Tại SEA Focus 2024, nghệ thuật Đông Nam Á kể những ý niệm về con người trong thời đại công nghệ
Đất nước Singapore tuy không rộng nhưng mang nhiều hoài bão cũng như tham vọng lớn. Thật khó tin đảo quốc chỉ vỏn vẹn 6 triệu dân này, nhỏ hơn Thụy Sĩ gấp 57 lần, lại có thể thu hút các nền văn hóa một cách trung tính nhất, trở thành đại diện hiển nhiên cho toàn thể Đông Nam Á và được kỳ vọng trở thành điểm đến của toàn châu Á, Thái Bình Dương.
Tuy không có thế mạnh về mặt địa lí, nhưng nhờ vào chính sách đường lối hợp lí của chính phủ, bên cạnh sự thu hút về mặt kinh tế, Singapore còn mong muốn thúc đẩy hình ảnh quốc gia về mặt văn hóa nghệ thuật. Được nhiều chuyên gia nhận định rằng, với dân số ngang ngửa châu Âu, sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo cũng như chia sẻ nhiều điểm chung về mặt lịch sử, đảo quốc sư tử hiểu sứ mệnh mang nghệ thuật đến gần hơn số đông xứng đáng với mật độ của khu vực.
Nỗ lực của Singapore cũng được ủng hộ bởi các nước lân cận như Malaysia, Thái Lan và Indonesia; chính vì vậy nghệ thuật trong khu vực cũng đã có bước chuyển mình trong vòng 10 năm trở lại. Nhiều chuyên gia, nhà sưu tập nghệ thuật thế giới cũng bắt đầu đến tham quan và thăm dò thị trường mới mẻ đầy tiềm năng này. Sự phát triển năng động của Singapore cũng đã hộ trợ phần nào Việt Nam, mặc dù chúng ta vẫn còn đang rất chậm rãi trong lĩnh vực này.
Singapore hỗ trợ Việt Nam bằng nhiều cách như việc tổ chức các chương trình giao lưu, đưa các nghệ sĩ Việt Nam đến với các nhà sưu tập nội địa và nước ngoài. Mang tinh thần “quốc gia trung tính nhất của châu Á”, các cơ sở nghệ thuật của đảo quốc hiểu được tầm quan trọng của sự đa dạng trong việc trưng bày nghệ thuật của khu vực, không khó để bắt gặp các tên tuổi Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Trần Trọng Vũ, Trương Tân… trong bộ sưu tập quốc gia.
Ngoài ra, ngân hàng UOB cũng đã mang đến giải thưởng “Painting of the year” lần thứ 1 sang Việt Nam, các tác phẩm xuất sắc đều được Bảo tàng Quốc gia Singapore trình làng vào năm ngoái. Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (SAM) nhân dịp mở rộng thêm, ngay tháng 1 năm 2024, đã tổ chức triển lãm cho nghệ sĩ, nhà làm phim Nguyễn Trinh Thi với tựa đề “47 Days, Sound-less”.
Về mặt thị trường, cái khó của Đông Nam Á nằm ở sự chênh lệch giữa chính sách của các quốc gia. Tầm nhìn đi đôi với hành động, bên cạnh hội chợ quốc tế, Singapore không ngần ngại tạo ra sân chơi riêng cho khu vực mang tên South East Asia Focus (S.E.A Focus) từ năm 2019 được quản lí và điều phối bởi Hội đồng nghệ thuật quốc gia (National Arts Council) cùng phòng trưng bày bán tư nhân STPI.
Nằm ở khu cảng lịch sử Tanjong Pagar Distripark bên cạnh Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, hội chợ chỉn chu mang tinh thần tươi trẻ và cởi mở chào đón người xem đến khám phá nghệ thuật đương đại khu vực từ ngày 20 cho đến ngày 28 tháng 1. “Chúng tôi muốn giới thiệu đến thế giới sự đa dạng về văn hóa và nghệ thuật của Đông Nam Á”, giám đốc STPI cũng như dự án Emi Eu chia sẻ. “Tuy mang hình thức hội chợ nơi mà nhà sưu tập có thể trực tiếp mua các tác phẩm, dự án này được ủy thác bởi chính phủ, mang đến thiện chí hỗ trợ các phòng trưng bày muốn trình làng các thực hành của nghệ sĩ của khu vực, mà trọng tâm đặt vào mỗi chủ đề do giám tuyển khách mời đưa ra”.
SEA Focus 2024 có sự tham gia của hơn 10 phòng trưng bày lớn nhỏ. John Tung, giám tuyển khách mời của SEA Focus 2024, đưa ra chủ đề “Serial and Massively Parallel” (tạm dịch: Nối tiếp và Song song Ồ ạt) cùng các nghệ sĩ khám phá mối tương quan giữa con người, sức sáng tạo và công nghệ. Từ kinh nghiệm với Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, Singapore Biennale, Liên hoan Nhiếp ảnh Quốc tế Singapore (Singapore International Photography Festival) và nhiều hoạt động độc lập khác, John Tung đã dẫn dắt chủ đề giám tuyển một cách liền mạch, thẩm mỹ hài hòa bằng cách chia các không gian của khu vực triển lãm thành các chủ đề nhỏ để phù hợp với các tác phẩm của các quốc gia tham dự, cân bằng giữa con người và công nghệ.
“Trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng không chỉ đến đời sống mà còn đến quá trình thực hành nghệ thuật. Chủ đề triển lãm lần này lấy cảm hứng từ sự đối lập giữa cách máy móc và bộ não con người hoạt động với số lượng lên đến hơn 200 tác phẩm”, giám tuyển chia sẻ. Thật vậy, tác phẩm mở màn ngay từ cửa ra vào “Những thiên thần mỉm cười trên bầu trời” của nghệ sĩ nổi tiếng người Indonesia Henri Dono gây ấn tượng mạnh khi khiến người xem phải ngước nhìn.
Đại diện cho Indonesia tại Venice Biennale lần thứ 56 vào năm 2015, Henri Dono sử dụng lặp lại hình tượng thiên thần không liên quan đến bất kỳ tôn giáo cụ thể nào mà làm biểu tượng của tinh thần thanh tao. Cách tạo hình có phần ngây ngô, được điều khiển bằng máy tạo ra những âm thanh lạ lẫm, màu sắc chủ đảo vàng đỏ tượng trưng cho người châu Á có phần trần tục cũng khiến người xem thấy thú vị, cảm nhận được tính cởi mở của Singapore dành cho nghệ thuật.
Tiếp theo, người xem có thể lướt qua các tác phẩm đan xen giữa con người và công nghệ của các nghệ sĩ khu vực: những tầng mây giấy “The Cloud Forest” của Hélène Le Chatelier, tác phẩm kết hợp công nghệ Samsara AR của Be Takerng Pattanopas, sắp đặt truy vấn về lịch sử “Traces of Historical Journey” của FX Haronso…
John Tung cũng dành một không gian để đề cập về những trăn trở trong lịch sử và tương lai. Việt Nam với sự tham gia của Sàn Art, đặt các nghệ sĩ kinh nghiệm như Lê Phi Long, Trương Tân bên cạnh các cái tên trẻ như Nguyễn Đức Huy, Rab, Bích Trâm. Sắp đặt của Sàn Art đơn giản bằng các tác phẩm bằng giấy của các nghệ sĩ được rải đều nhau đan xen mà John Tung gọi đó là “khu rừng của lịch sử”, một nỗ lực đáng tuyên dương, đối diện là loạt tác phẩm nhiếp ảnh lịch sử đan sợi quen thuộc của Lê Quang Đỉnh, đại diện bởi chính STPI.
Cùng khu vực, một sắp đặt thú vị khác của Mella Jaarsma, nghệ sĩ người Hà Lan thực hành phần lớn ở Jakarta, Indonesia mang tên “Because Things Will Change”, sử dụng chất liệu thuần túy và nghi lễ của Indo. Mella đặt nghi vấn với mỗi cột mốc trong tương lai của thế giới ứng với 1 chiếc mặt nạ đại diện cho bộ mặt của con người.
Các khu vực còn lại tập trung hơn vào công nghệ bằng những tác phẩm vị lai. John Tung cũng nhấn mạnh và đề cao serie tác phẩm Pro Se của Phi Phi Oanh, đại diện bởi phòng trưng bày FOST – những chiếc máy tính bảng chứa được hình ảnh tĩnh vật làm hoàn toàn bằng sơn ta, đóng khung giữa truyền thống và hiện đại. Đây cũng chính là điểm sáng từ Việt Nam khi được SEA Focus công bố loạt serie này được thu thập vào bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (SAM) thông qua SAM S.E.A. Focus Art Fund, bên cạnh 2 tác phẩm khác của Nawin Nuthong (Thái Lan) và Saroot Supasuthivech (Thái Lan).
Sáng kiến hỗ trợ nghệ thuật của SAM này cũng nhận được tán thành của quỹ Yenn và Alan Lo, cam kết tài trợ số tiền ban đầu là 25.000 USD (hơn 615 triệu đồng) từ 2023 cho đến 2025. Một hội đồng giám khảo chất lượng cũng đã tham gia tuyển chọn cho kỳ này bao gồm giám khảo khách mời Mami Kataoka (Giám đốc, Bảo tàng nghệ thuật Mori), Tiến sĩ Eugene Tan (Giám đốc, Bảo tàng nghệ thuật Singapore) và Ong Puay Khim (Phó Giám đốc, Bộ sưu tập và Nghệ thuật công cộng, Singapore Bảo tàng nghệ thuật).
Để đóng lại mạch cho chủ đề, 3 tác phẩm cỡ lớn của các nghệ sĩ Tan Zi Hao (Mã Lai), Joshua Kane Gomes (Mã Lai) và Apichatpong Weerasethakul (Thái Lan) vô cùng gây ấn tượng cho người xem. Tan Zi Hao, đại diện bởi A+ Works of Art, sử dụng nhiếp ảnh vi mô ghi lại vẻ đẹp nhưng từ ấu trùng của giun túi thạch cao hay bắt gặp trong nhà, đặt chúng ở vị trí trên cao xóa nhòa biên giới của các mức độ thẩm mỹ.
Richard Koh Fine Art, phòng trưng bày quen thuộc với nghệ thuật Việt Nam, đại diện cho Joshua Kane Gomes, giới thiệu bộ tác phẩm sắp đặt vui tươi, đầy tính vị lai, quan tâm sâu sắc với danh tính và tâm lí nội tại của chính bản thân mình. Cuối cùng, Apichatong của Bangkok CityCity Gallery, mang đến một bức thư tình dành cho video art. Tác phẩm sử dụng công nghệ để các khớp máy trên đầu người xem di chuyển và thay đổi sân khấu trình chiếu từ đó việc xem lên video chính biến đổi theo.
SEA Focus 2024 thể hiện rõ tham vọng giới thiệu đến sự đa dạng và khả năng thực tế của các nghệ sĩ tại Đông Nam Á không thua kém gì các lục địa khác bằng chủ đề vô cùng chung. Chính Singapore cũng đang làm tốt nhiệm vụ dẫn dắt và tạo ra sân chơi trong khu vực đủ để các nước láng giềng đến trải nghiệm cũng như thu hút quốc tế đến tổ chức các chương trình lớn hơn. Việc đưa nghệ thuật vào chương trình giảng dạy của đại học công nghệ quốc gia NTU – tương đương với đại học bách khoa, cũng tạo ra một tiền đề tốt cho thế hệ về sau cũng là một điều đúng đắn trong chính sách hỗ trợ mà Việt Nam có thể học tập.
Đáng tiếc rằng dù cho nỗ lực tham dự rất đáng tuyên dương của Sàn Art nhưng lại có phần lép vế về mặt thẩm kỹ mỹ thuật so với các nước bạn, hi vọng sẽ được thấy những nghệ sĩ mới quy mô hơn trong các kỳ SEA Focus sau.