BUSINESS OF LUXURY

Doanh nghiệp TômTex của người Việt gọi vốn thành công 4,15 triệu USD

Dec 10, 2023 | By Nguyen Huu Hon

Vừa qua, TômTex – doanh nghiệp sản xuất vật liệu sinh học bền vững được sáng lập bởi nữ doanh nhân người Việt Uyên Trần, có trụ sở tại New York, đã công bố kết thúc vòng gọi vốn Seeding và nhận được mức đầu tư 2,25 triệu đô la Mỹ đến từ quỹ Happiness Capital.

Đây là đơn vị đầu tư nhiều nhất cho TômTex ở vòng gọi vốn này. Cùng với Happiness Capital, cũng đặt niềm tin vào tầm nhìn lẫn sứ mệnh của TômTex, là các quỹ đầu tư lớn khác như công ty đầu tư mạo hiểm SOSV, tổ chức phi lợi nhuận về môi trường có trụ sở tại Hoa Kỳ – Parley for the Oceans, và MIH Capital. Như vậy, TômTex đã huy động được tổng số tiền lên 4,15 triệu đô la Mỹ, với 1,9 triệu đô có được từ vòng trước đó.

“Tôi rất vui mừng về thành công gây quỹ gần đây của chúng tôi, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ TômTex, những nhân sự chủ chốt và mở rộng sản xuất. Ngoài việc mở rộng quy mô, đây còn là một bước chiến lược để đảm bảo các hợp đồng và doanh thu mới, củng cố vị thế trên thị trường của chúng tôi,” chị Uyên Trần chia sẻ về cột mốc mới của công ty.

Chị Uyên Trần – Founder và CEO của TômTex

TômTex đã nhiều lần xuất hiện trên sàn diễn Fashion Week lớn

TômTex lấy tên từ tiếng Việt là tôm – thứ hải sản có rất nhiều ở quê hương Đà Nẵng của Uyên Trần. Sản phẩm vải dệt mới làm từ chitosan – một loại polymer sinh học có nhiều trong vỏ hải sản và nấm, đã sớm gây được sự chú ý trong ngành. Chất liệu có bề mặt giống như da này nhanh chóng chứng thực được tính ứng dụng cao, khi được các nhà thiết kế và thương hiệu như Peter Do, Di Petsa, Dauphinette và Maitrepierre ứng dụng để sáng tạo nên các mẫu thiết kế trên sàn catwalk tại Tuần lễ thời trang New York và Tuần lễ thời trang Paris.

Thông qua những lần hợp tác với các thương hiệu thời trang cao cấp, tính linh hoạt của chất liệu của TômTex—có thể được đúc tùy chỉnh, đóng dấu, in 3D hoặc đơn giản là dập nổi theo các mẫu kiểu da động vật khác nhau, đã được thể hiện rõ.

TômTex x Peter Do

Nguyên liệu thô đơn giản là một loại bột màu trắng, mịn như cát, không mùi, có thể tìm thấy ở bất cứ đâu trong tự nhiên. Tiềm năng của nguyên liệu xanh này là vô cùng lớn. Bởi tính thực tiễn và sẵn có của nguyên liệu thô, vốn là phế thải trong ngành thực phẩm hiện có. Đây là một bước tiến lớn trong ngành sản xuất nguyên liệu thân thiện với môi trường trong ngành thời trang, vốn chứng kiến sự ra đời của những vật liệu mới được trồng trong phòng thí nghiệm, vốn luôn tốn thời gian và kinh phí sản xuất.

“Bây giờ chúng tôi chủ yếu chiết xuất nguyên liệu thô từ vỏ tôm vì đó là dòng chất thải lớn từ ngành công nghiệp động vật giáp xác, nhưng nó có trong mọi thứ, kể cả nấm, cà phê và côn trùng”, Nicole Sved, kỹ sư của TômTex chia sẻ về nguyên liệu mà đội ngũ của TômTex đang nỗ lực phát triển trong một cuộc phỏng vấn với FashionUnited.

Một tương lai xanh, đáng mong đợi phía trước của TômTex

Hiện tại, nguyên liệu phân hủy sinh học tự nhiên của TômTex được chia thành hai dòng tùy theo nguồn gốc xuất xứ. Đó là dòng WS làm từ phế liệu vỏ hải sản và dòng M mới làm từ nấm. Dẫn xuất chitosan sau đó được trộn với các nguyên liệu cấu thành khác (cũng thân thiện với môi trường) trong quy trình hóa học “xanh 100%” để tạo ra vải dệt.

Công ty khởi nghiệp gần đây đã thành công trong việc sản xuất vật liệu cuộn liên tục đầu tiên, với độ dài liên tục là 100 feet (~30 m) trong lần thử nghiệm đầu tiên. Kế hoạch tiếp theo là đạt được cột mốc mới trong việc sản xuất, với độ dài lớn hơn gấp 10 lần. Theo TômTex, thì điều này sẽ đánh dấu cho sự khởi đầu của quá trình sản xuất quy với mô lớn mạnh hơn, nhằm phục vụ các đơn đặt hàng thương mại lớn hơn.

Eric Ng, đối tác của quỹ Happiness Capital chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng được trở thành một đối tác quan trọng trong hành trình của TômTex. Công nghệ vật liệu sinh học của họ là yếu tố thay đổi cuộc chơi, không chỉ vì khả năng tồn tại trên thị trường mà còn vì tính bền vững của nó. Đầu tư vào TômTex có nghĩa là đầu tư vào một nền tảng có thể mở rộng, có tiềm năng cách mạng hóa các ngành công nghiệp, đồng thời tạo ra tác động tích cực đến môi trường sống của chúng ta.”

Anh Tiến Nguyễn, đối tác của quỹ Earth Venture Capital cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của vật liệu thân thiện với môi trường trong ngành thời trang: “Mỗi người chúng ta sở hữu nhiều sản phẩm thời trang bằng da tổng hợp mà thực tế là nhựa. Những vật phẩm này sẽ tồn tại trong môi trường sống của chúng ta trong nhiều thế kỷ. Chính vì thế, chúng tôi vô cùng tự hào được hỗ trợ TômTex tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề này. Việt Nam là một quốc gia lớn trong ngành tôm toàn cầu, cũng vô cùng đau đầu với tình trạng lãng phí phế thải vỏ tôm, cũng như xử lý chúng. Nhưng sự phát triển của TômTex, với triết lý ‘Rác thải chính là sự xa xỉ mới’, đã trở nên đồng điệu về mặt lý tưởng phát triển. Bây giờ là lúc để TômTex mở rộng quy mô. Chúng tôi cam kết hỗ trợ TômTex trong giai đoạn quan trọng này của công ty, được thúc đẩy bởi niềm tin mãnh liệt vào tương lai của thời trang bền vững.”

Thực hiện: Fellini Rose I Theo: Style-Republik


 
Back to top preload imagepreload image