoạt động đó làm chất xúc tác thu hút sự sáng tạo và cảm xúc của cộng đồng.
Các dự án nghệ thuật công cộng của họ thường thu hút rất nhiều các nghệ sỹ địa phương cũng như nghệ sỹ quốc tế tạo nên sự cộng hưởng lan toả mạnh mẽ. Thị trưởng các thành phố đó luôn cởi mở và có những chính sách hỗ trợ, mời gọi các nghệ sỹ tham gia. Các tác phẩm thường được trưng bày từ vài tháng tới vài năm tuỳ vào tính chất để bộ mặt thành phố luôn được hấp dẫn sinh động và tươi mới thu hút các hoạt động của người dân. Sự gắn kết giữa chính quyền thành phố với các bảo tàng, trường nghệ thuật và các giám tuyển nghệ thuật tạo nên một hệ thống hỗ trợ sự sáng tạo nghệ thuật cho thành phố một cách rất hiệu quả. Cùng với đó là sự chuyên nghiệp trong truyền thông và quảng bá cũng giúp nghệ thuật công cộng thực sự trở thành một tác lực đáng kể cho sinh khí mới mẻ của một thành phố. Những điều này thực sự vẫn còn rất xa vời với tình hình thực tế ở Việt nam.
Còn về nghệ sĩ street art Việt Nam thì sao thưa anh? Trong tình hình mà anh vừa nêu, cơ hội phát triển của họ ra sao và thử thách như thế nào?
Do không có “đất dụng võ” nên có thể nói hầu như không có mấy nghệ sỹ muốn theo đuổi hay chí ít là hào hứng với nghệ thuật công cộng. Các nhóm nhỏ các bạn trẻ cùng các nghệ sỹ vẽ graffiti nước ngoài cũng thường tự hình thành một vài điểm nhỏ lẻ trong thành phố. Các nhóm này hoạt động dưới hình thức underground và thi thoảng chỉ có thể kết hợp với các hoạt động của quỹ văn hoá nước ngoài như Trung tâm văn hoá Pháp L’espace và viện Geothe.
Trước đây một số không gian sáng tạo do tư nhân sáng lập như Zone 9, Hanoi Creative City, Nhà Ga A3 tại Sài Gòn… cũng là những địa bàn hiếm hoi cho các thực hành của các nhóm bạn trẻ vẽ graffiti, nhưng từ khi những khu này bị dẹp bỏ hoặc đi vào hoạt động cầm chừng, các thực hành cùng dần tản mát. Trong khi đó để có tiếng nói chính thống được chính quyền ủng hộ thì hầu như là vô vọng, bản thân các dự án nghệ thuật công cộng gần đây thực hiện được cũng phải trải qua vô vàn khó khăn trở ngại và hoài nghi từ đủ các phía. Các hoạ sỹ thì hầu như chỉ quen với lối tư duy và môi trường làm việc cá nhân trong xưởng nhỏ nên cũng không hề có nhu cầu hay mong muốn thử sức trên những “sân chơi” công cộng ngoài trời vốn luôn bị coi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Chỉ có một số lượng rất nhỏ những nghệ sĩ trẻ thực hành nghệ thuật đương đại theo hướng phi lợi nhuận muốn thử thách và chấp nhận những khó khăn, coi đó như những “chất liệu” nghệ thuật trong đời sống cần được chinh phục mới sẵn sàng tham gia.
Để họ phát triển, cần những chính sách hay hỗ trợ nào, anh có thể nói rõ?
Để có thể phát triển các thực hành nghệ thuật công cộng, nghệ thuật đường phố như nhiều nước trong khu vực và trên thế giới có lẽ cần phải có những thay đổi căn bản về mặt tư duy và phương pháp tiếp cận với loại hình nghệ thuật này ở tất cả các yếu tố liên quan.
Đầu tiên và quan trọng nhất đó là sự thay đổi gốc rễ từ phía quan niệm của chính quyền và nhà nước muốn tạo điều kiện để văn hoá nghệ thuật nói chung, nghệ thuật công cộng nói riêng trở thành mục tiêu phát triển cũng như một chất xúc tác cần thiết để xây dựng một đô thị văn hoá như trong cam kết Hà Nội tham gia vào chuỗi các thành phố sáng tạo thên thế giới. Từ mong muốn thì mới thấy cần phải có những chính sách cụ thể và thực chất phục vụ nhu cầu trực tiếp của những cá nhân và những nhóm sáng tạo. Cụ thể như những chính sách tiếp cận nguồn ngân sách, hay những cơ chế miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho những công ty, tổ chức tài trợ cho các hoạt động trong chuỗi sáng tạo.
Chưa kể những chính sách kiểm duyệt văn hoá cũng cần cởi bỏ linh hoạt, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm như nhiều chính quyền thành phố trong khu vực và trên thế giới đã tiến hành. Ngoài ra cũng cần khuyến khích các cơ sở đào tạo nghệ thuật, thiết kế, kiến trúc…các trung tâm nghệ thuật liên kết hỗ trợ nguồn nhân lực. Có nghĩa là chính quyền cần phải chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, đồng hành và hỗ trợ khuyến khích các hoạt động sáng tạo. Chỉ cần lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, những người thực hành chuyên nghiệp trong lĩnh vực này thì sẽ tìm được tiếng nói chung để tìm ra những giải pháp phát triển nghệ thuật công cộng, nghệ thuật đường phố ở các đô thị.
Chỉ khi có “đất” thì tự khắc các hoạt động này sẽ dần trở nên chuyên nghiệp hơn và đóng góp hiệu quả hơn vào diện mạo đô thị và chất lượng sống của cộng đồng người dân, mang lại cơ hội tiếp cận với nghệ thuật với sáng tạo một cách miễn phí. Nghệ thuật công cộng về bản chất chính là tạo nên sự bình đẳng tiếp cận với nghệ thuật vốn thường chỉ dành cho giới “có điều kiện”.
Dự án Phúc Tân đã làm thay đổi bộ mặt mới mẻ cho khu vực, đưa những yếu tố lịch sử và cảnh quan văn hóa vào lại không chỉ giúp dự án dừng lại ở thẩm mỹ mà còn có tính giáo dục. Người dân địa phương có tham gia/trách nhiệm/nghĩa vụ nào với dự án street art đó? Những hiệu ứng giáo dục này được thể hiện ra sao?
Dự án nghệ thuật Phúc Tân ban đầu được uỷ ban nhân dân Quận Hoàn Kiếm “đặt hàng” tôi và nhóm nghệ sỹ tình nguyện ban đầu cũng chỉ nhằm giải quyết mục tiêu chính là chống tái lấn chiếm khu vực bờ vở sông Hồng của người dân địa bàn ở đây bằng một dự án chỉnh trang lại bờ tường ngăn còn sót lại sau 30 năm sử dụng bị xuống cấp và phá huỷ rất nhiều. Tuy nhiên sau khi nhóm nghệ sỹ chúng tôi khảo sát nghiên cứu địa hình, cũng như các yếu tố lịch sử, văn hoá, cộng đồng bản địa ở đây, chúng tôi đã quyết định mở rộng tính chất của dự án, biến một dự án nghệ thuật công cộng ban đầu có thể trở thành một dự án cộng đồng, dự án về môi trường…tích hợp nhiều mục tiêu bằng cách mở rộng cách tiếp cận. Đây quả thực là một dự án đầy thách thức và phấn khích đối với nhóm nghệ sỹ chúng tôi.
Có thể nói khi trực tiếp tiếp xúc với cảnh quan cũng như cộng đồng cư dân rất đặc thù ở Phúc Tân đã giúp chúng tôi nảy sinh ra nhiều ý tưởng sáng tạo cũng như cách thức thực hành nghệ thuật. Từng là cửa ngõ giao thương trên bến dưới thuyền một thời của đất Thăng Long Kẻ Chợ, vậy mà trải qua các biến thiên của lịch sử khu vực này ngày hôm nay lại trở thành một “ốc đảo” ngay giữa trung tâm của thành phố, một khu vực “bên lề” của thành phố với nhiều vấn đề “phức tạp”. Không biết từ bao giờ mà khu vực này hầu như không có mấy người Hà nội biết đến, nó như một khu vực “phía sau” bị bỏ quên của thành phố. Chính từ những chất liệu cuộc sống đầy mâu thuẫn nhưng cũng thú vị đó, dự án đã cố gắng chuyển biến thành một dự án nghệ thuật cộng đồng khi chúng tôi đã thuyết phục và mời gọi chính quyền cũng như người dân địa phương tham gia nhiều nhất có thể vào các công đoạn của dự án, từ khâu ý tưởng đến khâu thực hiện cũng như thi công lắp đặt. Ký ức về nơi chốn của một vùng đất lịch sử cũng như của một cộng đồng ngụ cư rất đặc thù nơi đây được gửi gắm trong các tác phẩm sắp đặt chạy dọc nương theo bức tường lịch sử.
Chính những đồ phế thải như chai nhựa, chai dầu xe máy, gương vỡ, bu gà, túi nilông, gạch đá hoa vỡ, nắp chai nhựa, thùng phi cũ, sắt phế liệu…bị đổ ra vô tội vạ tại khu vực này lại trở thành “chất liệu” nghệ thuật để chúng tôi biến hoá thành các tác phẩm nghệ thuật tái chế. Và có lẽ cũng chưa có dự án nghệ thuật nào từ trước tới nay ở Hà Nội mà các tổ chức xã hội địa phương như học sinh, giáo viên các trường tiểu học, hội phụ nữ tổ dân phố, mặt trận tổ quốc, nam phụ lão ấu tại địa bàn… cùng được tham gia góp sức hình thành nên dự án.
Chính vì thế nên cũng hoàn toàn tự nhiên khi chính người dân và chính quyền ở đây có thể cảm nhận được về thành quả của dự án như những chủ nhân đáng tự hào. Có thể nhận thấy rõ sự phấn khởi và tự hào từ người già đến trẻ nhỏ khi khu vực sinh sống của họ trở nên sạch sẽ khang trang dưới ánh sáng của các tác phẩm nghệ thuật cộng cộng kể về chính ký ức và lịch sử nơi chốn của họ cũng như của thành phố. “Ánh sáng” của các tác phẩm nghệ thuật công cộng được thắp lên hàng đêm giúp xua đuôỉ nhựng tệ nạn nhức nhối, cũng như những bãi rác thải tự phát tồn tại hàng chục năm qua. Người lớn đi dạo thể dục hóng mát, trẻ con đạp xe vui chơi chạy nhảy bên cạnh các tác phẩm là những hoạt cảnh mới mẻ của Phúc Tân ngày hôm nay, mở ra những ước mơ về một công viên sinh thái, công viên nghệ thuật công cộng ngoài trời giữa lòng thành phố, hướng mặt ra sông Hồng trong một tương lai không xa.
Ngoài Phúc Tân, anh còn làm những dự án street art ấn tượng nào khác tại Việt Nam? Hay dự kiến làm dự án street art nào khác trong tương lai?
Ngoài dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân thực hiện vào năm 2019-2020, trước đó tôi và nhóm hoạ sỹ, sinh viên tình nguyện cũng đã thực hiện dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng vào năm 2017-2018, khi biến đoạn phố dài hơn 200m khu vực vòm cầu đường dẫn lên cầu Long Biên thành một khu phố nghệ thuật. Một khu vực cũng gần như bị bỏ quên giữa phố cổ, từng là ranh giới giữa khu Hoàng Thành và khu vực Kẻ chợ xưa kia, rồi từng là khu chợ xe máy Honda nổi tiếng đầu tiên thời mới mở cửa, ngay sau khi bị bịt lại các vòm cầu những năm 70. Trước khi dự án được lên ý tưởng và thực hiện, khu vực này từng là bãi đậu xe ô tô luôn trong tình trạng ô nhiễm xú uế, không ai muốn đi qua.
Dự án được kết hợp giữa nhóm hoạ sỹ Hàn Quốc từng thực hiện dự án bích hoạ Tam Thanh thông qua quỹ văn hoá Hàn Quốc Korea Foundation với Uỷ ban nhân dân Quận Hoàn Kiếm và tổ chức UN-Habitat. Trong suốt quá trình thực hiện nhiều tháng trời, dự án luôn gặp phải sự hoài nghi và kiểm duyệt gắt gao từ Sở văn hoá tới mức nhiều lúc tưởng như phải dừng lại. Tư duy bảo thủ và dè dặt của Hội đồng kiểm duyệt văn hoá đã ảnh hưởng không nhỏ tới một dự án nghệ thuật công cộng chính thức lần đầu tiên được thực hiện tại khu vực trung tâm của Hà nội.
Cuối cùng sau nửa năm với rất nhiều những nỗ lực và quyết tâm của chính quyền Quận Hoàn Kiếm và các nghệ sỹ tình nguyện, dự án cũng được ra mắt vào dịp Tết đầu năm 2018 cùng với sự kiện chợ hoa Xuân truyền thống trên phố Hàng Lược. Hiệu ứng tổng thể của của dự án vào dịp Tết đã mang tới một thành công ngoài mong đợi của ban tổ chức và các nghệ sỹ. Các tác phẩm sắp đặt, kết hợp với điêu khắc và tranh vẽ 3D khổ lớn ngay mỗi vòm cầu tương tác với ký ức lịch sử văn hoá của của chính khu phố Phùng Hưng và cộng đồng cư dân nơi đây đã kích hoạt cảm xúc của hàng triệu du khách tham quan chơi Xuân và thưởng lãm tương tác với các tác phẩm nghệ thuật công cộng.
Trong suốt 3 năm từ khi ra mắt cho tới nay dự án vẫn trở thành một điạ điểm du lịch và “check in” của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ. Hầu như tất cả các tour du lịch nội địa và khách quốc tế đều đưa địa điểm này vào lịch trình tham quan. Diện mạo của khu phố và đời sống của người dân khu vực này đã thay đổi đáng kể, các dịch vụ hàng quán đi theo đã làm sống dậy một khu phố mà trước đây hầu như mọi người bất đắc dĩ mới phải đi qua. Giá trị di sản kiến trúc hơn trăm tuổi của vòm cầu Long Biên, giá trị du lịch văn hoá và kinh tế đi kèm cùng với ý thức của người dân được nâng lên chính là những giá trị thặng dư rất lớn từ dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng mang lại. Và dự án cũng chính là một ví dụ tiêu biểu trong đề xuất của thành phố khi đăng ký Hà nội tham gia vào chuỗi các thành phố sáng tạo trên thế giới của Unesco từ năm 2019.
Trước đó năm 2016, tôi cũng có tham gia dự án nghệ thuật công cộng Into ThinAir do Manzi tổ chức với tác phẩm “…chở những người chở…” như một tác phẩm nghệ thuật đường phố xoá nhoà ranh giới giữa công chúng và tác phẩm nghệ thuật ngay trên đường phố Hà nội. Các tác phẩm của các nghệ khác cũng tương tác với các không gian cụ thể trong thành phố tạo nên sự bất ngờ và hứng thú cho người xem trải nghiệm khám phá.
Trước dự án này tôi cũng từng tham gia dự án nghệ thuật công cộng “Nặng bồng nhẹ tếch” tại sự kiện Festival Huế diễn ra 1 tháng trên phố đi bộ dọc sông Hương. Có thể coi đó là 1 dự án nghệ thuật đường phố có qui mô lần đầu tiên chính thức được tổ chức ở Việt nam. Mặc dù chỉ diễn ra trong 1 tháng cùng với thời gian của Festival nghệ thuật Huế, nhưng những tác phẩm sắp đặt kích thước lớn về chủ đề môi trường năm đó cũng đã tạo được một hiệu ứng lan toả rất tích cực trong cộng đồng nghệ thuật, cộng đồng người dân địa phương và đặc biệt là với du khách quốc tế. Đợt mùa hè vừa rồi, tôi cũng đã thực hiện xong một tác phẩm nghệ thuật công cộng tương tác với bờ tường đá trên một con đường ở Đà Lạt trong dự án XEM và Nổ Cái Bùm. Triển lãm cũng sẽ ra mắt ngay sau khi tình hình dịch Covid ổn định và các chuyến bay mở lại, hi vọng vào cuối năm nay.
Trong tương lai gần ngoài các thực hành nghệ thuật cá nhân cũng như công việc giảng dạy nghệ thuật, tôi cũng vẫn muốn tiếp tục thực hiện các dự án nghệ thuật công cộng khác ở Hà Nội và các thành phố khác nếu điều kiện cho phép. Trong mùa hè năm 2021 vừa rồi tôi cùng nhóm nghệ sỹ từng tham gia dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đã thực hiện một dự án nghệ thuật công cộng tại không gian Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ICISE tại Qui Nhơn. Với chủ đề ECO-SUS (sinh thái và bền vững), hơn 10 nghệ sỹ chúng tôi đã thực hiện các tác phẩm sắp đặt địa hình tương tác đối thoại với cảnh quan và ngữ cảnh của trung tâm khoa học quốc tế. Triển lãm kéo dài 4 tháng đã thu hút được nhiều công chúng địa phương và hàng trăm du khách đến thăm quan.
Sắp tới tôi cũng được mời thiết kế và thực hiện hai dự án nghệ thuật công cộng tại quận Long Biên và Hưng Yên chạy dọc sông Hồng. Hi vọng các dự án nghệ thuật công cộng sẽ mang lại sức sống mới cho những cảnh quan và những cộng đồng cư dân hết sức tiềm năng của thành phố, trở thành một chất xúc tác quan trọng kích hoạt sức hút về văn hoá nghệ thuật cũng như tiềm năng phát triển kinh tế du lịch đi kèm.
Anh nhận thấy street art ở từng khu vực tại Việt Nam có những khác nhau ra sao và có thể học hỏi lẫn nhau như thế nào?
Cũng rất khó để nhận xét về một mảng nghệ thuật mà chưa có sự phát triển nhiều nhưng nhìn chung qua tình hình khoảng 5 tới 7 năm trở lại đây có thể thấy khu vực miền Nam, thành phố Hồ Chí Minh, graffiti phát triển mạnh với nguồn lực từ giới trẻ được bổ sung năng lượng từ các bạn trẻ Việt Kiều, với văn hoá trẻ năng động, khu vực ở Huế có vẻ trầm lắng ngoại trừ các hoạt động nghệ thuật đi theo Festival nghệ thuật, nhưng cá biệt cũng có một số nghệ sỹ thực hành nghệ thuật đương đại đã kiên trì thực hiện được những tác phẩm sắp đặt ngoài trời rất chất lượng.
Ở Hà Nội và miền Bắc, các hoạt động về nghệ thuật cộng cộng có vẻ mang tính “hàn lâm” và quy mô hơn nhưng cũng chịu nhiều thách thức với sự kiểm duyệt gắt gao hơn do tính chất đặc thù của địa bàn thủ đô.
Một số nghệ sĩ street art Vietnam mà anh cho là tiêu biểu và có khả năng phát triển tốt trong tương lai?
Thực sự là hầu như không có nghệ sỹ chuyên thực hành street art ở Việt nam. Như đã nói ở trên, với đặc điểm “không có đất dụng võ” nên chưa nảy sinh một thế hệ nghệ sỹ chuyên tâm với street art ở Việt nam, các nghệ sỹ có khả năng tham gia và thực hiện phần lớn vẫn đến từ những người thực hành nghệ thuật đương đại và rộng lòng với những dự án nghệ thuật mang tính chất rủi ro cao, nhiều khi phải đánh đổi với việc mất công, mất của mà không thể ra mắt tác phẩm vì rất nhiều lý do.
Gần đây có một số nghệ sỹ graffity nổi tiếng đã xuất hiện ở Việt nam ví dụ như nghệ sỹ Cyril Kongo có nhiều hoạt động ở cả Sài Gòn và Hà Nội. Nghệ sỹ Vũ Xuân Đông, mấy năm gần đây đã làm một số tác phẩm sắp đặt kích thước lớn rất ấn tượng từ vỏ chai nhựa tái chế, hay hoạ sỹ Phạm Khắc Quang chuyên thực hành đồ hoạ đương đại đa chất liệu từ sắt phế liệu, chai thuỷ tinh, gốm sứ cũng là những gương mặt rất tiêu biểu cho những nghệ sỹ rất tâm huyết và yêu thích thực hành nghệ thuật công cộng. Gần đây còn có nhóm Think Playground cũng rất tích cực và tâm huyết trong dự án dài hơi thực hiện các sân chơi cho trẻ nhỏ ở khắp các thành phố.
Tôi hi vọng trong tương lai sẽ có nhiều nghệ sỹ, giám tuyển, kiến trúc sư cảnh quan chung tay tạo ra nhiều các dự án nghệ thuật công cộng có chất lượng, góp phần cải thiện diện mạo và sức hút của các thành phố cũng như nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân.